Biến tiết sinh hoạt lớp thành hoạt động giáo dục sôi động, hiệu quả
Để nâng cao chất lượng tiết sinh hoạt lớp thì cả GVCN và học sinh đều phải tìm tòi, suy nghĩ, hoạt động nhiều hơn.
Dưới đây là kinh nghiệm của cô giáo Phan Hồng Anh – Giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam nhằm nâng cao chất lượng buổi sinh hoạt lớp.
Sinh hoạt lớp vẫn còn khô cứng
Các GVCN thường cũng ngại dành thời gian và công sức đầu tư một giờ sinh hoạt lớp đúng với yêu cầu, một phần do giáo viên phổ thông cần tập trung vào mục tiêu giáo dục tri thức nên chưa dành nhiều thời gian cho việc chuẩn bị cho phần sinh hoạt theo chủ đề, một phần do thời gian tiết sinh hoạt không dài.
Cô Phan Hồng Anh
Theo cô Phan Hồng Anh, hiện nay, các lớp cấp THPT có một tiết sinh hoạt lớp mỗi tuần dưới sự điều hành của giáo viên chủ nhiệm (GVCN), tiết học này đóng vai trò quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục đó.Tùy thuộc vào địa điểm của nhà trường, thời gian tiết sinh hoạt diễn ra, đặc điểm, tình hình học tập, kỉ luật, thi đua của lớp, mỗi thầy, cô giáo sẽ tổ chức tiết sinh hoạt lớp dưới các hình thức khác nhau.
Đa phần tiết sinh hoạt lớp gồm 3 hoạt động: Sơ kết, đánh giá thi đua học tập, kỉ luật, hoạt động ngoại khóa theo tuần/tháng; Xây dựng, triển khai mục tiêu, kế hoạch hoạt động của tuần/tháng kế tiếp; GVCN hướng dẫn học sinh sinh hoạt theo chủ đề, qua đó giáo dục đạo đức và rèn luyện kĩ năng sống cho các em.
Thực tế cho thấy, các tiết sinh hoạt lớp thường chưa đạt được hiệu quả và mục tiêu như đã đề ra. Đa số học sinh không thích giờ sinh hoạt chủ nhiệm vì nhiều giáo viên chủ nhiệm chỉ tập trung vào hai hoạt động đầu tiên, nội dung phê bình khiển trách có phần nặng nề, biến tiết sinh hoạt lớp thành giờ phổ biến các văn bản theo lối cứng nhắc, không tạo hứng thú, học sinh không được tham gia vào các hoạt động, chủ yếu phải lắng nghe một chiều…
Cô Phan Hồng Anh nêu vấn đề: Làm cách nào để cải thiện tiết sinh hoạt lớp, để gây hứng thú, lôi cuốn các em học sinh vào các hoạt động tích cực, qua đó thực hiện mục tiêu giáo dục lý tưởng, đạo đức và kỹ năng sống?
Cô giáo Phan Hồng Anh
Video đang HOT
Thầy – trò cùng sáng tạo
Theo kinh nghiệm của cô Phan Hồng Anh, để nâng cao chất lượng tiết sinh hoạt lớp thì cả GVCN và học sinh đều phải tìm tòi, suy nghĩ, hoạt động nhiều hơn. Chủ đề của tiết sinh hoạt cần gần gũi với học sinh, nội dung dễ hiểu, hình thức tổ chức phong phú, khiến cho học sinh cảm thấy hứng thú và tự giác tham gia vào giờ sinh hoạt.
“Ví dụ như: Với chủ đề “Tình yêu, tình bạn khác giới”, các nhóm học sinh có thể tham gia hoạt động đóng vai: xử lý các tình huống cụ thể liên quan tới tình bạn, tình yêu; các học sinh còn lại nhận xét, bổ sung ý kiến, GVCN hoặc cán bộ lớp tổng kết…. ” – cô Phan Hồng Anh dẫn giải và cho biết:
Sau những tiết sinh hoạt với các giải pháp tổ chức các hoạt động tích cực, tôi nhận thấy học sinh thêm yêu thích giờ sinh hoạt chủ nhiệm. Các em mong chờ và dự đoán tháng tới sẽ được tham gia chủ đề gì, những hoạt động nào.Qua đó, học sinh có thể tiếp nhận các tri thức, những suy nghĩ, giá trị quan đúng đắn một cách tự nhiên, không áp đặt, góp phần hình thành nhân cách, giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức và lối sống cho các em.
Với các học sinh cá biệt, trước đây chỉ trông chờ sao cho hết giờ sinh hoạt thì giờ đây các em cũng tham gia rất tích cực vào các hoạt động cùng các bạn, tập thể lớp trở nên đoàn kết hơn.Nhờ các hoạt động tích cực, học sinh có cơ hội được thể hiện năng lực cá nhân của mình trong nhiều vai trò khác nhau như diễn giả, nhà thiết kế, họa sĩ, diễn viên …, các em thêm tự tin, trang bị cho mình những kỹ năng tốt, giúp ích cho cuộc sống.
Bài viết được biên tập, lược ghi từ tham luận của cô Phan Hồng Anh tại Hội thảo Hội thảo “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” do Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức.
Theo GDTĐ
Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho HSSV: Những hiệu ứng tích cực
Ngành Giáo dục đang triển khai, thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; trong đó chú trọng hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của người học; đồng thời coi trọng giáo dục lý tưởng, nhân cách, đạo đức lối sống cho HSSV.
Về vấn đề này, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) có những chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại.
Đa dạng hình thức giáo dục
- Thời gian qua, các trường học đã chú trọng giáo dục lý tưởng, nhân cách và kỹ năng sống cho học sinh theo tinh thần Nghị quyết 29. Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật?
Ông Bùi Văn Linh: Từ năm 2008 đến nay, Bộ GD&ĐT đã tham mưu 2 Quyết định của TTg CP về bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; văn hoá ứng xử cho HSSV. Đồng thời, ban hành theo thẩm quyền 4 văn bản quy phạm pháp luật, 6 văn bản chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn liên quan đến giáo dục kỹ năng sống (GDKNS) và hoạt động ngoài giờ chính khóa cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.
Công tác GDKNS nhận được sự đồng thuận, tham gia, hưởng ứng của cán bộ giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và toàn xã hội, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Chất lượng giáo dục toàn diện học sinh được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng theo từng năm và duy trì tỷ lệ chuyên cần; giảm học sinh bỏ học.
Học sinh biết ứng phó với các tình huống bạo lực trong nhà trường, biết phòng, tránh tai nạn thương tích, đuối nước... và có kiến thức cơ bản về giới tính, có kỹ năng chống lại sự cám dỗ từ tệ nạn xã hội. Nội dung chương trình GDKNS được lồng ghép vào các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, Văn học, Địa lý... trong giờ học chính khóa.
- Giáo dục lý tưởng, đạo đức, kỹ năng sống cho HSSV cần có sự tham gia, phối hợp của nhiều bộ, ngành và tổ chức đoàn thể. Thời gian qua, sự phối kết hợp này được triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Văn Linh: Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, tổ chức Đoàn thể Trung ương trong GDKNS thông qua các phong trào thi đua: "Dạy tốt, học tốt"; "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học"; "Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực" của ngành Giáo dục và các phong trào "Thiếu nhi thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy"; "Khi tôi 18"; "Học sinh 3 rèn luyện"; "Sinh viên 5 tốt", Chiến dịch "Mùa hè xanh", Chương trình "Tiếp sức mùa thi"... của tổ chức Đoàn, Hội, Đội.
Đối với địa phương, 100% các Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch, chương trình giáo dục đạo đức, lối sống và KNS trong các nhà trường. Hầu hết các trường sư phạm đã ban hành văn bản chỉ đạo theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về GDKNS cho sinh viên và được lồng ghép trong các môn học, chương trình giáo dục chính trị, tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, các hoạt động ngoại khóa và các hoạt động Đoàn, Hội...
Sẽ tổ chức bài bản, chuyên nghiệp hơn
- Thực tế cho thấy, việc triển khai giáo dục lý tưởng, lối sống và KNS ở các trường vẫn gặp không ít khó khăn. Theo ông đâu là rào cản lớn nhất trong quá trình triển khai thực hiện?
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng chương trình, tài liệu thực hành GDKNS dành cho giáo viên, học sinh THCS, tiểu học để làm tài liệu tham khảo và áp dụng triển khai các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo biên soạn, thẩm định tài liệu GDKNS, thực hành đạo đức cho học sinh phổ thông và sinh viên đại học.
Ông Bùi Văn Linh: Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, việc triển khai giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho HSSV vẫn bộc lộ hạn chế nhất định.
Thứ nhất, nội dung GDKNS đa phần là lồng ghép, tích hợp với các môn học, chưa được xây dựng thành chương trình riêng trong chương trình phổ thông, nên việc tổ chức, thực hiện chưa thực sự mang lại hiệu quả; khó khăn trong quá trình kiểm tra, đánh giá.
Thứ hai, cơ sở vật chất, thiết bị trong trường học mới chỉ đáp ứng nhu cầu giảng dạy kiến thức cho học sinh, chưa đáp ứng được hoạt động GDKNS. Các hoạt động chủ yếu tổ chức trong phòng học, hội trường, hoạt động tổ chức ở không gian ngoài lớp học, dưới dạng trải nghiệm ở các cơ sở thực tế còn ít. Theo số liệu báo cáo, mới có 70% sinh viên tham gia GDKNS.
Thứ ba, công tác đào tạo, bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy KNS gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Hằng năm, mới có khoảng trên 85% giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được tham gia tập huấn.
Thứ tư, nguồn lực kinh phí dành cho GDKNS còn hạn chế. Nhiều trường không có nguồn kinh phí riêng để triển khai hoạt động GDKNS cho HSSV nên các hoạt động chưa chuyên sâu, quy mô hạn chế.
Thứ năm, tài liệu, học liệu, các phần mềm chuyên nghiệp và phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho GDKNS, chưa đa dạng, phong phú. Thứ sáu, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức về GDKNS.
- Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ có giải pháp gì để việc triển khai giáo dục lý tưởng, KNS đạt được hiệu quả cao nhất?
Ông Bùi Văn Linh: Tới đây Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, ban hành quy định, hướng dẫn triển khai công tác GDKNS trong toàn ngành để phù hợp với tình hình thực tiễn. Công tác GDKNS sẽ được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp hơn và như là một hợp phần quan trọng trong tổng thể Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ sẽ tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan biên soạn và thẩm định bổ sung hệ thống các chương trình bồi dưỡng, tài liệu giáo dục, học liệu, phần mềm GDKNS phục vụ cho công tác GDKNS.
Đồng thời tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trực tiếp tổ chức thực hiện. Cụ thể hóa nội dung GDKNS trong thời lượng hoạt động trải nghiệm được bố trí trải dài trong 12 năm học giáo dục phổ thông.
Cùng với đó, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, hoạt động Đoàn - Hội - Đội và hoạt động của các câu lạc bộ của HSSV. Ngoài ra, chú trọng lồng ghép nội dung GDKNS trong hoạt động của tổ tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức, triển khai công tác GDKNS cho HSSV.
- Xin cảm ơn ông!
Hải Minh (Thực hiện)
Theo giaoducthoidai
"Thưởng Tết" giáo viên hàng chục triệu: Trăm dâu đổ đầu... hiệu trưởng? Chuyện "thưởng Tết" hàng chục triệu đồng cho giáo viên được hiểu ngầm là nhờ hiệu trưởng khéo "co kéo". Cho dù đó là cách "rút ruột" ngân sách đầu tư cho giáo dục hay biến trường học thành nơi kinh doanh. Tiền "thưởng Tết" với nguồn thu nhập tăng thêm cho giáo viên (GV) tại các trường ở TPHCM luôn có sự...