Bộ GD-ĐT nói gì về cuộc tranh cãi giữ hay bỏ hệ thống trường chuyên?
Trong cuộc họp báo quý 2 của Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 30-6, đã có rất nhiều phóng viên hỏi quan điểm của Bộ GD-ĐT về cuộc tranh cãi trên mạng xã hội: giữ hay bỏ hệ thống trường chuyên.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành trả lời báo chí về cuộc tranh cãi về trường chuyên, trong cuộc họp báo quý 2 của Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 30-6 – Ảnh: MAI THƯƠNG
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết: “Việc phát triển hệ thống trường chuyên là quan điểm của Đảng và Nhà nước đã được thể hiện trong Luật giáo dục.
Theo đó, Luật giáo dục nêu rõ trường chuyên dành cho những học sinh có kết quả học tập xuất sắc, từ đó phát hiện nhân tài để bồi dưỡng. Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 – 2020 (gọi tắt đề án 959)”.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm: “Bộ GD-ĐT định nghĩa trường THPT trước hết phải là trường thực hiện chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT, được đầu tư sơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tốt, với chương trình học linh hoạt hơn.
Nhưng về cơ bản đào tạo ở trường chuyên là dựa trên nền giáo dục đại trà tốt, sau đó mới phát triển giáo dục “mũi nhọn” để các em học sinh phát triển tài năng của mình.
Trước câu hỏi Bộ GD-ĐT dùng thước đo nào để đánh giá chất lượng trường chuyên, ông Thành trả lời: “Cần hiểu mỗi trường chuyên có thể tuyển 1.500 đến 2.000 học sinh. Từ đó, trường chọn ra những em tốt nhất để vào những lớp chuyên, chọn ra một số em đi thi quốc tế. Khi đã đầu tư trường chuyên thì tập trung đào tạo “phần nhọn” bên trên.
Nếu nhìn vào hệ thống các trường chuyên, ngoài học, còn có rất nhiều loại câu lạc bộ rất phong phú, toàn diện. Các em trường chuyên có kỹ năng mềm rất tốt”.
Ông Thành cũng cho biết khó có thể xã hội hóa trường chuyên vì đây là mô hình nhà nước đầu tư để bồi dưỡng tài năng, hỗ trợ những nhóm yếu thế, để đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Bộ GD-ĐT đang trong quá trình nghiên cứu giải pháp liên thông giữa các trường THPT chuyên với các trường ĐH, hiện chưa có thống kê cụ thể.
“Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy học sinh học ở các trường ĐH có hệ THPT có tỉ lệ đỗ cao vào hệ đào tạo chất lượng cao tại các trường ĐH”, ông Thành nói.
Video đang HOT
Về việc một số trường THPT chuyên vẫn duy trì hệ THCS, ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định theo quy định thì hệ THCS trong trường chuyên không phải là hệ chuyên, chỉ có hệ THPT là chuyên.
Bộ GD-ĐT đang xây dựng kế hoạch tổng kết sau 10 năm thực hiện đề án 959. Bộ đã yêu cầu địa phương báo cáo để cuối năm tổ chức tổng kết, xác định được đến giờ đã đạt được những gì, phát hiện những gì còn bất cập so với xu hướng phát triển của giai đoạn mới.
Sau khi tổng kết, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng đi cho hệ thống trường chuyên. Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã tổ chức nhóm khảo sát bài bản để đánh giá sự phát triển hệ thống trường chuyên trong 10 năm qua.
Nhiều trường chuyên đã bị biến tướng?
Trường chuyên cần phải thay đổi chứ không thể mãi duy trì theo mô hình tổ chức lâu nay.
Ông Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội): Cần xem xét lại hệ thống trường chuyên
Chúng ta hình thành các trường chuyên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Khi đó, đất nước còn nhiều khó khăn, Nhà nước muốn có trường chuyên để tập trung cho một số học sinh triển vọng về một số môn học và tham gia các kỳ thi quốc tế để giới thiệu hình ảnh Việt Nam với thế giới. Do đó, vai trò của trường chuyên rất quan trọng.
Tuy nhiên, giờ đây đất nước đã đến một giai đoạn phát triển khác. Vì vậy, theo tôi cần xem xét lại hệ thống trường chuyên.
Bởi thực ra, từ trước tới nay hầu hết học sinh vào trường chuyên đều là những em rất giỏi và chăm. Nhưng vấn đề đặt ra là mục tiêu đào tạo chuyên của chúng ta thực sự có đạt được không?
Nếu chỉ tập trung luyện cho học sinh các kỹ thuật thi cử, hay để đạt giải cao các cuộc thi thì không phải là cái đích thật sự của giáo dục.
Tôi nghĩ, mục đích thực sự là cần đào tạo ra những con người có khả năng sáng tạo, phát triển được bản thân cũng như phục vụ cho đất nước, không nên tổ chức mô hình như hiện nay.
Thay vào đó, cần tạo điều kiện để các trường đều có điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên được đồng đều. Những giáo viên được cho là giỏi, nòng cốt nên có sự điều động, luân chuyển để xây dựng mặt bằng chung các trường đều tốt.
Chuyện tập trung đào tạo "thợ đi thi quốc tế" đã không còn hợp thời và các nước phát triển cũng không làm như vậy. Nếu vẫn giữ mô hình trường chuyên, cần thay đổi trong việc tuyển chọn học sinh. Tức là ngoài ưu tiên môn chuyên, cần có một tỉ trọng xứng đáng trong đánh giá khả năng ở các môn, lĩnh vực khác để đảm bảo giáo dục toàn diện.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM: Nên tư nhân hóa trường chuyên.
Thứ nhất, việc duy trì trường chuyên, lớp chọn khiến hàng năm chúng ta tốn kém thêm một kỳ thi nhưng chưa trả lời được về hiệu quả. Hiện nay, ở hệ đại học có những lớp tài năng, nhưng chưa có thống kê những em học trường chuyên, lớp chuyên có học tiếp ở đây không.
Thứ hai, việc dồn học sinh giỏi vào một lớp, một trường làm cho giáo dục thiếu sự cộng sinh. Trong lớp cần có đủ cả học sinh giỏi, khá, trung bình và yếu mới có việc "học thầy không tày học bạn".
Thứ ba, nhiều trường chuyên lớn hiện nay đã bị biến tướng khi có cả những lớp không chuyên.
Trường chuyên không nên hưởng bao cấp khi chưa trả lời được câu hỏi "sản phẩm đầu ra" làm được gì cho đất nước? Do vậy, nên tư nhân hóa trường chuyên, để phụ huynh nào muốn thì đăng ký. Thậm chí, có thể thực hiện cổ phần hóa cả trường thường để giảm gánh nặng cho xã hội.
TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Edlab Asia: Mô hình nuôi dưỡng năng khiếu sau khi hết bậc phổ thông còn có điểm phi khoa học.
Cách thức phát hiện năng khiếu ở nước ta hiện nay chủ yếu dựa vào thi cử.
Thường thì học sinh sẽ trải qua một kỳ thi với các môn cơ bản (Toán, Ngữ văn) và môn chuyên. Sau đó, các em đạt điểm cao sẽ được tuyển chọn. Như vậy, em nào trượt rồi thì sẽ rất khó chen ngang để trở thành học sinh chuyên trong các năm sau (trừ khi đợi đến đợt chuyển cấp và thi lại).
Tất nhiên là thế giới cũng có nơi áp dụng mô hình này, nhưng họ cũng có mô hình khác nữa. Trong khi đó, thậm chí có thể nói, mô hình nuôi dưỡng năng khiếu đối với học sinh sau khi hết bậc phổ thông ở nước ta còn có những điểm phi khoa học, vô lý, tiềm ẩn nguy cơ tác động ngược.
Cụ thể, công tác thông tin nghề nghiệp, học tập bậc cao hiện chưa được quan tâm đúng mức. Không có chính sách cấp vĩ mô đủ mạnh để giúp học sinh chuyên nói riêng và học sinh nói chung có cơ hội được trải nghiệm, tiếp xúc với các ngành, nghề phù hợp với năng khiếu cá nhân cũng như các trường đại học có ngành đào tạo tương ứng. Các nỗ lực hiện nay chủ yếu là tự phát và manh mún.
Đồng thời, chính sách tuyển thẳng cho phép học sinh đạt giải quốc gia (chủ yếu là học sinh trường chuyên) có thể đăng ký nhập học bất kỳ chương trình nào ở bậc đại học. Đây là điều phi khoa học và dẫn đến việc nhiều học sinh chọn vào trường chuyên, thi học sinh giỏi không phải là để phát huy năng khiếu của mình mà chỉ để tuyển thẳng đại học. Điều đó thực sự nguy hiểm cho bản thân học sinh cũng như hệ thống đào tạo chuyên.
Hệ thống chuyên ở nước ta hiện nay đang đứng trước bối cảnh rất mới. Từ ngoài vào thì đó là xu thế toàn cầu hóa, sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, cuộc chiến thu hút nhân tài giữa các nước. Từ trong ra thì đó là những yêu cầu mới của nền kinh tế - xã hội, sự xuất hiện ngày càng nhiều của hệ thống trường tư chất lượng cao/trường quốc tế, xu hướng gửi con đi du học ngay ở bậc phổ thông. Gần đây nhất là việc ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông mới và việc có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau.
Trong khi đó, cách làm đào chuyên ở nước ta hầu như không thay đổi lớn trong hàng chục năm. Do đó, đã đến lúc cách làm này cần có những điều chỉnh nhất định.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng ban phụ trách Ban nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: Có nhiều trường chuyên mà không thực là chuyên.
Giáo dục luôn mong muốn bồi dưỡng được tài năng để họ trở thành nhân tài, đóng góp nhiều hơn cho xã hội, đất nước. Vì những lẽ đó, trường chuyên cần được tồn tại, cần được đầu tư đúng nghĩa.
Nhưng làm thế nào để mô hình trường chuyên hoạt động hiệu quả đảm bảo mục đích, sứ mệnh của mình?
Thực tế nhiều trường chuyên còn chưa nhận được sự đầu tư xứng đáng. Sự đầu tư ở đây bao gồm cả chương trình học tập, đội ngũ nhân sự và cơ sở vật chất để hoạt động.
Một thực tế nữa cũng ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của trường chuyên, đó là "tâm lí" của phụ huynh.
Chúng ta không thể phủ nhận "99% của tài năng là do sự lao động chăm chỉ, 1% là năng khiếu bẩm sinh", nhưng nhớ rằng, sự lao động đó phải được thực hiện trong bối cảnh phù hợp cho 1% kia phát triển. Công thức phát hiện, bồi dưỡng tài năng sai rất nguy hiểm. Điều đó không những ảnh hưởng đến đầu vào của mỗi trường chuyên mà còn ảnh hưởng trực tiếp, rất tiêu cực cho sự phát triển của học sinh.
Do đó, để trường chuyên được phát triển đúng nghĩa thì cần thay đổi cách phát hiện, tuyển chọn đầu vào, đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực xứng tầm, phù hợp với chương trình giáo dục dành cho các học sinh có năng khiếu, có biểu hiện tài năng. Hãy làm thật tốt cho những trường hợp cụ thể hơn là đầu tư dàn trải, có nhiều trường chuyên mà không thực là chuyên.
Luyện 'chuyên nhân' Cô giáo chủ nhiệm hồi cấp II của tôi từ 40 năm về trước vừa nhắn, rằng trường cũ sắp đập bỏ xây mới rồi. Thầy cô cũ mời một số cựu học sinh chúng tôi cùng về thăm lại trường xưa, để tranh thủ "níu giữ" kỷ niệm. Ảnh minh họa Vậy là dãy phòng xưa của những lứa lớp chuyên cấp...