Bộ GD-ĐT khẳng định thi giáo viên dạy giỏi không còn phù hợp
Bộ GD-ĐT khẳng định tình trạng ‘diễn’ trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi là có thật, do chính nội dung và cách thức tổ chức kỳ thi không còn phù hợp.
Những thông tin phản ánh chân thực về kỳ thi này từ chính giáo viên (GV) là dịp tốt để Bộ thay đổi việc đánh giá GV trong thời gian tới.
Cách thức thi tạo cơ hội để gv… “diễn”
Ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho hay về thông tin phản ánh học sinh (HS) yếu kém ở một số trường phải nghỉ ở nhà, dù không có căn cứ khẳng định việc này nhưng việc tổ chức hội thi có sự sắp xếp lại sĩ số HS tại lớp học có tổ chức tiết dạy thi thực hành là chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.
Công văn chấn chỉnh, lưu ý một số vấn đề liên quan đến tổ chức hội thi GV dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên của Bộ nhấn mạnh: “GV dự thi không được tập dượt dạy thử, dạy trước với HS; không được “gà bài” trước cho HS; khi thao giảng cần phải giữ nguyên trạng số lượng HS của lớp…”.
Ông Tài cung cấp thông tin: Khảo sát thực tế tại cụm thi Trường tiểu học TT.Tiên Lãng (H.Tiên Lãng, TP.Hải Phòng) và trao đổi trực tiếp với GV cho thấy GV rất mong muốn có sự điều chỉnh, bổ sung các nội dung tại Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT về Điều lệ thi GV dạy giỏi, để hội thi diễn ra một cách nhẹ nhàng, thực chất, giảm áp lực cho GV tham gia dự thi và công tác tổ chức.
Thực tế cho thấy, nội dung và hình thức thi GV dạy giỏi không còn phù hợp: sáng kiến kinh nghiệm không thiết thực, có tình trạng sao chép; bài kiểm tra năng lực nặng về sách vở, có bộ đề cho trước dẫn tới luyện thi, ôn thi; thi thực hành 2 tiết, trong đó có 1 tiết thực hành, 1 tiết tự chọn đều được chuẩn bị trước, dẫn tới tình trạng “diễn” trong các hội thi. Bên cạnh đó, đối tượng và điều kiện tham dự hội thi GV dạy giỏi các cấp cũng cần được đánh giá lại, điều chỉnh cho phù hợp để không gây áp lực cho GV khi tham gia dự thi. Việc sử dụng kết quả của hội thi trong đánh giá xếp loại của đơn vị và cá nhân cần phải được nghiên cứu áp dụng cho phù hợp, tránh gây áp lực không cần thiết về thi đua và bệnh thành tích… “Những ý kiến này đã được tổ công tác chúng tôi ghi nhận và tiếp thu để tham mưu cho Bộ trưởng”, ông Tài khẳng định.
Bộ nên dũng cảm bỏ kỳ thi GV dạy giỏi
Video đang HOT
“Một việc làm tốn nhiều thời gian, công sức nhưng ý nghĩa thậm chí nhỏ hơn con số 0 như thế thì không nên duy trì”
Trần Mạnh Tùng (GV Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội)
Ông Vũ Văn Lương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương, cho biết thực hiện tinh thần thay đổi của Bộ GD-ĐT về thi GV dạy giỏi nên tỉnh cũng nhấn mạnh cần tăng cường chỉ đạo, theo dõi việc tổ chức các cuộc thi trong năm 2019 theo kế hoạch của Sở đảm bảo nghiêm túc, chất lượng. Đặc biệt, thi GV giỏi các cấp đảm bảo quy trình chặt chẽ, khách quan, tôn vinh người xứng đáng, khích lệ phong trào thi đua dạy tốt học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Ông Trần Mạnh Tùng, GV Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), tha thiết đề nghị Bộ GD-ĐT sớm sửa đổi Thông tư 21, dũng cảm bỏ kỳ thi GV dạy giỏi như hiện nay để thay thế bằng cách đánh giá GV thực chất và khoa học hơn. Ông Tùng chỉ ra hàng loạt bất cập, tiêu cực của kỳ thi này và cho rằng tất cả những điều đó đều bộc lộ rất rõ ràng, đến cả HS cũng nhận ra. “Một việc làm tốn nhiều thời gian, công sức nhưng ý nghĩa thậm chí nhỏ hơn con số 0 như thế thì không nên duy trì”, ông Tùng thẳng thắn nói.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục TP.Hà Nội, cho rằng chính vì bệnh thành tích quá nặng khiến cho cả trường lẫn GV dối trá quanh co, cuối cùng HS là người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Theo ông Lâm, chất lượng giáo dụccủa mỗi nhà trường phổ thông không thể đánh giá bằng danh hiệu thi đua. GV dạy giỏi không phải qua một vài giờ lên lớp nặng về trình diễn mà đòi hỏi sự phát triển liên tục, không chỉ đảm bảo theo quy chuẩn được kiểm tra đánh giá nghiêm ngặt mà còn đòi hỏi phải luôn cải tiến, đổi mới cho phù hợp với đối tượng HS luôn thay đổi hằng năm.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch hội đồng Trường phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), việc sửa đổi Thông tư 21 là cần thiết để tránh hình thức, phô trương. Tuy nhiên, từ tinh thần chỉ đạo của Bộ đến cấp sở, cấp phòng và đến mỗi trường học là cả một quá trình. Ví dụ, Bộ GD-ĐT từ lâu đã chỉ đạo giảm áp lực hồ sơ sổ sách cho GV nhưng vì sao GV vẫn không được giảm tải? Vì các đoàn kiểm tra từ cấp sở, phòng đến lãnh đạo các trường vẫn làm theo cách cũ khiến GV sợ không dám thay đổi. Do vậy, theo ông Hòa, tính chủ động của mỗi nhà trường là rất quan trọng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có văn bản chỉ đạo mang tính pháp lý từ cấp Bộ thì mỗi GV và nhà trường không thể hoặc rất khó thay đổi.
Bà Phạm Thị Kim Anh, Viện Nghiên cứu sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), chỉ ra rằng GV hiện nay rất áp lực, mệt mỏi vì các kỳ thi và danh hiệu nhưng GV nào không chạy theo guồng máy thành tích thì bị coi là cá biệt, có biểu hiện chống đối. Trên ép xuống, dưới ép lên, xã hội ép vào, HS một bên, nhà trường một bên… Cả hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay tựa như một trường đua mà đích đến là đủ thứ danh hiệu gắn liền với cá nhân, với tập thể. Vì thế, GV phải chạy theo thành tích, dù vẫn biết bệnh thành tích là nguyên nhân dẫn đến “thầy không ra thầy – trò không ra trò”, thậm chí phải đồng lõa với cái xấu trong nghề làm thầy.
Theo thanhnien
Học sinh yếu không được vào lớp ở Hải Phòng: Bộ GD&ĐT lập tổ công tác rà soát
Trước việc một số trường học ở Hải Phòng cho học sinh có học lực yếu ở nhà trong thời gian tổ chức thi giáo viên giỏi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa chỉ đạo tổ công tác tiến hành kiểm tra, rà soát ngay, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, làm căn cứ sửa đổi thông tư 21/2010/TT-BGDĐT.
Dư luận đang xôn xao về tin nhắn của một giáo viên Trường tiểu học Lê Hồng Phong, Hải Phòng, gửi cho các phụ huynh với nội dung: " Thứ 4 (9/11) đến thứ 6 (11/1), Sở GD&ĐT tổ chức hội thi giáo viên giỏi thành phố tại trường. Học sinh được giáo viên chủ nhiệm lựa chọn tham gia các tiết dạy của giáo viên dự thi có mặt tại trường theo sự dặn dò của giáo viên chủ nhiệm. Học sinh khác nghỉ học. Trân trọng!"
Việc một số học sinh phải ở nhà, do không được lựa chọn để tham dự lớp học thi giáo viên giỏi cấp thành phố khiến nhiều người bất bình.
Chiều 12/1, Bộ GD&ĐT đã thông tin đến báo chí về sự việc.
Thông tin một số trường học ở Hải Phòng cho học sinh có học lực yếu ở nhà trong thời gian tổ chức thi giáo viên giỏi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo một tổ công tác tiến hành kiểm tra, rà soát ngay.
Theo đó, thông tin một số trường học ở Hải Phòng cho học sinh có học lực yếu ở nhà trong thời gian tổ chức thi giáo viên giỏi, Bộ trưởng đã chỉ đạo một tổ công tác tiến hành kiểm tra, rà soát ngay địa bàn này để kịp thời chấn chỉnh, làm căn cứ cho việc sửa đổi Thông tư 21/2010/TT-BGDĐT, ngày 20/7/2010 Ban hành Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Được biết, thời gian qua, để giảm áp lực của đội ngũ giáo viên từ quy định hồ sơ, sổ sách tới một số hội thi, cuộc thi giáo viên giỏi thiếu thiết thực và hiệu quả, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ tổ chức kiểm tra, rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giáo viên và tình hình thực tế tại các địa phương.
Việc rà soát này, nhằm làm căn cứ để chỉnh sửa, bổ sung các quy định đã cũ, không còn phù hợp.
Hiện Bộ GD&ĐT đang trong quá trình rà soát, sửa đổi Thông tư 21 theo hướng thiết thực, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học có chất lượng; khắc phục triệt để việc áp dụng các quy định một cách máy móc, hình thức, gây lãng phí và tạo áp lực cho giáo viên.
Dự kiến trong thời gian tới, dự thảo Thông tư 21 sửa đổi sẽ được đăng tải trên mạng để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trước khi ban hành.
Bộ GD&ĐT cũng đang tích cực rà soát để cắt giảm các quy định về sổ sách, hồ sơ của giáo viên.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đang tích cực rà soát để cắt giảm các quy định về sổ sách, hồ sơ của giáo viên và sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất để có những điều chỉnh về tiêu chí thi đua trong năm 2019, bảo đảm thực chất, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục.
Trước đó, trong chuyến công tác lắng nghe tâm tư nguyện vọng của giáo viên tỉnh Yên Bái cuối năm 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: "Các cuộc thi, hội thi dạy giỏi cũng đang gây áp lực lớn cho giáo viên.
Nhiều cuộc thi mang tính hình thức. Thi đua dạy tốt học tốt là việc cần có trong mỗi nhà trường nhưng phải tốt thật, thiết thực chứ không phải gây áp lực theo hướng xấu.
Từ năm ngoái, Bộ đã cắt giảm rất nhiều cuộc thi nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát để cố gắng đưa thi đua thành việc thiết thực và hiệu quả".
Trong các bài trả lời phỏng vấn báo chí đầu năm 2019, người đứng đầu ngành Giáo dục tiếp tục khẳng định sẽ trả lại cho giáo viên thời gian làm việc chuyên môn bằng việc rà soát cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa hồ sơ, sổ sách cho giáo viên và tiếp tục cắt giảm các cuộc thi, hội thi thiếu thiết thực và hiệu quả.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Giáo viên giáo dục đặc biệt: Sẽ quy định năng lực cần thiết Từ sự việc đứa trẻ bị buộc dây vào cửa sổ do có biểu hiện rối loạn hành vi, cảm xúc đã bộc lộ bất cập: nhiều nơi trẻ khuyết tật, nhất là trẻ có dấu hiệu tự kỷ, chưa được quan tâm đúng mức. Cô giáo Trung tâm hy vọng kiên trì dạy tiếng Việt cho một trẻ mắc chứng tự kỷ...