Bộ Giáo dục lên tiếng về cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học
Bộ GD-ĐT sẽ cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học trên cơ sở xem xét lại số lượng sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở các trường…
Cho đến nay, hầu hết các trường đại học, cao đẳng đã kết thúc việc xét tuyển. Mặc dù Bộ GD-ĐT chưa đưa ra số liệu thống kê chính thức về bức tranh tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng năm 2015 nhưng theo thống kê sơ bộ từ các địa phương, nhiều trường có nguồn tuyển ít hơn năm học 2014-2015. Thậm chí có trường đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vì không tuyển được sinh viên theo như dự kiến.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT cần phải cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học. Xung quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, việc cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học đang được Bộ xem xét thông qua nhiều yếu tố…
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT)
PV: Xin bà cho biết việc cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học sẽ được Bộ GD-ĐT thực hiện trong thời gian tới như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Bộ GD-ĐT sẽ cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học trên cơ sở xem xét lại số lượng sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở các trường và những trường đại học, cao đẳng nào trong 3 năm không tuyển sinh được.
Hiện nay, số trường đại học trực thuộc Bộ GD-ĐT chỉ chiếm khoảng 10% trong số khoảng 400 trường đại học, cao đẳng công lập, còn lại là những trường thuộc các Bộ, ngành, địa phương khác nên sẽ đưa ra cách xử lý, phân loại các trường đại học trước khi cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học. Theo đó, Bộ tạm phân ra làm 3 loại trường: trường công lập trực thuộc Bộ GD-ĐT, trường ngoài công lập và các trường trực thuộc Bộ, ngành, địa phương.
Để các trường đại học công lập trực thuộc Bộ GD-ĐT và các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoạt động ổn định và phát triển, Bộ sẽ yêu cầu các trường đẩy mạnh đầu tư về nhiều phương diện: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, công tác quảng bá cho trường, xúc tiến tìm kiếm việc làm cho sinh viên tốt nghiệp…
Đối với các trường ngoài công lập, Bộ GD-ĐT sẽ họp và lắng nghe kiến nghị của các trường xem họ cần, mong muốn gì để Bộ cùng cơ quan chức năng có thể hỗ trợ, giúp họ tồn tại và phát triển. Sở dĩ Bộ thực hiện việc này vì hiện nay, chúng ta đang kêu gọi xã hội hóa giáo dục.
Nếu chúng ta kêu gọi xã hội hóa giáo dục nhưng lại để cho các trường ngoài công lập “tự bơi” và đến lúc họ không “bơi” được dẫn đến phải đóng cửa, giải thể thì có nghĩa là mất một nhà đầu tư và sẽ dẫn đến tỷ lệ xã hội hóa giáo dục giảm xuống.
Lời giải nào cho hàng loạt trường ĐH, CĐ trước nguy cơ đóng cửa?
VOV.VN -Không đủ nguồn tuyển, nhiều trường đại học, cao đẳng có thể phải đóng cửa. Điều này khiến Bộ GD-ĐT phải nhanh chóng cơ cấu lại hệ thống đào tạo.
Bộ GD-ĐT không thể cho các trường ngoài công lập giải thể, sáp nhập
Video đang HOT
PV: Thưa bà, dư luận xã hội cho rằng, những trường không đảm bảo chất lượng đào tạo thì cho giải thể, đóng cửa. Tại sao Bộ lại không áp dụng biện pháp này đối với những trường ngoài công lập mở ra mà không tuyển được sinh viên?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Lãnh đạo và Hội đồng quản trị cũng như các nhà đầu tư ở các trường ngoài công lập có quyền quyết định tiếp tục cho trường hoạt động nữa hay xin đóng cửa, giải thể. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong Luật Giáo dục Đại học.
Bộ GD-ĐT không thể can thiệp vào việc cho các trường ngoài công lập giải thể, sáp nhập vào các trường khác. Vai trò quản lý của Bộ GD-ĐT đối với các trường ngoài công lập là yêu cầu các trường nếu 3 năm không tuyển sinh được thì phải báo cáo, đăng ký mở ngành nghề lại.
Để đảm bảo hệ thống giáo dục đại học hoạt động có hiệu quả, gần đây, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường có uy tín, thương hiệu, chất lượng tốt phải có trách nhiệm liên kết hỗ trợ đào tạo các trường thành viên. Ví dụ như Đại học Sư phạm Hà Nội đã thừa nhận trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam là một cơ sở của mình nên đã có nhiều hoạt động hỗ trợ về giảng viên, chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng đào tạo cho sinh viên sau khi tốt nghiệp để làm cơ sở cho việc cấp văn bằng, tuyển sinh…
Sự liên kết hỗ trợ này vừa không lãng phí nguồn lực vừa thúc đẩy chất lượng đào tạo được tốt hơn. Tôi nghĩ rằng, mô hình này cần được học hỏi, nhân rộng ra nhiều trường đại học khác.
PV: Gần đây, một số Bộ đã phê duyệt danh sách một số cơ sở giáo dục được thực hiện cổ phần hóa. Liệu đây có phải là giải pháp để tháo gỡ khó khăn và nâng cao chất lượng đào tạo cho các trường công lập không và quan điểm của bà như thế nào vấn đề này?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Tôi cho rằng, cổ phần hóa đại học công lập cũng là một giải pháp để thão gỡ khó khăn và nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường. Gần đây, một số quan điểm cho rằng, cổ phần hóa đại học công lập là huy động vốn. Thế nhưng, theo quan điểm của tôi, thực chất cổ phần hóa đại học công lập là thay đổi cơ chế quản lý. Đây là bước khởi đầu để tạo sự đột phá về chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục đại học.
PV: Thưa bà, hiện nay, chúng ta có khoảng 450 trường đại học, cao đẳng. Trong đó phần lớn là trường thuộc các Bộ, ngành và các địa phương. Nếu cơ cấu lại hệ thống đại học, chúng ta cần công cụ pháp lý như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Như tôi đã trình bày, việc cơ cấu lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng sẽ có sự phân loại theo từng nhóm trường khác nhau vì các trường trực thuộc nhiều Bộ, ngành, địa phương quản lý. Để thực hiện tốt việc cơ cấu lại, chúng ta cần có một Đề án cụ thể trình Chính phủ xem xét.
PV: Xin cảm ơn bà!/.
Theo Bích Lan/VOV.VN
10 dự báo giáo dục đại học Việt Nam năm 2016
Phạm Hùng Hiệp - nghiên cứu sinh ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Văn hóa Trung Hoa - chia sẻ với Zing.vn những dự báo cá nhân về giáo dục đại học của Việt Nam trong năm 2016.
1. Tuyển sinh đại học tiếp tục là điểm nóng
Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT sẽ có nhiểu điểm mới và cải tiến hơn so với năm 2015. Nhưng về cơ bản, Bộ vẫn chưa thể tìm ra lời giải rốt ráo cho bài toán "chất lượng" (bài thi) và "độ tin cậy" (đảm bảo tính chính xác và công bằng).
Sẽ vẫn có những khó khăn không lường trước xuất hiện và gây nên một vài khủng hoảng nhỏ trước, trong và sau kỳ thi.
Trong bối cảnh đó, những trường đại học có chính sách tuyển sinh thông minh, hài hoà được với môi trường chính sách biến động và dẫn dắt được tâm lý, nhu cầu của học sinh, phụ huynh hoặc áp dụng khôn khéo ứng dụng của marketing hiện đại như online marketing, content marketing, personalized marketing, SEO..., sẽ thu hút được cả số lượng lẫn chất lượng sinh viên tuyển mới.
Thí sinh sau khi kết thúc kỳ thi đại học. Ảnh: Hoàng Hà.
2. Các trường cao đẳng, trung cấp tiếp tục "sa lầy"
Do chính sách tuyển sinh 2015 có phần cởi mở đối với đại học, các trường cao đẳng, trung cấp gánh chịu hậu quả sụt giảm chưa từng thấy.
Tình trạng này có thể tiếp tục tiếp diễn trong năm 2016, kể cả trong trường hợp Bộ GD&ĐT đã tính đến những phương án hỗ trợ như cấm hay hạn chế trường đại học tuyển sinh các hệ cao đẳng, trung cấp.
Khủng hoảng chung sẽ chỉ dịu dần trong một vài năm tới khi một số trường cao đẳng, trung cấp buộc phải đóng cửa và thái độ của học sinh, phụ huynh về bậc học này khác đi.
Tuy vậy, dù trong giai đoạn nào, các trường cao đẳng, trung cấp ở khu vực phía Nam cũng "dễ thở" hơn so với phía Bắc do quan điểm về việc học của người Nam ít nặng nề bằng cấp hơn.
3. Đào tạo online phát triển
Hình thức này sẽ có nhiều cách thức triển khai chất lượng hơn, rẻ hơn và hướng tới "phân khúc" mới hơn.
Hoà chung xu hướng phát triển MOOCs (các khóa học đại trà trực tuyến) và e-learning trên thế giới, đào tạo online tiếp tục là mảnh đất màu mỡ cho các nhà giáo dục, kể cả các nhà giáo dục từ nước ngoài, tham gia thi thố tài năng và triển khai ý tưởng.
Trong năm 2016, những cách thức triển khai e-learning sáng tạo tương tự TOPICA, FUNiX có thể tiếp tục ra đời. Các "phân khúc" người học mới như người đi làm, về hưu, người trở về nước sau lao động xuất khẩu... sẽ được khai phá với những nhà cung cấp dịch vụ đào tạo online mới.
2016 cũng là năm Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy định mới về đào tạo cấp bằng từ xa thay cho quy định cũ đã quá lỗi thời (ban hành năm 2003).
4. Số lượng du học sinh tiếp tục tăng
Mặc cho kinh tế khó khăn, số lượng gia đình Việt Nam cho con em du học tiếp tục tăng mạnh. Bên cạnh các điểm đến truyền thống như Anh, Úc, Mỹ, Đức, Pháp, Nhật; những nơi mới rẻ hơn như Đài Loan, Thái Lan, Malaysia sẽ là lựa chọn phù hợp cho những gia đình có điều kiện kinh tế vừa phải.
Tổng chi phí cho việc "nhập khẩu giáo dục đại học" của Việt Nam sẽ vượt đáng kể mức 3 tỷ USD hiện nay.
5. Thị trường đại học liên kết quốc tế bị thu hẹp
Sau nhiều năm tăng trưởng, khu vực đại học liên kết quốc tế bắt đầu chững lại trong năm qua và sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm tới.
Một số chương trình liên kết, thậm chí sẽ phải dừng tuyển sinh hoặc đóng cửa vì thiếu sinh viên. Các dự báo số 1, 3, 4 cùng sự chững lại của dân số ở độ tuổi học đại học là nguyên nhân trực tiếp tác động lên khu vực này.
6. Kiểm định chất lượng theo chuẩn quốc tế
Sẽ thêm nhiều trường đại học tham gia đánh giá, kiểm định chất lượng theo các chuẩn quốc tế. Trong khi hệ thống đánh giá, kiểm định chất lượng do Bộ GD&ĐT chủ trì vẫn còn quá nhiều bất cập, các trường có tầm nhìn xa sẽ không chờ đợi.
Họ chủ động tham gia sân chơi lớn cùng thế giới, bên cạnh các sân chơi quốc tế đã có sự hiện diện của đại diện Việt Nam như ABET, AUN, QS, CDIO....
7. Tiêu chuẩn đánh giá kết quả khoa học theo các chuẩn quốc tế như ISI, Scopus tiếp tục được cộng đồng khoa học thừa nhận.Sự thừa nhận này có thể được thể hiện qua việc nhiều chính sách trước đây mới dừng ở mức độ khuyến khích đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus nay chuyển sang thành bắt buộc.
Sự thừa nhận cũng có thể lan sang ngành nghiên cứu về khoa học xã hội - nơi vốn có mức độ quốc tế hoá chậm hơn các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ và y dược.
8. Sự tham gia tích cực và hiệu quả của xã hội dân sự vào việc phản biện, góp ý các chính sách. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội và sự cải cách không ngừng của báo chí chính thống theo hướng chuyên nghiệp hơn, những sáng kiến, đóng góp của các nhóm, cá nhân nghiên cứu độc lập với nhà làm chính sách sẽ có điều kiện phát triển nhiều hơn trong năm 2016.
Cũng không loại trừ khả năng thế hệ lãnh đạo mới của ngành, với nhận thức sâu sắc hơn về vai trò cùa truyền thông xã hội, sẽ giúp sự tham gia này trở nên rõ ràng và hiệu quả hơn.
9. Tình trạng thiếu hụt nhân lực khoa học trình độ cao tiếp tục là vấn đề đối với các trường đại học trong cả nước.
Bên cạnh việc chảy máu chất xám sang các nước phát triển và khu vực tư nhân trong nước, năm 2016, với việc Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức hình thành, các trường đại học trong cả nước còn phải đối đầu với cạnh tranh từ phía các trường đại học, doanh nghiệp cũng rất năng động trong khu vực.
10. Các phương pháp dạy - học hiện đại vốn đã cực kỳ phổ biến tại đại học nước ngoài như kiến tạo (contructivism), học tập qua dự án (project based learning) hay học tập kết hợp (blended learning) tiếp tục không có chỗ đứng trong giảng đường đại học Việt Nam.
Thực trạng này chắc sẽ còn tiếp diễn một vài năm nữa cho đến khi nhiều trường ý thức rõ hơn vai trò của phương pháp dạy - học mới trong việc cạnh tranh với đối thủ và thu hút người học.
Theo Zing
Một năm nhìn lại tự chủ đại học Năm 2015 có nhiều sự kiện nổi bật trong giáo dục ĐH. Riêng về mặt tự chủ, chúng ta đã có những bước tiến nào trong việc phát triển chính sách và những điều đó có ý nghĩa gì? Vấn đề tự chủ đã được nêu ra lần đầu vào năm 2005 trong Luật Giáo dục. Đến nay, tầm quan trọng của nó...