Bỏ chính sách miễn học phí, sinh viên sư phạm mừng hay lo?
SV sư phạm được vay tín dụng để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học; được hưởng chính sách học bổng khuyến khích học tập, các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội quy định. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng nói trên.
PGS. TS. Nguyễn Kim Hồng. Ảnh: VGP/Gia Mỹ
Đó là một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục vừa được Bộ GD&ĐT trình Quốc hội nhằm thay thế chính sách miễn học phí đối với học sinh, sinh viên (HS, SV) sư phạm như hiện nay.
Nhiều ý kiến tán thành đề xuất đổi mới này vì cho rằng ít nhiều sẽ giúp người học có trách nhiệm hơn để phấn đấu học tập tốt hơn.
Là người công tác trong môi trường giáo dục sư phạm từ những ngày đầu triển khai chính sách miễn học phí cho SV đến nay, PGS. TS. Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TPHCM đã có một số ý kiến trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về vấn đề này.
Thưa ông Nguyễn Kim Hồng, quan điểm của ông như thế nào về đề xuất thay chính sách miễn học phí cho SV sư phạm bằng chính sách tín dụng học phí mà Bộ GD&ĐT vừa đề xuất trong tờ trình Quốc hội?
PGS. TS. Nguyễn Kim Hồng: Không thể ngay lập tức nói chính sách nào hay hơn chính sách nào nhưng theo tôi, đây là sự thay đổi hợp lý, ít nhất là trong thời điểm này. Chính sách miễn học phí dành cho SV sư phạm ra đời khoảng 20 năm nay. Trong 5 năm đầu, nhờ chính sách ấy mà nhiều trường sư phạm đã thu hút được nhiều SV khá, giỏi và kết quả là chúng ta có một thế hệ “giáo viên vàng” với chất lượng giáo dục ổn định.
Tuy nhiên, càng về sau chính sách này càng thể hiện nhiều điểm bất cập. Để được vào học miễn phí tại trường sư phạm, SV phải cam kết sau khi ra trường sẽ phục vụ trong ngành giáo dục. Nhưng thực tế cho thấy đâu phải SV sư phạm nào tốt nghiệp cũng có thể làm giáo viên (GV) hoặc phụ vụ cho ngành giáo dục.
Có nhiều lý do dẫn đến điều này như việc tuyển dụng chẳng hạn. Đơn vị tuyển dụng GV lại không phải thuộc ngành giáo dục và chính sách tuyển dụng cũng khác, có nơi còn phát sinh tiêu cực nên gây khó cho SV sư phạm mới ra trưởng.
Vì vậy nhiều SV vì hoàn cảnh khó khăn vẫn cố vào sư phạm nhưng ra trường lại làm ngành khác và lúc này, chính sách đâu còn đúng mục đích nữa. Theo tôi việc thay đổi chính sách như đề xuất của Bộ GD&ĐT, trước tiên sẽ hạn chế được một lượng không nhỏ SV vào học sư phạm nhưng không muốn làm trong ngành giáo dục.
Vậy đây có phải là chìa khóa để giải quyết mọi bất cập đang tồn tại hiện nay, thưa ông?
Video đang HOT
PGS. TS. Nguyễn Kim Hồng: Chính sách tín dụng học phí cho SV sư phạm là cần thiết nhưng không phải là giải pháp cho bài toán giải quyết chất lượng người thầy, chất lượng giáo dục phổ thông. Nếu chúng ta không có HS phổ thông loại khá, giỏi ham thích ngành giáo dục thì chắc chắn sẽ không có thế hệ GV giỏi như mong đợi. Khi đó có thu hút nhiều cũng chưa chắc có được người tài.
Do vậy, muốn đào tạo được đội ngũ GV chất lượng cao trong thời gian tới, cùng với những hỗ trợ trong trường sư phạm thì ngành GD&ĐT cần có những chính sách đi kèm như: Chính sách về thu nhập cho GV, chính sách về việc nâng cao vị thế cho người thầy. Bên cạnh đó, việc triển khai chính sách mới cần có lộ trình chứ không thể nói là làm ngay. Đối với SV đang theo học sư phạm, chúng ta cần giữ chính sách cũ nhằm tránh xáo trộn không đáng có.
SV sư phạm sẽ chịu tác động như thế nào từ việc thay đổi chính sách học phí, thưa ông?
PGS. TS. Nguyễn Kim Hồng: Việc đi học theo hình thức vay tín dụng học phí sẽ buộc SV ngành sư phạm phải nâng cao trách nhiệm bản thân. Từ trước đến nay nếu vào học trường sư phạm là xong và không phải lo gì cả. Vì học xong không phục vụ cho ngành giáo dục cũng chẳng sao vì tiền học Nhà nước đã chịu rồi.
Nếu áp dụng chính sách tín dụng học phí, Nhà nước sẽ trả nợ thay trong điều kiện SV học tốt và có được việc làm trong ngành giáo dục. Khi vay học phí chắc chắn SV sẽ phấn đấu nhiều hơn so với hiện nay. Các trường sư phạm cũng phải tính suất đào tạo khác đi để nâng cao chất lượng đầu ra.
Thế nhưng, giải quyết được đầu ra cho SV học tốt mới là điều cần bàn. Nếu vẫn để xảy ra tiêu cực trong khâu tuyển dụng GV như hiện nay thì không được. Chất lượng đầu vào, đầu ra bảo đảm thì phải tính đến việc tạo việc làm cho SV sư phạm ngay sau khi họ tốt nghiệp.
Còn những khó khăn mà SV cũng như các trường sư phạm phải đối mặt nếu loại bỏ chính sách miễn học phí là gì?
PGS. TS. Nguyễn Kim Hồng: Theo tôi, có khó nhất hiện nay chính là tỉ lệ rủi ro của SV sư phạm sau khi ra trường, đặc biệt là SV sống tại khu vực nông thôn.
Cả nước hiện nay có tới 62% người sống tại khu vực nông thôn với mức thu nhập thấp. Nhu cầu về nguồn lực GV tại nông thôn lại cao hơn đô thị. Vì điều kiện kinh tế và nhu cầu thị trường lao động nên từ trước đến nay nhiều HS phổ thông khu vực nông thôn chọn vào trường sư phạm để học.
Nay thay đổi chính sách, nếu sức học không thuộc loại khá, giỏi, ra trường không kiếm được việc làm thì rủi ro với nhóm SV này là rất cao bởi chi phí học tập 4 năm liền không hề nhỏ.
Bản thân các trường sư phạm cũng sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng từ việc thay đổi chính sách học phí. Trước mắt sẽ khó tuyển sinh trong vài năm. Thế nhưng đây là điều không đáng lo vì cùng với việc không tuyển sinh ồ ạt và siết chất lượng đào tạo, đầu ra của SV sư phạm sẽ cải thiện hơn nhiều. Chỉ tiêu thấp hơn, SV ra trường ít hơn thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm.
Xin cảm ơn ông
Theo Baochinhphu.vn
Miễn học phí sư phạm không còn hấp dẫn
Điều quan trọng với sinh viên sư phạm không hẳn là được miễn học phí, mà là cơ hội việc làm sau khi ra trường.
ảnh minh họa
Xoay quanh đề xuất bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm, Báo đã ghi nhận thêm ý kiến của các chuyên gia.
TS Lê Viết Khuyến (nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT):
Tìm việc là nỗi ám ảnh
Khoảng 20 năm trước, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm ra đời, rất phù hợp với tình cảnh khó khăn của ngành sư phạm khi đó: nhu cầu giáo viên rất lớn, trong khi học sinh không muốn vào ngành sư phạm.
Với chính sách này, ngành sư phạm lên ngôi khi có nhiều thí sinh giỏi chọn lựa, điểm chuẩn nhiều trường sư phạm tăng cao. Tuy nhiên, thời hoàng kim đó đã qua rồi.
Gần đây, việc tuyển sinh ngành sư phạm gặp nhiều khó khăn. Không phải do học sinh - nhất là học sinh giỏi - không muốn vào ngành sư phạm, mà điều cả xã hội e ngại chính là học sư phạm ra rất khó xin được việc làm.
Sinh viên không còn tha thiết với ưu đãi học phí, vì lo lắng cho tương lai phía trước. Không phải học phí, mà chính việc làm mới là nỗi ám ảnh của sinh viên và gia đình.
Vì vậy, đã đến lúc thấy rõ chính sách miễn học phí không còn đủ hấp dẫn và không còn nhiều ý nghĩa với người học.
Thay vào đó, nên nghiên cứu áp dụng chính sách cho vay với sinh viên sư phạm, theo cơ chế đặc thù hơn các ngành khác: nếu sau tốt nghiệp các em tình nguyện về vùng sâu vùng xa dạy học thì có thể xóa nợ.
Về mặt quản lý nhà nước cũng cần phải thay đổi: nên chấm dứt việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm theo kiểu "bốc thuốc" như hiện nay. Cần có quy hoạch mạng lưới rõ ràng, đưa ra chỉ tiêu đào tạo sát với nhu cầu tuyển dụng giáo viên hằng năm của các địa phương.
TS Đỗ Hồng Cường (phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Đô):
Miễn phí mãi không tốt
Với bất cứ chương trình học nào, nếu được miễn phí thì tâm thế, động lực của người học cũng không tốt. Trên thực tế, việc miễn học phí đi kèm với cam kết sinh viên sư phạm tốt nghiệp phải làm việc trong ngành GD-ĐT.
Tuy nhiên, việc kiểm soát thực hiện cam kết này chúng ta lại không làm được. Những sinh viên ra trường làm nghề khác cũng không ai biết để yêu cầu hoàn trả học phí.
Do đó, nên thay chính sách miễn học phí bằng chính sách tín dụng ưu đãi cho sinh viên và các chính sách ưu đãi khác, nếu muốn thu hút người giỏi và nâng chất lượng đào tạo sư phạm.
Nếu sinh viên được vay tiền để học tập, các em sẽ phải có trách nhiệm hoàn trả sau khi ra trường. Nhà nước chỉ nên miễn phí phần lãi suất vay.
Ngoài ra, cần có sự đổi mới đào tạo sư phạm mang tính hệ thống. Ví dụ, phải rà soát để có bức tranh tổng thể các trường sư phạm, từ đó đầu tư có trọng điểm, chứ không dàn trải như thời gian qua.
Hiện nay, chi phí đào tạo trên đầu sinh viên thấp, nên nhiều trường bù lại bằng cách tuyển nhiều, khiến cho chất lượng đầu vào không được chọn lọc.
Nhưng nếu mạng lưới trường sư phạm được quy hoạch lại, được đầu tư tương xứng thì các trường sẽ phải thay đổi, tuyển sinh chọn lọc, đầu tư tốt hơn cho điều kiện đào tạo, và có cam kết rõ ràng về chất lượng đầu ra, để xã hội tin tưởng.
Bên cạnh đó, các chính sách liên quan tới tuyển dụng, đãi ngộ, môi trường làm việc đối với giáo viên cũng phải thay đổi thì mới thực sự có sức hút đối với người tài vào ngành sư phạm.
Theo TTO
Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục: Sinh viên sư phạm ra làm đúng ngành sẽ được xóa khoản vay học phí Học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định thì được xóa khoản vay này. Đó là nội dung sửa đổi của Luật Giáo dục đối với chính sách...