Bị truy thu tiền bảo lưu phụ cấp ưu đãi, đúng hay sai?
Ảnh có tính chất minh họa/internet
GD&TĐ – Hỏi: Tôi là giáo viên tại một trường tiểu học công lập. Tháng 1/2015, tôi nhận quyết định điều động về công tác tại Phòng GD&ĐT của huyện và không giữ chức vụ lãnh đạo.
Hiện tôi vẫn đang được hưởng phụ cấp ưu đãi. Tuy nhiên, vừa qua, tôi được thông báo sẽ truy thu toàn bộ khoản tiền phụ cấp ưu đãi kể từ khi tôi về Phòng GD&ĐT công tác. Xin hỏi Tòa soạn như vậy có đúng không? – Nguyễn Thị Hường tỉnh Sóc Trăng (nguyenhuong***@gmail.com).
* Trả lời:
Theo Điều 1 Quyết định số: 42/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục quy định:
Video đang HOT
“Bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập có quyết định điều động, biệt phái, luân chuyển có hiệu lực trong thời gian từ ngày 1/9/2010 đến ngày 31/5/2015 về công tác tại các Phòng GD&ĐT thuộc huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Sở GD&ĐT thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà không giữ chức vụ lãnh đạo và không hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, nhằm hỗ trợ nhà giáo khắc phục khó khăn trong thời gian đầu thực hiện quyết định điều động”.
Điều 2 Quyết định này quy định: Mức phụ cấp ưu đãi bảo lưu là mức phụ cấp ưu đãi mà nhà giáo đang được hưởng ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trước khi được điều động về công tác tại Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT.
Còn tại Điều 3 Quyết định 42/2011/QĐ-TTg quy định: Thời gian được hưởng bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi quy định tại Quyết định này là thời gian thực tế nhà giáo làm việc tại Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT, tối đa là 36 tháng.
Căn cứ các quy định trên, và theo thư bạn viết, trường hợp của bạn được bảo lưu phụ cấp ưu đãi đến ngày 31/5/2015. Do đó việc bạn được thông báo truy thu toàn bộ số tiền phụ cấp ưu đãi kề từ khi bạn về phòng công tác là chưa đúng với quy định của Quyết định 42/2011/QĐ-TTg.
Do đó, bạn cần hỏi lại kế toán lý do vì sao bị truy thu ? Nếu không được giải thích rõ ràng thì bạn có thể kiến nghị với lãnh đạo Phòng GD&ĐT, Phòng Nội vụ để được giải đáp thỏa đáng.
Theo GD&TĐ
Hiệu trưởng không cho nghỉ phép, đúng hay sai?
Ảnh có tính chất minh họa/Nguồn: Internet
GD&TĐ - Tôi dạy học ở vùng khó Lào Cai. Năm học 2014-2015, tôi có đề xuất nguyện vọng nghỉ phép. Tuy nhiên hiệu trưởng không cấp giấy nghỉ phép cho tôi. Như vậy có đúng quy định không? (ngdactruong***@gmail.com).
* Trả lời:
Theo Điều 9, Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ, trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang khi nghỉ hàng năm, nghỉ ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng được hưởng lương theo quy định của pháp luật về lao động, được thanh toán tiền tàu xe đi và về thăm gia đình.
Mặt khác theo quy định tại khoản 3, Điều 5 bản Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạọ, thì thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hằng năm là 2 tháng được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp (nếu có).
Ngoài ra, thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động.
Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.
Với các quy định nêu trên, về mặt nguyên tắc thì bạn có quyền được nghỉ phép để về thăm gia đình, cha mẹ, vợ hoặc chồng, con hoặc thăm quê quán, hiệu trưởng trường phải giải quyết nghỉ phép và cấp giấy nghỉ cho giáo viên.
Tuy nhiên có thể do yêu cầu công việc hoặc vấn đề về nhân sự mà hiệu trưởng chưa bố trí được thời gian cho bạn nghỉ phép trong thời gian này.
Do đó bạn cần hỏi rõ hiệu trưởng lý do vì sao không cấp giấy nghỉ phép cho bạn, từ đó có hướng giải quyết sao cho thỏa đáng.
Theo GD&TĐ