Bộ GD-ĐT điều chỉnh thời gian kết thúc năm học ở những nơi dịch Covid-19 phức tạp
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết ở những địa phương dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ sẽ điều chỉnh thời gian kết thúc năm học, thậm chí phương pháp thi hết cấp, đầu cấp, thi tốt nghiệp THPT.
Theo khảo sát nhanh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), việc tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới 2021-2022 gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều nơi tổ chức dạy học trực tuyến chưa hiệu quả, do hệ thống đường truyền Internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học miễn phí chất lượng không tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập…
Thống kê sơ bộ, TP HCM còn thiếu 77.000 máy tính để học trực tuyến, nhiều tỉnh vùng khó khăn có từ 50%-70% học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, nhiều thôn bản không có mạng Internet… Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết ở những địa phương dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ sẽ có điều chỉnh về thời gian kết thúc năm học, thậm chí phương pháp thi hết cấp, đầu cấp, thi tốt nghiệp THPT
Bộ GD-ĐT cũng cho biết trong 48 tỉnh, thành phố tổ chức khai giảng năm học mới 2021-2022, đã có 14.010 trường tổ chức học trực tiếp, 11.419 trường tổ chức học trực tuyến, 8.719 trường chưa tổ chức dạy học. Hầu hết các địa phương tập trung ưu tiên dạy học cho các lớp cuối cấp (lớp 9 và lớp 12). Số giáo viên, học sinh thuộc diện F0, F1 còn nhiều, chưa kể số giáo viên, học sinh đang ở các khu cách ly y tế cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức dạy và học ở một số địa phương.
Video đang HOT
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa chủ trì cuộc làm việc với Bộ GD-ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Khuyến học Việt Nam, đại diện các đài truyền hình, kênh truyền hình Trung ương… bàn giải pháp đẩy mạnh dạy học trực tuyến, trên truyền hình chiều 8-9. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, dạy học trực tuyến là phương thức chính, dạy học trên truyền hình là phương thức bổ trợ quan trọng nhất, riêng lớp 1, lớp 2 thì dạy học trên truyền hình sẽ là trọng tâm. Trước mắt giáo viên không thực hiện kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học trực tuyến hoặc trên truyền hình đối với học sinh lớp 1, lớp 2.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã tổ chức xây dựng video bài giảng (dạy trên truyền hình) cho môn học các lớp 1, 2 và 6 (hiện đang phát hành Tiếng Việt và Tiếng Anh lớp 1). Đối với các lớp còn lại (3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12), Bộ lên phương án tổng hợp các nguồn bài giảng hiện có ở địa phương, kết hợp điều phối, phân công địa phương và xã hội hóa việc sản xuất bài giảng, Bộ hỗ trợ thẩm định bài giảng. Bên cạnh đó, những nơi khó khăn về dạy học trực tuyến, trên truyền hình, các nhà trường sẽ thực hiện phát phiếu học tập đến học sinh để đảm bảo việc học không bị gián đoạn. Đối với bậc học mầm non, Bộ GD-ĐT tổ chức xây dựng ngân hàng video clip để phụ huynh hướng dẫn, giáo dục trẻ ở nhà.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định tất cả những địa phương có dịch bệnh diễn biến phức tạp thì Bộ sẽ có điều chỉnh về thời gian kết thúc năm học, thậm chí phương pháp thi hết cấp, đầu cấp, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho học sinh, không để các em thiệt thòi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD-ĐT khẩn trương biên soạn học liệu trực tuyến cho lớp 2 và lớp 6 theo chương trình, sách giáo khoa mới. Bộ GD-ĐT cần làm việc trực tiếp với các đài truyền hình, kênh truyền hình. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu 1 môn học, lớp học phải có ít nhất 2 khung giờ phát bài giảng truyền hình trong một ngày, nhất là bậc tiểu học. Việc áp dụng phương thức dạy học trực tuyến hoặc trên truyền hình phải gắn với đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, đặc biệt là trong thi cử, nhất là các kỳ thi phục vụ cho việc chọn trường ở các lớp đầu cấp, để bảo đảm quyền lợi cho học sinh.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cần tiếp tục chú trọng giảm tải khi thiết kế các chương trình học trực tuyến, học trên truyền hình, nhất là ở bậc tiểu học theo hướng “học mà chơi, chơi mà học”, có hướng dẫn chi tiết việc tổ chức giờ giảng trực tuyến tránh hình thức, hời hợt hoặc quá căng thẳng.
Tiếp tục nỗ lực bảo đảm công bằng trong giáo dục, không chỉ giữa các vùng miền mà cả những nơi có dịch và không có dịch, nhất là đối tượng học sinh nghèo ở vùng có dịch. Vận động, kêu gọi cộng đồng, xã hội hỗ trợ trang thiết bị, công cụ học tập cho học sinh nghèo trong điều kiện có dịch bệnh. Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng bảo đảm đường truyền phục vụ cho dạy, học trực tuyến.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Mỗi trường học là một pháo đài chống dịch
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị mỗi trường học là một pháo đài chống dịch; mỗi giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên là một chiến sĩ để chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19.
Chiều 1-9, Bộ GD-ĐT đã tổ chức phát động phong trào thi đua đặc biệt "Toàn ngành giáo dục đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021-2022".
Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị toàn ngành tập trung vào 4 nội dung quan trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị mỗi trường học là một pháo đài chống dịch, mỗi giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên là một chiến sĩ
Một là mỗi trường học, mỗi cơ sở giáo dục là một pháo đài chống dịch. Tập thể lãnh đạo nhà trường chủ động, sáng tạo xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp linh hoạt nhằm ứng phó với dịch bệnh và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm học 2021-2022. Chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo để hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh và đáp ứng yêu cầu chuyển trạng thái hoạt động trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Bảo đảm trường học an toàn, tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến với nhiều hình thức, phương pháp sáng tạo, lôi cuốn, đem lại hứng thú cho học sinh, sinh viên. Có nhiều hình thức thiết thực để hỗ trợ các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, biểu dương kịp thời những tấm gương học sinh vượt khó, vươn lên trong học tập rèn luyện.
Hai là mỗi giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên là một chiến sĩ. Từng cá nhân thực hiện đồng bộ, đầy đủ các yêu cầu của ngành y tế và chính quyền địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các giáo viên, giảng viên tích cực thi đua xây dựng hệ thống bài giảng chất lượng tốt, sản xuất các bài giảng video, kho học liệu điện tử chia sẻ theo hướng tạo lập kho dữ liệu mở dùng chung toàn ngành, tăng tính thích ứng, khả năng tự học và trải nghiệm đối với người học. Ra sức thi đua đổi mới sáng tạo, có thêm nhiều công trình nghiên cứu, sản phẩm khoa học có giá trị thực tiễn, tham gia vào hoạt động phòng chống dịch bệnh, cứu chữa cho người dân.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mong muốn các giáo viên, giảng viên tích cực thi đua xây dựng hệ thống bài giảng chất lượng tốt, sản xuất các bài giảng video, kho học liệu điện tử để chia sẻ cho toàn ngành
Ba là các cơ quan quản lý giáo dục các cấp phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, giữ gìn kỷ cương, tinh thần đoàn kết thống nhất, ưu tiên cao nhất mọi nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế và chính quyền địa phương, đồng thời quan tâm công tác bảo đảm chất lượng, hiệu quả giáo dục. Chủ động, sáng tạo xây dựng kế hoạch năm học và hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức triển khai linh hoạt. Chú trọng công tác động viên, khích lệ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, nhân viên, học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh nâng cao ý thức công dân, tự giác, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và chung sức, đồng lòng hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bốn là đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục, đơn vị trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm an toàn cho người học và giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục, không để xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh trong nhà trường. Phối hợp tốt với ngành y tế tổ chức tiêm phòng cho học sinh khi có điều kiện. Tích cực triển khai các hoạt động chăm lo sức khỏe học đường, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, rèn luyện thể dục thể thao, nâng cao khả năng kháng dịch của cán bộ và học sinh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết Bộ GD-ĐT sẽ ban hành kế hoạch để triển khai phong trào thi đua. Người đứng đầu ngành giáo dục đề nghị Giám đốc Sở GD-ĐT, thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm trong cả nước quan tâm chỉ đạo, cụ thể hoá các nội dung trên thành kế hoạch cụ thể của địa phương, đơn vị mình với những nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, sáng tạo để tổ chức thực hiện, thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu kép trong năm học 2021-2022.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Theo đuổi mục tiêu chất lượng, đảm bảo an toàn cho thầy và trò Ngày mai (28/8), dưới sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020 - 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022. Trước thời điểm này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã trả lời phỏng vấn của...