Bộ GD-ĐT lưu ý về bài thi tổ hợp trong buổi thi sáng 8/7
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, nhấn mạnh những điều cần lưu ý nhắc nhở, giám sát thí sinh khi làm bài thi tổ hợp vào sáng nay 8/7.
Ông Nguyễn Hữu Độ đặc biệt lưu ý công tác coi thi ở bài thi tổ hợp (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) trong buổi sáng 8.7, vì đây là bài thi có tới 3 môn thành phần nên công tác coi thi, phát đề thu bài rất phức tạp. Giám thị phải nhắc nhở kỹ thí sinh (TS) về thời gian làm bài của từng môn thành phần, phải tô mã đề của 3 môn trong bài thi tổ hợp cùng 1 mã đề để không ảnh hưởng đến quá trình chấm thi bằng phần mềm với bài thi trắc nghiệm.
Cũng trong buổi thi tổ hợp sẽ có không ít TS tự do chỉ thi 1 hoặc 2 môn thành phần của bài thi này. Do vậy, các điểm thi cần bố trí phòng chờ cho TS. Phòng chờ này cũng phải có sự giám sát nghiêm ngặt, đảm bảo TS không sử dụng tài liệu, điện thoại hoặc các vật dụng không được phép mang vào phòng thi…
Nhiều hội đồng thi hiện nay đang áp dụng hình thức giao đề 1 lần và thu bài thi 1 lần, nghĩa là trước ngày thi giao toàn bộ đề thi đến từng điểm thi 1 lần và chỉ thu và vận chuyển bài thi của TS 1 lần sau khi kết thúc môn thi cuối cùng.
Do vậy các điểm thi có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong khâu bảo quản đề thi và bài thi của TS. Theo quy định, khu vực bảo quản này phải có sự giám sát của lực lượng an ninh và camera 24/7. Ông Độ nhấn mạnh các điểm thi phải liên tục kiểm tra hệ thống máy nổ, máy lưu điện để đảm bảo camera giám sát thông suốt, kể cả trong trường hợp mất điện.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Hữu Độ cũng đề nghị ban chỉ đạo thi các địa phương cần có phương án kiểm tra đột xuất vào buổi đêm ở các điểm thi để đảm bảo việc bảo quản đề thi, bài thi của TS diễn ra tuyệt đối an toàn, đúng quy định.
Thí sinh cần nhớ, đã đăng ký bài thi tổ hợp nào thì chỉ được làm bài thi tổ hợp đó, không được làm cả hai bài thi tổ hợp. Bởi đã có năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí sinh được làm cả hai bài tổ hợp, nên cần ghi nhớ điều này ở kỳ thi năm nay để tránh nhầm lẫn.
Một lưu ý khác là ngay khi đến điểm thi, thí sinh cần xem kỹ sơ đồ phòng thi, bởi việc được chọn bài thi tổ hợp sẽ khiến số lượng thí sinh dự thi ở từng bài thi khác nhau, nên phòng thi cũng sẽ thay đổi, dù thí sinh vẫn chỉ có duy nhất một số báo danh.
Lưu ý xây dựng các tổ hợp môn phù hợp khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 10
Ngày 14/4, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đã đi kiểm tra việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác dự giờ Toán lớp 2 được dạy theo chương trình GDPT mới tại trường tiểu học Tiền Phong A, huyện Mê Linh (Hà Nội). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Đoàn đã trực tiếp dự giờ, thăm lớp học tại các trường học của huyện Mê Linh và làm việc với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố dưới hình thức trực tuyến tại điểm cầu UBND huyện Mê Linh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trao đổi, đặt câu hỏi cùng học sinh lớp 2 trường tiểu học Tiền Phong A, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (Hà Nội). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tính đến ngày 13/4, thành phố có 100% các trường đã tổ chức dạy học trực tiếp, số học sinh tham gia đạt 93,79% ở cấp Tiểu học; 95,12% ở cấp Trung học Cơ sở và 96,46% ở cấp Trung học Phổ thông.
Công tác tổ chức dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1, lớp 2 và lớp 6 có nhiều thuận lợi do đây là năm thứ 2 triển khai, giáo viên có tâm thế, kinh nghiệm hơn. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng, vận hành kho học liệu điện tử để hỗ trợ cho giáo viên, cha mẹ học sinh. Dù thời gian dạy học trực tuyến khá dài, song các nhà trường đều khẳng định chất lượng gáo dục đạt yêu cầu.
Để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 từ năm học 2022-2023, các nhà trường đang tích cực chuẩn bị điều kiện cần thiết, trọng tâm là về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu trong hội nghị báo cáo tình hình năm học 2021 - 2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng, với tinh thần chủ động, linh hoạt, thích ứng, các trường học ở Hà Nội đã triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đạt chất lượng, bảo đảm tiến độ. Thành phố Hà Nội đạt nhiều kết quả ấn tượng, tiêu biểu về số lượng trường chuẩn quốc gia; số học sinh đoạt giải trong các kỳ thi cấp quốc gia, quốc tế; tiên phong trong việc xây dựng mô hình trường chất lượng cao...
Nhấn mạnh yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan dù dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các trường học trên địa bàn thành phố tiếp tục hỗ trợ học sinh, tận dụng tối đa "thời gian vàng" khi học sinh được học trực tiếp để tổ chức dạy học bảo đảm chất lượng.
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10, Thứ trưởng yêu cầu ngành Giáo dục Hà Nội chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, trong đó lưu ý việc xây dựng các tổ hợp môn phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở từng nhà trường. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần tổ chức khảo sát nhu cầu lựa chọn các tổ hợp môn của học sinh đang học lớp 9. Trên cơ sở này, các trường Trung học Phổ thông xây dựng các tổ hợp môn phù hợp với tinh thần đáp ứng tối đa nhu cầu học tập của học sinh, hoàn thành chậm nhất vào đầu tháng 5/2022 và công khai với học sinh. Đồng thời, các nhà trường cần chuẩn bị đội ngũ cán bộ tư vấn hướng nghiệp để hỗ trợ tốt nhất cho học sinh.
Chia sẻ về phía các trường, bà Lê Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Kim Liên cho biết: Nhà trường đã chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, xây dựng cấu trúc chương trình nội dung giáo dục theo các tổ hợp. Các nhà trường trong cụm Đống Đa đã bàn bạc, xây dựng các tổ hợp tối ưu nhất để đưa ra các phương án phù hợp với thế mạnh của các trường giúp học sinh và phụ huynh nghiên cứu, lựa chọn.
Bà Lương Quỳnh Lan, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Sơn Tây cho rằng, khi triển khai chương trình mới, có thể đội ngũ giáo viên sẽ thừa thiếu cục bộ. Do đó, nhà trường dự kiến đưa ra các tổ hợp, tư vấn giúp học sinh lựa chọn tổ hợp tối ưu nhất, phù hợp với điều kiện của trường.
Ông Tạ Đăng Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Tiền Phong chia sẻ: Tất cả giáo viên trong trường đang trong tâm thế sẵn sàng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10. Nhà trường đã tổ chức nghiên cứu chương trình khung để nắm bắt định hướng tự bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu. Thời gian tới, nhà trường sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến học sinh về việc lựa chọn tổ hợp, cùng với đó, đánh giá đội ngũ giáo viên của nhà trường để xây dựng môn tổ hợp. Khi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ thăm dò nguyện vọng của học sinh theo các ban. Hướng của nhà trường sẽ liên kết, trao đổi với các trường trong huyện để sử dụng trao đổi giáo viên số môn có giờ vượt quá tiêu chuẩn.
Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ diễn trong hai ngày 7 và 8-7. Đến nay, các địa phương đã hoàn tất các khâu để chuẩn bị cho kỳ thi. Sáng 4-7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc dẫn đầu đoàn công tác của bộ đã có buổi làm việc với Sở GD&ĐT TP.HCM về công tác chuẩn bị kỳ thi...