Biển đêm
Người đàn bà hối hả quay lưng hướng biển bước ngược con đường đã đến, lưng cong cong liêu xiêu nhào về phía trước. Hoa công viên rì rầm tình tự trong đêm. Dãy đèn dọc biển sáng quắc, lung linh. Hơi ẩm trong không khí phả lên nồng nàn mùi nước mặn.
Giờ này bãi biển đã vắng lắm rồi, thảng hoặc chỉ vài ba thanh niên bước hờ bên mép nước, tiếng chuyện trò loang loãng trên mặt phẳng gợn lăn tăn. Giờ này công viên thênh thang hẳn ra, trải dài tận phố trên phố dưới, không người ngồi hóng mát hay tập thể dục trông nó xa lạ hẳn, điềm đạm ngọt ngào. Bầu không khí âm thầm, tĩnh lặng.
Đã xa, bên kia đường, người đàn bà lặng lẽ ngồi xuống bệ đá một nhà hàng đã ngủ, dưới tàng cây thông cắt tỉa hình vuông. Bóng tối che khuất phần trên, chỉ nhìn thấy đôi chân gầy guộc, lủng lẳng ống quần đen trên đôi chân xỏ dép nhựa cũng đen. Không nhìn rõ, chỉ thấy mặt bà hướng về phía biển, nơi hàng dừa thẳng đứng cọ tàn lá tán tỉnh nhau. Dưới một trong những gốc dừa già tuổi ấy, có thân hình ai ngồi bất động, cũng nhìn ra biển, lưng quay về phía phố…
- Ối bà ơi, bày đặt chính thức làm chi, giấy tờ rắc rối nhiêu khê lắm, rách việc ra. Ở đây chỉ nhận người không thân thích kìa. Chớ họ biết nó có mẹ thì ai nhận, họ cho rằng có mẹ thì mẹ phải nuôi.
- Nhưng mà…
- Tui hiểu rồi.
- Ông hiểu? Ông hiểu cái gì?
- Thì bà lo cho nó không nổi chớ gì, muốn rứt ra chớ gì.
- Không phải muốn rứt ra, mà đỡ tay chân cho tui làm lụng kiếm ăn. Với lại ở đây nghe nói họ có lớp dạy cho những người cùng cảnh như nó thì nó học được cái gì…
- Không phải dạy học hành gì đâu. Vào đây thì họ bắt phải làm, sức nào việc ấy. Mà nó biết làm gì?
- Thợ nề. Nó biết đặt viên đá nọ so le chồng lên viên kia…
- Vậy thì tốt rồi, sao bà không nhờ ai cho nó làm việc đó?
- Nó đi làm rồi, ngày thứ hai thì vác gạch rớt trúng chân ông chủ, ổng đuổi.
- Thôi bà nghe tui, cho nó ăn một bụng no nê, bỏ vài bộ đồ vô bao nylon, dẫn nó ra bãi biển, bà nói dối biểu ngồi đó mẹ đi mua kem hay bánh gì cho con ăn, rồi bà ngồi xa xa rình chừng, khoảng mười giờ hơn là có xe lính đi tuần, họ thấy nó, hỏi vài câu, mà nó biết nói tên tuổi không?
- Không.
- Nó biết số nhà hay điện thoại gì không?
- Không.
- Vậy thì tốt rồi, cái gì nó cũng ngu ngơ thì họ hốt nó về đây. Chỉ có cách đó là thượng sách.
- Nhưng nó biết gọi mẹ, nó sẽ nói nó nhớ mẹ. Lần nào cho ở trên con chị bán cà phê, nó thích lắm, vì lúc chị ngủ trưa thì nó tự pha cà phê sữa uống, hai ba ly, thích chí vài ngày đầu, sau đó nằng nặc đòi dẫn về nhà vì nhớ mẹ.
- Nhưng khi hỏi nhà mẹ ở đâu mà nó không biết thì họ sẽ nghĩ nó nói linh tinh, không tin. (Thở phù) Mà có ai chăm lo hỏi han để biết nó nói dối hay thiệt đâu bà ơi, bà yên trí đi. Cứ làm như tui bày. Có người thành công rồi đó.
Video đang HOT
Người đàn bà bật lên khi thân hình dưới gốc dừa đứng dậy, cao long nhong, từ từ quay nhìn vào phố. Nó đứng đó, bất động, hai tay buông thõng xuôi theo người. Bóng tàn lá phất phơ che khuất mặt, chỉ thấy phần dưới chiếc áo sơmi bỏ ngoài quần tây đàn ông, khẳng khiu. Chung quanh nó vắng lặng, ánh đèn khoan khoái nhìn đám hoa lá cỏ cây thì thầm trò chuyện trong không khí mát dịu. Những đợt sóng lao xao gió đuổi rúc rích cười với nhau trên cát. Giờ này thủy triều đang cao, nước đen thui liếm những mảnh vụn gỗ và rác rưởi rồi đùa nghịch thả nổi lều bều đây đó. Hơi thở biển khơi bình an tràn lan thành phố.
Một lát, thân hình con trai cứng đơ đó quay ra biển, ngồi xuống như cũ. Người đàn bà thở ra ngồi xuống bệ đá, nhìn chiếc xe gắn máy cà tàng đã khóa cổ còn khóa thêm xích…
- Đi đâu chị cũng đèo nó theo chi cho mệt vậy, sao không để nó ở nhà?
- Hổng dám chị ơi. Sợ nó làm bậy.
- Phá phách hay làm gì?
- Tui với nó ở chung nhà chị ba nó, có hai đứa con gái. Mèng, ổng đem thương con cháu lớn, tức kêu ổng bằng cậu.
- Thương kiểu nào?
- Kiểu trai gái đó mà.
- Chà. Cho nên sợ nó ở nhà lỡ làm gì con nhỏ hả.
- Ờ, mà đó là mấy năm trước, hồi con nhỏ mười bảy tuổi. Bây giờ con chị lớn rồi đi làm, thì ổng thương con em, mười sáu tuổi.
- Chết. Tụi nó biết bị cậu thương không?
- Biết chớ. Đi đâu về ổng cứ sà xuống ngồi gần, nắm tay, rò rè, tụi nó nạt đuổi đi, một lát lại tới rò rè nữa. Rồi chuyên môn giấu quần áo con nhỏ, có bữa gần giờ đi học kiếm cái áo dài hết hơi, té ra ổng cuộn lại nhét chỗ nọ chỗ kia, có khi bị ướt lấm, phải giặt rồi ủi gấp cho con nhỏ đi học. Rồi ăn cắp tiền nữa, tiền ai không thèm lấy, chỉ lấy tiền của con cháu đó thôi.
- Nè chị coi chừng cẩn thận, lỡ lúc cả nhà vắng nó nổi cơn làm bậy con nhỏ thì chết.
- Bởi vậy đi đâu tui cũng phải đèo ổng theo như cái đuôi.
- Tui không dám hứa gì nghe, nhưng để tui hỏi thử cô bạn, cô này chuyên lo cho trẻ em khuyết tật.
Minh họa Hoàng Tường.
Từ xa đầu phố trên, một chiếc xe tuần đêm chạy tới chầm chậm. Người đàn bà đứng lên, nhìn theo. Tay bà đưa lên chặn ngực khi xe tới gần, tới gần, tới gần, và khi nó dừng lại, bà ngồi bịch xuống, nhìn xa tưởng như té. Đèn đường xen qua nhánh lá thông chiếu xuống cắt mặt bà từng mảnh nhỏ sáng tối. Bà đăm đăm hướng theo chiếc xe, ba nhân viên tuần tra đang bước xuống đi dọc dài trong công viên. Một luồng đèn pin trong tay họ quét nhanh hàng dừa cạnh bãi tắm. Ba người trò chuyện vui vẻ, hít thở làm vài động tác vươn vai và đấm nhau ngả nghiêng rồi tiếp tục đi ngược lên phía bồn hoa, nơi có vòi xịt nước đã ngừng từ chặp tối. Tay người đàn bà hạ xuống. Có tiếng thở dài…
- Rồi, bữa trước tui hỏi cô bạn rồi, cổ nói chỗ đó họ chỉ nhận tới mười sáu tuổi thôi, nó hăm ba thì không được. Mà sao chị để nó lớn vậy, sao không nghĩ đến chuyện gửi nó tới những lớp học này hồi còn nhỏ?
- Tại ông xã tui, bây giờ nghĩ lại thì thấy ích kỷ. Ông bạn ổng coi tử vi sao đó, nói thằng này sinh ra là rước cái xấu cho ổng, đỡ cho ổng đủ thứ. Hồi nó sáu tuổi tui đã nói cho nó đi học ở mấy ông phe, nhà đạo họ có mở lớp, mà ổng nhứt định hổng chịu, nói để nó ở nhà đỡ cho ổng. Chừng ổng chết thì nó đã hai mươi rồi, ai nhận nữa. Bởi vậy tui mới nghĩ đến cái trung tâm tâm thần đó chớ.
- Mà chị đã biết bên trong trung tâm đó ra sao chưa?
- Chưa, nghe nói thôi. Có ông kia ở tận Sài Gòn, có ba thằng con, vợ chết thì ổng bán hết nhà cửa chia cho con, rồi mỗi tháng ở với một đứa. Bữa nọ tình cờ nghe thằng anh nói với thằng em “nè, bữa nay hăm tám rồi đó nghe, còn hai bữa nữa lo lên cõng đi đi”. Ổng buồn quá, bỏ nhà đi biệt, lang thang ra tận đây, may tới trung tâm này, hỏi gì ổng cũng không nói, họ đem ổng vô nuôi, ổng khai tên bậy bạ nào đó. Con cái đi khắp nơi tìm, rồi tìm ra, xin lỗi năn nỉ ổng về, ổng nhứt định không, ban đầu còn chối bai bải nói tui không biết các cậu là ai, các cậu lầm rồi… Bởi vậy tui nghĩ nó có thể ở đây được, ai ngờ khó khăn quá.
- Theo như vậy thì chị phải bỏ nó đi một mình tới đây họ mới nhận.
- Nếu dẫn tới đây rồi biểu vô một mình, nó lại nói có mẹ chờ thì cũng không ổn.
- Vậy càng tốt, họ ra không thấy ai thì nghĩ là nó nói lung tung bậy bạ.
- (Chép miệng) Lúc nào nó cũng nói có mẹ chờ chị à, dù khi tui đang nói chuyện với bạn và nó đứng bên cạnh chờ tui. Nó chờ cả ngày cũng được, cả tuần cũng được. Chị thấy đó, lớn xác rồi mà con nít không ra con nít, người lớn không ra người lớn.
- Nhà nước có giúp đỡ chị gì không?
- Mấy năm trước ông trưởng công an phường là chỗ thân tình, xin cho được mỗi tháng hơn trăm nghìn, ổng đổi đi thì bị cúp ngay, nói không đủ tiêu chuẩn. (Thở dài) Tui nuôi con mấy chục năm nay được mà, đói no gì cũng có nhau. Tui chỉ nghĩ nếu nó xa tui được để coi có khá hơn chút nào không, chớ ở nhà cái gì cũng ngơ ra chờ mẹ.
- Nhưng nếu không ở đâu nhận thì chị tính sao?
- Cùng lắm… cùng lắm thì chắc cũng phải làm như ông gác cổng trung tâm đó bày thôi.
- Thôi chị, nếu được thì tốt cho cả nhà, thì đừng khóc…
- Nghĩ mà đứt ruột chị à, xấu tốt gì cũng da thịt của mình. Mà lạ, cứ rằm mồng Một sao nó biết ngày hổng hiểu, đòi lên chùa ăn cơm chay. Bữa nào không đi nó hành hung tui lắm, đang nằm nó tới nó đá, nó kéo tui dậy, nó túm giựt tóc tui, nó la hét lên cơn ghê gớm lắm, đạp nhà đạp cửa bể sứt hết. Nên nhiều khi tức quá chịu không nổi, tui cũng đánh nó. Mà đánh gì đánh, mình mỏi tay nó cũng tỉnh bơ không khóc. Tới lúc chính mình ân hận khóc. (Nấc lên) Vậy rồi có khi như có ai nhập, nó ôm chân tui, nhìn tui hiền lành tha thiết nói mẹ ơi con thương mẹ lắm, đi đâu cũng nhớ mẹ, con không muốn xa mẹ chút nào…
Ba người đàn ông đi ngược về, oai vệ hiên ngang, ma trắc lủng lẳng cạnh sườn, bước gần hàng dừa. Đèn pin quét nhiều vòng mỗi gốc cây, trên từng băng đá, sục sạo đống ghế mỗi đêm ngủ chồng chất lên nhau dưới mái chòi, quét dài tận ra mép nước. Bên bệ đá nhà hàng, người đàn bà đứng bật lên…
- Ê bây ơi, có đứa nào ngồi ở kia kìa…
- Ở đâu?
- Đó, gốc dừa kia.
- Thằng nào thất tình giờ này còn hóng mát ta…
- Bên cạnh có túi rác hay túi gì… ê cậu kia!
Nhưng cậu kia không trả lời, không quay lại, vẫn thản nhiên nhìn ra phía biển, ba ánh đèn pin của nhân viên bỡ ngỡ giao nhau trên lưng cậu.
- Con ơi, về con!
Tiếng đàn bà lanh lảnh vang lên cùng tiếng dép tất bật sau lưng khiến họ quay lại:
- Con bác đó hả?
- Ờ, tui chạy tới kia một chút, để nó ngồi đây chơi. Đi con, tiệm kem đóng cửa rồi mẹ không mua được. Chào mấy chú đi con.
Rồi một tay nắm tay con, tay kia xách túi nylon đựng áo quần, bà kéo thằng con đi băng băng qua bên kia đường, nơi nhà hàng đã ngủ say và chiếc xe gắn máy cà tàng với hai lần khóa, vẫn kiên nhẫn thức chờ đợi họ…
Miêng
Theo nguoidothi.net.vn
Cách nào kiểm soát hành vi của trẻ tự kỷ khi học ở trường mầm non?
Dư luận đang có những đánh giá trái chiều về hình thức các cô giáo mầm non buộc dây bé trai 4 tuổi vào cửa sổ vì có nhiều hành vi gây hại cho bản thân bé và ảnh hưởng đến các bạn trong lớp. Theo đánh giá của giới chuyên môn, bé P. bị tự kỷ phổ rộng và chính họ cũng gặp khó khi hỗ trợ giáo dục những trẻ như thế này.
Thiếu kỹ năng, các cô giáo rất vất vả khi chăm sóc và dạy dỗ bé P.
Theo thông tin từ Trường Mầm non B Trực Đại (huyện Trực Ninh, Nam Định), bé trai N.T.P. (SN 2014) có giấy chứng nhận của Bệnh viện Nhi Trung ương về việc bị rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ.
Trên thực tế, bé P. đã từng được can thiệp và điều trị nhiều đợt tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Trong quá trình điều trị, chính các chuyên viên can thiệp trực tiếp cho bé P. cũng gặp rất nhiều khó khăn trong kiểm soát hành vi của bé.
Trong khi đó, mặc dù có khoảng 1,5 triệu trẻ em khuyết tật trên cả nước (theo ước tính tại Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về giáo dục trẻ rối loạn phát triển, đánh giá, can thiệp và xây dựng môi trường giáo dục phù hợp tổ chức ngày 30/10/2017) nhưng chuyên đề giáo dục đặc biệt trong chương trình đào tạo giáo viên không được coi trọng. Do là môn tự chọn nên gần như không có cô giáo tương lai nào chọn. Ngay cả cấp độ quản lý cũng không được học.
Do đó, theo TS Nguyễn Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, thành viên của Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam (VAPE), cần có những giải pháp trước mắt để hỗ trợ giáo viên giáo dục những học sinh có khuyết tật trí tuệ như thế này. Đó là những vấn đề hành vi của em cần được phân tích bởi các nhà chuyên môn (nhà tâm lý lâm sàng, chuyên gia về giáo dục đặc biệt) sau khi được tiếp cận và quan sát em trực tiếp.
TS Thành Nam phân tích: Đầu tiên cần xác định hiện tại học sinh này đang có những vấn đề hành vi nào? Theo các thông tin thu được và quan sát đoạn clip, học sinh này đang có hành vi bột phát mang tính xâm kích (chạy quanh lớp, nhảy nhót phát ra tiếng động, dậm mạnh chân xuống sàn...); hành vi tự gây hại cho bản thân (tự đập đầu vào tường, cắn bản thân...) và hành vi phá hủy đồ đạc (ném đồ ra sàn hoặc ném đồ vào người khác gây hỏng hóc, gẫy vỡ...).
Thứ hai, cần xác định lại xem trong những hoàn cảnh nào thì hành vi xuất hiện. Ví dụ như khi người khác không làm theo ý mình, khi phải chờ đợi lâu, khi bị bắt ngồi vào bàn ăn hoặc nằm xuống đi ngủ. Nếu hành vi tăng động và phá phách trầm trọng hơn trong một vài tháng thì cần phải hỏi xem có những thay đổi gì mới xảy ra hay không (ví dụ như trẻ mới đổi thuốc; trẻ mệt mỏi do thiếu ngủ; người chăm sóc bị bệnh hay bận việc nên không con tương tác với trẻ...). Loại trừ những yếu tố làm xuất hiện hành vi nếu có thể.
Cũng cần tìm hiểu xem những gì học sinh thích để sử dụng làm phần thưởng khi trẻ có hành vi phù hợp. Ví dụ như cho phép đi dạo ở sân chơi, được ăn kẹo, được tô màu, được ngồi chơi với đồ chơi ưa thích... Sử dụng chúng như những phần thưởng để khuyến khích trẻ có hành vi phù hợp.
Thứ ba, cần phân tích xem hành vi của học sinh có mục tiêu gì? Ví dụ hành vi chạy nhảy phát ra tiếng động có mục tiêu để thu hút sự chú ý của người khác và để giải tỏa cảm giác bồn chồn. Hành vi tự gây hại cho bản thân và phá hủy đồ đạc là để gây áp lực bắt người khác phải làm theo ý mình và để giải tỏa những cảm giác khó chịu khi bị giới hạn hành vi hoặc phải làm gì đó mà trẻ không muốn. Từ đó đề xuất những hành vi thay thế dễ được chấp nhận hơn.
Ví dụ như cô sẽ báo trước thời gian phải chờ đợi, phải ngồi ăn hoặc đi ngủ cho trẻ và nhắc về phần thưởng mà trẻ thích nếu trẻ thực hiện theo lời cô. Cô giáo sẽ chú ý và khen bằng lời khi trẻ bình tĩnh hoặc hạn chế được hoạt động của mình. Cô giáo cũng có thể huấn luyện trẻ hít thở sâu, thổi bong bóng để thư giãn hoặc bóp vặn 1 quả bóng cao su như một cách để giải tỏa các cảm giác bồn chồn khó chịu. Bất cứ khi nào trẻ trở nên mất kiểm soát hoặc ồn ào, trẻ sẽ được nhắc sử dụng các kỹ thuật thư giãn hoặc bóp vặn bóng.
Và để có thể phân tích được hành vi của trẻ và đưa ra những chiến lược huấn luyện, hỗ trợ, quản lý hành vi học sinh, TS Thành Nam cho rằng: "Nhà trường nên liên kết với các chuyên gia tâm lý, giáo dục đặc biệt tại các trường đại học uy tín để họ thực hiện công tác đánh giá ban đầu, lên kế hoạch chương trình và huấn luyện cho giáo viên phụ trách các lớp có học sinh hòa nhập (nếu không có giáo viên giáo dục đặc biệt chuyên trách). Mỗi nhà tâm lý có thể hỗ trợ đánh giá và lên chương trình cho một cụm trường để tiết kiệm nguồn nhân lực".
Trần Phương
Theo Dân trí
Nam Định: Vụ bé 4 tuổi bị buộc dây: "Mong dư luận có cái nhìn vị tha, chia sẻ với giáo viên!" "Hành vi của 2 cô giáo khi buộc dây vào áo cháu P. và cột vào cửa sổ phòng học là hành vi phản cảm, sai về phương pháp sư phạm, nhưng các cô không có mục đích xấu. Đây là sự việc rất đau lòng, nhưng mong dư luận hãy có cái nhìn vị tha, thông cảm và chia sẻ với cô...