Bình Thuận cấm triển khai dạy sách giáo khoa lớp 1 “Công nghệ Giáo dục” của giáo sư Hồ Ngọc Đại!
Những ngày qua, đoạn clip một cô giáo dạy đánh vần theo tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục chia sẻ trên mạng xã hội đã gây xôn xao dư luận, đặc biệt là các phụ huynhđang có con học lớp 1 rất băn khoăn, lo lắng về cách đánh vần này.
Phóng viên Báo Bình Thuận Online có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Toàn Thắng – Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo để biết thêm thông tin.
Thưa bà, đoạn clip một cô giáo dạy đánh vần theo tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục chia sẻ trên mạng xã hội có nhiều ý kiến tranh luận. Vậy, bà có thể cho biết ngành giáo dục Bình Thuận có áp dụng thí điểm bộ sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại không?
Về cách dạy đánh vần theo sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Đây là chương trình được Bộ GD&ĐT đưa vào thí điểm từ năm 1986 ở nhiều tỉnh thành.
Mục đích của tài liệu này để hỗ trợ cách đánh vần cho học sinh, đặc biết là học sinh dân tộc thiểu số và một số học sinh có khó khăn trong việc ghép âm, đánh vần. Các tỉnh, thành sẽ lựa chọn những đặc điểm phù hợp với chương trình để triển khai tại địa phương mình.
Tuy nhiên, ở Bình Thuận chúng ta không áp dụng tài liệu dạy học này ở bất cứ trường tiểu học nào.
Nguyên nhân vì sao tỉnh ta không áp dụng bộ sách này thưa bà?
Vì lâu nay, tại Bình Thuận học sinh lớp 1 chúng ta chỉ thực hiện theo sách Tiếng Việt của chương trình sách giáo khoa hiện hành được áp dụng đại trà của Bộ GD&ĐTtừ năm học 2001-2002. Từ đó đến nay, chất lượng học tập của học sinh khi sử dụng chương trình sách giáo khoa này ổn định và có hiệu quả trong nhiều năm.
Trên tinh thần đó, ngành giáo dục tỉnh nhà vẫn duy trì sự ổn định của bộ sách này mà không sử dụng tài liệu Công nghệ giáo dục.
Xin bà cho biết, quan điểm và định hướng của ngành giáo dục tỉnh như thế nào khi áp dụng các chương trình dạy học mới?
Chưa hẳn chương trình mới nào cũng có ưu điểm cao. Khi áp dụng bất cứ chương trình mới nào, còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố và hoàn cảnh thực tế của từng vùng miền, địa phương. Điều đặc biệt, khi áp dụng một chương trình dạy học mới, Bộ GD & ĐT luôn yêu cầu các địa phương tùy theo tình hình thực tế, cụ thể của từng tỉnh, thành để lựa chọn chương trình phù hợp.
Do vậy, khi ngành giáo dục tỉnh Bình Thuận triển khai một chương trình mới thì luôn cân nhắc để đảm bảo điều kiện thực tế cũng như các yếu tố và quan trọng hơn nữa là sự đồng tình, hưởng ứng của phụ huynh thì chương trình mới đạt hiệu quả. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên yên tâm khi có con đang học lớp 1.
Bởi khi ngành giáo dục tỉnh triển khai một chương trình mới nào đều chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các trường phải thông qua ý kiến của phụ huynh học sinh và được sự đồng thuận cao mới triển khai thực hiện.
Xin cảm ơn bà!
Theo Hong.vn
Giáo sư Hồ Ngọc Đại nói về việc triển khai dạy sách giáo khoa lớp 1: "Cơ bản là để chia... tiền"
(GDVN) - Đã đến lúc Bộ Giáo dục cần chính thức làm rõ phát biểu của thầy Hồ Ngọc Đại về việc Bộ trưởng, Thứ trưởng giúp ông "lách luật", chương trình mới chỉ làm tiền.
Trước những ồn ào của dư luận về cách đánh vần theo Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, ngày 28/8 Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã lên tiếng chia sẻ với kênh VTC14 về vấn đề này.
Nội dung thầy Hồ Ngọc Đại nói về cách đánh vần theo Công nghệ giáo dục và sự khác biệt với cách đánh vần tiếng Việt lâu nay khá dài, thời lượng phát sóng hơn 2 phút không lột tả hết;
Chính vì vậy nên nhà báo của VTC14 đã tải toàn bộ video phỏng vấn lên tài khoản mạng xã hội Facebook của mình. Đoạn video này đã và đang được người xem chia sẻ rộng rãi.
Ảnh chụp màn hình đoạn video nhà báo kênh VTC14 phỏng vấn Giáo sư Hồ Ngọc Đại ngày 28/8/2018 đang được chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Video đang HOT
Trong cuộc trả lời phỏng vấn này, thầy Hồ Ngọc Đại đã có những giải thích khá dễ hiểu về cách đánh vần theo Công nghệ giáo dục, cũng như sự khác biệt với cách đánh vần truyền thống.
Bên cạnh đó, điều khiến chúng tôi còn đặc biệt quan tâm là những đánh giá và bình luận của thầy về chương trình sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
"Tiêu chuẩn cơ bản của nó là chia tiền"
Chúng tôi xin được ghi lại những trao đổi giữa nhà báo của VTC14 với Giáo sư Hồ Ngọc Đại trong đoạn cuối của video phỏng vấn thầy Đại, về chương trình sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo để hầu bạn đọc:
Phóng viên: "Từ năm 2019-2020, tức năm học sau đấy, sách giáo khoa mới của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ đưa vào..."
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Không hơn gì cái cũ đâu. Nó chỉ chia nhau tiền, để nó làm tiền, không hơn gì hết. Bản chất nó vẫn thế.
Phóng viên: "Mà lúc đó lại có nhiều bộ sách giáo khoa cho học sinh, cho giáo viên, cho phụ huynh lựa chọn thì nó sẽ rối rắm như thế nào ạ?"
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: "Cái này rối rắm, việc vớ vẩn thôi. Tức là tiêu chuẩn cơ bản của nó là chia tiền, thế thôi. Cô có biết cái số tiền nó bỏ ra bao nhiêu không? Cô tưởng tượng 1 con số 7 và 13 con số 0." [1]
"1 con số 7 và 13 con số 0", theo cá nhân người viết, dường như thầy Hồ Ngọc Đại muốn nhắc đến đề án Đổi mới Chương trình - sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015.
Đề án này dư luận gọi vắn tắt là "đề án 70 nghìn tỷ", được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra năm 2011 với vài chục trang giấy và khái toán 70 nghìn tỷ đồng từng làm rúng động xã hội một thời.
Đáng chú ý, đề án này được xây dựng dưới thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, bắt đầu từ ngay khi vừa triển khai xong cuốn sách giáo khoa cuối cùng của lớp 12, Chương trình 2000.
Nó kéo dài cho đến tận bây giờ với nhiều lần biến động về con số, từ 70 nghìn tỷ đồng năm 2011 xuống 34 nghìn tỷ đồng tháng Tư 2014, xuống 462 tỷ đồng tháng Mười 2014 và hiện nay đang triển khai với 80 triệu USD.
Thầy Hồ Ngọc Đại phê phán đội ngũ làm Chương trình 2000, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đồng tình hưởng ứng
Trong chương trình Đối thoại chính sách vào khoảng thời gian vừa bắt đầu năm học mới 2011-2012 giữa nhà báo Quang Minh của VTV với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Giáo sư Hồ Ngọc Đại, đề án 70 nghìn tỷ đồng đã được nhắc đến.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và nhà báo Quang Minh trong một chương trình Đối thoại và chính sách năm 2011, ảnh chụp màn hình.
Thầy Hồ Ngọc Đại khi đó bình luận:
"Khẩu hiệu tôi đưa ra năm 1978 là: "Đi học là hạnh phúc", "mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui".
Sau 2015 Bộ lại có một đợt cải tổ chương trình sách giáo khoa. Vấn đề cải cách sách giáo khoa là buộc phải làm thôi. Vấn đề là ai làm?
Tôi thì tôi không tin cái bộ phận hiện nay làm có thể thành công được.
Những người mà từng làm dự án ấy, họ mà tiếp tục làm thì không thể thành công được. Vì mỗi một người cái trình độ tư duy chỉ có thế thôi.
Một cái tổ chức, trình độ tư duy của nó chỉ có thế thôi.
Anh không thể khác được. Không thể ra tư duy mới được. Nhất là những người đã định hình rồi.
Nghe danh hiệu thì ghê gớm lắm, nhưng mà không biết gì đâu. Giáo sư gì, Phó giáo sư gì, Tiến sĩ, Phó tiến sĩ. Tư duy cũ lắm.
Với cái lớp ấy mà nó hạn chế thì đất nước này nguy hiểm lắm. Cho nên tôi tin rằng Bộ trưởng mới sẽ có cách xử lý mới. Tôi tin là như thế.
Bởi vì không thể dựa vào cái lực lượng như thế được."
Khi đó Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đáp lời thầy Hồ Ngọc Đại rằng:
"Điều ấy là khẳng định rồi.
Hiện nay như tôi nói ban đầu là cái đề án này, cái phần hồn của việc đổi mới chưa có. Ở đây nó mới chỉ là cái khung thời gian triển khai những cái loại công việc.
Ví dụ đến ngày này hội đồng phải họp, nhưng họp bàn cái gì, quyết định cái điều gì, ai ngồi dự họp ở đấy thì chưa có. Mà quan trọng cái khó nó ở cái phần hồn ấy." [2]
Không biết hậu trường cuộc đối thoại chính sách này, thầy Hồ Ngọc Đại có góp ý gì cho Giáo sư Phạm Vũ Luận về "nguy cơ chia tiền" của đề án "1 con số 7 và 13 con số 0" khi chỉ có mấy dòng về khung thời gian, hay không;
Còn trên chương trình phát sóng chính thức của VTV không thấy thầy Đại nhắc đến 70 nghìn tỷ đồng.
Chúng tôi cũng chưa tìm thấy bất kỳ ý kiến nào thầy Đại công khai trên truyền thông, tham mưu cho Giáo sư Phạm Vũ Luận và Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển về "nguy cơ chia tiền" trong đề án rất sơ sài mà 2 ông chịu trách nhiệm chính.
Ngợi ca Bộ trưởng, Thứ trưởng biết "lách luật"
Khoảng gần 1 năm sau đó, ngày 21/5/2012 tham dự bàn tròn trực tuyến "Những vấn đề giáo dục sau sự kiện đạp đổ cổng trường" do Báo VietnamNet tổ chức, thầy Hồ Ngọc Đại ca ngợi Giáo sư Phạm Vũ Luận và Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển:
"Năm vừa rồi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ra quyết định chính thức đưa phương án của công nghệ giáo dục về địa phương. Nhưng vì Quốc hội ra Nghị quyết số 40 chỉ có một bộ sách toàn quốc nên buộc phải dùng từ "thí điểm".
Nhưng mà "thí điểm" hiện nay có 16 tỉnh và có 50.000 học sinh... Chỉ cần nếu làm thí điểm thì chỉ cần 1.000 là đáng tin cậy.
Giải pháp đưa ra là giải pháp, khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ đạo thì xuống chủ tịch ủy ban nhân dân quận ra quyết định, ủy ban nhân dân huyện ra quyết định nên làm việc ngon hẳn. Rất ngon!
Tôi chưa bao giờ làm việc thuận lợi như năm vừa rồi. Trước đây làm gì thì chỉ làm với anh Hiển thôi, anh Thành thôi. Anh Hiển là Thứ trưởng, anh Thành là Vụ trưởng, các anh ấy cho phép làm, cùng hỗ trợ.
Trong 3-4 năm nay, khi chỉ có thứ trưởng và vụ trưởng làm, nói chung cũng vất vả, phải thuyết phục. Nhưng khi Bộ trưởng có quyết định thì tình hình khác hẳn.
Tôi thấy khi thực sự chính quyền vào cuộc thì tình hình rất dễ. Mà cũng may, hai anh là anh Hiển và anh Luận phụ trách là hai người thực bụng muốn làm giáo dục, không sợ, không ngại thủ tục và chấp nhận danh từ "thí điểm" để lách luật.
Khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dám ra quyết định chính thức bằng văn bản, tôi thấy tình hình khác rồi.
Nhân chuyện ấy tôi nói, chúng ta không nên nhận, kể cả anh Tiến, anh Thành, anh Luận... không phải là tác giả của "chương trình 2000". Chương trình này đã triển khai đã mười mấy năm nay.
Những người đó là một bộ phận hoàn toàn khác. Còn các anh là những người chịu một việc đã rồi.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, ảnh: Báo VietnamNet.
Vấn đề này, phải bàn lại công việc trước đó nữa, cần nói đến nguồn gốc sâu xa nữa. Vụ Tiểu học thực bụng muốn làm. Anh Hiển, anh Luận thực bụng muốn làm.
Nhưng cả một hệ thống từ xưa đến nay... Chuyện này, chuyện khác là hậu quả của "Chương trình năm 2000.
Nên nếu nền giáo dục hiện này có vấn đề gì, cần truy cứu thì phải truy cứu bộ máy làm Chương trình năm 2000, tốn hàng ngàn tỉ nhưng không ra gì." [3]
Bộ Giáo dục và Đào tạo cứ im lặng mãi, dân biết tin vào đâu?
Chúng tôi không thấy thầy Hồ Ngọc Đại nhắc gì đến tác giả của đề án "một con số 7 và 13 con số 0" trong bình luận mới nhất ngày 28/8/2018 với VTC14.
Cho đến nay, chúng tôi mới ghi nhận được sự ca ngợi thày Đại đã dành cho Giáo sư Phạm Vũ Luận, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển là hai người "thực bụng muốn làm giáo dục, không sợ, không ngại thủ tục và chấp nhận danh từ "thí điểm" để lách luật.
Chúng tôi càng bất ngờ hơn khi Giáo sư Phạm Vũ Luận lúc còn đương chức Bộ trưởng cũng như toàn bộ ban lãnh đạo, đội ngũ tham mưu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã im lặng.
Cá nhân Bộ trưởng Luận cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không có bất kỳ ý kiến nào về phát biểu của thầy Hồ Ngọc Đại trên Báo Nhân Dân, Báo VietnamNet rằng thầy Luận, thầy Hiển giúp thầy Đại lách luật.
Trong khi thông tin này thực sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Bộ trưởng, Thứ trưởng lẫn Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nếu Bộ trưởng, Thứ trưởng Giáo dục mà còn "lách luật" thì làm sao dạy học sinh sống, làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật?
Thượng bất chính, hạ tắc loạn, đó là lời dạy thống thiết của cha ông.
Câu chuyện hấp dẫn về việc Giáo sư Phạm Vũ Luận bỏ 50 triệu đồng tiền túi thuê luật sư tư vấn cho mình chuyện "lách luật" được thầy Đại kể trên Báo Nhân Dân;
Việc Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giấu gia đình vợ con và cơ quan đi Lào Cai để thực mục sở thị việc dạy và học Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục rồi về mới nhân rộng, được thầy Hồ Ngọc Đại kể trên truyền hình Thông tấn xã Việt Nam. [4]
Đây là những bình luận công khai trên truyền thông chính thống, không phải những câu chuyện trà dư tửu hậu;
Ấy thế mà thầy Luận, thầy Hiển và cả Bộ Giáo dục và Đào tạo đều không có ý kiến gì về một việc nghiêm trọng như thế, đúng là kỳ lạ.
Nay thầy Hồ Ngọc Đại nói chương trình sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai chỉ là "làm tiền", "tiêu chuẩn cơ bản của nó là chia tiền, thế thôi", vậy thì dư luận có quyền đặt câu hỏi:
Chương trình sách giáo khoa mới có chuyện chia tiền như thầy Hồ Ngọc Đại nói không? Nếu có thì ai chia, chia cho ai, chia bao nhiêu, chia như thế nào?
Dù đi vay, đó vẫn là tiền ngân sách và sẽ phải trả bằng tiền thuế của Dân, nên Dân có quyền được biết việc ấy.
Nếu cho rằng đây chỉ là quan điểm cá nhân của Giáo sư Hồ Ngọc Đại nên Bộ Giáo dục và Đào tạo không bình luận, thì bộ sách công nghệ giáo dục của thầy Đại tới đây ai sẽ thẩm định, để thành sách giáo khoa của chương trình mới?
Điều quan trọng là Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đang được dạy cho hơn 800 ngàn học sinh trên cả nước, thì dư luận không thể xem nhẹ những đánh giá của Giáo sư Hồ Ngọc Đại về chương trình sách giáo khoa của Bộ, như là chuyện cá nhân.
Tất nhiên, Giáo sư Phạm Vũ Luận đã về trường dạy học, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển cũng đã vui cảnh điền viên thì 2 tác giả của đề án "1 con số 7 và 13 con số 0" có lẽ khó có thể nằm trong danh sách, nếu có.
Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có quan điểm chính thức về vấn đề thầy Hồ Ngọc Đại đã nêu, gồm 2 chuyện "lách luật" triển khai đại trà Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, và bình luận "tiêu chuẩn cơ bản của nó là chia tiền", để dư luận đỡ hoang mang.
Nguồn:
[1]https://www.facebook.com/tuyetnhung.nguyen.31/videos/10204925435972047/UzpfSTgyNjU4NjM4OToxMDE1NjUyMDg1NTUxNjM5MA/
[2]https://www.youtube.com/watch?v=5x1vTk3L1Fs
[3]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/truong-thuc-nghiem-mot-bi-mat-khong-ai-biet-73075.html
[4]https://www.youtube.com/watch?v=9U3yqMZhb3g
Theo Hong.vn
Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định "sách giáo khoa lớp 1" của GS Hồ Ngọc Đại lên tiếng Phương pháp dạy học đánh vần theo tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đang gây tranh cãi những ngày qua về phân biệt âm /k/ (cờ) và chữ "k" (ca), "q" (cu),... Ngày 28/8, Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng hiện là điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình Giáo dục...