Bộ GD-ĐT lý giải việc hàng loạt tỉnh, thành phố cho học sinh nghỉ học chống dịch do virus corona
Tính đến 21h ngày 2/2, cả nước đã có 20 tỉnh/thành phố cho học sinh nghỉ học. Bộ GDĐT cũng đưa ra lý giải vì sao phải xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép học sinh nghỉ học phòng chống dịch corona.
Lí giải về về việc Bộ GDĐT xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cho phép học sinh nghỉ học, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do virus corona của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, vì đây không phải là nghỉ học bình thường mà nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh nên thực hiện theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Tại Điều 6, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã quy định “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong phạm vi cả nước”, “Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm” và “Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo phân cấp của Chính phủ”.
Việc Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định cho phép học sinh nghỉ học là phù hợp với Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Nghị định số 127 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục và đã được cụ thể hóa tại Điều 4 của Quyết định số 2071/QĐ-BGDDT ngày 16/6/2017 Ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2017-2018.
Hà Nội nằm trong 20 tỉnh, thành phố trên cả nước cho học sinh nghỉ học từ ngày 3/2
Ông Nguyễn Thanh Đề cũng cho biết thêm, việc các trường đại học cho phép sinh viên được lùi thời gian nhập học sau tết là phù hợp với Luật Giáo dục đại học trong đó thể hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.
Bộ GDĐT tiếp tục chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học thực hiện nghiêm túc Công điện số 43 của Bộ trưởng về công tác phòng chống dịch, văn bản hướng dẫn số 260, 265 của Bộ và các hướng dẫn của ngành Y tế về công tác phòng chống dịch.
Được biết, Bộ GD-ĐT vừa có công văn hỏa tốc đến các Sở GD-ĐT và các trường ĐH cả nước triển khai quyết liệt một số biện pháp để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona, chủ động ứng phó trong trường học.
Video đang HOT
Trong đó các trường cần chủ động theo dõi, nắm tình hình cán bộ, giảng viên, sinh viên, học sinh đã đến vùng có dịch trong thời gian qua. Được biết, hiện các trường phổ thông ở Hà Nội đều đã chủ động đưa ra khảo sát về việc đi lại, tiếp xúc của phụ huynh học sinh trong thời gian nghỉ Tết vừa qua, từ đó có các lưu ý, theo dõi, quản lý các đối tượng liên quan đến vùng dịch.
Đặc biệt Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục quản lý chặt chẽ lưu học sinh nước ngoài, yêu cầu thực hiện các biện pháp kiểm tra y tế hoặc xuất trình kết quả kiểm tra y tế để đảm bảo an toàn; trong trường hợp cần thiết cần phải cách ly và có biện pháp theo dõi, chăm sóc đặc biệt theo đúng khuyến cáo của WHO và chỉ đạo chuyên môn của ngành Y tế.
Bộ GDĐT yêu cầu báo cáo kịp thời những trường hợp bất thường ở địa phương về Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Corona của Bộ GDĐT. Bộ GDĐT đã thiết lập số điện thoại đường dây nóng của Bộ để tiếp nhận mọi thông tin liên quan đến việc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra: 078.678.3535
Theo anninhthudo
Tự ý nghỉ học vì dịch do nCoV, quy định cho phép nghỉ tối đa bao nhiêu buổi?
Học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông nếu nghỉ quá 45 buổi học trong năm thì sẽ bị lưu ban.
Ngày 1/2/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
Một số tỉnh thành đã quyết định cho học sinh nghỉ học một tuần.
Điển hình như Thành phố Cần Thơ quyết định cho nửa triệu học sinh, sinh viên trên địa bàn được nghỉ học thêm một tuần để phòng chống dịch bệnh do vi rút Corona.
Ảnh minh họa: Vũ Phương.
Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, thành phố khác, học sinh, sinh viên vẫn đi học bình thường.
Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng trước nguy cơ dịch bệnh đã tự ý cho con của họ nghỉ học.
Chị Nguyễn Thị Huyền - Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, dù tất cả các trường học trên địa bàn thành phố đã phun khử trùng trong ngày 1 và 2/2 nhưng chị vẫn quyết định sẽ tạm thời cho con nghỉ học.
"Con gái tôi có tiền sử bệnh viêm phế quản. Sức đề kháng của bé không được tốt như học sinh khác. Đặc biệt, trường học của cháu dịp Tết nguyên đán vừa rồi có nhiều trẻ được bố mẹ cho đi du lịch nước ngoài.
Vì thế, vợ chồng tôi bàn bạc quyết định cho con tạm nghỉ học một tuần", chị Huyền cho biết.
Để con không hổng kiến thức, hàng ngày chị sẽ trao đổi với giáo viên về nội dung giảng dạy ở lớp để kèm con thêm.
"Không cho con nghỉ thì không yên tâm nhưng cho nghỉ thì lại phải nhờ ông bà ở quê lên trông. Cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn vì vi rút Corona", chị Huyền nhận định.
Vì nhà trường vẫn tổ chức học bình thường nên chị Huyền và nhiều phụ huynh tự ý cho con nghỉ cũng bày tỏ băn khoăn là học sinh nghỉ bao nhiêu buổi thì sẽ bị lưu ban. Bởi ngoài nghỉ đột xuất do dịch bệnh, thi thoảng trong năm, con chị cũng phải nghỉ do bị ốm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Thông tư số 58 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh Trung học cơ sở và học sinh Trung học phổ thông nêu rõ, học sinh nếu nghỉ quá 45 buổi học trong năm học (nghỉ có phép hoặc không phép liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại) thì sẽ không đủ điều kiện lên lớp.
Theo Thông tư 41 /2010/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Trường Tiểu học thì không nêu rõ học sinh tiểu học được nghỉ tối đa bao nhiêu buổi.
Thông tư có nêu về quy định về đánh giá, xếp loại học sinh bậc tiểu học.
Theo đó, Trường Tiểu học tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh trong quá trình học tập và rèn luyện theo Quy định về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; tổ chức cho giáo viên bàn giao chất lượng giáo dục học sinh cuối năm học cho giáo viên dạy lớp trên của năm học sau.
Học sinh học hết chương trình tiểu học có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được Hiệu trưởng trường tiểu học xác nhận trong học bạ Hoàn thành chương trình tiểu học.
Đối với cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục tiểu học, học sinh học hết chương trình tiểu học có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Hiệu trưởng trường tiểu học được giao trách nhiệm bảo trợ cơ sở giáo dục đó xác nhận trong học bạ Hoàn thành chương trình tiểu học.
Đối với học sinh do hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đến trường, theo học ở cơ sở khác trên địa bàn, học sinh ở nước ngoài về nước, được Hiệu trưởng trường tiểu học nơi tổ chức kiểm tra cấp giấy xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học.
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ quản lý giáo dục bậc tiểu học tại Hà Nội (đề nghị không nêu tên) cho biết, ở bậc tiểu học không có quy định cụ thể về việc học sinh nghỉ bao nhiêu buổi thì bị lưu ban.
Tuy nhiên, nếu học sinh nghỉ nhiều có thể sẽ bị đánh giá vào ý thức và ảnh hưởng đến các phẩm chất, năng lực. Bởi học sinh nghỉ nhiều nếu không được dạy bù chắc chắn việc tiếp nhận các kiến thức, các chương trình được dạy trong thời gian đó sẽ bị hổng.
Đỗ Thơm
Theo giaoduc.net
ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trang bị súng đo thân nhiệt phòng corona Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết trường đã chuẩn bị nhiều biện pháp phòng, chống dịch corona khi sắp đón hàng chục nghìn sinh viên quay lại học sau kỳ nghỉ Tết. Chiều 30/1, trao đổi với Zing.vn, PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết trường đã thành lập đội phản ứng...