Bộ GD&ĐT: Xếp hạng ĐH không thận trọng sẽ ảnh hưởng uy tín các trường
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, xếp hạng đại học (ĐH) không thận trọng sẽ gây tác dụng ngược, có thể làm nhiễu thông tin
Những ngày vừa qua, thông tin nhóm nghiên cứu độc lập đưa ra bảng xếp hạng 49 trường ĐH nhận được sự quan tâm của dư luận. Bảng xếp hạng ĐH Việt Nam lần đầu tiên được công bố nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT – có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.
Xếp hạng phải có cơ sở dữ liệu tin cậy
- Bà đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của xếp hạng ĐH nói chung và bảng xếp hạng của nhóm nghiên cứu về 49 trường vừa công bố nói riêng?
- Chúng tôi ghi nhận nỗ lực của nhóm đã chủ động nghiên cứu và công bố kết quả xếp hạng theo cách tiếp cận độc lập. Xếp hạng các trường ĐH theo đúng ý nghĩa của nó là cần thiết đối với hệ thống đại học, nhằm cung cấp thông tin cho các chủ thể liên quan tham khảo.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng. Ảnh: Tiến Tuấn.
Người học cần kênh tham khảo để so sánh, chọn một trong các trường của cả hệ thống để theo học. Các nhà khoa học, người lao động cần thêm thông tin để chọn nơi làm việc phù hợp…
Các công cụ phân tích thuyết phục sẽ giúp trường có góc nhìn, đánh giá khách quan hơn về mặt hoạt động cơ bản, uy tín của họ. Điều đó góp phần để ra quyết định đúng về chiến lược cải thiện chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Đối với cơ quan quản lý, thông tin về xếp hạng các trường giúp xác định tương quan năng lực của mỗi trường với cả hệ thống để quyết định đầu tư ngân sách, đặt hàng đào tạo những ngành mà Nhà nước có nhu cầu, tham khảo để xây dựng một số chính sách cho giáo dục đại học.
Tuy nhiên, việc xếp hạng cần phải dựa trên cơ sở dữ liệu tin cậy, đánh giá bằng bộ tiêu chí khoa học, được thực hiện theo nguyên tắc, quy trình với nhiều người tham gia. Hệ thống tiêu chí đầy đủ, quy trình khoa học, kết quả mới có độ tin cậy cao. Kết quả nghiên cứu, đề xuất chưa được xây dựng trên nền tảng vững chắc thì chỉ mang tính học thuật.
- Bảng xếp hạng chưa được xây dựng trên nền tảng vững chắc sẽ gây hệ lụy gì?
- Hiện nay, không phải nước nào cũng xếp hạng đại học, ngay cả nhiều nước phát triển. Điều này cho thấy mức độ khó khăn, tính phức tạp của công việc này.
Việc xếp hạng các trường ĐH cần phải chuẩn bị kỹ, thận trọng, kết quả có sức thuyết phục. Chính vì thế, thế giới có nhiều tổ chức xếp hạng nhưng chỉ số ít có uy tín, đưa ra kết quả được nhiều người sử dụng để tham khảo.
Tất cả kết quả xếp hạng đều là thông tin tham khảo. Tuy nhiên, làm không thận trọng sẽ gây tác dụng ngược như ảnh hưởng uy tín của một số trường, “nhiễu thông tin xếp hạng”, ảnh hưởng quyết định của các chủ thể căn cứ vào kết quả đó.
Video đang HOT
Thậm chí, chủ thể có thể lợi dụng xếp hạng để trục lợi, chẳng hạn công bố kết quả xếp hạng không đúng thực tế; thu học phí cao sau khi có kết quả; chú trọng đầu tư cho một số tiêu chí xếp hạng có trọng số cao mà không tính đến mục tiêu phát triển toàn diện và đáp ứng nhu cầu của người học, phục vụ cộng đồng.
Vị trí của các trường ĐH trong bảng xếp hạng.
Sẽ bổ sung Luật Giáo dục ĐH
- Sắp tới, Bộ GD&ĐT có triển khai xếp hạng ĐH không, thưa bà?
- Sau khi có Luật Giáo dục ĐH, năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73 về phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH và Bộ GD&ĐT cũng đã dự thảo xong thông tư hướng dẫn từ năm 2016.
Luật Giáo dục ĐH quy định Chính phủ ban hành khung xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học theo mỗi tầng và tiêu chuẩn của từng hạng trong khung phục vụ công tác quản lý Nhà nước và ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học. Thủ tướng công nhận xếp hạng đối với ĐH, trường ĐH, Bộ trưởng GD&ĐT công nhận xếp hạng đối với cao đẳng.
Trong điều kiện tự chủ đại học, các trường có quyền tự xác định sứ mạng, mục tiêu, vị trí, vai trò của mình… Theo Nghị định số 73/2015/NĐ-CP, một trong những tiêu chí để xếp hạng là kết quả kiểm định chất lượng. Công tác này đang được triển khai và tiến triển tốt.
Nhóm thành viên xây dựng bảng xếp hạng.
Các trường được kiểm định chất lượng, dữ liệu sẽ có độ tin cậy, được sử dụng làm một trong những cơ sở để tiến hành xếp hạng, kết quả sẽ tốt hơn. Đó là những lý do mà việc xếp hạng chưa được triển khai trong thời gian vừa qua.
Sắp tới, Bộ GD&ĐT đưa vấn đề xếp hạng ĐH vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH để việc xếp hạng của Việt Nam gần hơn với thông lệ quốc tế và phù hợp với chủ trương tự chủ đại học đang được ngày càng mở rộng ở Việt Nam.
Theo Zing
Cần tỉnh táo với bảng xếp hạng trường đại học đầu tiên ở Việt Nam
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, với bảng xếp hạng 49 trường đại học, người tỉnh táo sẽ thừa biết giá trị. Kết quả này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải của tổ chức có uy tín.
Chiều 6/9, buổi tọa đàm công bố bảng xếp hạng đại học Việt Nam lần đầu tiên diễn ra tại Hà Nội.
Trong lần đầu công bố, nhóm đã xếp hạng 49 trường đại học có đầy đủ thông tin nhất trong số dữ liệu hơn 100 trường thu thập được từ năm 2014.
Các trường bất ngờ với thứ hạng
Theo bảng xếp hạng, ĐH Lâm nghiệp Việt Nam xếp thứ 15. Ông Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ông hơi bất ngờ với thứ hạng này. Tuy nhiên, việc xếp hạng được nhóm này thực hiện hoàn toàn độc lập.
Theo ông Chứ, một số trường như ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân xếp ở mức trung bình trong bảng xếp hạng có thể do chưa đáp ứng được các tiêu chí về cơ sở vật chất, diện tích sàn/sinh viên...
Ví dụ, sinh viên ĐH Y Hà Nội thực hành ở bệnh viện nên diện tích sàn nhỏ, còn ĐH Quốc gia Hà Nội diện tích sàn rộng, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên.
Về sức thu hút sinh viên của những trường như ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân cao hơn những trường khác, nhưng có thể một số tiêu chí cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng được.
TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng nhóm chuyên gia thực hiện đề án xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam chưa phải là tổ chức có uy tín để có kết quả khiến dư luận thừa nhận. Thông tin về bảng xếp hạng 49 trường này chỉ mang tính chất tham khảo.
Ông Nghĩa cũng băn khoăn một số vấn đề trong bảng xếp hạng này. Thứ nhất, nó chưa phù hợp việc phân tầng cả các trường cùng loại với nhau như khối trường có định hướng kinh tế, nghiên cứu hay ứng dụng. Thứ hai, bảng công bố được dựa trên dữ liệu nào, có tin cậy và chính xác không?
"Tôi không hiểu tại sao cơ sở vật chất của ĐH Quốc gia TP.HCM xếp thứ 39, thua rất nhiều trường. Trong khi đó, ĐH Quốc gia Hà Nội lại xếp thứ nhất? Họ dựa vào số liệu nào để đưa ra kết quả này, có thể họ có dữ liệu bí mật chăng?", TS Nguyễn Đức Nghĩa nói.
Đánh giá về tiêu chí đề ra của nhóm nghiên cứu, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng còn thiếu nhiều và còn khoảng cách rất xa mới có thể vươn tới các bảng xếp hạng quốc tế. Với bảng xếp hạng này, những người tỉnh táo sẽ thừa biết giá trị của nó, còn lại có thể gây hiểu sai lệch vấn đề.
Danh sách bảng xếp hạng.
Cân nhắc bộ tiêu chí phù hợp
Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT, cho hay bộ tiêu chí cần được thảo luận để xác đáng hơn, được xã hội, Bộ GD&ĐT, Hiệp hội các trường cao đẳng, đại học Việt Nam công nhận và bản thân các trường "tâm phục khẩu phục".
Theo ông Ngọc, Việt Nam không nhất thiết phải chạy theo Tây trong xếp hạng đại học. Tại Việt Nam, giáo dục đại học được phân thành đại học nghiên cứu và ứng dụng, nên cách đánh giá hai loại phải khác nhau.
"Thế giới có nhiều cái không phù hợp với nước ta. Cứ áp dụng như vậy khác nào Việt Nam ăn cơm, Tây ăn bánh mỳ mà giờ lại xét theo tiêu chí bánh mỳ", ông Ngọc giải thích.
Bản thân các trường phải đấu tranh về tiêu chí xếp hạng. Ông nêu ví dụ trước đây, khi nước ta tổ chức xếp hạng chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, ông phản biện tiêu chí, bao gồm số server/cán bộ cùng số buổi và kinh phí cho tập huấn cán bộ.
Theo ông, người trong cuộc cần phản biện để loại bỏ những tiêu chí không phù hợp. Ngoài bộ tiêu chí đánh giá, việc thu thập thông tin dữ liệu rất quan trọng trong xếp hạng đại học.
"Trước hết, các trường cần nhận thức được việc đánh giá để cung cấp thông tin đầy đủ. Sau đó, nhóm hay tổ chức đứng ra đánh giá cũng cần thẩm định thông tin chứ không chỉ dựa trên báo cáo giấy. Dữ liệu, thông tin đầu vào phải khách quan và tin cậy, đầy đủ, chính xác.
Bản thân người tổ chức đánh giá thấy dữ liệu đầu vào không đạt thì nên dừng hoặc làm lại từ đầu chứ liều mình công bố ra thì chẳng khác nào hại mình", ông Ngọc nói.
Theo ông Quách Tuấn Ngọc, đây là yêu cầu cần thiết đối với việc xếp hạng, đánh giá. Trước đây, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (nay là Cục Quản lý chất lượng), Bộ GD&ĐT, cũng từng kiểm định và chuẩn bị ra báo cáo về xếp hạng nhưng cuối cùng không công bố kết quả vì gặp trục trặc số liệu.
Nhóm nghiên cứu phải uy tín để xã hội 'tâm phục, khẩu phục'
TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng nhóm nghiên cứu có ý tưởng hay và cần thiết trong bối cảnh Chính phủ và Bộ GD&ĐT có ý kiến đề xuất phân tầng đại học, hướng đến sự đánh giá, so sánh giữa các trường cùng nhóm ngành với nhau.
"Tuy nhiên, nhóm nên tập hợp nhiều nhà nghiên cứu có trình độ chuyên môn, am hiểu về giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Họ phải có uy tín vượt lên tất cả đơn vị được đánh giá để khiến dư luận 'tâm phục, khẩu phục'. Hiện tại, có người thực hiện nghiên cứu tôi cũng không biết họ là ai", TS Nghĩa nói.
Theo Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhóm nghiên cứu nên thực hiện độc lập với Bộ GD&ĐT và các trường để đảm bảo khách quan. Việc xếp hạng sẽ có ý nghĩa hơn khi hệ thống kiểm định đánh giá ngoài tương đối ổn định và hoàn thiện. Hiện nay, chính các bộ tiêu chuẩn đánh giá kiểm định các trường đại học còn chưa ổn định, bộ tiêu chuẩn mới chưa vận hành.
Ông Quách Tuấn Ngọc nêu quan điểm nhóm nghiên cứu cần thực hiện "khôn ra", tức là việc xếp hạng này phải nhận được sự công nhận của Bộ GD&ĐT, Hiệp hội các trường đại học, chính hiệp hội đứng ra tổ chức.
Ông Ngọc lấy ví dụ về cách Hội Tin học đã làm. Theo đó, Hội Tin học đứng ra cùng tổ chức với Bộ Thông tin Truyền thông và Chương trình Nhà nước về Công nghệ Thông tin. Hội Tin học là đơn vị thực hiện trực tiếp, được Bộ Thông tin Truyền thông ủng hộ, có thể có ít kinh phí thực hiện. Quá trình thực hiện, họ luôn xin ý kiến của bộ và của cả các đơn vị được đánh giá.
Như vậy, việc xếp hạng các trường đại học mới "danh chính ngôn thuận". Khi không chính danh, việc đánh giá này sẽ chỉ mang tính tham khảo, không có nhiều tác dụng.
Thành viên của nhóm nghiên cứu gồm 6 người: TS Lưu Quang Hưng, nhà nghiên cứu làm việc tại Melbourne, Australia (chủ biên báo cáo xếp hạng).
TS Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc và nhà kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách DEPOCEN.
TS Giáp Văn Dương, Chủ tịch Công ty GiapGrou.
TS Ngô Đức Thế, nhà nghiên cứu đang làm việc tại Đại học Manchester, Anh.
Thạc sĩ Trần Thanh Thủy, nhà nghiên cứu tại DEPOCEN.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, nghiên cứu sinh tại Đại học East Angila, Anh.
Theo Zing
'Xếp hạng các trường đại học không đáng tin cậy sẽ tạo hệ lụy' TS Phạm Thị Ly (ĐH Nguyễn Tất Thành, TP.HCM) cho rằng nếu kết quả của bảng xếp hạng không đáng tin cậy sẽ tạo thêm tranh cãi với bức tranh tốt xấu lẫn lộn. Câu chuyện một nhóm chuyên gia độc lập thực hiện đề án xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cách đây ba năm với nhiều...