Biến smartphone cũ thành webcam máy tính
Chỉ sau vài phút cài ứng dụng, smartphone Android hay iPhone sẽ thành webcam, phục vụ học trực tuyến, làm việc từ xa hay giám sát an ninh…
Hầu hết smartphone đều có thể tận dụng để biến thành webcam hay camera an ninh không dây trong gia đình. Với smartphone Android, bạn có thể tìm và tải về ứng dụng miễn phí DroidCam Wireless Webcam trên kho ứng dụng của Google. Còn với iPhone, EpocCom hay IVCam là phần mềm tương đương.
Tuy nhiên, sử dụng trên Android đơn giản và tiện hơn so với iPhone. Chỉ mất chưa tới 5 phút là người dùng có thể biến một smartphone bất kỳ thành webcam hay camera an ninh không dây.
Trên máy tính Windows hoặc MacOS, bạn cài ứng dụng tương ứng với phần mềm. Ví dụ, với DroidCam trên Android, cài ứng dụng Windows Client miễn phí của Dev47Apps. Thao tác tải về và cài đặt chỉ mất vài phút. Máy tính để bàn hay máy tính xách tay đều hỗ trợ.
Việc sử dụng đơn giản bởi chỉ cần smartphone và máy tính được kết nối chung một mạng Wi-Fi hay LAN. Mở ứng dụng DroidCam trên điện thoại Android sẽ cho địa chỉ Wi-Fi IP. Sau đó, trên máy tính khi mở ứng dụng Client, nhập vào dải địa chỉ đó vào phần Device IP là lập tức smartphone biến thành webcam không dây cho máy tính.
Cả hình ảnh và âm thanh đều được truyền tới máy tính, độ trễ rất thấp. Người dùng lúc này có thể sử dụng camera từ điện thoại làm webcam cho các ứng dụng chat, họp trực tuyến như Skype… DroidCam cũng không yêu cầu điện thoại phải mở ứng dụng, nó có thể hoạt động cả lúc điện thoại tắt hoặc khoá màn hình, giúp tiết kiệm pin.
Cả hình ảnh và âm thanh đều được truyền tới máy tính, độ trễ rất thấp. Người dùng lúc này có thể sử dụng camera từ điện thoại làm webcam cho các ứng dụng chat, họp trực tuyến như Skype… DroidCam cũng không yêu cầu điện thoại phải mở ứng dụng, nó có thể hoạt động cả lúc điện thoại tắt hoặc khoá màn hình, giúp tiết kiệm pin.
Ngoài kết nối không dây qua Wi-Fi, người dùng có thể sử dụng dây nối USB để kết nối tới máy tính. Phương thức này cho hình ảnh gần như không có độ trễ và đỡ ngốn pin hơn qua Wi-Fi. Tuy nhiên, trước đó người dùng cần bật chế độ USB Debugging (gỡ lỗi USB) trong phần cài đặt Developer Mode (chế độ nhà phát triển) trong phần cài đặt của điện thoại Android.
Ngoài việc biến smartphone thành webcam để họp, học trực tuyến, ứng dụng như DroidCam còn có thể tận dụng để làm camera an ninh không dây trong mạng gia đình. Người dùng sử dụng trình duyệt trên máy tính hoặc điện thoại khác, nhập vào dòng địa chỉ Browser IP Cam Access bên dưới là có thể theo dõi hình ảnh, âm thanh được camera điện thoại ghi lại.
Lúc này, điện thoại biến thành một chiếc camera quan sát không dây. Tính năng này có sẵn trên phiên bản miễn phí nhưng độ phân giải bị giới hạn ở mức 480p. Trong phiên bản trả phí, giá 80.000 đồng, người dùng có thể tuỳ chọn độ phân giải HD 720p và Full HD 1.080p. Ngoài ra, còn có thêm tính năng WiFi Server Mode, cho phép xem được camera từ các mạng bên ngoài.
Tuấn Anh
Laptop hút hàng nhờ học, làm việc từ xa
Sức tiêu thụ laptop (máy tính xách tay) trong giai đoạn cao điểm dịch Covid-19 đã tăng gấp đôi bình thường nhưng giá bán vẫn ổn định
Ghi nhận thị trường cho thấy nhu cầu sử dụng laptop trong 2 tháng qua tăng đột biến do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều trường học, doanh nghiệp, công sở... tổ chức học và làm việc tại nhà để phòng chống dịch. Giới kinh doanh nhận định nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài, sức mua mặt hàng này sẽ tăng hơn nữa trong thời gian tới.
Lượng bán laptop tăng mạnh trong thời điểm dịch Covid-19 kéo dài
Chị Ngô Hoàng Yến (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết trước đây, gia đình có một laptop để các thành viên dùng chung khi có công việc cần xử lý đột xuất tại nhà. Nay, con gái lớn học lớp 6 nghỉ ở nhà do dịch Covid-19 và chuyển sang học online bắt buộc nên chị phải mua máy mới cho con. Tương tự, ông Đoàn Văn Thái (ngụ quận 2, TP HCM) có dự định mua laptop khi con trai đang học lớp 12, chuẩn bị thi đại học. "Trước nay, con tôi chỉ sử dụng smartphone để nghe - gọi và truy cập internet đọc tin tức, chưa cần thiết phải mua máy tính. Nhưng cả tháng qua, cháu học online nên tôi phải mua máy tính màn hình lớn hơn để dễ dàng học tập" - ông Thái kể.
Một nhân viên văn phòng làm việc tại một doanh nghiệp liên doanh ở quận 1 (TP HCM) cũng mới "xuống" tiền mua laptop dòng i7 của Dell để làm việc qua mạng thay thế máy cũ đã xài hơn 5 năm.
Người phụ trách ngành hàng laptop tại hệ thống Thế Giới Di Động cho biết mặt hàng này có sức tiêu thụ tăng đột biến, lên đến 80% trong tháng 2 và tháng 3. Đối tượng mua nhiều nhất là nhân viên văn phòng và học sinh, trong đó nhân viên văn phòng chiếm khoảng 60%.
Tại FPT Shop, ông Hoàng Văn Dũng, Giám đốc ngành hàng laptop, cũng thông tin so với tháng đầu năm, doanh số máy tính xách tay bán ra trong tháng 2-2020 tăng gần 80%, tháng 3 tăng hơn 150%. "Hầu hết học sinh đang học tập online tại nhà, nhiều người cũng chuyển sang làm việc từ xa nên nhu cầu thiết bị học và làm việc online rất lớn. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến FPT Shop tiêu thụ mặt hàng này khá tốt là bởi chúng tôi triển khai giao hàng miễn phí tận nhà trong một giờ, có chính sách trả góp 0% hoặc giảm giá ngay đến 3 triệu đồng, rất phù hợp trong tình hình dịch bệnh hiện nay" - ông Dũng nói.
Ông Lê Trí Công, Giám đốc Công ty TNHH TM DV Tin học Trí Công, xác nhận sức mua laptop thời gian qua tại công ty tăng gần gấp đôi. Bên cạnh đó, doanh thu từ bán máy tính để bàn hoặc các loại máy tính đã qua sử dụng cũng tăng đáng kể. "Máy đã qua sử dụng thường có giá rẻ hơn vài triệu đồng so với sản phẩm mới nên được phụ huynh tìm mua để học sinh sử dụng với chi phí thấp. Tuy nhiên, mua máy đã qua sử dụng cần phải chọn nơi bán uy tín, bảo hành nghiêm túc, kiểm tra kỹ màn hình có xuất hiện những điểm "chết", khi chạy các ứng dụng có bị chậm không..." - ông Công lưu ý.
Các nhà bán lẻ còn thừa nhận một số mẫu laptop đang có nguy cơ thiếu hụt hàng do sức mua tăng trong khi nguồn cung đang gặp trục trặc do dịch Covid-19. Thông thường, tồn kho máy tính của các nhà bán lẻ luôn khá lớn bởi hoạt động kinh doanh buộc phải nhập gối đầu nhiều mẫu cũ, mới liên tiếp. Tuy nhiên, tồn kho tại một số đơn vị bán lẻ đến nay đã giảm 20%-30% mà chưa bổ sung được. Đáng lưu ý, dù mặt hàng này đang có xu hướng khan hiếm nguồn cung và bán rất chạy nhưng giá vẫn giữ ổn định, thậm chí người mua còn được hưởng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá. Nguyên nhân bởi các hãng sản xuất đã quy định giá thống nhất khi tung sản phẩm ra thị trường nên các nhà bán lẻ không lợi dụng tình hình dịch bệnh để "chặt chém".
Máy in đắt khách
Mặt hàng máy in để bàn trước nay có lượng tồn kho lớn bởi tiêu thụ chậm, chủ yếu bán cho các cơ quan, doanh nghiệp. Việc bày bán sản phẩm này, theo nhiều nhà bán lẻ, là để đa dạng hóa sản phẩm. Tuy nhiên, trong mùa dịch Covid-19, các nhà bán lẻ ghi nhận tăng trưởng bán máy in lên đến 30% - mức cao so với trước đây. Nguyên nhân bởi số người học và làm việc tại nhà hiện rất lớn, kéo theo nhu cầu in ấn tài liệu tăng.
Nguyễn Hải
Nokia N95 5G sẽ là ý tưởng tốt để hồi sinh một tượng đài? Nokia N95 được xem là tiền thân của smartphone - một chiếc điện thoại đi trước thời đại và thực sự được dùng để thay thế máy tính xách tay. Nokia N95 được ra mắt vào năm 2007 gây ấn tượng với camera, cảm biến hồng ngoại, bộ nhớ trong 8 GB và bản đồ GPS. Máy cũng có dạng thanh trượt kép...