Bộ Giáo dục không cấm được giáo viên giao bài tập về nhà
Năm học 2012-2013, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo không ra bài tập về nhà cho học sinh lớp 1. Nhưng phụ huynh và một số hiệu trưởng đều cho rằng rất khó để thực hiện nghiêm túc tuyệt đối.
Học ở trường là đủ?
Ngày 20/8, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi các Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2012-2013 đối với khối tiểu học. Theo đó, Bộ yêu cầu các trường không tổ chức dạy trước và không thi tuyển học sinh vào lớp 1. Trong quá trình dạy, giáo viên bố trí thời gian hợp lý để hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tập tại lớp, không giao bài tập về nhà cho học sinh….
Trong một tiết học của cô trò Trường TH Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội).
Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến nêu quan điểm: “Việc cấm giáo viên giao bài tập về nhà cho trò là chủ trương đúng và thực tế”.
“Phụ huynh nên yên tâm vì với chương trình học 2 buổi/ngày, trẻ hoàn toàn nắm được nội dung kiến thức trong sách giáo khoa. Về nhà các cháu cần được nghỉ ngơi. Những ngày cuối tuần, phụ huynh có thể mua thêm sách tham khảo để giao bài cho con” – ông Tiến nói.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: “Với riêng trò lớp 1, chỉ cần học kỳ I nếu nhà trường và nhất là gia đình thực sự quan tâm, dành thời gian bên con, các cháu sẽ hoàn toàn tự tin với việc đọc, viết. Không cần giao bài về nhà cho các cháu”.
Video đang HOT
Nhưng tâm lý của không ít phụ huynh lại cho cho rằng, việc giao bài tập cho học sinh vẫn là điều tốt, tuy nhiên chỉ nên nằm trong một số lượng nhất định. Chị Đoàn Thị Nga, phụ huynh của em Phạm Thùy My (Trường Tiểu học Bình Triệu – TP.HCM) cho biết: Một khoảng thời gian ngắn để làm bài tập không ảnh hưởng đến thời gian chơi của trẻ. Tôi vẫn ủng hộ việc nhà trường và các thầy cô giáo vẫn nên giao bài tập về nhà cho trẻ, đó là cách giúp trẻ củng cố và hiểu được kiến thức khi đã học trên lớp.
Một phụ huynh có con đang học Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Hà Nội) cũng ủng hộ việc ra bài tập về nhà cho trẻ. Tuy nhiên không nên ra quá nhiều để cháu vừa học vừa có thời gian để chơi…
Nhiều phụ huynh được hỏi cũng đồng quan điểm với chị Minh. “Việc ra bài tập không những rèn thói quen ngồi vào bàn học, còn giúp trẻ ôn lại kiến thức” – chị Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) nhìn nhận.
Ở vùng nông thôn, phụ huynh khá bất ngờ khi biết thông tin giáo viên không được ra bài tập về nhà cho học sinh lớp 1. Chị Minh ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc tâm sự: “Các con còn nhỏ nên cần rèn nề nếp học. Bố mẹ có thể ra bài tập nhưng dù sao lời của cô các cháu vẫn nghe hơn và cố gắng làm tốt”.
Học 2 buổi bài tập = quá tải
Nhưng cũng không ít lời than vãn vì trẻ mới vào lớp 1 mà về nhà học đến 11 giờ đêm vẫn chưa trả hết bài cô giao. Có ý kiến cho rằng, nếu không giao bài tập chohọc sinh về nhà hoàn thành thì giáo viên khó lòng hoàn thành chương trình tiểu học đang được cho là quá tải hiện nay?
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) Nguyễn Linh Chi cho rằng: “Nếu nỗ lực giáo viên vẫn đảm bảo dạy đủ kiến thức cho học sinhngay trên lớp học. Nhưng nhiều em yếu kém hay học giỏi, phụ huynh có nguyện vọng giáo viên giao bài tập về nhà”.
Còn Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) Nguyễn Thị Xuân Lan phân tích: “Nếu mỗi môn giáo viên cho từ 2 đến 5 bài tập là không nặng.
Cô Lý Kim giáo viên Trường tiểu học Đặng Văn Bất (Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: Nếu học sinh đã học hai buổi trên lớp thì việc giao bài tập về nhà sẽ làm chohọc sinh quá tải. Tuy nhiên, hiện nay do tình trạng quá tải mà một số trường trên thành phố học sinh chỉ học một buổi ở trường. Vì vậy giáo viên vẫn cần phải giao bài về nhà cho các em để bù đắp kiến thức, nhưng mức độ bài tập cần trong một giới hạn nào đó “nhiều phụ huynh vẫn gặp thầy cô để xin bài tập về nhà cho học sinh, tránh tình trạng các em về nhà xem ti vi, chơi điện tử”
Quy định cần linh hoạt
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Xuân Lan nêu quan điểm: “Bây giờ trẻ phải học nhiều môn, nhiều kiến thức. Thời gian trên lớp, một cô không thể quan tâm tất cả gần 60học sinh. Có bài tập về nhà các cháu sẽ củng cố và được mở rộng kiến thức.
Giáo viên không ép các trò phải hoàn thành đầy đủ tất cả bài tập về nhà mà chỉ nên có lời động viên các trò cố gắng hơn. Tôi nghĩ đây cũng là cách để giáo viên phân loại, có phương pháp kèm cặp với từng học sinh có hiệu quả. Làm như vậy thầy cô cũng đỡ vất vả hơn mỗi giờ lên lớp”.
Theo hiệu trưởng Lan: “Quy định về lý là đúng nhưng cũng cần linh hoạt, không nên quá cứng nhắc”.
Còn hiệu trưởng Tiểu học Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) Nguyễn Linh Chi cho rằng, nhiều phụ huynh có đề xuất cô giáo ra bài tập về nhà cho con là nguyện vọng chính đáng, nên khó để áp dụng triệt để quy định cấm này.
Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến vẫn giữ quan điểm “không nên ra bài tập về nhà cho học sinh lớp 1″. Và Hà Nội đã có văn bản gửi tới các trường quán triệt nội dung này.
“Trường hợp giáo viên “thương”, giao bài tập về nhà cho trò là lỗi và trách nhiệm của các thầy cô” – ông Tiến quả quyết.
Theo VietnamNet
Dở khóc dở cười trẻ tra google làm văn
Cô Nguyễn Thị Thúy Hà, giáo viên một trường THCS tại TP. Hồ Chí Minh, cho biết vài ba năm trở lại đây cô thường xuyên bắt gặp những bài văn của học sinh mà khi đọc xong, không biết nên khóc hay cười. Không khó để nhận ra những bài văn ấy là "thành quả" sau khi học sinh tham khảo trên mạng internet.
Một hôm qua nhà họ hàng chơi, tôi vô tình đọc được bài văn của bé Thi tả về Hồ Gươm với lời văn trau chuốt, thể hiện sự xúc động sâu sắc khi được tham quan hồ Hoàn Kiếm gắn với lịch sử vua Lê... Quá ngạc nhiên trước những câu văn rất sinh động của một học sinh cấp 1, tôi bèn hỏi: "Bài này con tự làm hay...?" Bé trả lời: "Con tự làm đó dì". "Sao con làm được hay vậy?". "Cô giáo cho bài tập về nhà, con lên mạng, tra google về Hồ Gươm, thấy câu nào hay thì ghi lại rồi dàn thành bài văn, chứ con đã ra Hà Nội lần nào đâu mà được đến Hồ Gươm". Thi còn hồn nhiên: "Trong lớp các bạn đều lên google tra khi làm bài tập, cả môn địa lý, lịch sử cũng đều được điểm cao".
Một phụ huynh có con trai học lớp 5 cũng kể lại cô giáo cho bài tập làm văn về nhà phát biểu cảm nhận về một loài cây em thích. Hôm đó mẹ đi vắng, sách tham khảo không có bài mẫu, bé vào google tra được hai bài văn về cây phượng và tự "chế" thành bài văn của mình.
TS Phạm Phúc Vĩnh, trường ĐH Sài Gòn, cho rằng chuyện các em nhỏ "tham khảo" để làm bài văn chắp nối là kiểu học vẹt có từ xưa, chỉ khác là sách tham khảo được thay bằng internet. Việc tra cứu kiến thức là cần nhưng nếu chỉ dừng ở việc thấy hay và chép lại thì rất nguy hiểm. Kiểu học này không kích thích sự phát triển não bộ và trí thông minh của trẻ, tạo thói quen ỷ lại công cụ, nếu không có những hỗ trợ từ những ứng dụng này, trẻ sẽ không tự tư duy được.
TS. Vĩnh chia sẻ thêm, vào google tra cứu không hẳn không tốt. Giáo viên, phụ huynh nên khuyến khích trẻ đưa ra cảm nhận của mình, khơi gợi ý để bé tự viết thành câu văn, dạy bé đưa ra cấu trúc giải quyết đề bài. Ông cũng nhấn mạnh cách tốt nhất để trẻ có kiến thức về một chủ đề làm văn là được tận mắt nhìn ngắm, trải nghiệm để trẻ tự cảm nhận được và định hướng bài viết của mình.
Theo Đại đoàn kết
Đà Nẵng: Không tăng đột biến giá SGK Ghi nhận tại các nhà sách trên địa bàn TP Đà Nẵng, giá sách giáo khoa năm nay không dao động nhiều, không có tình trạng tăng giá đột biến do khan hiếm sách. Những ngày này, tại các nhà sách, đồ dùng, thiết bị học tập trên địa bàn TP Đà Nẵng nhộn nhịp bởi lượng khách vào mua hàng chuẩn bị...