Bỏ biên chế: ‘Bộ trưởng nên đối thoại với giáo viên’
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, đề xuất đổi mới biên chế nên thực hiện thí điểm từ Bộ GD&ĐT.
Thông tin Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại buổi tiếp xúc cử tri tại Bình Định sẽ thí điểm bỏ biên chế trong ngành giáo dục được xã hội quan tâm. Thạc sĩ Trần Trung Hiếu có bài viết thể hiện quan điểm về vấn đề này.
Trong quá trình đổi mới toàn diện ngành giáo dục, con người luôn là vấn đề cốt lõi. Thông tin sẽ bỏ ngành biên chế của Bộ trưởng GD&ĐT có ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, tâm tư, tình cảm, công ăn việc làm, miếng cơm manh áo, của hơn một triệu cán bộ, giáo viên, công nhân viên trên toàn quốc.
Nếu thực hiện, bỏ biên chế sẽ giúp các trường có nhiều quyền tiếp nhận và sử dụng lao động, đồng thời cũng tạo cho giáo viên trẻ quyền lựa chọn môi trường, cơ quan công tác. Đó là sự cạnh tranh lành mạnh. Phương án này cũng sẽ triệt tiêu thói quen không tốt của nhiều giáo viên khi cho rằng mình đã vào biên chế là luôn an toàn, không lo quy luật đào thải.
Thế nhưng, nhiều điều trăn trở được đặt ra. Đó là Bộ GD&ĐT sẽ nghĩ gì và hành xử như thế nào khi những cán bộ quản lý, giáo viên đã công hiến nhiều năm trong nghành, đã được biên chế và hưởng lương từ ngân sách sẽ không còn là viên chức, công chức?
Chế độ, chính sách về lương bổng, các danh hiệu, thành tích trong cơ quan trường học, cơ sở giáo dục của họ sẽ như thế nào?
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử trường THPT Phan Bội Châu, Nghệ An. Ảnh: NVCC.
Còn những cán bộ quản lý, giáo viên kém cỏi về mặt trình độ quản lý, chuyên môn, tệ hại về nhân cách đạo đức liệu có bị ra khỏi guồng “biên chế” không khi họ là những “con ông này, cháu bà kia”?
Video đang HOT
Ai là người có quyền tiếp nhận, tuyển dụng giáo viên và ai là người ký quyết định hủy bỏ hợp đồng?
Hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp về” hiện nay có rất nhiều ở các cơ quan hành chính sự nghiệp, đâu chỉ có trong nghành giáo dục. Tại sao nhiều nghành khác, cơ quan hành chính sự nghiệp cùng hưởng lương ngân sách Nhà nước lại không đề cập chủ trương xóa bỏ biên chế để thay bằng “hợp đồng” như giáo dục?
Phương án này nghe có vẻ nhẹ nhàng, đơn giản nhưng để triển khai đồng bộ sẽ vô cùng phức tạp. Đây là phương án của Bộ GD&ĐT giành cho ngành nhưng sẽ đụng chạm đến nhiều bộ ngành và các điều luật. Quốc hội mới là cơ quan có quyền quyết định vấn đề hệ trọng này.
Đổi mới để phát triển là sự phù hợp của xu thế chung, quy luật chung nhưng cần sự ổn định chứ không nên tạo ra sự xáo trộn và bất ổn. Trước tiên, điều này tạo nên sự xáo trộn về tâm can của nhiều giáo viên đang đứng lớp. Người giáo viên vốn đã “trăm dâu đổ đầu tằm”, thử hỏi với đồng lương của giáo viên hiện nay làm sao đủ để làm nên những sự “chuyển dịch” như vậy?
Tôi đề xuất Bộ GD&ĐT muốn hiện thực hóa chủ trương này nên thực hiện từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương, từ bậc đại học đến mầm non mà cơ quan bỏ biên chế đầu tiên là Bộ GD&ĐT.
Đồng thời, quá trình triển khai không nên phân biệt giữa cán bộ quản lý với giáo viên, trường công lập hay tư thục và tất cả quy trình này đều phải có sự giám sát của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân là quốc hội.
Tôi mong người có quyền cao nhất trong ngành giáo dục nên “vi hành”, hãy về với các trường học phổ thông, cơ sở giáo dục ở các địa phương để gặp gỡ, trò chuyện cởi mở cùng giáo viên sẽ rõ.
* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả.
Theo Zing
Chưa bỏ biên chế, giáo viên đã bị hiệu trưởng dọa cho 'đứng đường'
Theo TS Vũ Thu Hương, nếu bỏ biên chế, hiệu trưởng là người có quyền tuyển dụng và quyết định số phận của giáo viên. Ai dám đảm bảo hiệu trưởng sẽ công tâm, làm việc trách nhiệm?
Thông tin Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại buổi tiếp xúc cử tri tại Bình Định sẽ thí điểm bỏ biên chế trong ngành giáo dục được xã hội quan tâm. Giáo viên trong cả nước đón nhận thông tin với nhiều tâm trạng từ bất an đến thất vọng.
Chia sẻ với Zing.vn, TS Vũ Thu Hương - khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội - kể một đồng nghiệp của bà đang công tác tại trường phổ thông ở Hà Nội vừa bị hiệu trưởng dọa khi không thực hiện đúng việc bình bầu cuối năm theo ý của người đứng đầu trường.
"Cô có muốn sang năm bỏ biên chế sẽ ra 'đứng đường' hay không?", bà Hương dẫn lại lời hiệu trưởng đe dọa đồng nghiệp.
TS Vũ Thu Hương cùng những nữ sinh ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Từ ví dụ nêu trên, bà Hương cho rằng, việc bỏ biên chế sẽ "tạo vây cánh" cho hiệu trưởng. Trong khi các trường công lập không thể tự chủ 100%, người đứng đầu trường tuyển dụng, hiệu trưởng sẽ có toàn quyền quyết định số phận của giáo viên. Không ai dám đảm bảo rằng hiệu trưởng sẽ công tâm hay tạo ra nhiều hệ lụy.
Theo TS Hương, việc bỏ biên chế trong giáo dục không khả thi, bởi không thể suy nghĩ về nghề giáo theo cách thức của doanh nghiệp.
Là người 20 năm công tác tại khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, nữ TS cho biết sinh viên của bà đều là những giáo viên tương lai có hai nguồn tư tưởng trước khi ra trường.
Một là, họ sẵn sàng mất tiền "lót tay" để vào trường công lập, mong cuộc sống ổn định trong suốt sự nghiệp. Hai là, họ hứng thú với việc dạy ở trường tư với lương cao hơn, ít chịu gò bó, nếu không phù hợp có thể chuyển trường.
TS Hương đánh giá về trình độ, giáo viên công lập hay tư thục đều không thua kém nhau, họ khác nhau về sự lựa chọn. Vì vậy, thứ "níu chân" giáo viên công lập hiện giờ có lẽ chủ yếu ở hai chữ biên chế. Thầy cô có biên chế sẽ có một số quyền lợi đi kèm như bảo hiểm, thâm niên. Biên chế được coi như thứ "bảo hiểm" để thầy cô yên tâm công tác. Nếu biên chế không còn, nhiều giáo viên sẽ nghỉ việc, hoặc chuyển sang các trường tư thục.
Đặc biệt, nữ TS cho rằng trong bối cảnh đổi mới giáo dục diễn ra trong điều kiện rất khó khăn. Đại bộ phận giáo viên hiện nay đang phải sống trong môi trường làm việc với áp lực nặng nề, thậm chí là quá sức so với khả năng chịu đựng.
Họ phải chịu nhiều cấp, tầng quản lý, từ cơ sở như ban giám hiệu, tổ bộ môn cho đến các cấp cao hơn như phòng, sở, bộ. Cùng với đó là sự giám sát rất chặt chẽ của phụ huynh, báo chí, xã hội. Những sự điều hành, quản lý như trên đối với giáo viên đã khiến nhiều người rất mệt mỏi nên không thể hiện được hết sự sáng tạo, học hỏi trong nghề nghiệp, mà chỉ làm theo sự chỉ đạo cho xong việc.
Trong khi lương thì thấp, công việc lại nhiều, đặc biệt là các loại việc không tên như tham gia các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, văn nghệ, làm sáng kiến kinh nghiệm, đến cả các hoạt động của địa phương, phường, xã. Chính những công việc này đã khiến giáo viên mất nhiều tâm sức và mệt mỏi.
Như vậy, nếu bỏ biên chế, giáo viên trường công lập sẽ thấy áp lực không giảm, công việc bấp bênh, không "an cư" thì không "lập nghiệp". Một khi người thầy đứng lớp còn hoang mang, lo lắng bất cứ lúc nào cũng có thể bị cắt hợp đồng, họ không thể toàn tâm, toàn ý làm việc.
Trong khi đó, trẻ em cần có sự ổn định trong một năm học (tương đương 9 tháng). Nếu giáo viên nay làm chỗ này, mai chuyển chỗ khác sẽ kéo theo sự thay đổi, thiệt thòi cho cả học sinh.
Vì vậy, TS Hương đề xuất những chính sách có lợi cho người thầy rất cần được quan tâm. Vấn đề mấu chốt để nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay không phải lương hay biên chế mà chính là môi trường làm việc của giáo viên cần được cải thiện.
"Các trường đừng ép giáo viên thi hát, thể dục, hay bơi lội nữa. Lúc nào họ cũng phải lo thể hiện mình sao cho tốt ở các kỳ thi thì làm sao có thời gian chu toàn trong lớp học", TS Vũ Thu Hương nêu quan điểm.
Theo bà, vấn đề bỏ biên chế giáo viên chỉ có thể thực hiện được khi tất cả các cơ sở giáo dục công lập đều chuyển sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Bởi chỉ có tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hiệu trưởng mới có thể thực hiện việc tuyển dụng giáo viên một cách khách quan, công bằng.
Theo Zing
Bỏ biên chế giáo viên có vội vàng? Những ngày gần đây, dư luận xã hội có nhiều ý kiến trái chiều trước thông tin Bộ GD&ĐT sẽ thí điểm bỏ biên chế giáo viên. Nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc bỏ biên chế thay thế bằng hợp đồng lao động sẽ tạo ra cơ chế mở. Việc "có ra, có vào" tạo môi trường...