Bộ Giáo dục đào tạo sẽ công bố nội dung giảm tải trong tháng 3
Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục đào tạo (GD-ĐT).
Bộ GD-ĐT sẽ có quy định về dạy học trực tuyến. Trong ảnh: giáo viên Trường THCS Kim Đồng (Q.5, TP.HCM) được tập huấn dạy học trực tuyến – Ảnh: NHƯ HÙNG
“Bộ GD-ĐT đã huy động đại diện giáo viên đang dạy ở các trường phổ thông, chuyên gia giáo dục, một số tác giả tham gia biên soạn chương trình, sách giáo khoa để cùng rà soát, thống nhất những nội dung có thể tinh giản.”
Ông Nguyễn Xuân Thành
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết Bộ GD-ĐT đang tiến hành rà soát nhằm tinh giản nội dung chương trình giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12 để thực hiện trong tình thế trước mắt khi năm học đang phải gián đoạn vì dịch COVID-19.
* Như vậy, việc tinh giản sẽ triển khai như thế nào? Cắt bớt một số bài trong chương trình hay lược bỏ trong nội hàm các đơn vị kiến thức để giảm độ khó, thưa ông?
- Chắc chắn sẽ không thể cắt bỏ theo kiểu cơ học. Vì thế mới cần rà soát kỹ để giữ lại những nội dung cơ bản nhất bảo đảm kiến thức – kỹ năng, tinh giản những nội dung nâng cao, yêu cầu vận dụng, vận dụng cao.
Ngoài ra, trong quá trình rà soát có thể đưa các nội dung tiết học gần nhau thuộc cùng một chủ đề trong chương trình thành một bài học theo chủ đề để tiết kiệm thời gian dạy học.
Video đang HOT
Những nội dung giao thoa giữa các môn học cũng sẽ điều chỉnh để chỉ dạy học trong môn học chiếm ưu thế và bổ sung yêu cầu của các môn học khác, giảm bớt lượng thông tin và đối tượng khảo sát/nghiên cứu.
Ví dụ như kiến thức về điện phân có trong các môn vật lý, hóa học, công nghệ có thể tích hợp vào dạy ở một trong ba môn này để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của cả ba môn.
* Với học sinh cuối các cấp học, chuẩn bị phải chuyển cấp, đặc biệt là những học sinh sẽ phải tham dự kỳ thi tuyển sinh đầu cấp (lớp 10) và thi THPT quốc gia thì việc giảm tải sẽ thế nào? Việc giảm tải này ảnh hưởng ra sao đến việc tổ chức kỳ thi?
- Việc tinh giản này sẽ chỉ áp dụng với nội dung chương trình học kỳ 2, vì học kỳ 1 đã dạy học xong rồi. Đối với học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10 sẽ ôn tập để chuẩn bị thi chuyển cấp theo nội dung đã được tinh giản. Các sở GD-ĐT cũng căn cứ vào nội dung đã tinh giản để ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 phù hợp.
Tương tự, với lớp 12 cũng như vậy. Sau khi có nội dung tinh giản, Bộ GD-ĐT sẽ căn cứ vào đó để xây dựng đề thi tham khảo làm tài liệu cho các nhà trường sử dụng tổ chức ôn tập cho học sinh.
* Bên cạnh việc giảm tải của Bộ GD-ĐT, các nhà trường có thể tiếp tục chủ động thực hiện việc tinh giản phải không, thưa ông?
- Trước đây trong công văn 4612 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018, Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu các nhà trường chủ động rà soát, tinh giản, áp dụng linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá để tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong tình huống hiện nay, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo tinh thần công văn này.
Tuy nhiên, để có sự thống nhất trên cả nước, Bộ GD-ĐT sẽ trực tiếp triển khai. Tới đây, với kế hoạch giáo dục của nhà trường đã rà soát, tinh giản nội dung dạy học, các nhà trường vẫn tiếp tục thực hiện theo tinh thần của công văn 4612 trong việc linh hoạt tổ chức các hình thức dạy học, đánh giá học sinh, chủ động bố trí thời khóa biểu, tổ chức dạy học theo chủ đề tích hợp, các dự án học tập của học sinh để tiết kiệm thời gian, khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất trong giai đoạn phải dạy bù khi học sinh đi học trở lại.
* Vậy khi nào Bộ GD-ĐT hoàn thiện và công bố nội dung chương trình được giảm tải để các nhà trường triển khai?
- Bộ GD-ĐT đang khẩn trương thực hiện, sẽ ban hành văn bản hướng dẫn trong tháng 3-2020. Hiện nhiều trường học trên cả nước dự kiến cho học sinh trở lại trường vào đầu tháng 4-2020.
Như vậy, căn cứ vào nội dung giảm tải, căn cứ vào kết quả các nhà trường đã tổ chức cho học sinh học qua Internet, học qua truyền hình, các trường có thể xây dựng kế hoạch giáo dục cho thời gian còn lại của năm học, đảm bảo cho tất cả học sinh được dạy học đủ chương trình (sau khi đã tinh giản), có thời gian để ôn tập, thực hành với những kiến thức đã triển khai dạy qua Internet, trên truyền hình trong thời gian trường học nghỉ phòng dịch.
Sẽ có quy định dạy qua Internet, truyền hình
Quy định này chỉ áp dụng cho năm học đặc biệt này, khi học sinh phải nghỉ học vì dịch COVID-19 và nhiều nhà trường đang phải chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến hoặc tổ chức cho học sinh học qua truyền hình, trong đó sẽ quy định cụ thể những điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học theo các hình thức này, như có tài liệu dạy học phù hợp, cách thức tổ chức lớp học trực tuyến, cách thức quản lý, kiểm soát việc dạy và học, cách thức để kiểm tra chất lượng học sinh.
Dựa vào quy định này, các sở GD-ĐT công nhận kết quả học qua Internet và qua truyền hình của các nhà trường và có định hướng cho việc ôn tập, củng cố, bù đắp kiến thức khi học sinh trở lại trường.
Công nhận kết quả học trực tuyến nếu dạy - học bảo đảm yêu cầu
Do học sinh sinh viên nghỉ học phòng tránh dịch Covid-19 nên Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các địa phương tăng cường dạy học qua truyền hình và internet.
Nhiều địa phương đã tổ chức dạy học trực tuyến miễn phí trên truyền hình khá hiệu quả. Vấn đề mà người học quan tâm hiện nay là có kiểm tra, đánh giá, công nhận kết quả học tập trực tuyến hay không?
Em Phạm Thúy Hiền, học sinh Trường THCS Quang Trung đang học trực tuyến tại nhà. Ảnh: HOÀNG HÙNG
PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, trước tình hình dịch bệnh, ngay từ những ngày đầu, Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương, nhà trường duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình và liên lạc giữa giáo viên (nhất là giáo viên chủ nhiệm) với học sinh để giao nhiệm vụ học tập, hướng dẫn các em tự học qua hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường. Tuy nhiên, lúc đó mới đặt ra vấn đề việc học chủ yếu là ôn tập.
Sau đó, vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian nghỉ của học sinh kéo dài, Bộ GD-ĐT có văn bản về việc tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ học. Khi học sinh đi học trở lại, các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình. "Hiện chưa có quy định cụ thể về việc dạy học trực tuyến, trên truyền hình với các yêu cầu về tài liệu, bài học, đội ngũ, hạ tầng... để kiểm soát chất lượng học tập của học sinh. Bởi vậy, Bộ GD-ĐT đang dự thảo quy định những nội dung này.
Theo đó, nếu địa phương, nhà trường có hệ thống để tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình bảo đảm quy định của Bộ GD-ĐT; việc học của học sinh được giám sát, bảo đảm chất lượng thì khi đó, kết quả kiểm tra, đánh giá quá trình học trực tuyến, học trên truyền hình được công nhận. Các nhà trường sẽ công nhận kết quả đó cho học sinh", ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, đây cũng không phải là vấn đề mới. Trong hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018 mà các trường đang thực hiện, bộ đã hướng dẫn thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau. Trong đó, bao gồm: đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá đó cho các bài kiểm tra hiện hành (đối với cấp THCS, THPT). Do đó, Bộ GD-ĐT sẽ soạn thảo quy định cụ thể về việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, để từ đó có thể công nhận kết quả học tập khi các em học bằng phương thức này. "Bộ sẽ sớm ban hành quy định này để các địa phương, nhà trường có căn cứ thực hiện", ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.
Hiện nay, dù Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD-ĐT có phương án giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học cho học sinh, nhưng hiện tại chưa có hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về vấn đề giảm nhẹ chương trình ra sao, nên các địa phương lúng túng khi triển khai. Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, Bộ GD-ĐT đã từng có văn bản giao các nhà trường chủ động rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản những nội dung vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành...
Trong lần này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để cụ thể hơn, Bộ GD-ĐT đang rà soát, tinh giản chương trình và sớm ban hành hướng dẫn, giúp các nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học, tinh gọn, nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu của chương trình, phù hợp với bối cảnh học sinh phải nghỉ dài vì dịch bệnh.
Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, bộ đã 2 lần điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, hết tháng 3 hoặc tuần đầu tháng 4 học sinh có thể quay lại trường học thì chúng ta vẫn đủ quỹ thời gian để nhà trường, học sinh ôn tập. Nếu việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình được triển khai tốt thì với chuẩn bị đó, thời gian hoàn thành chương trình năm học sẽ bảo đảm.
PHAN THẢO
Bộ GDĐT lưu ý 3 nội dung tinh giản trong chương trình học cho học sinh Trong thời gian này học sinh các cấp học trên toàn quốc vẫn đang phải nghỉ học để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 lây lan. Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là nội dung chương trình học tới đây sẽ như thế nào, Bộ GDĐT sẽ tinh giản nội dung học ra sao... Trước diễn biến phức tạp của...