Bộ Giáo dục nên rút lại đề xuất “chọn nghề, hướng nghiệp” cho học sinh tiểu học
Với học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở việc tổ chức học nghề còn không có hiệu quả, thì học sinh tiểu học hoàn toàn không nên đặt vấn đề đó.
LTS: Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục, trong đó có đề xuất về việc hướng nghiệp cho học sinh từ bậc tiểu học, thầy giáo Lương Quang Thuấn, một nhà giáo nghỉ hưu tại Hải Dương đã gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài viết này, văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.
Trước khi bàn về có cần hay không cần dạy nghề cho học sinh tiểu học, hãy đối chiếu xem việc này có đúng yêu cầu “giảm tải” do chính Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra hay không?
Hàng chục năm nay, hội thảo các cấp, diễn đàn từ cấp trường đến cấp Bộ đều hô hào giảm tải, nhưng tiếc thay thực tế lại ngược lại.
Mặt khác, cần nhớ rằng học sinh tiểu học mới đang học nói, học viết, tập đọc, tập làm những bài tính sơ đẳng.
Học sinh tiểu học mới chỉ được yêu cầu trang bị những kiến thức rất phổ thông, rèn những kĩ năng đơn giản nhất.
Nếu thực hiện chủ trương dạy nghề cho học sinh tiểu học, thì nghĩa là học sinh tiếp tục không được giảm tải mà tiếp tục tăng tải.
Với chủ trương này, các giáo viên tiểu học cũng phải tăng tải.
Theo tôi hiểu, muốn “hướng nghiệp” cho học sinh tiểu học hay giúp các em “chọn nghề” thì giáo viên phải học thêm. Vậy phải chăng là giáo viên lại “được” Bộ Giáo dục cho học các lớp “bồi dưỡng kiến thức dạy nghề”?.
Phải chăng đây sẽ là căn cứ để lập “dự án bồi dưỡng dạy nghề cho giáo viên tiểu học”?.
Là giáo viên, chúng tôi rất lo ngại phải có thêm các giấy phép con – chứng chỉ “hướng nghiệp”, “chọn nghề” cho học sinh.
Giáo viên chúng tôi không còn lạ gì các loại chương trình “bồi dưỡng”, kế hoạch 5 hoặc 7 ngày, nhưng thực tế chỉ học 2 ngày với những danh sách học viên kí lưu không.
Giáo viên chẳng dại gì phản ứng, bởi vì thoát ngồi chịu tra tấn thêm vài ngày là sung sướng lắm rồi.
Bài học điển hình về “dự án” VNEN vẫn còn nóng hổi.
Video đang HOT
Không biết giờ này còn ai tuyên truyền cho VNEN không? Hồi đó có không ít giáo viên được bố trí trả lời phỏng vấn, họ ca ngợi lắm cách bố trí lớp học “kiểu chia mâm”.
Nhưng sau đó nhiều tỉnh, thành phản đối VNEN, và rồi các giáo viên lại nói khác về VNEN. Nay VNEN ở đâu, còn hay đã biến mất? Có ai phải chịu trách nhiệm?
Có nên dạy hướng nghiệp cho học sinh từ bậc tiểu học? (Ảnh minh họa: Khánh Vy)
Dạy nghề cho học sinh phổ thông có thật sự hiệu quả?
Bây giờ Bộ đề ra chủ trương “hướng nghiệp” cho học sinh tiểu học, nhưng Bộ đã làm thống kê về tính hiệu quả của việc tổ chức dạy nghề cho học sinh trung học phổ thông và trung học cơ sở?
Hãy xem có bao nhiêu học sinh trung học phổ thông và trung học cơ sở sử dụng kiến thức học nghề để được hành nghề?
Có bao nghiêu học sinh sử dụng kiến thức học nghề từ trường phổ thông, để bổ trợ cho quá trình học ở các trường đại học, cao đẳng?
Thực tế mục tiêu nhắm đến khi tham gia học nghề của học sinh phổ thông, đó là có chứng chỉ học nghề để thêm điểm cộng vào điểm thi tốt nghiệp.
Người viết nhận thấy, việc bắt học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở thực hiện học nghề để lấy một chứng chỉ, đều là lãng phí thời gian, tốn tiền bạc của bố mẹ mà thôi.
Thực tế cha ông ta đã tổng kết “trăm hay không bằng tay quen”, người làm nghề thành thục rồi, vậy mà bỏ một thời gian sau quay lại làm còn bị bỡ ngỡ.
Vậy thì học kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” vài kiến thức sơ đẳng về nghề nghiệp, vài buổi thực hành để biết trên đời này có nghề như thế, sao có thể đủ điều kiện hình thành kĩ năng?
Hầu hết học sinh học xong rồi bỏ đó, thật lãng phí một cách vô nghĩa.
Chỉ khi nào chứng chỉ nghề nghiệp là sự đảm bảo, rằng người có nó đủ khả năng tay nghề để tham gia lao động, thì hãy tổ chức dạy.
Học nghề không thiết thực, thậm chí còn làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập văn hóa của học sinh vì bị chi phối thời gian.
Việc tổ chức các trung tâm dạy nghề, cấp chứng chỉ cho học viên đủ điều kiện tìm việc làm là cần thiết, nhưng chỉ là phục vụ cho những người thực sự người có nhu cầu.
Đưa dự án dạy nghề cho học sinh phổ thông, thuyết trình thì rất hay, nhưng hiệu quả đến đâu có lẽ là giáo viên ai cũng biết.
Học sinh tiểu học có nên cho học nghề?
Với học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở việc tổ chức học nghề còn không có hiệu quả, thì học sinh tiểu học hoàn toàn không nên đặt vấn đề đó.
Học sinh tiểu học mà đọc thông, viết thạo, làm các phép tính trong chương trình một cách thành thục đã là quý, là thành công lắm rồi.
Học sinh tiểu học tư duy đơn giản, trực quan, nên chỉ cần những tiết học thủ công, như chương trình trước cải cách là đủ. Học sinh tiểu học, với những tiết “học mà chơi” luôn hấp dẫn và mang lại hiệu quả thiết thực.
Tiết học thủ công trong chương trình phổ thông đã có từ thập niên 50 của thế kỉ 20, rất thiết thực bước đầu rèn cho học sinh bàn tay khéo léo, và sáng tạo.
Đó chính là bước đầu của rèn luyện kĩ năng quan sát, bước đầu biết cầm các dụng cụ như kéo, compa, sử dụng thước đo, bước đầu hiểu khái niệm về lao động. Yêu cầu với học sinh cấp một (tiểu học), như thế thôi đã là quá đủ.
Vậy nên người viết tha thiết mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nên rút lại đề xuất “chọn nghề”, “hướng nghiệp” cho học sinh tiểu học, đồng thời xem xét lại chất lượng và hiệu quả thực sự của công tác dạy nghề cho học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.
Hướng nghiệp cho học sinh tiểu học: 'Không nên nghĩ đó là điều gì to tát'
Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, trong giờ học, giáo viên có thể hướng các em kể về nghề nghiệp của bố mẹ và những người xung quanh, dạy trẻ biết tôn trọng sức lao động của bố mẹ dù làm nghề nào cũng đều được coi trọng trong xã hội.
Theo dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục của Bộ GD&ĐT, lần đầu tiên học sinh tiểu học sẽ được giới thiệu về vấn đề việc làm trong trường học.
Ngay sau khi được đưa ra, dự thảo này đã thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh cũng như giáo viên và chuyên gia. Nhiều người cho rằng giáo dục hướng nghiệp phải thực hiện từ sớm.
Liên quan đến việc sắp tới sẽ định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ bậc tiểu học, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho hay, giáo dục hướng nghiệp cần được tích hợp qua các bài học trên lớp và qua học tập trải nghiệm để học sinh nhận biết dần cuộc sống xã hội, trong đó có hoạt động nghề nghiệp của con người.
Trong giờ học, giáo viên có thể hướng các em kể về nghề nghiệp của bố mẹ và những người xung quanh, dạy trẻ biết tôn trọng sức lao động của bố mẹ dù làm nghề nào cũng đều được coi trọng trong xã hội.
Cho học sinh nhập vai bác sĩ cũng là một cách giúp các em định hình về nghề nghiệp tương lai.
Muốn làm được việc này, giáo viên cũng phải có chút hiểu biết về một số nghề trong xã hội, có các ví dụ liên hệ thực tế sao cho đơn giản và dễ hiểu với trẻ, đồng thời từ thực tế tác động ngược trở lại để trẻ yêu thích các môn học khác.
"Tôi hoàn toàn ủng hộ việc chúng ta giáo dục hướng nghiệp cho học sinh từ bậc tiểu học và không nên nghĩ đó là điều gì to tát. Không nên tách thành một môn học cho đến khi học sinh học hết THCS mà cần dạy lồng ghép tích hợp vào các môn học khác thì hiệu quả hướng nghiệp mới cao.
Như vậy, đòi hỏi giáo viên cần sáng tạo trong phương pháp và nội dung để giúp cho học sinh có những nhận thức ban đầu về nghề nghiệp, rồi sau đó sẽ khám phá ra nhiều vấn đề khác ở mỗi nghề nghiệp", TS . Hoàng Ngọc Vinh cho hay.
TS. Hoàng Ngọc Vinh viện dẫn thêm, hiện nay không chỉ tiểu học mà ngay bậc mẫu giáo cũng đã có những trường tư thục mạnh dạn thực hiện mô hình dạy tích hợp nghề nghiệp cho các bé.
Đơn giản chỉ là tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động thực tế như làm đầu bếp, làm bác sĩ khám bệnh... để học sinh tưởng tượng ra nghề nghiệp tương lai. Chúng ta phải thực hiện dần dần và cho trẻ hình thành sự yêu thích đối với nghề nghiệp trong tương lai chứ không phải học hết lớp 1 mà định hướng được nghề nghiệp ngay.
"Hiện nay công tác giáo dục hướng nghiệp ở các cơ sở giáo dục của mình làm chưa chuẩn; giáo viên chưa có kinh nghiệm thực tế về các ngành công nghiệp, dịch vụ; cơ sở trang bị vật chất không đủ, việc giáo dục hướng nghiệp không gắn với đào tạo kỹ năng nghề gắn với thị trường lao động và được công nhận thì học sinh sẽ không rõ mục đích sau này của chính bản thân.
Điều đó dẫn đến động lực học tập thấp và đa số đều muốn học xong THPT để được vào đại học, điều đó cho thấy sự thất bại của giáo dục hướng nghiệp nhiều năm qua.
Ngay cả cá nước châu Âu hay Úc cũng đã thấy tác động không mong muốn của hướng nghiệp phân luồng sớm mà không gắn tiêu chuẩn kỹ năng của các ngành kinh tế. Vì thế, ở giáo dục THPT không nên gọi là giáo dục hướng nghiệp nữa mà cần có chương trình đào tạo kỹ năng nghề để mở ra nhiều cơ hội cho học sinh, hoặc vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hoặc ra thị trường lao động, hoặc tiếp tục học lên cao.
Với các nước châu Âu, gần đây, do những lo ngại về sự phân tầng giai cấp đã dẫn tới sự bất bình đẳng các cơ hội học tập giữa các nhóm học sinh khác nhau khi hướng nghiệp phân luồng sớm trước THCS.
Ngoài ra, sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi năng lực học vấn vững chắc để có thể phát triển các kỹ năng mới do cuộc cách mạng này mang lại.
Tóm lại, tôi thấy từ tiểu học cho đến THCS rất cần giáo dục hướng nghiệp nhưng là tổ chức dạy tích hợp lồng ghép với các môn học khác.
Còn sau THCS thì nên có các chương trình nghề dạy luôn các kỹ năng nghề tiêu chuẩn. Trường hợp các em có bỏ học giữa chừng cũng có thể có kỹ năng để kiếm việc làm hoặc tham gia học tập trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và học liên thông lên ĐH.
Làm sao để khi học xong, các kỹ năng của các em phải được đánh giá và công nhận, miễn trừ khi vào học cao đẳng hay đại học. Học xong các môn học hướng nghiệp kiểu chắp vá như hiện nay thì rất cần xem xét lại", TS. Hoàng Ngọc Vinh chia sẻ.
Theo dự thảo về hướng nghiệp cho học sinh tiểu học thì cấp tiểu học, giáo viên có nhiệm vụ giáo dục học sinh nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ và người thân, các nghề truyền thống ở địa phương, một số việc làm cơ bản trong xã hội. Giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh tham gia các công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường; rèn luyện, bồi dưỡng cho học sinh các kỹ năng cơ bản như: Kỹ năng quản lý bản thân, Kỹ năng xã hội, Tìm hiểu về gia đình, cộng đồng, Phát hiện năng khiếu của học sinh và lập kế hoạch bồi dưỡng, phát triển năng khiếu cho học sinh.
Các hình thức triển khai gồm thực hiện qua tích hợp, lồng ghép vào các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; Tổ chức cho học sinh tìm hiểu nghề nghiệp, việc làm hiện có ở Việt Nam và trên thế giới thông qua các tài liệu giáo dục hướng nghiệp; Tổ chức cho học sinh tìm hiểu về các nhóm nghề nghiệp, việc làm tại cộng đồng tối thiểu 1 lần/năm học; Tổ chức tư vấn, đánh giá năng khiếu của học sinh thông qua quá trình học tập, rèn luyện và các bài kiểm tra, đánh giá năng lực.
Bộ Giáo dục giải thích vì sao phải dạy hướng nghiệp cho học sinh tiểu học Học sinh tiểu học được dạy hướng nghiệp nhằm giúp các em nhận diện năng lực bản thân, phát hiện sở trường để tăng cường, phát huy và điều chỉnh, giảm thiểu tác động các sở đoản. Huớng nghiẹp, tu vấn viẹc làm và Hỗ trợ khởi nghiẹp trong các co sở giáo dục, sẽ áp dụng xuyên suốt từ tiểu học đến...