Bí thư Thăng: Nhà khoa học phải mạnh dạn đề xuất cái hay cho thành phố
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cho rằng, người làm khoa học phải mạnh dạn công bố những gì mình làm được và đề xuất những cái hay cho thành phố áp dụng.
Ngày 20/12, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cùng lãnh đạo thành phố đã gặp gỡ lực lượng trí thức thành phố.
Tại buổi gặp gỡ, PGS – TS Hồ Thanh Phong – Hiệu trưởng Đại học quốc tế (ĐHQG TPHCM) cho rằng, vấn đề quan trọng để thu hút nguồn trí thức Việt kiều về nước làm việc là đề ra cơ chế, chính sách hợp lý. Ông cho rằng cốt lõi của vấn đề là cải tiến chế độ tiền lương.
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng trao đổi cùng PGS – TS Hồ Thanh Phong
“Chúng ta hãy làm cuộc cách mạng về lương đi. Với đồng lương xứng đáng thì người ta không phải chạy vạy, lo toan cho cuộc sống gì nữa, không phải là đến 4 giờ là chạy về nhà để làm việc của mình. Đồng lương xứng đáng thì tức khắc công việc cơ quan tốt. Nếu người ta làm tốt, được tưởng thưởng xứng đáng thì bao nhiêu biện pháp, sáng tạo sẽ sinh ra”, ông Phong nói.
Bên cạnh đó, ông Phong nhận định, giới nghiên cứu từ trước đến nay có tính khá khiêm tốn, ngại “khoe” các công trình, đề tài nghiên cứu của mình nên nhiều công trình khoa học chưa phát huy được tác dụng, khó tiếp cận được các nguồn kinh phí hỗ trợ, quảng bá.
Đồng quan điểm, PGS – TS Võ Văn Sen (Hiệu trưởng đại học Khoa học – Xã hội – Nhân văn TPHCM) cho rằng hiện nay, kinh phí dành cho nghiên cứu đề tài khoa học còn khá hạn hẹp và khó tiếp cận. Một đề tài được đề xuất mất khá nhiều thời gian, công đoạn mới tiếp cận được nguồn kinh phí hỗ trợ.
Các đại biểu trao đổi tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo và trí thức TPHCM (bên phải: PGS – TS Võ Văn Sen)
Vấn đề này, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm lý giải, nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu, tài trợ các đề tài khoa học của TP là khá dồi dào. “Cái khó là nhà khoa học chưa có cách tiếp cận hợp lý. Các anh cứ mạnh dạn nghiên cứu và đề xuất đi, TP sẵn sàng mua toàn bộ đề tài của nhà khoa học, mua kết quả ứng dụng để áp dụng thực tiễn nên các anh không bao giờ thiệt thòi”, bà Tâm nói.
Video đang HOT
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đánh giá cao và bày tỏ sự cảm ơn đối với sự tận tụy, tâm huyết của đội ngũ trí thức, nhà khoa học đối với sự nghiệp phát triển thành phố. Ông mong muốn lực lượng trí thức, nhà khoa học, kiều bào vượt qua mọi cản trở hữu hình và vô hình, đoàn kết như những người trong một gia đình, cùng chung tay đưa TPHCM trở thành điểm sáng phát triển của đất nước và khu vực.
Bí thư Thăng nhất trí với quan điểm TP cần sớm cải tiến các cơ chế thúc đẩy khoa học, công nghệ phát triển, cùng với đó là hệ thống chính sách khuyến khích hình thành các mô hình liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu.
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng mong muốn các nhà khoa học cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển thành phố
Ông Thăng cũng nhấn mạnh cần sớm khắc phục tình trạng nhiều đề tài nghiên cứu xong nhưng không ứng dụng được do cơ chế cũng như thiếu tính thực tế. TP cần xem xét đề nghị nhìn nhận các sản phẩm nghiên cứu dưới góc độ kinh tế thị trường, coi là thứ hàng hóa đặc biệt. Đồng thời, giải quyết những vấn đề phức tạp, nhiêu khê trong tạo mối liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp, thị trường, nhà nước khiến nản lòng các nhà khoa học.
Ông Thăng yêu cầu ngân sách thành phố phải đảm bảo nguồn ngân sách phát triển khoa học, công nghệ, cần thiết thì có thể tăng thêm. Nhưng vấn đề quan trọng là phải sử dụng hiệu quả để khoa học, công nghệ là động lực phát triển thành phố.
Trao đổi với các nhà khoa học bên lề buổi gặp gỡ, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, những người làm khoa học phải mạnh dạn công bố những gì mình đã làm được, mạnh dạn đề xuất những cái hay cho TP áp dụng.
Quốc Anh
Theo Dantri
Thủ tướng muốn nghe phản biện trực tiếp từ các nhà khoa học
Thời gian qua, các viện nghiên cứu chỉ báo cáo, đề xuất lên các bộ, cơ quan chủ quản. Thủ tướng yêu cầu tìm cách thức huy động nguồn lực tri thức này, không để một đội ngũ trí thức đông như vậy mà không tham mưu trực tiếp cho Thủ tướng...
Thông tin từ Văn phòng Chính phủ (VPCP), chiều 10/11, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội trực thuộc các bộ, các trường đại học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin phục vụ công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.
"Thủ tướng muốn nắm thông tin nhanh nhất, chính thức nhất, trực tiếp nhất từ các nhà khoa học, kể cả các ý kiến phản biện khác nhau", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho hay.
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ làm việc với lãnh đạo các Viện nghiên cứu kinh tế-xã hội.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đánh giá trong thời gian qua, nhiều nghiên cứu và kiến nghị của các viện đã được đánh giá là sâu sắc, kịp thời và rất cơ bản, được Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu và đưa vào thực tiễn điều hành.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, sự phối hợp, cơ chế trao đổi thông tin, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế xã hội của các viện nghiên cứu với Chính phủ, Thủ tướng và các cơ quan thuộc Chính phủ có vai trò rất quan trọng và cần được kết nối theo hướng trực tiếp hơn.
"Thời gian qua, các viện chỉ báo cáo, đề xuất lên các bộ, lên các cơ quan chủ quản. Thủ tướng yêu cầu phải có cách thức như thế nào để huy động nguồn lực tri thức này, không thể để một đội ngũ trí thức đông như vậy mà không tham mưu trực tiếp cho Thủ tướng, cho Chính phủ. Khi có kết quả nghiên cứu, có thể gửi trực tiếp tới Thủ tướng để xem xét, cân nhắc, đánh giá, xử lý mọi vấn đề, đồng thời gửi các Bộ trưởng", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng đề nghị các viện nghiên cứu chủ động hơn nữa trong công tác nghiên cứu, đề xuất kịp thời các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô. Các hướng nghiên cứu cần thể hiện tầm nhìn chiến lược, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu các vấn đề dài hạn, trung hạn và trước mắt, giữa tình hình quốc tế và bối cảnh trong nước.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng viện nghiên cứu đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, chú trọng kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu triển khai, dự báo xu hướng phát triển, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới.
Các viện là cầu nối, kênh thông tin quan trọng, chính thống trong việc công bố, phổ biến các kết quả nghiên cứu, đánh giá độc lập, có tính xây dựng về hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách của Nhà nước tới cộng đồng khoa học và nhân dân để tạo sự đồng thuận, tin tưởng của xã hội đối với quá trình triển khai các chính sách phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tùy trường hợp có thể tổ chức để Thủ tướng trực tiếp gặp, nghe ý kiến của nhà khoa học cụ thể.
Nói như TS. Vũ Viết Ngoạn, Thủ tướng muốn huy động đội ngũ trí thức với tinh thần "hiền tài là nguyên khí quốc gia". "Các bộ thì đương nhiên phải tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng. Tôi hiểu là Thủ tướng muốn có ý kiến tư vấn trực tiếp từ đội ngũ các nhà khoa học, mà trước hết là các viện, với tính chất tương đối độc lập", ông Ngoạn nói.
Ý kiến đại biểu dự buổi làm việc đều đánh giá rất cao chủ trương này của Thủ tướng, khẳng định điều này cũng là mong muốn, nguyện vọng, cũng là cơ hội của các viện nghiên cứu.
"Dù mỗi cấp đều có vai trò trong việc sử dụng các kết quả nghiên cứu, nhưng được góp ý trực tiếp với Thủ tướng vẫn là mong muốn của chúng tôi và đây cũng là động lực để anh em khoa học làm việc tốt hơn", TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phát biểu.
TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cơ chế Viện báo cáo trực tiếp Thủ tướng sẽ khiến các bộ phải nỗ lực nhiều hơn. Ông nêu thực tế, lâu nay, các nghiên cứu chỉ được truyền tải gián tiếp tới Chính phủ, Thủ tướng thông qua các hội thảo, báo chí. Ngược lại các viện cũng chỉ nắm được thông tin về "đề bài" của Chính phủ, về những vấn đề kinh tế-xã hội thông qua báo chí. "Sắp tới, chúng tôi sẽ gửi ngay 3 báo cáo nghiên cứu về nợ xấu, lạm phát và tăng trưởng", ông cho biết.
Lãnh đạo các viện đã nêu nhiều ý kiến về cơ chế cụ thể, như việc Chính phủ "đặt hàng", ra "đề bài" như thế nào, các viện nghiên cứu tiếp cận số liệu, thông tin chính sách từ các cơ quan chức năng ra sao. Cùng với đó, phải có bộ phận thường trực để tổng hợp, sàng lọc các ý kiến, các kết quả nghiên cứu...
GS. Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Kinh tế Việt Nam cùng nhiều đại biểu đề nghị các báo cáo gửi Chính phủ, Thủ tướng phải chấp nhận các ý kiến đa dạng, đa chiều, tôn trọng các ý kiến khác biệt.
Một vấn đề nổi lên được các nhà khoa học tập trung mổ xẻ là cơ chế báo cáo. Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, trong nhiều trường hợp, các viện nghiên cứu thuộc các Bộ đề xuất giải pháp trên tinh thần khách quan, khoa học, nhưng đơn vị trực tiếp xây dựng chính sách lại bị tác động bởi lợi ích cục bộ, muốn giữ cơ chế "xin-cho". Nhưng các Viện cũng băn khoăn về mặt thẩm quyền khi trực tiếp báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng.
Trả lời các vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế cụ thể, giải quyết các vướng mắc, như cho phép các Viện được tiếp cận thông tin từ các cơ quan chức năng và được báo cáo trực tiếp Thủ tướng, Chính phủ. Đồng thời, sẽ tham mưu cho Thủ tướng thành lập bộ phận thường trực để tham gia ra "đề bài", tổng hợp, sàng lọc các kết quả nghiên cứu. Cùng với đó, sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, có thể gặp gỡ, làm việc trực tiếp với các nhà khoa học về các vấn đề cụ thể.
"Các nhà khoa học, các viện làm việc trên tinh thần khách quan, khoa học, không liên quan tới lợi ích, nhưng nếu các bộ không có tư tưởng đổi mới thì các kết quả nghiên cứu sẽ khó mà truyền tải trực tiếp tới Thủ tướng. Đây là buổi làm việc mở đầu cho việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp lắng nghe các nhà khoa học", Bộ trưởng khẳng định.
Theo Dantri
Chưa phát hiện dấu hiệu tội phạm trong hàng loạt vụ cháy ở Nghệ An Chỉ trong vòng 3 tháng, tại xóm Luân Phượng (Đồng Văn, Thanh Chương, Nghệ An) liên tiếp xảy ra 21 vụ cháy. Đến nay, nguyên nhân các vụ hỏa hoạn đang được làm rõ nhưng bước đầu, Công an huyện Thanh Chương cho biết chưa phát hiện có dấu hiệu tội phạm trong các vụ cháy này. Chuồng trâu của một hộ dân...