Bình Định: Những học sinh ưu tú Việt Nam giao lưu với giáo sư đoạt giải Nobel Vật lý
Hơn 30 học sinh tiêu biểu nhất Việt Nam từng đạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế đã có buổi giao lưu đầy thú vị và bổ ích với Giáo sư Jerome Friendman (người Mỹ, đoạt giải Nobel Vật lý năm 1990).
GS. Jerome Friendman và GS Đàm Thanh Sơn trò chuyện với học sinh xuất sắc của Việt Nam.
Sáng 7/8, tại Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE – ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, Bình Định), Hội Gặp gỡ Việt Nam (Pháp) tổ chức buổi giao lưu giữa GS. Jerome Friendman (người Mỹ, đoạt giải Nobel Vật lý năm 1990) với 34 học sinh Việt Nam từng đạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế.
Đoạt giải Nobel vì tính tò mò
GS. Jerome Friendman kể, từ hồi học phổ thông, ông chỉ thích hội họa nên chỉ học các môn học liên quan đến nghệ thuật và rất ít học các môn khoa học khác như toán, lý… Năm học lớp 11, trong lần đến thăm bảo tàng ở Chicago, ông đọc một cuốn sách khoa học của Albert Einstein viết về thuyết tương đối dành cho đại chúng.
GS. Jerome Friendman đạt giải Nobel Vật lý năm 1990 và GS. Đàm Thanh Sơn giao lưu với các học sinh xuất sắc của Việt Nam.
“Dù là cuốn sách dành cho đại chúng, nhưng lúc đó tôi không có nhiều kiến thức về khoa học. Tôi đọc đi đọc lại nhưng vẫn không hiểu hết được các vấn đề trong cuốn sách nên càng thêm tò mò. Từ đó, tôi quyết tâm đi theo ngành khoa học vật lý để giải mã những điều mình chưa hiểu về cấu trúc bên trong của vật chất”, Giáo sư Nobel chia sẻ.
Mong muốn được GS. Nobel truyền lửa đam mê khoa học, em Nguyễn Phương Thảo, lớp 12 Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội – đạt Huy chương Vàng Olympic Sinh học quốc tế năm 2018 và Huy chương Bạc Olympic Sinh học quốc tế năm 2017 hỏi rằng: “Trong quãng đời nghiên cứu khoa học là con đường rất dài và khó khăn thì đối với cả những bạn như em, làm thế nào để tiếp tục giữ đam mê, tiếp tục theo đuổi dù biết là khó khăn, nhiều lúc giáo sư có cảm thấy chán nản?”.
GS. Jerome Friendman cho rằng, mấu chốt của một người làm nghiên cứu khoa học là niềm đam mê và sự tò mò. Đối với tôi càng tò mò bao nhiêu thì càng thôi thúc mình tự đặt câu hỏi rồi tự đi tìm câu trả lời. Thực sự mình rất muốn tìm ra câu trả lời, nhưng có những lúc mình biết có tìm ra được câu trả lời hay không. Nghiên cứu khoa học thực sự là công việc tuyệt vời nhất trên cuộc đời. Vì các bạn được trả lương để làm và trả lời câu hỏi của chính mình đặt ra.
Các bạn học sinh đặt câu hỏi cho giáo sư Nobel.
“Cho dù không được giải Nobel đi chăng nữa, tôi vẫn thấy cuộc đời mình thật là có ý nghĩa và công việc này rất là thú vị. Vì tôi rất đam mê đeo đuổi câu hỏi của chính mình, tìm được câu trả lời và được trả lương”, GS. Jerome Friendman chia sẻ.
GS. Trần Thanh Vân – Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam chia sẻ: “Cuộc gặp ngày hôm nay, tôi chỉ hy vọng để lại cho các em một niềm vui vì được gặp được một nhà khoa học lớn. Đây xem như một cái duyên để cho các em giữ một ngọn lửa yêu khoa học, hiến tất cả những ý tưởng của mình để khoa học được phát triển và đưa khoa học Việt Nam lên một tầng cao mới của thế giới”.
Việt Nam có những học sinh tiêu biểu nhất quốc tế
Video đang HOT
Dành lời khen cho 34 học sinh Việt Nam từng đạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế, GS. Jerome Friendman, nói: “Trong số 2 học sinh nữ duy nhất của các học sinh Việt Nam thi quốc tế đạt giải, không chỉ một bạn được giải vàng mà còn một bạn đạt điểm cao nhất mà Việt Nam đạt được và cao nhất quốc tế. Các bạn ở đây không chỉ là học sinh tiêu biểu nhất Việt Nam. Thực ra, các bạn là những học sinh tiêu biểu nhất trên toàn thế giới”.
Tuy nhiên, GS. Jerome Friendman cũng đưa ra lời khuyên: “Các học sinh Việt Nam nếu muốn nghiên cứu khoa học hay học tập ở nước ngoài thành công thì nên cố gắng học tiếng Anh. Các nhà khoa học trên thế giới hiện nay đều giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh. Để phát triển hơn thì các bạn phải học tiếng Anh giỏi để giao tiếp được với khoa học và các nhà khoa học trên thế giới”, GS Nobel chia sẻ.
GS. Đàm Thanh Sơn khuyên các bạn học sinh Việt Nam nếu có điều kiện thì nên đi du học.
Cũng tại buổi giao lưu, GS. Đàm Thanh Sơn cho rằng, ở thời điểm hiện nay, nếu các học sinh Việt Nam muốn theo đuổi con đường khoa học và nếu có khả năng nên chọn con đường du học. Hiện, tuy các trường đại học ở Việt Nam rất tiến bộ, có nhiều giáo sư làm việc khoa học nhưng nếu đi du học thì sẽ có tầm nhìn rộng lớn hơn. Học ở nước ngoài, các học sinh Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều người hơn, cách làm việc khác, sẽ tiếp cận vấn đề khác với cách mà các em vốn quen ở Việt Nam.
Đồng quan điểm, GS. Trần Thanh Vân nói: “Tinh thần học ở Việt Nam, cách học ở Việt Nam hiện nay rất khác với nước ngoài. Vì vậy, nếu có cơ hội thì nên đi du học ở ngoại quốc. Song, các bạn phải luôn tâm niệm trong lòng mình rằng, sau khi học ở ngoại quốc sẽ quay trở về Việt Nam để phụng sự tổ quốc tốt hơn”.
Doãn Công
Theo Dân trí
Nữ sinh đạt điểm thi Olympic cao nhất thế giới: "Thiên nhiên vô cùng thú vị"
Đạt tổng điểm cao nhất cuộc thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2018 trên tổng số 261 thí sinh tham dự, Nguyễn Phương Thảo trở thành nữ sinh đầu tiên của Việt Nam giành điểm thi cao nhất thế giới ở một kỳ thi Olympic.
Đổi màu huy chương ngoạn mục
Kết thúc kỳ thi, Nguyễn Phương Thảo (học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) giành được huy chương Vàng và được ban tổ chức tôn vinh là người chiến thắng cuộc thi (The First Winer).
Nguyễn Phương Thảo (học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) giành được huy chương Vàng và là thí sinh có điểm thi cao nhất kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2018. Ảnh: Thanh Hùng.
Kết quả của Thảo cũng giúp đội tuyển Việt Nam lập kỷ lục khi đây cũng là lần đầu tiên đội tuyển tham dự các kỳ Olympic Sinh học quốc tế có điểm cao nhất của cuộc thi.
Thực tế trong giới Sinh học, Phương Thảo không phải là cái tên quá xa lạ, bởi em từng là thí sinh giành được tấm Huy chương Bạc Olympic Sinh học quốc tế năm ngoái và cũng là nữ sinh duy nhất của Việt Nam đạt được huy chương Olympic quốc tế năm 2017.
Năm nay, không chỉ tiếp tục mang về thêm một tấm huy chương như mong mỏi, đổi được màu huy chương, Phương Thảo còn làm được nhiều hơn thế.
Bởi với kết quả này, Phương Thảo cũng trở thành nữ sinh đầu tiên ở Việt Nam đạt được mức điểm cao nhất thế giới ở một cuộc thi Olympic quốc tế.
Giây phút một nữ sinh của Việt Nam được tôn vinh là người chiến thắng cuộc thi (the first winer) Olympic Sinh học quốc tế.
Nữ sinh sinh năm 2000 đặc biệt gây chú ý với mọi người xung quanh bởi vẻ ngoài thân thiện và nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.
Thảo cho hay, trải nghiệm Olympic quốc tế, giúp em có được nhiều điều ngoài những tấm huy chương. "Ở cuộc thi, các đoàn có cơ hội giao lưu và trò chuyện với nhau. Em vốn là một người rất ngại nói tiếng Anh, nhưng sau khi nói chuyện với các bạn quốc tế thì mình càng thêm tự tin và cảm thấy rất thoải mái, khác hẳn với lo sợ, e ngại ban đầu. Qua đó em cũng học được cách phát âm, ngữ điệu và cách nói chuyện của các bạn. Thấy các bạn vui vẻ lắng nghe và hiểu mình nói, em càng thích thú và chắc chắn sẽ học thêm tiếng Anh, đó cũng là cách để em tiếp cận thêm các tài liệu nước ngoài", Thảo chia sẻ.
Phương Thảo (thứ 3 từ trái sang) cùng 2 thành viên khác của đội tuyển Việt Nam giành được huy chương Vàng, nam sinh còn lại giành được huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2018.
Kém ưu thế nhưng nữ giới hoàn toàn có thể chinh phục mọi tri thức
Thảo đến với môn Sinh học một cách rất tình cờ khi năm lớp 9 em xem các chương trình khám phá khoa học Discovery và Thế giới động vật rồi nhận thấy thiên nhiên vô cùng thú vị và còn nhiều bí ẩn cần giải đáp. Từ đó, em quyết định theo đuổi môn Sinh học để giải đáp những bí ẩn đó.
Nỗ lực tìm tòi và học tập, cuối lớp 9, Thảo đạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi TP Hà Nội và rồi trở thành thủ khoa đầu vào của lớp chuyên Sinh Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên.
Cô bạn tiếp tục thể hiện khả năng của mình khi giành được giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học môn Sinh học trước khi vượt qua các vòng thi để được chọn vào đội tuyển Olympic quốc tế cùng với các anh chị lớp 12.
Cách học của Thảo là hình ảnh hóa và sơ đồ hóa mọi thứ để tìm sự liên kết giữa các phần kiến thức với nhau. Bởi theo Thảo, môn Sinh học có rất nhiều phần mảng mà mình cần sự liên kết giữa chúng để khi đứng trước những câu hỏi về một vấn đề thì có thể nghĩ đến nhanh các ý cho câu trả lời.
"Với các môn tự nhiên, các bạn nam có nhiều ưu thế hơn nhưng các bạn nữ cũng hoàn toàn có thể chinh phục được mọi tri thức", Thảo chia sẻ.
Đánh giá về học trò của mình, cô Đỗ Thị Thanh Huyền, (Trưởng Bộ môn Sinh học Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) chia sẻ:
"Thảo là một học sinh ngoan, hiếu học và đặc biệt có đam mê cháy bỏng với môn Sinh học. Em thông minh, rất chăm chỉ, không bao giờ cảm thấy hài lòng về bản thân mà luôn nỗ lực trau dồi kiến thức. Khi gặp vấn đề khó Thảo luôn chủ động tìm kiếm câu trả lời, nếu không sẽ chủ động hỏi thầy cô. Em cũng vận dụng rất nhanh các phương pháp tự học được thầy cô trang bị, thậm chí biến những phương pháp của thầy cô thành phương pháp của riêng mình".
Nguyễn Phương Thảo bên cô giáo hướng dẫn Đỗ Thị Thanh Huyền. Ảnh chụp tại Iran nơi cuộc thi diễn ra.
Thư viện di động luôn bên mình
Nói về kỷ niệm giữa 2 cô trò, chị Huyền nhớ nhất năm 2017, khi đó Thảo là học sinh lớp 11 và cũng lần đầu tham dự kì thi học sinh giỏi quốc gia. Với năng lực và đam mê, Thảo đặt mục tiêu phải dành giải nhất kì thi học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học. Tuy nhiên, kết quả thực tế không như mong đợi, Thảo đứng trong tốp 10, nhưng chỉ đạt giải nhì. Khi biết kết quả đó, Thảo rất suy sụp và mất phương hướng.
Thương trò, nhưng cô Huyền muốn Thảo có được một tinh thần "thép" nên không động viên mà chỉ nói:
"Cô ghét những ai vừa mới thua cuộc mà đã bỏ trận, thất bại này sẽ mở ra thành công khác. Nếu em đứng dậy, ngẩng cao đầu và bước tiếp cô sẽ luôn đồng hành cùng em và tiếp lửa, còn không cô sẽ tìm kiếm một học sinh khác có đam mê và ước mơ lớn hơn".
Nghe cô nói vậy, Thảo như lấy lại tinh thần, động lực và ý chí quyết tâm. Kết quả năm 2017 Thảo đã tham dự kì thi Olympic Sinh học quốc tế và trở thành nữ sinh duy nhất của năm dành được huy chương Bạc. Và rồi, không dừng lại ở đó, hai cô trò tiếp tục chuyến hành trình cùng nhau cho đến khi đạt được thành tích ngoài mong đợi như ngày hôm nay.
"Mình có rất nhiều kỷ niệm với Phương Thảo nhưng ấn tượng nhất ở cô bé là lúc nào cũng đeo cái ba lô với rất nhiều sách vở bên trong (khoảng 8kg). Nó như là một cái thư viện di động phục vụ cho việc học mọi lúc và mọi nơi của Thảo vậy. Đặc biệt trong các chuyến hành trình đi thi quốc tế vừa qua, đến 50% cân nặng hành lý của Thảo cũng là sách vở".
Ngày thường, nữ sinh này coi thư viện như là nơi để em được sống với niềm đam mê tìm tòi của mình. Thảo đặc biệt rất thích xem các chương trình khám phá khoa học và thế giới động vật trên truyền hình và em cho rằng đó cũng là một kênh để em tiếp thu kiến thức cho môn học ngoài sách vở.
"Em mê môn Sinh học và đặc biệt yêu thích phần sinh lý động vật vì nó rất hay và gần gũi với con người. Em mong muốn có thể trở thành một bác sĩ để chữa bệnh và làm giảm bớt nỗi đau của mọi người"- Thảo chia sẻ.
Trong mắt bạn bè và thầy cô, Thảo là một người vui vẻ, hay cười và thích giao tiếp với mọi người.
Ngoài Sinh học, Thảo cũng học đều các môn. Em thích chơi rubik và đặc biệt muốn thử thách bản thân với những các khối rubik có hình dạng kì lạ và mới mẻ.
Với kết quả này, nữ sinh sẽ được tuyển thẳng vào một trường đại học ở Việt Nam tùy thuộc vào quyết định lựa chọn của mình.
Thanh Hùng
Theo vietnamnet.vn
Mẹ 'thần đồng' Đỗ Nhật Nam chia sẻ bí quyết nuôi dạy con Ngày 22/7, khách dự sự kiện khai trương trường mầm non Sunshine Maple Bear tại Sunshine Palace, Hoàng Mai sẽ có dịp giao lưu với diễn giả Phan Hồ Điệp. Theo đại diện ban giám hiệu trường mầm non Sunshine Maple Bear, khách dự sự kiện khai trương ngày 22/7 có dịp thăm quan cơ sở vật chất hiện đại của trường. Cũng...