Bộ GDĐT cần quyết liệt chấn chỉnh tình trạng “ép” mua sách
Trong hơn 2 tháng qua, dư luận rất quan tâm đến vấn đề in ấn, phát hành sách giáo khoa, Bộ GDĐT cũng đã ra nhiều văn bản giải trình và chỉ đạo cung cấp đủ SGK phục vụ cho năm học mới 2018-2019. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 lại tiếp tục đề cập đến vấn đề này.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ: Có độc quyền của NXB Giáo dục Việt Nam và tình trạng này đã được phân tích khi xây dựng Đề án đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải xóa độc quyền. Tinh thần này đã được thể hiện trong Đề án đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông cũng như việc cấp phép thêm các NXB như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo.
Thêm vào đó, hiện có thực tế là nhiều trường bằng cách này hay cách khác “ép” học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo để hưởng hoa hồng. Đây là một trong những biểu hiện rõ của tiêu cực trong giáo dục.
Từ năm 2014, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GDĐT phải tập trung chấn chỉnh tình trạng “ép” may đồng phục, “ép” mua sách. Bộ cũng đã có các văn bản chỉ đạo nhưng về sách chưa có chuyển biến rõ như với đồng phục. Bộ cần chỉ đạo quyết liệt hơn. Những nơi vi phạm cần xử lý nghiêm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, “các ý kiến phát biểu, chất vấn của một số Đại biểu Quốc hội về vấn đề SGK trong một số phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gần đây là xác đáng. Bộ trưởng Bộ GDĐT cần có văn bản báo cáo, giải trình rõ”.
Bộ GDĐT cần chỉ đạo quyết liệt hơn trong việc chấn chỉnh tình trạng “ép” mua sách (ảnh: phapluatnet.vn)
Trước đó, liên quan đến vấn đề độc quyền xuất bản SGK, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Xuất bản hiện hành thì NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất được giao xuất bản SGK.
Thực hiện quy định của Luật Xuất bản, sau khi có chủ trương “Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, có một số SGK cho mỗi môn học”, đến nay đã có thêm 5 NXB khác đủ điều kiện về nguồn lực và mạng lưới cộng tác viên, được Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, bổ sung chức năng xuất bản sách giáo khoa trong giấy phép thành lập, bao gồm: NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm TP.HCM, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB Đại học Vinh và NXB Đại học Huế.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, SGK là mặt hàng thuộc diện quản lý giá của Nhà nước và được trợ giá, có tỷ lệ chiết khấu khi phát hành từ 20-25% thấp hơn mức trung bình so với tỷ lệ chiết khấu các loại sách khác là từ 35-40%. Và hiện tỷ lệ tái sử dụng SGK là khoảng 35%. Bộ GDĐT đã có văn bản yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh không làm bài tập trực tiếp vào SGK để nhắc nhở, rèn các em ý thức giữ gìn đồ vật, tài sản. Tuy nhiên, có thực tế là nhiều phụ huynh muốn con em mình viết trực tiếp vào SGK.
Quỳnh Nga
Theo toquoc.vn
Ai 'mở đường' giúp NXB Giáo dục kiếm lời lớn từ sách tham khảo?
Nhiều học sinh phải mua hàng loạt sách tham khảo ở trường với giá cao mà không dùng đến. Không như SGK thua lỗ, sách tham khảo mang lại nhiều lợi nhuận cho NXB Giáo dục Việt Nam.
Trước năm học mới, chị Hạnh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đóng hơn 400.000 tiền sách cho con. Chị không để ý bộ sách gồm những cuốn nào, đâu là SGK, sách bài tập và sách tham khảo.
Gần đây, khi báo chí và dư luận đề cập SGK độc quyền và lãng phí, chị kiểm tra lại mới phát hiện bộ sách mua từ trường gồm 24 cuốn, gấp đôi số lượng SGK theo quy định.
3, 4 cuốn sách cho một môn học
Bộ sách chị Hạnh mua từ trường, ngoài SGK, còn có bài tập Giáo dục Công dân (11.000 đồng), bài tập Tin học (19.000 đồng). Bộ sách không bao gồm các sách bài tập thông thường của các môn Ngữ văn, Tiếng Anh, Toán, Vật lý... Đa phần là sách của NXB Giáo dục Việt Nam. Một số sách thuộc NXB Hà Nội.
Một môn học có đến 3, 4 cuốn sách. Ảnh: N.V.
Ngược lại, một số môn lại dùng nhiều hơn một cuốn sách. Trong đó, môn Lịch sử và Địa lý đều cần đến 3 cuốn cho mỗi môn. Trong khi hai cuốn SGK giá khá thấp (Lịch sử giá 4.400 đồng, Địa lý giá 6.700), các cuốn tài liệu bổ trợ lại có giá cao hơn nhiều.
Cụ thể, cuốn Tài liệu Lịch sử Hà Nội giá 22.000 đồng, Bản đồ và tranh ảnh Lịch sử giá 25.000 đồng, Tài liệu Địa lý Hà Nội giá 18.000 đồng và Tập bản đồ Địa lý giá 28.000 đồng.
Những cuốn khác nằm ngoài danh mục SGK cũng có giá không hề thấp: Tiếng Anh tập 1, 2 (43.000 đồng/cuốn), bài tập Tiếng Anh 1, 2 (28.000 đồng/cuốn), Giáo dục An toàn Giao thông (15.000 đồng), Tài liệu chuyên đề giáo dục nề nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội (13.000 đồng), Tin học (26.000 đồng), bài tập Tin học (19.000 đồng).
Với bộ sách này, chị Hạnh chi đến 402.200 đồng dù giá một bộ SGK theo quy định là 97.700 đồng. Điều đáng nói, theo như Nam (con trai chị Hạnh), nhiều cuốn không hoặc ít khi được sử dụng trong quá trình học.
Sau hơn một tháng học, cuốn Tài liệu Lịch sử Hà Nội, Bản đồ và Tranh ảnh Lịch sử, Tài liệu Địa lý Hà Nội, Tập bản đồ Địa lý hay Tài liệu chuyên đề Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội còn mới tinh như chưa qua sử dụng.
Không chỉ tại ngôi trường Nam học, rất nhiều trường ở Hà Nội, phụ huynh chi số tiền gấp 3, 4 lần so với giá một bộ SGK để mua sách cho con từ trường. Chị Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) chi gần một triệu đồng đồng vào việc mua sách cho hai con lớp 7 và lớp 5.
Cũng như chị Hạnh, chị Vân không nắm được những cuốn nào cần thiết cho việc học của con mà đăng ký mua trọn gói tại trường.
"Trường phát danh sách đăng ký, tôi tin tưởng nên mua qua trường cho chắc chắn. Tôi không kiểm tra lại vì dù sao cũng phải mua nguyên bộ", chị giải thích lý do mình không nắm được tên đầu sách mà con đang học.
Chiết khấu và hoa hồng lớn, bán nhiều sách
Trên thực tế, không phải cha mẹ học sinh không hiểu được sự vô lý khi nhận bộ sách hơn 20 cuốn, một số môn có đến 3, 4 cuốn. Khi năm học kết thúc, phần lớn trường đều "đề nghị" phụ huynh đăng ký mua SGK tại trường.
Mặc dù trên danh nghĩa tự nguyện, phụ huynh ngầm hiểu tốt nhất nên mua tại trường, vừa có sách, vừa dễ nói chuyện với thầy cô. Như trường hợp chị Vân, ngập ngừng một lúc, chị mới chia sẻ việc không lên tiếng khi thấy bộ sách của con không phù hợp, số lượng sách và giá tiền đều nhiều hơn thông thường.
Sách bài tập, sách tham khảo đóng góp vào 40% doanh thu, góp phần mang lại 150 tỷ đồnglợi nhuận của NXB Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Sương.
"Con mình còn học ở trường nên cứ im lặng cho xong chuyện thôi. Nói ra mất lòng giáo viên, con mình lại không được quan tâm chu đáo", chị Vân chia sẻ.
Nắm được tâm lý này của phụ huynh, hàng năm, các trường đều khuyến khích cha mẹ học sinh đăng ký mua sách cho con thông qua trường. Cũng chính hệ thống "ngành dọc" này được cho là "giúp sức" cho việc tiêu thụ sách tham khảo - "miếng bánh" mang lại lợi nhuận cho NXB Giáo dục Việt Nam.
Đầu năm học 2017-2018, trường Tiểu học An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội) thậm chí yêu cầu phụ huynh "tuyệt đối không mua sách giáo khoa, sách bài tập phục vụ năm học mới cho con em mình ở bất kỳ cửa hàng phát hành sách nào ngoài nhà trường".
Trả lời báo chí khi đó, lãnh đạo trường nói đó không phải chủ trương của trường mà thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện, do trưởng phòng trực tiếp ký.
Chia sẻ với Zing.vn, một phó trưởng phòng GD&ĐT ở Hà Nội cho biết việc mua sách gì đều phải tuân theo văn bản chỉ đạo từ sở.
"Tất cả từ chỉ đạo của sở", vị phó phòng nhấn mạnh đồng thời từ chối nói rõ vai trò của phòng GD&ĐT trong việc quy định sách.
Trước đó, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục của một tỉnh (xin giấu tên) cho biết thông thường, lãnh đạo phòng chuyên môn tiểu học, trung học, giáo dục thường xuyên của sở GD&ĐT chịu trách nhiệm đề xuất mua sách, tài liệu bổ trợ dành cho học sinh, giáo viên trong tỉnh.
Lãnh đạo các phòng, ban liên quan đề xuất mua sách bổ trợ (đối với học sinh) hoặc tài liệu nâng cao kiến thức chuyên môn (giáo viên) sẽ được nhà xuất bản chi hoa hồng từ 30%-45% giá mỗi đầu sách.
Đây là số tiền không hề nhỏ, lên đến hàng tỷ đồng. Lợi ích đằng sau khiến nhiều lãnh đạo tìm cách đẩy càng nhiều sách đến học sinh càng tốt, thậm chí không quan tâm những cuốn sách đó cần thiết hay không.
Nhờ việc đẩy mạnh tiêu thụ theo hệ thống này, NXB Giáo dục Việt Nam dễ dàng nâng sản lượng sách bài tập, sách tham khảo, mặt hàng thuộc mảng kinh doanh chỉ chiếm 40% tổng doanh thu nhưng mang lại 150 tỷ đồng lợi nhuận, sau khi đã bù lỗ 40 tỷ cho mảng SGK.
Luật giáo dục 'mở đường' cho tiêu cực sách giáo khoa Theo TS Lê Viết Khuyến, Luật giáo dục hiện hành "mở đường" cho tiêu cực khi quy định "một chương trình, một bộ sách giáo khoa".
Báo cáo tóm tắt về kết quả khảo sát một số nội dung trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hànhSGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2012-2017 của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mới đây cho biết chiết khấu SGK của NXB Giáo dục Việt Nam lên đến 250 tỷ đồng/năm.
"Việc phát hành SGK giáo dục phổ thông được thực hiện chủ yếu qua hệ thống nội bộ, khép kín của NXB Giáo dục Việt Nam. Hệ thống phát hành SGK giáo dục phổ thông còn cồng kềnh, quy trình phát hành chưa thật hợp lý do phải trải qua nhiều khâu trung gian làm tăng chi phí vận chuyển.
Mức chi chiết khấu SGK giáo dục phổ thông khoảng 250 tỷ đồng năm (tương đương 25% doanh thu hàng năm 1.000 tỷ đồng) là khá cao, chưa phù hợp cơ cấu giá thành, ảnh hưởng lớn đến việc chi trả của học sinh", báo cáo của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu.
Theo Zing
Mức chi chiết khấu phát hành sách giáo khoa khoảng 250 tỷ đồng/năm Mức chi chiết khấu phát hành SGK GDPT khoảng 250 tỷ đồng/năm (tương đương với 25% doanh thu hàng năm 1.000 tỷ đồng) là khá cao, chưa thật phù hợp với cơ cấu giá thành, ảnh hưởng lớn đến việc chi trả của học sinh. Thông tin trên do bà Hoàng Thị Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục,...