Bộ GD-ĐT báo cáo Quốc hội lý do sách giáo khoa lớp 1 mới đắt gấp đôi sách cũ
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về những vấn đề lùm xùm xung quanh sách giáo khoa thời gian vừa qua.
Bộ GD-ĐT cho biết sẽ trình Quốc hội đưa SGK vào danh mục bình ổn giá – ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Giá cao hơn do khổ to, giấy tốt, mực tốt…
Báo cáo dài 7 trang, với 2 nội dung chính là về vấn đề chương trình, sách giáo khoa mới nói chung và về bộ sách Cánh Diều nói riêng.
Về vấn đề chung, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình 3 nội dung chính: giá sách giáo khoa (SGK) mới đắt hơn, có tình trạng ép học sinh mua sách tham khảo và chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 nặng.
Về giá, Bộ GD-ĐT cho biết, giá của bộ SGK lớp 1 mới cao hơn khoảng 2 lần so với giá bộ SGK lớp 1 cũ (các bộ SGK lớp 1 mới có giá từ 179.000-194.000 đồng/bộ, khoảng 19.000/cuốn; bộ SGK lớp 1 cũ có giá 54.000 đồng, khoảng 9.000 đồng/cuốn). Có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này, theo Bộ GD-ĐT
Thứ nhất là nội dung SGK lớp 1 mới có số trang nhiều hơn, khổ sách rộng hơn SGK lớp 1 cũ (để cụ thể hóa yêu cầu cần đạt về phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh theo chương trình mới, đòi hỏi có ngữ liệu, nhất là các hình ảnh được sử dụng bảo đảm yêu cầu thể hiện rõ ràng, chi tiết các nội dung cần biểu đạt để giáo viên tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động học tích cực trong dạy học).
Thứ hai, để thể hiện tốt hơn nội dung SGK, giúp học sinh tiếp nhận thông tin, kiến thức (nhất là đối với các hình ảnh cần màu sắc) đáp ứng yêu cầu của phương pháp dạy học tích cực, SGK lớp 1 mới được in 4 màu (trong khi SGK lớp 1 cũ chỉ in 2 màu) nên đòi hỏi giấy in SGK phải tốt hơn (về độ trắng và định lượng giấy); mực in phải bảo đảm chất lượng.
Thứ ba là các bộ SGK lớp 1 mới được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, không được trợ cấp một phần chi phí (đối với thù lao tác giả và kinh phí tổ chức biên soạn, thực nghiệm) như SGK lớp 1 cũ.
Video đang HOT
Bộ Tài chính đã thẩm định giá, nhưng các cấu thành giá SGK (nguyên vật liệu, nhân công) vẫn phải bảo đảm các chi phí theo quy định và không có sự hỗ trợ nào từ ngân sách nhà nước đối với các chi phí này. Điều này khiến giá thành SGK lớp 1 mới cao hơn so với giá thành SGK lớp 1 cũ.
Trình Quốc hội đưa SGK vào mặt hàng bình ổn hoặc do Nhà nước định giá
Bộ GD-ĐT cũng lý giải, theo quy định của luật Giá, SGK thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá, không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá.
Tuy nhiên, xác định SGK là mặt hàng thiết yếu, có ảnh hướng đến nhiều gia đình, nhất là những hộ nghèo, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá nhằm tăng cường vai trò điều tiết của Nhà nước đối với SGK hồi tháng 1 và tháng 3 vừa qua.
Chính phủ đã báo cáo ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc này. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu trình Quốc hội quyết định việc đưa SGK vào danh mục hàng hóa bình ổn giá (hoặc do Nhà nước định giá).
Trước khi trình Quốc hội cho ý kiến, Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo các nhà xuất bản biên soạn SGK thực hiện các nội dung sau:
Tinh giản nội dung không cần thiết để giảm số trang SGK, tiết kiệm chi phí trong các khâu xuất bản, phân phối SGK (lớp 2, lớp 6 và các lớp tiếp theo) để giảm giá thành SGK.
Quán triệt nghiêm việc biên soạn SGK sử dụng được nhiều lần (hạn chế học sinh viết, vẽ, làm bài tập trực tiếp vào SGK); khuyến khích học sinh giữ gìn SGK, đóng góp vào các thư viện trường học để học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn, sử dụng miễn phí.
Tiếp tục có chính sách hỗ trợ SGK cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng dân tộc thiểu số.
Có chế tài mạnh hơn với việc “ép” học sinh mua sách tham khảo
Về việc “ép” học sinh mua sách tham khảo, Bộ GD-ĐT cho biết, để quản lý, sử dụng sách tham khảo đúng mục tiêu giáo dục, bảo đảm hiệu quả, không gây áp lực, quá tải đối với học sinh, Bộ đã có quy định giáo viên không được sử dụng sách tham khảo để dạy học và kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu của chương trình; không được “ép” học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.
Tuy nhiên, một số nhà trường ở một số địa phương vẫn để xảy ra tình trạng giáo viên lập danh mục sách tham khảo kèm theo SGK gửi cho cha mẹ học sinh để đăng ký mua “tự nguyện”, gây băn khoăn trong dư luận.
Để tăng cường hơn nữa các quy định về việc sử dụng sách tham khảo trong dạy học ở các nhà trường, Bộ GD-ĐT đang rà soát, chỉnh sửa Thông tư 21 để quản lý chặt chẽ hơn, trong đó nghiêm cấm việc “ép” học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào và có chế tài mạnh hơn đối với các trường hợp vi phạm.
Về phản ánh của nhiều phụ huynh là chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 “nặng”, Bộ GD-ĐT lý giải nguyên nhân “một phần là do chương trình mới, với quan điểm học sinh đọc thông viết thạo sẽ học tốt hơn các môn học khác, đã cơ cấu thời gian đầu của cấp tiểu học học sinh học Tiếng Việt nhiều hơn so với chương trình 2006″.
Bên cạnh đó, năm học 2020 – 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình mới trong bối cảnh Covid-19, nên học sinh chưa có điều kiện được làm quen và giáo viên phải tập huấn trực tuyến là chính, ít có thời gian tương tác, thực hành về nghiệp vụ trước khi dạy học theo chương trình, SGK mới.
Tuy vậy, qua thực tế khảo sát tại một số địa phương, bên cạnh một số giáo viên còn gặp khó khăn trong việc dạy môn học này, nhiều giáo viên bước đầu áp dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh cho biết tổng lượng âm, vần dạy cho học sinh vẫn như cũ, số tiết lại nhiều hơn (tăng 2 tiết/tuần so với chương trình cũ), học giãn ra nên về bản chất là giảm tải, thuận lợi hơn cho giáo viên tố chức dạy, nhất là đối với những học sinh tiếp thu khó khăn hơn.
Bộ cho biết thời gian tới sẽ tăng cường chỉ đạo, tổ chức tập huấn chuyên môn; chỉ đạo các nhà xuất bản, các tác giả SGK thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để kịp thời hỗ trợ địa phương và giáo viên khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mới.
Minh bạch trong làm sách
Cho dù Bộ GDĐT đã chỉ đạo có biện pháp khắc phục những sai sót về SGK lớp 1 chương trình GDPT mới, song mối quan tâm đến việc chỉnh sửa SGK, cũng như việc rút kinh nghiệm cho những bộ sách tiếp theo ra sao vẫn đang là mối quan tâm của dư luận.
Ảnh minh họa
Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thu Trang- Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, việc xuất bản, áp dụng giảng dạy bộ SGK lớp 1 có một số bất cập gây áp lực cho cả học sinh và phụ huynh, đặc biệt về khối lượng kiến thức và sự lãng phí khi không thể tái sử dụng.
Cụ thể, số đầu sách cho mỗi bộ sách quá nhiều (với 23 đầu sách), khối lượng kiến thức nhiều, nhất là một số kiến thức xa rời thực tiễn và chưa phù hợp với độ tuổi; nhiều phụ huynh nghèo, nhất là gia đình vùng nông thôn, miền núi gặp nhiều khó khăn trong việc mua sách do chi phí khá cao; sự thích nghi của giáo viên và học sinh với chương trình mới còn nhiều hạn chế.
Bộ GDĐT phải tổ chức đánh giá nghiêm túc, khoa học, khách quan và có giải pháp khắc phục những hạn chế trên để làm cơ sở cho việc triển khai biên soạn, thẩm định, xuất bản và áp dụng các bộ SGK các lớp, cấp học khác.
Không phải chờ cho đến kỳ họp Quốc hội lần này, từ trước đó cử tri đã bày tỏ sự bức xúc trước thông tin hơn 16 triệu USD được thiết kế vay Ngân hàng thế giới (WB) để biên soạn 1 bộ SGK nhưng sau đó Bộ GDĐT báo cáo không thực hiện được.
Dư luận đặt băn khoăn số tiền này được sử dụng để làm gì? Bởi cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã có 5 bộ SGK lớp 1 được Bộ tổ chức thẩm định và phê duyệt, việc biên soạn bộ SGK riêng của Bộ là không cần thiết, gây lãng phí lớn, làm ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa giáo dục...
Theo lý giải của Bộ GDĐT, hiện nay Bộ không tiếp tục biên soạn một bộ SGK, do đó, muốn nhận được hỗ trợ kinh phí thì phải tái cấu trúc, tái phân bổ nguồn kinh phí đó. Bộ GDĐT sẽ phải tính toán sẽ sử dụng vào việc gì cho phù hợp trong việc triển khai chương trình mới. Do vậy, khoản kinh phí này vẫn trong tài khoản của WB.
Đại diện Bộ GDĐT khi trao đổi với báo chí về vấn đề này đã cho biết: Số tiền 16 triệu USD thực chất là đang trên kế hoạch thiết kế, nhưng khi thực hiện các đầu việc thấy hợp lý, khả thi thì mới được WB giải ngân. Chứ không phải là Bộ GDĐT đã được nhận số tiền 16 triệu USD và không làm SGK thì thừa ra làm việc khác. Tất cả mọi việc thực hiện theo mục tiêu của Dự án và sự giám sát chi tiêu của Bộ Tài chính và WB.
Như vậy, việc biên soạn SGK tới đây sẽ tiếp tục theo tinh thần xã hội hóa. Từ kinh nghiệm của bộ sách lớp 1 Cánh Diều, bài học quan trọng nhất rút ra là thẩm định SGK cần phải làm bài bản, minh bạch hơn. Tránh tình trạng như năm nay, bản thảo được bảo mật nên ngoài các tác giả và hội đồng thẩm định thì không ai biết nội dung SGK thế nào.
Đến khi in ấn xong rồi, SGK cũng không được phát hành sớm tại nhà sách như các năm trước nên phụ huynh muốn mua cũng không có. Các chuyên gia cũng phải rất khó khăn mới có được sách để tham khảo và lựa chọn. Đặc biệt về phía các tác giả, quy trình tổ chức biên soạn SGK cần phải khoa học và nghiêm túc hơn nữa. Nếu không, những sai sót đáng tiếc sẽ là không tránh khỏi.
Sách giáo khoa... bản vá Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều vừa làm dư luận hết sức phẫn nộ bởi rất nhiều vấn đề về nội dung. Những sai sót, ngô nghê, câu từ không phù hợp, không rõ ngữ nghĩa trải dài từ đầu sách đến cuối sách. Một cuốn sách giáo khoa được coi như cán cân chuẩn mực, lại là sách...