Bỏ biên chế: Kinh nghiệm từ ngôi trường có tới 60% giáo viên hợp đồng
Nghiêm túc, công tâm, minh bạch trong công tác tuyển dụng sẽ tạo cho mỗi giáo viên niềm tin rằng biên chế không phải “bùa hộ mệnh” mà dựa trên sự toàn tâm, toàn lực, sáng tạo.
“Không biên chế, cùng với việc công khai bộ tiêu chí đánh giá năng lực thường xuyên, nhiều giáo viên đã bỏ cuộc ngay từ vòng đầu vì tự thấy bản thân chưa đáp ứng được yêu cầu mà nhà trường đặt ra.
Nghiêm túc, công tâm, minh bạch trong công tác tuyển dụng sẽ tạo cho mỗi giáo viên niềm tin rằng biên chế không phải là ‘bùa hộ mệnh’ mà chỉ có sự toàn tâm, toàn lực, sáng tạo và phấn đấu không ngừng mới có thể tồn tại vững vàng”.
Đó là tinh thần xuyên suốt cuộc trao đổi của thầy giáo Hà Xuân Nhâm – hiệu trưởng trường THPT Chất lượng cao Phan Huy Chú – Đống Đa, Hà Nội – quanh chủ đề đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thời gian gần đây – Chủ trương thí điểm bỏ công chức, viên chức giáo viên.
Hiệu trưởng không có cơ hội thành ‘vua một cõi’
Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa (Hà Nội) những năm gần đây được đánh giá là một trong những cơ sở giáo dục khẳng định được vị thế, uy tín tại Hà Nội, là địa chỉ tin cậy đối với phụ huynh và học sinh, được công nhận là trường Chất lượng cao của thủ đô Hà Nội. Điều đặc biệt là nhà trường hiện chỉ có 40% giáo viên biên chế, còn lại 60% giáo viên trong diện hợp đồng.
Với vấn đề nêu trong Dự thảo thí điểm xóa bỏ công chức, viên chức trong giáo dục của Bộ GD&ĐT, thầy Hà Xuân Nhâm chia sẻ: Đây là định hướng rất tốt cho sự phát triển của mỗi nhà trường nói riêng và của ngành giáo dục nói chung.
Thầy giáo Hà Xuân Nhâm – hiệu trưởng trường THPT Chất lượng cao Phan Huy Chú – Đống Đa, Hà Nội.
Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa phát triển trên cơ sở một trường Công lập tự chủ tài chính. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Ban Giám hiệu nhà trường phấn đấu khẳng định vai trò lãnh đạo, tạo niềm tin, động lực cho đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường cùng phấn đấu vì mục tiêu chung.
Từ thực tiễn hoạt động của nhà trường, thầy Hà Xuân Nhâm khẳng định với đặc thù của tự chủ, lãnh đạo nhà trường mà cương vị được nhắc đến với cụm từ đầy lo ngại của dư luận thời gian gần đây – “vua một cõi” hoàn toàn không tồn tại mà ngược lại, vị “vua” đó phải ra sức trao niềm tin, tạo động lực để có thể “lấy lòng” các “thần dân”.
Về bí quyết giữ chân giáo viên hợp đồng và tạo động lực để giáo viên gắn bó lâu dài với nhà trường, thầy Hà Xuân Nhâm cho biết: “Nhà trường có một bộ tiêu chí gồm 25 tiêu chí, áp dụng cho tất cả các thầy cô giáo, không phân biệt biên chế hay hợp đồng, mỗi thầy cô giáo trước khi vào trường, trước thềm mỗi năm học đều được tiếp cận và thấm nhuần.
Bộ tiêu chí này sẽ được điều chỉnh theo từng năm học để phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế. Mỗi tháng, mỗi kỳ, mỗi năm được đưa ra để bình xét thi đua và các thầy cô đều tâm phục, khẩu phục”.
Thầy Nhâm nhấn mạnh rằng để vận hành và phát triển tốt với một lực lượng đông đảo giáo viên không biên chế, thực ra chẳng có bí quyết gì gì to tát, vấn đề cốt lõi làm nên thành công là sự công tâm, công bằng, minh bạch trong đánh giá đối với mỗi giáo viên.
Người đứng đầu nhà trường phải luôn ý thức rằng, mọi nỗ lực đều phải hướng tới một mục đích cao nhất đó là lợi ích của học sinh. Người tác động trực tiếp đến lợi ích đó là đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp và gián tiếp là Ban Giám hiệu.
Video đang HOT
Bởi vậy, ngược trở lại quá trình đó, chính hiệu trưởng, ban Giám hiệu nhà trường phải tạo được niềm tin, khơi dậy đam mê cống hiến, sáng tạo trong mỗi thầy cô giáo, tạo nên khối đoàn kết thống nhất và cùng mang lại những điều tốt đẹp nhất cho học sinh.
Một nhà trường “không biên chế” sẽ tạo rất nhiều áp lực và trách nhiệm cho Hiệu trưởng. Họ sẽ không thể thiên vị cho bất cứ đối tượng nào ngoài việc phải tạo ra cơ chế tốt nhất để giữ chân và phát huy hết khả năng của các giáo viên giỏi nghề và tâm huyết. Uy tín và chất lượng giáo dục của nhà trường là yếu tố “sống còn” để duy trì và phát triển nhà trường.
Bên cạnh đó, hàng năm, nhà trường tổ chức lấy ý kiến học sinh ít nhất 2 lần. Học sinh có quyền đánh giá đến mọi đối tượng trong nhà trường từ hiệu trưởng đến các bác lao công. Dựa vào các thông tin thu thập được, nhà trường và mỗi giáo viên sẽ có điều chỉnh phù hợp để đem đến cho học sinh những gì tốt nhất.
Công tâm, minh bạch, khách quan luôn là tiêu chí của tất cả các hoạt động này. Mọi phản hồi, đánh giá của học sinh hoặc giáo viên đánh giá lẫn nhau đều được sử dụng triệt để và linh hoạt, song vẫn giữ được tính bảo mật, riêng tư.
Dựa vào những thông tin phản hồi, nếu có những tiêu chí nào chưa đạt yêu cầu, các thầy cô giáo sẽ được trao đổi riêng và được tạo điều kiện để tự điều chỉnh mình hoặc học hỏi thêm các đồng nghiệp để khắc phục.
Bên cạnh đó, những thầy cô được đánh giá hoàn thành tốt trên 75% các tiêu chí thì sẽ được nhận phần thưởng danh dự là “nhà giáo được học sinh tin yêu”, phần thưởng này không có giá trị về mặt vật chất nhưng là sự vinh danh, sự tin tưởng của học trò đối với thầy cô giáo của mình.
Tất cả góp phần tạo cho giáo viên tâm lý yên tâm cống hiến hết khả năng của mình cho công việc.
Đào thải tự nhiên là tất yếu của phát triển
Thầy Hà Xuân Nhâm tự hào chia sẻ rằng tại trường THPT Chất lượng cao Phan Huy Chú – Đống Đa gần như không có sự phân biệt giáo viên biên chế hay hợp đồng. Tất cả thầy cô giáo đều được bình đẳng như nhau trong đánh giá, trong thu nhập và khi lên lớp thì đều hết mình với mỗi bài giảng, hết mình vì học sinh.
“Chúng tôi cẩn trọng từ khâu tuyển chọn, tôn trọng và tạo điều kiện tối đa để giáo viên cống hiến và phát huy năng lực của mình khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Bộ 25 tiêu chí được đội ngũ cán bộ chủ chốt cùng nhau nghiên cứu, góp ý và xây dựng, có chỉnh sửa và bổ sung hàng năm là ‘bộ lọc’ ban đầu.
Nhiều ứng viên khi tham khảo bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại đã không đủ can đảm để tham gia các bước tiếp theo. Vậy nên, mỗi giáo viên của trường đều xác định, nếu đứng yên là đồng nghĩa với tụt hậu nên đều chung ý thức phấn đấu để khẳng định giá trị bản thân”, thầy Nhâm nói.
Các giáo viên phấn khởi nhận phần thưởng danh dự “Nhà giáo được học sinh tin yêu” .
Trăn trở về những bất cập còn tồn tại nhiều năm trong các nhà trường công lập hiện nay – nơi mà phần lớn là giáo viên biên chế, thầy Nhâm cho rằng: Lâu nay chúng ta đang ngủ quên trong sự trì trệ mà người chịu thiệt thòi nhiều nhất là học trò.
Sự cố gắng, nỗ lực của mỗi người thầy không những đem lại cho học trò những kiến thức của từng bộ môn mà học trò còn học được ở đó sự cố gắng, nỗ lực của các thầy cô giáo, từ đó có một thái độ sống tích cực, tinh thần làm việc nghiêm túc và nhiều hơn thế nữa…
Bên cạnh đó, chủ trương xóa bỏ biên chế nếu được thực hiện sẽ tác động ngược trở lại chính quá trình đào tạo từ các trường Sư phạm. Vận mệnh mỗi người là do chính họ tạo nên.
Sinh viên muốn có việc làm tốt và cuộc sống đảm bảo thì phải trau dồi kiến thức, kỹ năng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, phấn đấu không chỉ để có kiến thức toàn diện, tấm bằng đẹp mà phải có kỹ năng thực sự, có thể lan tỏa đam mê tới các học sinh.
Vấn đề dư luận đặt câu hỏi, nếu xóa bỏ công chức, viên chức thì các giáo viên đã trong biên chế, cống hiến nhiều năm thì ra sao?
Thầy Hà Xuân Nhâm cho rằng được tạo điều kiện làm việc như nhau, cùng môi trường cống hiến thì vấn đề là mỗi cá nhân phải tự khẳng định được thương hiệu và giá trị riêng để chứng minh vai trò của mình, bắt kịp xu thế phát triển chung để không bị tụt hậu.
Quá trình này tự nhiên sẽ giữ lại và nhân lên những nhân tố tích cực và sự đào thải là tất yếu, điều đó đúng ở tất cả các ngành nghề, không riêng gì trong giáo dục.
Quá trình công tác tại một ngôi trường tự chủ tài chính, thầy Nhâm tự hào khi nghe các giáo viên chia sẻ, họ rất mãn nguyện với công việc hiện tại.
Quá trình thi đua giảng dạy, cạnh tranh công bằng, sự gắn bó và ổn định, thành quả được thể hiện ở chất lượng học sinh đầu ra… tất cả đủ để chứng minh với gia đình và bạn bè rằng mình hoàn toàn có một công việc ổn định, hoàn toàn sống được bằng năng lực của mình khi bản thân luôn luôn cố gắng và nỗ lực.
Theo Kim Thoa / Giáo Dục & Thời Đại
Giải cứu giáo viên: 'Chúng tôi không ăn mày trên mồ hôi của phụ huynh'
"Giải pháp này của TS Lê Trường Tùng được gọi là hay nhưng tôi thấy lòng tự trọng và nhân cách của giáo viên bị xem thường", một giáo viên cho hay.
TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT - từng nêu quan điểm nhất định phải tăng lương cho giáo viên để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Bởi lẽ, giáo viên chính là lực lượng xung kích thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Giải pháp giải cứu TS Lê Trường Tùng đưa ra là mỗi học sinh tiểu học đóng góp 100 nghìn đồng/tháng vào Quỹ, tạm gọi là Quỹ Giải cứu Giáo viên tiểu học, hoặc Quỹ Khuyến dạy. Số tiền này sẽ dành toàn bộ để bổ sung cho thu nhập giáo viên.
Giải cứu giáo viên: "Chúng tôi không ăn mày trên mồ hôi của phụ huynh".
Chia sẻ về đề xuất "giải cứu giáo viên", cô Nguyễn Hương T. - giáo viên trường Tiểu học Ngô Gia Tự (Gia Lâm, Hà Nội) - cho hay: "Trước hết tôi rất cảm ơn TS Lê Trường Tùng vì sự quan tâm của ngài với giáo viên chúng tôi, nhất là giáo viên tiểu học.
Ai cũng biết nghề giáo chúng tôi vất vả trong khi thu nhập lại thấp. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã phải làm những nghề phụ như buôn bán, cắt may để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.
Khi mà gánh nặng mưu sinh đè lên đôi vai chúng tôi, chúng tôi sao còn sức để mà tâm huyết, để nghiên cứu và cống hiến. Đúng là chúng tôi rất mong muốn được mọi người cảm thông, chia sẻ với những khó khăn vất vả của nghề.
Tuy nhiên, sự thương hại thì chúng tôi không cần. Dù sao, giáo viên cũng là nghề cao quý, chúng tôi có kiến thức nên không cần sự giải cứu như giải cứu dưa hấu hay giải cứu lợn.
Giải pháp này của TS Lê Trường Tùng được gọi là hay nhưng tôi thấy lòng tự trọng và nhân cách của giáo viên chúng tôi bị xem thường. Chúng tôi không phải ăn mày trên mồ hôi công sức của phụ huynh học sinh".
Đồng tình với quan điểm trên, thầy Nguyễn Anh T. (giáo viên tiểu học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng) cho hay: "Chúng tôi đi làm bằng mồ hôi công sức, bằng tình yêu với nghề với học trò và hãy để nhà nước trả thế nào để xứng đáng với những gì mà chúng tôi bỏ ra. Chúng tôi không cầu mong sự thương hại của mọi người.
Tôi có đứa em gái cũng đang dạy tại điểm trường của huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) mấy năm nay. Mỗi lần về, em gái đều nói trường nó đang thuộc diện khó khăn, số phụ huynh là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo còn nhiều.
Vì thế, học sinh được nhà nước hỗ trợ 90.000 đồng/tháng mà nhiều nhà còn không muốn cho con đi học vì quá nghèo.
Vậy mà giờ thêm đề xuất này chắc phụ huynh cho con nghỉ học luôn. Hơn nữa, giáo viên cũng là người lao động, cống hiến chất xám thì tại sao lại cần cả xã hội phải chung tay giải cứu?
Nói đến cụm từ "giải cứu giáo viên" tôi bỗng thấy chạnh lòng quá. Tôi tin nhiều giáo viên khác cũng khó khăn nhưng nếu là sự bố thí thì chúng tôi không cần.
Xin hãy cứ mạnh tay loại bỏ những giáo viên thiếu trách nhiệm, đánh mất tư cách, phẩm chất đạo đức nhà giáo để mang lại công bằng cho chúng tôi chứ đừng có những việc làm để giáo viên chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm thế này.
Cái chúng tôi cần là sự phát triển của xã hội, sự tận tụy với thế hệ mai sau... và nhìn vào thành quả của mình để ngẩng cao đầu nhận ưu đãi của nhà nước. Bởi lẽ, đó là công sức mà chúng tôi đáng được hưởng".
Chị Phan Thu Huyền (Định Công, Hà Nội) - một phụ huynh - cũng không đồng tình với giải pháp TS Lê Trường Tùng đề xuất: "Tôi là phụ huynh của 2 đứa con nên tôi thấu hiểu nghề giáo cũng có nhiều khó khăn, lại áp lực.
Việc cân đối lại mức lương để giáo viên được ổn định cuộc sống, chuyên tâm với nghề là điều cần thiết. Tuy nhiên, đó là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, của Nhà nước chứ tại sao lại đổ lên đầu phụ huynh học sinh?
Cá nhân tôi thấy đề xuất mỗi học sinh đón 100 nghìn đồng/tháng để "giải cứu giáo viên" là vô lý. Đề xuất này còn khiến nhiều giáo viên bị tổn thương lòng tự trọng, họ là những kỹ sư tâm hồn cơ mà? Tại sao lại xếp họ ngang với giải cứu lợn và giải cứu dưa hấu?".
Theo Hoàng Thanh / Infonet
Bỏ biên chế: 'Bộ trưởng nên đối thoại với giáo viên' Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, đề xuất đổi mới biên chế nên thực hiện thí điểm từ Bộ GD&ĐT. Thông tin Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại buổi tiếp xúc cử tri tại Bình Định sẽ thí điểm bỏ biên chế trong ngành giáo dục được xã hội quan tâm....