Bộ GD&ĐT yêu cầu xử lý nghiêm đối tượng vào lớp đánh cô giáo
Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi UBND thành phố Hải Phòng đề nghị điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng hành hung cô giáo trường Tiểu học Đặng Cương.
Công văn do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký nêu rõ những ngày qua các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc phụ huynh xông vào lớp học hành hung giáo viên trường Tiểu học Đặng Cương, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.
Sự việc này đã gây bất bình trong đội ngũ giáo viên, ảnh hưỏng nghiêm trọng tới an toàn trường học và tác động tiêu cực tới hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Bộ GD&ĐT đề nghị UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo điều tra, làm rõ sự việc và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trường Tiểu học Đặng Cương, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.
Bộ GD&ĐT đề nghị sớm kiện toàn ban giám hiệu trường Tiểu học Đặng Cương, huyện An Dương, để ổn định dạy học và các hoạt động khác của nhà trường.
Đồng thời, UBND thành phố Hải Phòng thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định việc lạm thu trong trường học, dạy thêm học thêm trái quy định và các vấn đề tiêu cực khác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại địa phương.
Trước đó, ngày 27/9, tại trường Tiểu học Đặng Cương, một học sinh trong lớp 2 không mặc đồng phục và nói chuyện riêng nên bị cô P.T.H. (sinh năm 1991, giáo viên hợp đồng) phạt bằng cách dùng thước kẻ vụt vào lòng bàn tay.
Video đang HOT
Ngày 28/9, gia đình học sinh bị phạt không cho con đến trường học nhưng cuối giờ cùng ngày, bà nội cùng mẹ của em này đã xông vào lớp đôi co, sau đó hành hung cô giáo H.
Ông Lê Văn Cường, Phó chủ tịch UBND huyện An Dương, cho biết cô giáo H. vốn thể lực yếu do mắc bệnh bướu cổ, dễ bị sốc về tâm lý nên đã phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Việt Tiệp.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện An Dương đã chỉ đạo công an huyện vào cuộc thu thập chứng cứ, lấy lời khai những người liên quan để điều tra làm rõ vụ việc một số phụ huynh xông vào lớp hành hung cô giáo trước mặt học sinh trong lớp.
Theo Zing
Phụ huynh nước ngoài làm gì khi con bị giáo viên đánh?
Ở nước ngoài, không ít bậc cha mẹ đến trường đánh giáo viên khi biết tin con bị bạo hành. Cách giải quyết này khiến bản thân họ gặp rắc rối và trực tiếp hủy hoại tương lai trẻ.
Đầu năm 2016, Marius Feneck (28 tuổi, ở Anh) tấn công giáo viên của con trai 4 tuổi vì cho rằng cô này trách phạt nặng nề, đồng thời xử lý không công bằng khi cậu bé đánh nhau với bạn ở trường. Cuối cùng, ông bố lĩnh án 12 tháng tù treo cho hành vi côn đồ.
Trước đó, vào tháng 4/2015, Annika McKenzie (một phụ huynh ở Mỹ) đến trường đánh giáo viên dạy Toán vì nghi ngờ cô đánh con mình. Vụ việc khiến nạn nhân bất tỉnh và bị thương nghiêm trọng, trong khi vị phụ huynh nóng tính bị cáo buộc tội hành hung cấp độ hai.
Lợi bất cập hại
Việc phụ huynh đến trường đánh, chửi giáo viên khi không hài lòng với cách ứng xử của người làm giáo dục không phải chuyện hiếm ở nước ngoài, kể cả những nước có nền giáo dục tiên tiến.
Trong phần lớn vụ việc, họ đều lấy lý do thương con và tâm lý bức xúc khi thấy con bị đánh, mắng để có hành vi bạo lực với thầy, cô giáo.
Marius Feneck lĩnh án 12 tháng tù treo vì hành hung giáo viên của con trai. Ảnh: Daily Mail.
Tuy nhiên, bên cạnh sự trừng phạt của pháp luật, hành vi này còn bị xã hội lên án.
Nhiều người cho rằng việc phụ huynh đánh giáo viên là phản giáo dục. Họ không chấp nhận cái cớ "vì con" của những bậc cha mẹ thô bạo.
"Ngày trước, nếu tôi kể với cha mẹ chuyện bị cô giáo đánh, họ chắc chắn sẽ vặn hỏi xem tôi đã làm gì để giáo viên phải sử dụng hình phạt đó", độc giảFelix Funemone kể.
Cô Iggy - một giáo viên ở Mỹ - nhận xét phụ huynh đang ngày càng khó kiểm soát suy nghĩ, hành vi của mình. Họ dễ dàng nổi nóng và hành động thiếu suy nghĩ khi có vấn đề bức xúc. Nhiều người thậm chí không tìm hiểu kỹ sự việc, chỉ nghe thông tin một chiều từ con.
Chính cách thương con mù quáng khiến những đứa trẻ nhiễm tính bạo lực và thích dùng sức mạnh thể chất để giải quyết vấn đề. Nó không chỉ ảnh hưởng đến quá trình định hình nhân cách của trẻ mà còn làm gia tăng tình trạng bạo lực học đường, đe dọa đến sự an toàn của những học sinh khác.
Bạn đọc Elvis nhận định đây là lý do trẻ em thất bại trong tương lai. Vì chính các bậc cha mẹ đã buộc con mình trưởng thành trong môi trường bạo lực, thô lỗ và dốt nát.
Giao trách nhiệm cho pháp luật
Đương nhiên, việc phụ huynh đánh giáo viên một phần cũng do lỗi các nhà làm giáo dục, khi chính họ là người có hành vi bạo lực trước. Dù là trong nền giáo dục tiên tiến như Anh, Mỹ, tình trạng thầy, cô giáo bạo hành học sinh vẫn xảy ra thường xuyên.
Tuy nhiên, không phải mọi phụ huynh đều chọn cách bạo lực để đáp trả lại hành vi phản giáo dục từ giáo viên. Trong nhiều trường hợp, họ báo cáo vụ việc lên ban quản lý nhà trường. Nếu không nhận được câu trả lời thỏa đáng, họ sẽ đệ đơn kiện lên tòa.
Tháng 10 năm nay, Matt Stubblefield khởi kiện giáo viên của con trai cùng trường tiểu học Crème De La Crème vì đã xử phạt thể xác đối với cậu bé.
Trước đó, Mary A. Hastings - một giáo viên trung học phổ thông ở bang Texas (Mỹ) - bị buộc thôi việc, đồng thời phải hầu tòa sau khi phụ huynh kiện cô này hành hung học sinh.
Hồi tháng 3, cô Cathy Wright ở Mỹ cũng kiện thầy giáo trường trung học hạt Green vì nhiều lần lăng mạ con gái cô trước lớp. Vụ việc khiến dư luận phẫn nộ, nhiều người kêu gọi biểu tình, buộc giáo viên đó phải thôi việc.
Các chuyên gia cũng khuyên phụ huynh nên bình tĩnh trước thông tin con bị đánh để có cách giải quyết hợp lý, tránh vi phạm pháp luật hay nêu gương xấu cho con trẻ.
Việc đánh người, dù là giáo viên đánh học sinh hay phụ huynh đánh giáo viên đều vi phạm pháp luật và sẽ bị trừng trị thích đáng.
Thực tế, hầu hết thầy cô giáo ở Anh hay Mỹ đều sẽ phải nghỉ việc hoặc hầu tòa nếu có hành vi bạo lực với học sinh. Cùng với đó, phụ huynh đánh giáo viên (dù với lý do nào) cũng không được chấp nhận, cả về mặt đạo đức lẫn pháp luật.
Bạo lực học đường là vấn đề chung của nhiều nước trên thế giới. Điều làm nên sự khác biệt là cách xử lý của phụ huynh, nhà trường và xã hội.
Theo Zing