Biden trao chiến thắng ngoại giao cho Putin
Việc Biden đề nghị gặp Putin được Nga coi là một thắng lợi ngoại giao, cho thấy Mỹ đã phải xuống thang trong căng thẳng với họ về Ukraine.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ 13/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đề nghị tổ chức gặp thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo tại một nước trung lập, khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây gia tăng xoay quanh cuộc khủng hoảng Ukraine.
Quân đội Nga từ đầu tháng 3 tăng cường tập kết binh sĩ, khí tài hạng nặng dọc biên giới Ukraine và bán đảo Crimea. Điện Kremlin giải thích rằng đây là động thái phòng ngừa, khi quân đội Ukraine cũng tăng hiện diện tại giới tuyến ở miền đông nước này. Tình hình miền đông Ukraine lắng dịu đáng kể nhiều năm qua, sau thỏa thuận hòa bình Minsk, giúp giảm xung đột giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai thân Nga.
Putin gọi điện trong một cuộc họp trực tuyến ở ngoại ô Moskva ngày 10/12/2020. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, các động thái điều chuyển quân của Nga khiến Mỹ và các đồng minh NATO cảm thấy bất an. Biden nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với chính phủ thân phương Tây của Kiev, kêu gọi Nga “giảm leo thang căng thẳng”, đồng thời đề nghị tổ chức cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên với Putin về “toàn bộ vấn đề Nga – Mỹ đối mặt”.
Các quan chức Nga cho rằng với đề nghị này của Biden, Moskva cuối cùng đã được đối xử với sự tôn trọng mà họ xứng đáng nhận được. “Đó là một bước tiến rất quan trọng, tin tức tầm cỡ toàn cầu”, Konstantin Kosachev, chủ tịch ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga, bình luận.
Video đang HOT
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm qua cho biết lời đề nghị sẽ được “nghiên cứu”, nhưng hôm 13/4, Putin đã nhanh chóng thảo luận với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto về cuộc điện đàm với Biden và “hội nghị dự kiến của hai tổng thống Nga – Mỹ”. Phần Lan là bên tổ chức hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất giữa lãnh đạo Nga – Mỹ vào năm 2018, khi Putin gặp Donald Trump.
Sau khi nghe tin về lời đề nghị của Biden, cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev so sánh hội nghị thượng đỉnh có thể diễn ra với cuộc gặp của ông và Ronald Reagan ở Geneva và Reykjavik vào thập niên 1980.
Những người khác so sánh nó với hội nghị giữa các siêu cường thời Chiến tranh Lạnh. “Tin tốt là các lãnh đạo của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất đã xác nhận sẵn sàng hợp tác”, Leonid Slutsky, người đứng đầu công tác đối ngoại tại Hạ viện Nga, nói.
Nhiều người nhấn mạnh lời kêu gọi này là ý tưởng của Mỹ và bản tóm tắt nội dung điện đàm Biden – Putin mà Nhà Trắng công bố không bao gồm những lời chỉ trích về vấn đề nhân quyền của Nga hay việc Nga bắt thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny.
“Chính Biden là người đã yêu cầu điện đàm, Biden đã chủ động gọi và thể hiện mong muốn tổ chức hội nghị thượng đỉnh”, người dẫn chương trình Vladimir Solovyov nói trong chương trình phát thanh buổi sáng.
Nhắc đến Mỹ, ông nói: “Bản tóm tắt dài 200 từ! Nhưng vấn đề nhân quyền đâu rồi? Họ không đề cập một từ nào về người đồng tính ở Chechnya, cộng đồng LGBT và đặc biệt là không một từ nào về Navalny”.
Ngay cả phe đối lập của Điện Kremlin cũng cho rằng đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nga là một chiến thắng ngoại giao cho Putin. “Một hội nghị thượng đỉnh ư? Mỹ có chuyện gì để nói với Putin? Đó là điều mà Putin mong muốn – cuộc họp mặt đối mặt chính thống với Mỹ”, Garry Kasparov, huyền thoại cờ vua Nga và là người thường xuyên chỉ trích Putin, viết trên Twitter.
Cuối ngày 14/4, các quan chức và truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Mỹ đã hủy kế hoạch triển khai hai tàu chiến đến Biển Đen, nơi hải quân Mỹ thường xuyên hoạt động nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine.
Trước đó, Moskva đã cảnh báo các tàu chiến Mỹ cần tránh xa Crimea “vì lợi ích của chính họ”, đồng thời gọi kế hoạch triển khai tàu chiến của Washington tới Biển Đen là khiêu khích nhằm “nắn gân” Nga. Hải quân Nga ngày 14/4 còn tổ chức cuộc diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đen, dường như nhằm dằn mặt Mỹ.
Quyết định hủy kế hoạch điều tàu chiến đến Biển Đen được coi là nỗ lực của Mỹ nhằm xoa dịu căng thẳng, mặc dù Washington chưa xác nhận thông tin này.
Các nhà quan sát cho rằng một phần nguyên nhân khiến căng thẳng Ukraine gia tăng là Điện Kremlin đang muốn thử thách Biden, người đã làm gia tăng căng thẳng với Nga tháng trước bằng gọi Putin là “kẻ giết người”. Putin sau đó thách Biden tranh luận trực tiếp trên truyền hình để người dân hai nước cùng xem. Biden trả lời rằng hai người sẽ nói chuyện “vào một lúc nào đó”.
Fyodor Lukyanov, tổng biên tập của tạp chí Russia in Global Affairs, cho biết Điện Kremlin xem lời mời của Biden như một sự thay đổi hành động 180 độ. “Ở Nga, triển vọng về một cuộc gặp được coi là thành tựu lớn, khi cách đây không lâu Biden đã nói những điều xúc phạm về Putin và khi được yêu cầu nói chuyện, ông ấy nói rằng không có thời gian”.
Chỉ vài giờ sau cuộc điện đàm Putin – Biden, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin Đại sứ Mỹ tại Moskva John Sullivan đã được mời đến Điện Kremlin để hội đàm. “Sự căng thẳng trong hai tuần qua đã giảm bớt sau lời đề nghị của Biden”, Lukyanov nói.
“Các hoạt động phô diễn sức mạnh gần Ukraine có thể sẽ dừng lại, bởi vì trong bất cứ hoàn cảnh nào, không ai muốn đụng độ quân sự ở đó”, Lukyanov nói thêm.
Putin tiêm liều vaccine Covid-19 thứ hai
Tổng thống Putin tiêm liều vaccine Covid-19 thứ hai sau khi đã tiêm mũi thứ nhất hôm 23/3 và khuyến khích người Nga noi gương.
"Tôi muốn thông báo với bạn rằng ngay bây giờ, trước khi bước vào phòng này, tôi đã được tiêm liều vaccine thứ hai", ông nói trong một cuộc họp trên truyền hình ngày 14/4. "Tôi cho rằng các bạn, những người muốn chăm lo cho bản thân và những người thân yêu của mình, cũng sẽ làm như vậy và noi gương tôi".
Tổng thống Nga Putin tham dự một cuộc họp tại Moskva, Nga ngày 14/4. Ảnh: Reuters .
Putin, 68 tuổi, đã tiêm liều vaccine đầu tiên vào ngày 23/3 và từ chối cho biết ông đã tiêm loại vaccine nào trong số ba loại của Nga: Sputnik V, EpiVacCorona hoặc CoviVac.
Cuối tháng ba, ông đã kêu gọi người Nga tiêm chủng, đồng thời tuyên bố nước này có thể chấm dứt tất cả hạn chế phòng dịch khi khoảng 70% người trưởng thành đã được tiêm phòng. Ông dự đoán tương lai đó sẽ xảy ra vào cuối mùa hè.
Ông nói rằng khoảng 6,3 triệu trong số 144 triệu người dân của đất nước đã được tiêm liều vaccine đầu tiên. Mặc dù bắt đầu chiến dịch vào đầu tháng 12/2020, trước hầu hết các quốc gia, Nga vẫn gặp khó khăn trong việc tiêm chủng. Nhiều người Nga nghi ngờ về vaccine, một cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy chưa đến 1/3 người dân sẵn sàng tiêm chủng.
Mặc dù Nga là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, nước này đã dỡ bỏ gần như tất cả hạn chế chống dịch, các quan chức y tế cho biết đợt bùng phát tồi tệ nhất của đất nước đã qua trong mùa đông. Nhưng tình trạng lây nhiễm ở Moskva gần đây bắt đầu tăng và giới chức đã đình chỉ hầu hết chuyến bay với Thổ Nhĩ Kỳ với lý do ca nhiễm tại nước này cũng đang tăng mạnh. Nga ghi nhận hơn 4,6 triệu ca nhiễm nCoV, trong đó 104.000 người chết.
Tổng thống Biden đề xuất họp thượng đỉnh Mỹ - Nga Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất một cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo hôm 13/4. Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Joe Biden điện đàm với người đồng cấp Nga - Vladimir Putin hôm 13/4. Tại cuộc điện đàm, lãnh đạo Mỹ và Nga đã thảo luận về " một...