Biển Đông: Trung Quốc sẽ hành động như thế nào trong thời gian tới?
“Nếu trong nội bộ Trung Quốc, “phái diều hâu” thắng thế thì họ sẽ có những hành động táo bạo hơn nữa. Nếu nội bộ khu vực ASEAN không đoàn kết, không thể hiện rõ quyết tâm, các nước lớn trên thế giới không tỏ rõ thái độ thì Trung Quốc chắc chắn sẽ có những hành động táo bạo hơn”.
Sau một chuỗi những hành động làm dậy sống biển Đông của Trung Quốc như từ chối ngồi vào bàn đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), 30 tàu cá phía Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, cắt cáp rồi mời thầu thăm dò dầu khí trong vùng biển, thềm lục địa Việt Nam…, dư luận đang đặt câu hỏi: “Trung Quốc sẽ làm gì sắp tới để hiện thực hóa tham vọng cái gọi là “đường lưỡi bò”?
Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc như TS.Trần Công Trục – Nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ, nhà ngoại giao Dương Danh Dy – Nguyên Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh.
TS.. Trần Công Trục: “Chúng ta cần tránh bị cuốn vào “vòng xoáy” gây hấn một cách phi pháp của Trung Quốc trong tâm thái bị động”.
Tiếp tục có những hành động gây sức ép ngày một lớn
PV: Với những hành động vừa qua và gần đây nhất là động thái từ chối đàm phán COC, cho 30 tàu cá đồng loạt xuống khu vực Trường Sa khai thác, ông có thể dự đoán trong thời gian tới đây, Trung Quốc sẽ có những hành động nào?
TS. Trần Công Trục: Tất cả những hành động vừa qua của Trung Quốc không phải là tức thời mà nằm trong hoạch định tính toán dài hạn và kỹ càng. Chúng ta cũng không ngạc nhiên về những hành động vừa qua của Trung Quốc: lực lượng của quân sự đứng đằng sau những hoạt động mang màu sắc dân sự và kinh tế, từ chối đàm phán COC vì cho rằng ASEAN đã vi phạm DOC trong khi đó chính họ lại là nước vi phạm. Sự việc vi phạm mới đây nhất là kéo 30 tàu đánh cá, mà đứng đằng sau là một lực lượng quân sự giả danh hải giám hộ tống và bảo vệ xuống khu vực Trường Sa.
Trong thời gian tới đây, theo tôi, họ sẽ tiếp tục có những hành động khác nhằm gây sức ép trong khu vực. Không chỉ cho những ngư đội lớn đi vơ vét nguồn tài nguyên cá mà có thể Trung Quốc sẽ sử dụng những dàn khoan khổng lồ ngang nhiên vào khu vực chủ quyền của Việt Nam, ngay cạnh những dàn khoan của chúng ta đang khai thác để khai thác dầu mỏ đi kèm với đó là lực lượng quân sự đứng đằng sau.
Còn khả năng về quân sự thì chúng ta không thể không tính đến. Trong lịch sử, họ đã làm điều này rồi. Nhưng vấn đề là họ sử dụng biện pháp đó như thế nào và trong hoàn cảnh nào, ở mức độ nào thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Nhưng tôi cho rằng, trong thời tới họ sẽ không dừng lại và sẽ tiếp tục gây sức ép cho các nước trong khu vực bằng cách sử dụng những hành động mang tính chất dân sự…
PV: Trước những động thái của Trung Quốc đã xảy ra và sẽ xảy ra trong thời gian tới, Việt Nam cần có những hành động nào để bảo vệ quyền lợi của mình, thưa ông?
TS. Trần Công Trục: Nhiều người nói rằng Trung Quốc đã “hết bài” hoặc những hành động vừa qua của Trung Quốc là hành động “trả đũa” việc Việt Nam thông qua Luật Biển. Tôi không đồng tình với quan điểm này mà cho rằng Trung Quốc sẽ còn gây nhiều sức ép hơn nữa với những nước trong khu vực Biển Đông và trực tiếp là Việt Nam.
Video đang HOT
“Trung Quốc sẽ còn gây nhiều sức ép hơn nữa với những nước trong khu vực Biển Đông và trực tiếp là Việt Nam”.
Nhưng không phải vì thế mà chúng ta đối phó một cách bị động hoặc gây ra sự căng thẳng không cần thiết. Chúng ta phải bình tĩnh xử lý vấn đề này. Hơn bao giờ hết lúc này là lúc cần phải bình tĩnh xử lý các tình huống có thể xảy ra, để đối phó một cách hợp lý, tránh bị cuốn vào “vòng xoáy” gây hấn một cách phi pháp của Trung Quốc trong tâm thái bị động.
Trong một trao đổi khác về vấn đề này với chúng tôi, ông Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự tại Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết: “Rất khó để có thể dự đoán được những bước đi cụ thể tới đây của Trung Quốc mà nó sẽ thiên hình vạn trạng trên Biển Đông. Tất cả nhằm mục đích là thực hiện tham vọng bá quyền tại Biển Đông của Trung Quốc.
Những hành động này phụ thuộc vào hai phía: phía chủ quan của Trung Quốc và phía đối ứng là Việt Nam và các nước tại Biển Đông cũng như các nước có quyền lợi liên quan trên thế giới. Nếu trong nội bộ Trung Quốc, “phái diều hâu” thắng thế thì họ sẽ có những hành động táo bạo hơn nữa. Nếu nội bộ khu vực ASEAN không đoàn kết, không thể hiện rõ quyết tâm, các nước lớn trên thế giới không tỏ rõ thái độ thì Trung Quốc chắc chắn sẽ có những hành động táo bạo hơn”.
Với những hành động mang tính tương tự như thời gian vừa qua, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng những biện pháp về mặt pháp lý để xử lý. Trong thực tế, lực lượng chấp pháp của chúng ta không cần dùng đến Hải quân mà chỉ cần dùng đến lực lượng Cảnh sát Biển, lực lượng Hải quan, lực lượng bảo vệ Biên phòng, Kiểm ngư…
Nếu như trong thời gian tới đây, Trung Quốc có những hành động tương tự thì chúng ta có thể sử dụng những lực lượng trên để ngăn chặn, thậm chí là bắt và lập biên bản đối những trường hợp vi phạm, dẫn độ và xét xử theo các thủ tục pháp lý, phù hợp với pháp luật Việt Nam và Công ước Luật Biển 1982. Rõ ràng trước đây, họ sai trái nhưng chúng ta chưa làm. Lúc này, đó là biện pháp chính đáng chúng ta phải làm. Đi kèm với đó là những giải thích về hành động sai trái của Trung Quốc cho nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới hiểu…
Dư luận thế giới thêm rõ bộ mặt thật của Trung Quốc
PV: Trước việc Trung Quốc từ chối đàm phán COC và Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN không ra được tuyên bố chung, Việt Nam và ASEAN cần phải làm gì trong thời gian tới đây, thưa ông?
TS. Trần Công Trục: Đối với việc Trung Quốc từ chối đàm phán COC với những lý do hết sức phi lý, Việt Nam phải cùng với ASEAN xem lại thái độ ứng xử trong thời gian vừa qua với Trung Quốc. Trước đây có ý kiến cho rằng Trung Quốc mong muốn ngồi vào bàn đàm phán để có thể cho ra đời Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và rất hy vọng vào điều đó nhưng thực tế đã chứng minh rằng Trung Quốc hoàn toàn không muốn điều đó xảy ra. Việc từ chối đàm phán của Trung Quốc một lần nữa đã bóc bộ mặt nạ tham vọng bá quyền tại Biển Đông của Trung Quốc trước dư luận thế giới.
Bên cạnh những bất lợi của việc COC không được đàm phán thì cũng có số lợi ích nhất định trong ASEAN vì trước đây, một số nước trong ASEAN vẫn còn tin tưởng rằng Trung Quốc thực sự như những lời họ nói. Tuy nhiên qua sự việc này, những nước nào còn lầm tưởng về Trung Quốc sẽ được dịp biết rõ bộ mặt thật của Trung Quốc mà có những ứng xử hợp lý hơn. Vì lẽ đó mà rất có thể những nước trước đây còn “lưỡng lự” trước những hành động của Trung Quốc sẽ dứt điểm hơn, khối ASEAN sẽ đoàn kết hơn trong thời gian sắp tới.
PV: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) là doanh nghiệp nhà nước phụ trách khai thác dầu mỏ tại thềm lục địa của Việt Nam tại Biển Đông. Vậy trước hành động mời thầu quốc tế 9 lô dầu của CNOOC, theo ông, PVN có nên kiện CNOOC ra tòa án quốc tế về việc mời thầu phi pháp này hay không?
TS. Trần Công Trục: Việc mời thầu tại khu vực thềm lục địa Việt Nam của CNOOC rõ ràng là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của PVN. Về nguyên tắc, PVN hoàn toàn có thể chuẩn bị hồ sơ để đưa ra các cơ quan tài phán Quốc tế xử lý vấn đề này. Nhưng trong thực tế thì CNOOC mới chỉ nói trên phương diện thông tin mà chưa có bất kỳ hành động cụ thể nào.
Bây giờ nếu có bất kỳ một công ty nào mà nhận thầu theo lời thầu của Trung Quốc thì khi đó, PVN hoàn toàn có thể khởi kiện công ty đó và CNOOC ra các cơ quan tài phán quốc tế. Chúng ta phải có những biện pháp về mặt pháp lý để lập bộ hồ sơ, có những bước đi cụ thể để khởi kiện: phải “bắt tận tay, day tận trán” những vi phạm của các công ty theo lời mời thầu của CNOOC.
Trung Quốc không có “phái bồ câu”
PV: Thưa ông, ông có thể có những nhận xét, đánh giá nào dành cho những tướng lĩnh quân đội của Trung Quốc trong thời gian vừa qua đã có những phát biểu mạnh mẽ và cứng rắn trong việc thực hiện tham vọng bá quyền tại Biển Đông của Trung Quốc?
TS. Trần Công Trục: Hiện nay, trong nội bộ Trung Quốc có nhiều mâu thuẫn. Qua dư luận thì tôi cũng biết là họ có một phái được gọi với cái tên “phái diều hâu” mà đại diện là những tướng lĩnh quân đội Trung Quốc. Đây là những người ủng hộ việc dùng vũ lực để giải quyết vấn đề Biển Đông. Đây cũng chính là lực lượng đang chiếm ưu thế so với những tướng lĩnh Trung Quốc còn lại.
Những phát ngôn mạnh mẽ thể hiện tính hiếu chiến của họ vừa qua là một cách tạo sức ép đối với những nước trong khu vực để từ đó họ có những thuận lợi nhất định trong quá trình xử lý vấn đề tại Biển Đông. Vừa qua, Trung Quốc từ chối đàm phán COC với những lý do đưa ra rất phi lý, theo tôi là có sự tác động từ “phái diều hâu” này. Xét về phương diện lý và dư luận thì họ chưa đủ mạnh để có thể ngồi đàm phán vì như vậy họ sẽ không còn “tự tung tự tác” được như trước nữa. Chính vì vậy tôi cũng không ngạc nhiên trước hành động từ chối đàm phán COC với những lý do không thể chấp nhận được từ phía Trung Quốc về ASEAN.
Ông Dương Danh Dy: “Trung Quốc không có phái bồ câu”
Trong một trao đổi khác về vấn đề này với chúng tôi, ông Dương Danh Dy cho biết: “Rất khó để có thể dự đoán được những bước đi cụ thể tới đây của Trung Quốc mà nó sẽ thiên hình vạn trạng trên Biển Đông. Tất cả nhằm mục đích là thực hiện tham vọng bá quyền tại Biển Đông của Trung Quốc.
Những hành động này phụ thuộc vào hai phía: phía chủ quan của Trung Quốc và phía đối ứng là Việt Nam và các nước tại Biển Đông cũng như các nước có quyền lợi liên quan trên thế giới. Nếu trong nội bộ Trung Quốc, “phái diều hâu” thắng thế thì họ sẽ có những hành động táo bạo hơn nữa. Nếu nội bộ khu vực ASEAN không đoàn kết, không thể hiện rõ quyết tâm, các nước lớn trên thế giới không tỏ rõ thái độ thì Trung Quốc chắc chắn sẽ có những hành động táo bạo hơn”.
Nói về “phái bồ câu” của Trung Quốc, ông Dy cho biết: “Tôi không đồng ý trong việc gọi phái còn lại của Trung Quốc là phái bồ câu vì bồ câu là biểu tượng cho sự hòa bình. Trung Quốc không có phái bồ câu mà toàn bộ là phái diều hâu nhưng một số lại đội lốt bồ câu vì tư tưởng “đại hán” bành trướng đã ngấm sâu vào máu thịt người Trung Quốc rồi. Việc phái diều hâu đội lốt bồ câu chưa thể hiện thái độ cứng rắn của mình là vì họ khôn ngoan, họ biết rằng việc thể hiện mình trong lúc này đối với Trung Quốc tại Biển Đông là chưa đúng lúc”.
Theo GDVN
Những tiếng nói 'diều hâu' ở Trung Quốc
Trung Quốc hai năm gần đây ngày càng cứng rắn trong việc đòi chủ quyền ở Biển Đông, một phần là do sức mạnh kinh tế và quân sự phát triển đáng kể, và phần quan trọng nữa là do ảnh hưởng của các tướng lĩnh tăng lên.
Hải giám, một trong các lực lượng hành pháp năng nổ của Trung Quốc tại những vùng biển có tranh chấp. Ảnh: China News.
Trên đây là nhận định của ông Willy Lam, giáo sư chuyên nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Quốc tế Akita, Nhật Bản. Ông cũng là giáo sư lịch sử Đại học Hong Kong. Bài viết của chuyên gia này đăng trên The Wall Street Journal.
Mức độ ảnh hưởng của giới quân sự ở Trung Quốc trở nên rõ nét hơn từ cuối năm ngoái khi chuẩn đô đốc Yang Yi kêu gọi từ bỏ câu nói nổi tiếng về chính sách ngoại giao của Đặng Tiểu Bình: "Giấu mình chờ thời, không lộ diện". Yang cho rằng: "Thời thế không còn để cho Trung Quốc giấu mình".
"Nếu bất cứ nước nào xâm phạm an ninh và lợi ích quốc gia của chúng ta, chúng ta phải kiên quyết tự vệ", Yang nói thêm. Thông qua "phòng thủ kiên quyết", Yang muốn nhắc đến khái niệm "phản công nhanh, chi phí thấp và có hiệu quả".
Tháng trước, thiếu tướng Han Xudong, người giảng dạy tại Đại học Quốc phòng của quân đội Trung Quốc (PLA), còn đi xa hơn. Ông này cho rằng đã đến lúc Trung Quốc từ bỏ học thuyết "chống bành trướng" của mình. Trong một bài báo trên tờ Global Times của chính giới mang tiêu đề "Tâm lý phòng thủ phương hại nỗ lực bành trướng ra nước ngoài của Trung Quốc", ông này đã không ngại ngần kêu gọi một chính sách mở rộng ra về quân sự, địa chính trị và kinh tế.
Tướng Han chỉ ra rằng trong khi chính sách truyền thống của Trung Quốc là "không bá quyền" thì cũng không nên hiểu điều này có nghĩa là Trung Quốc không nên theo đuổi mục tiêu bành trướng. "Chỉ khi chúng ta đập tan khối tâm lý phi bành trướng, Trung Quốc mới có thể tăng tốc sự chuyển đổi từ một cường quốc khu vực thành một cường quốc toàn cầu", tướng Han viết.
Một số tướng lĩnh Trung Quốc dường như đang cố đẩy đất nước tới một cách tiếp cận đối đầu trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, một trong những điểm nguy hiểm nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hùng biện của họ rất đơn giản: PLA không nên ngần ngại trừng phạt các quốc gia đang bất đồng với tuyên bố của Trung Quốc ở vô số đảo nhỏ, cũng như các nguồn tài nguyên dầu và khí đốt ở đó.
Thiếu tướng Luo Yuan gần đây lên tiếng mắng mỏ "những kẻ hiếu chiến dân tộc chủ nghĩa" ở Philippines, nước cho tàu hải quân đối mặt với tàu Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham từ tháng 4. Luo Yuan tuyên bố: "Nếu Manila không thể kiềm chế những đứa trẻ này, hãy để chúng ta làm thay họ".
Nói về nguy cơ xảy ra một trận hải chiến, viên tướng từng nhiều lần đưa ra các tuyên bố đao to búa lớn này nói: "Chúng ta đã nhiều lần tỏ sự nhẫn nại, và lòng kiên nhẫn của chúng ta đã hết. Không việc gì phải thận trọng nữa".
PLA và các nhà chiến lược quân đội được cho là đứng đằng sau quyết định thiết lập cái gọi là thành phố Tam Sa tháng trước. Dù ý tưởng về việc lập Tam Sa được đưa ra từ năm 2007, nhưng các cơ quan ngoại giao Trung Quốc đã không tán thành. Các nhà ngoại giao nhiều kinh nghiệm lập luận rằng một động thái như vậy sẽ thổi bùng quan điểm về "mối đe dọa từ Trung Quốc" tại các nước Đông Nam Á, và cả Mỹ nữa.
Cho đến năm ngoái, các nhà nghiên cứu cao cấp về quan hệ quốc tế ở Trung Quốc vẫn có thể chỉ trích việc tướng lĩnh can thiệp vào chính sách đối ngoại. Trong một cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal tháng 10/2010, giáo sư Chu Shulong thuộc Đại học Thanh Hoa phàn nàn rằng "quân đội Trung Quốc quá mạnh trong hoạch định chính sách, đặc biệt là về chính sách đối ngoại".
Một vài tháng sau đó, giáo sư Đại học Bắc Kinh Wang Jisi trở thành tâm điểm cho một loạt lời chỉ trích do các nhà bình luận phe diều hâu đưa ra. Nguyên do là ông này đã phê phán giới quân sự có "những tuyên bố thiếu thận trọng, không được phép, gây nhiều nhầm lẫn" trong đó xác định Biển Đông là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc và rằng quân đội Trung Quốc sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển chiến lược.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2011, thậm chí các học giả có uy tín lớn như các ông Wang và Chu đã không còn dám phát biểu trái ý các tướng lĩnh. Thiếu tướng Zhang Zhaozhong gần đây tuyên bố rằng có "hơn một triệu kẻ phản bội" ở Trung Quốc và nói rõ rằng "một số học giả của chúng ta đã được Mỹ đào tạo. Họ đọc sách Mỹ, chấp nhận những ý tưởng của Mỹ, và giờ đây họ đang giúp Mỹ đánh lừa người Trung Quốc".
Các tuyên bố về tranh chấp trên Biển Đông gần đây được đưa ra khi chỉ còn vài tháng nữa là đến Đại hội đảng lần thứ 18 của Trung Quốc, sự kiện đánh dấu bước chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở nước này. Thông thường, quân đội được đảm bảo có 20% số ghế trong Ban Chấp hành trung ương đầy quyền lực. Ban này bầu ra các ủy viên Bộ Chính trị. Thời gian chuyển tiếp lãnh đạo có thể là cơ hội để bên quân sự có tiếng nói nặng ký hơn.
Theo VNExpress
Trung Quốc: "Phương Tây giấu dao sau nụ cười ở Syria" Trung Quốc cho rằng, Mỹ và châu Âu "thể hiện sự quan tâm mang tính nhân đạo nhưng họ thực sự đang nuôi dưỡng tham vọng bá quyền" ở Syria. Ngày 25/2, Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ và châu Âu "nuôi dưỡng tham vọng bá quyền" ở Syria. Cáo buộc này được đưa ra sau khi các quốc...