Bộ GD&ĐT: Để học sinh viết vào SGK, hiệu quả dạy học sẽ không cao
Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa (SGK) ngày 1/10, Bộ GD&ĐT cho biết, nếu trong dạy học giáo viên cho học sinh trả lời bằng cách viết, vẽ trực tiếp vào SGK rồi đánh giá kết quả là “đúng hay sai” thì hiệu quả hoạt động dạy học không cao.
Giúp học sinh rèn luyện thao tác tư duy
Theo Bộ GD&ĐT, khi biên soạn SGK để thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm học 2002-2003, các tác giả đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nhằm hướng dẫn học sinh tiến hành các thí nghiệm; xây dựng hệ thống bài tập đa dạng về hình thức (tự luận, trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi) nhằm rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy phù hợp với từng nội dung kiến thức, hướng dẫn học sinh tự học, đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau trong kiểm tra, đánh giá theo xu thế chung của các nước trên thế giới.
Khi thay sách giáo khoa từ năm học 2002-2003, Bộ GD&ĐT đã tập huấn giáo viên về việc sử dụng sách giáo khoa để tổ chức hoạt động học của học sinh theo phương pháp dạy học tích cực.
Cụ thể, đối với các bài có thí nghiệm, học sinh cần được tổ chức tiến hành theo nhóm (hiện nay cơ số bộ thí nghiệm thực hành theo Danh mục thiết bị dạy học tối thiếu là 6 bộ thí nghiệm/bài thực hành) và ghi số liệu vào bảng trong Phiếu học tập (lập theo mẫu trong SGK) để tính toán, phân tích, rút ra kết luận. Như vậy, học sinh không cần ghi số liệu thí nghiệm vào bảng trong SGK.
Việc xây dựng hệ thống bài tập đa dạng về hình thức, nhằm rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy phù hợp với từng nội dung kiến thức. (Ảnh minh họa)
Đối với các dạng bài tập trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi, đánh dấu, học sinh phải ghi vào vở phương án trả lời (dự kiến), kèm theo lời giải thích để trình bày, thảo luận trên lớp, không ghi trực tiếp vào SGK.
Vì SGK được sử dụng đang trong quá trình học sinh học tập để thu nhận kiến thức mới nên các bài tập được đưa ra với vai trò là “tình huống” để học sinh “dự đoán”. Dự đoán này của học sinh chưa chắc chắn đúng, thậm chí phần nhiều là chưa đúng, học sinh trong lớp có nhiều phương án lựa chọn khác nhau (nếu như “tình huống” hay) để tạo “mâu thuẫn nhận thức” trong quá trình dạy học.
Video đang HOT
“Vì lí do đó nên trong quá trình dạy học, giáo viên cần sử dụng các dạng bài tập đó làm “tình huống học tập” để hướng dẫn học sinh ghi vào vở “dự kiến phương án trả lời và giải thích lí do lựa chọn” để trình bày, thảo luận, bảo vệ phương án đúng.
Như vậy mới thực hiện đúng tinh thần của phương pháp dạy học tích cực mà SGK hướng tới. Nếu trong dạy học giáo viên cho học sinh trả lời bằng cách viết, vẽ trực tiếp vào SGK rồi đánh giá kết quả là “đúng hay sai” thì hiệu quả hoạt động dạy học không cao, hạn chế trong việc phát triển phẩm chất, năng lực học sinh”, báo cáo nêu rõ.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, để quán triệt việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực và hạn chế viết vào SGK trong quá trình thực hiện các hoạt động học, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng SGK, nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách để sử dụng SGK được lâu bền. Tuy nhiên, việc sử dụng lại SGK hiện mới đạt khoảng 35%.
Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. (Ảnh: Mỹ Hà).
Giáo viên không được ép học sinh mua sách tham khảo
Bộ GD&ĐT cho hay hiện nay, nhiều NXB tham gia sản xuất sách tham khảo như NXB Giáo dục Việt Nam (có nhiều công ty trực thuộc), Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP.HCM… Vì vậy, mỗi môn học có rất nhiều sách tham khảo theo từng khối, lớp và cách thức tiếp thị, phát hành cũng đa dạng.
Bộ GD&ĐT đã có Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7/7/2014 quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non. Thông tư quy định giáo viên không được sử dụng những nội dung vượt quá chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình.
Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.
Tuy nhiên, khác với khẳng định này của Bộ GD&ĐT, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra sáng 1/10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thực tế, nhiều trường, bằng cách này hay cách khác, đã ép học sinh mua sách tham khảo để hưởng hoa hồng. Đây là biểu hiện rõ của tiêu cực trong giáo dục.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Chỉ thị yêu cầu học sinh không viết vào SGK: Không vô lý!
Chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo trong các trường phổ thông của Bộ GD-ĐT gây nhiều tranh cãi. Đặt trong bối cảnh thực tế và hoạt động tổ chức dạy thì chỉ thị này không vô lý.
Ngày 24/9, Bộ GD-ĐT ra chỉ thị sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng sách, trong đó yêu cầu giáo viên (GV) không để cho học sinh (HS) viết, vẽ vào SGK. Bên cạnh đó, Bộ cũng đặt ra vấn đề về kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Chỉ thị này của Bộ gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận, đặc biệt với nhiều GV đó được xem như là yêu cầu bắt buộc, là mệnh lệnh gây khó cho GV.
Việc hướng dẫn học sinh không viết vào sách giáo khoa là cả quá trình dạy học tích cực
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) khẳng định đây không phải là yêu cầu mang tính "cấm" mà nhằm hướng dẫn GV thực hiện phương pháp dạy học tích cực, bảo quản sách và sử dụng lại được lâu bền.
Cụ thể, ông Thành nhấn mạnh, chỉ thị yêu cầu GV hướng dẫn HS nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không viết, vẽ vào SGK chứ không phải yêu cầu hay cấm HS. Tuy đây không phải là yêu cầu bắt buộc nhưng cần phải hướng dẫn để HS không chỉ biết giữ gìn, bảo quản SGK của mình mà còn tạo ý thức tốt trong việc giữ gìn, phát triển văn hóa đọc trong HS và toàn xã hội.
Trong quá trình dạy học, ông Thành cũng cho rằng khi biên soạn SGK để thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm học 2002 - 2003, các tác giả đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nhằm hướng dẫn HS tiến hành các thí nghiệm; xây dựng hệ thống bài tập đa dạng về hình thức (tự luận, trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi) nhằm rèn luyện cho HS các thao tác tư duy phù hợp với từng nội dung kiến thức, hướng dẫn HS tự học.
Trong quá trình dạy học, GV cần sử dụng các dạng bài tập đó làm "tình huống học tập" để hướng dẫn HS ghi vào vở, dự kiến đáp án và giải thích lý do lựa chọn để trình bày, thảo luận, bảo vệ phương án đúng (có thể hiểu là làm nháp). Việc HS giải thích vì sao chọn như vậy mới chính là dạy học, chứ không phải là nối thế này đúng hay sai. Quan trọng là trả lời câu hỏi tại sao chứ không phải là cái gì. Điều này mới thực hiện đúng tinh thần của phương pháp dạy học tích cực mà SGK hướng tới.
Nếu trong dạy học GV cho HS trả lời bằng cách viết, vẽ trực tiếp vào SGK rồi đánh giá kết quả là liền là đã hạn chế việc phát triển phẩm chất, năng lực, tư duy của HS.
Tránh trường hợp "gây khó" cho học sinh
Trong chỉ thị, không chỉ hướng dẫn về sử dụng SGK, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo việc tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, GV vi phạm quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục, khiến HS phải mua quá nhiều ấn phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.
Giáo viên không được gây khó dễ để ép học sinh mua nhiều ấn phẩm tham khảo
Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, trên thực tế không phải không có những trường hợp GV có thể vô tình vì năng lực hạn chế hoặc cố tình, khi ra đề kiểm tra, nhặt tài liệu này câu, tài liệu kia câu... thế là HS, phụ huynh kháo nhau phải bỏ tiền mua rất nhiều tài liệu, rất lãng phí. Chưa kể, việc GV sử dụng không hợp lý cũng có trường hợp làm khó, gây o ép học HS đi học thêm... nên chỉ thị của Bộ cũng nhằm hạn chế điều này và kiểm tra với trường hợp tiêu cực như vậy.
Theo Dân trí
Sách giáo khoa không thiết kế để học sinh viết vào sách? Giải thích về việc "SGK chỉ sử dụng được một lần", ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định: "SGK không thiết kế để học sinh viết vào sách". Cuốn sách Toán lớp 1 yêu cầu học sinh điền số thích hợp vào ô trống Nhắc nhở học sinh không viết vào sách thông qua...