Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Hạn chế trong giáo dục chính là sự thiếu tranh luận
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ ra hạn chế trong giáo dục của chúng ta chính là văn hóa nghe lời, thiếu tranh luận. Học trò mà chất vấn thầy cô, bị xem là… thiếu lễ phép.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai năm học 2018-2019 của ngành giáo dục TPHCM diễn ra vào sáng 14/8, ông Nguyễn Thiện Nhân có nhiều tâm tư, chia sẻ về các vấn đề giáo dục và những lời gửi gắm đến đội ngũ quản lý, giáo viên, học trò thành phố.
Ông Nhân kể, khi đến Israel công tác, ông đã phải đặt câu hỏi với đối tác tại sao, bí quyết nào để đất nước họ thành công. Khi đó, họ đã chỉ tay về phía bãi biển, nơi đám trẻ nhỏ đang chơi đùa và nói với ông: “Bí quyết của chúng tôi nằm ở đó!”.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM.
Họ giải thích, những đứa trẻ đang vui đùa đó nhưng có một đặc điểm, khi học chúng không bao giờ hài lòng với những điều người khác trình bày sẵn. Chúng luôn đặt câu hỏi tại sao như vậy và có thể làm khác được không. Tính tranh luận, phản biện là một nét văn hóa của người Israel được hình thành ngay từ nhỏ. Bởi nếu không đặt câu hỏi này ngay từ nhỏ thì lớn lên không có nhu cầu để sáng tạo. Và giáo viên chấp nhận câu hỏi của học trò trong mọi vấn đề.
“Bí quyết của một quốc gia gia sáng tạo là mọi người phải có thói quen được hỏi, được giải đáp và được đề nghị làm khác đi”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói và đặt câu hỏi cho tất cả những người tham dự: “Điều này chúng ta có làm được không?”.
Và ông Nhân tự lắc đầu trả lời cho rằng đây không phải là điều dễ dàng khi chúng ta thiếu văn hóa tranh luận. “Thầy cô nói nhiều khi như chân lý, học trò không được chất vấn thầy cô. Chúng ta đang bị nhầm lẫn giữa sự tôn trọng và để cho các em tự do sáng tạo, chủ động, được hỏi và làm khác đi. Học trò chất vấn thầy cô còn bị xem là thiếu lễ phép”.
Video đang HOT
Nhấn mạnh vai trò về giáo dục, Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, một đất nước, một quốc gia chỉ có thể giữ vững được độc lập, chủ quyền nhờ sự vượt trội về trí tuệ, về khoa học công nghệ. Giáo dục là quốc sách là phải coi yếu tố con người là hàng đầu.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đến thăm trường học tại TPHCM
Bàn về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ, chúng ta phải thừa nhận chúng ta có gì đó chưa đúng nên cần đổi mới căn bản, toàn diện. Theo ông, quá trình giáo dục truyền thống là truyền đạt. Bây giờ từ dạy học phải nhấn mạnh đến tự học và nhấn mạnh tính ứng dụng trong nhà trường vào cuộc sống.
Quá trình này, vai trò của người thầy cực kỳ quan trọng. Ông Nhân chỉ ra 3 tiêu chí của người thầy hiện đại:
Thứ nhất, người thầy phải là một tấm gương cho học trò trong mọi vấn đề, ngay trong những giờ lên lớp.
Thứ hai, người thầy phải là một tấm gương tự học – học từ lý luận, học từ thực hiện, học từ đồng nghiệp, học từ học sinh. Nhắc đến yếu tố tự học, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Sở GD-ĐT TPHCM cần có thống kê, bao nhiêu phần trăm giáo viên từ 30 tuổi trở lên, làm chủ được một ngoại ngữ. Bởi ngoại ngữ cực kỳ quan trọng trong việc tiếp nhận tri thức, không có ngoại ngữ thiệt thòi vô cùng.
Thứ ba, người thầy là tấm gương sáng tạo. Sáng tạo ngay trong công việc của mình, trong mỗi bài giảng, trong lúc giao tiếp với học trò. Chỉ khi thầy cô sáng tạo thì mới tạo điều kiện, hỗ trợ học trò sáng tạo.
Đối với học sinh, ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ, việc học cần giúp các em đạt được những năng lực cơ bản. Học xong phổ thông thì trước hết phải đủ năng lực làm công dân tốt – công dân Việt Nam trong điều kiện hội nhập. Việc học tiếp đó là học để có việc làm hiệu quả và học để không ngừng nâng cao tri thức.
Hoài Nam
Theo Dân trí
TPHCM đề xuất tự tổ chức xét tốt nghiệp THPT
Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất cho phép ngành giáo dục TPHCM những cơ chế đặc thù, trong đó nhấn mạnh đến việc giao cho Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm với UBND thành phố tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Trong báo cáo tham luận về công tác giáo dục và đào tạo TPHCM năm học 2017-2018, Sở GD- ĐT TPHCM đã nêu ra đề xuất cho phép giáo dục thành phố những cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới.
TPHCM đề xuất thành phố chủ động xét tốt nghiệp THPT
Cụ thể, thành phố đề xuất, giao cho các Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm với UBND thành phố tổ chức xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. Nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh, Sở GD-ĐT tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp. Các trường đại học, cao đẳng tự tổ chức tuyển sinh theo nguyện vọng của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT.
Sở GD-ĐT TPHCM cũng đề xuất Bộ GD-ĐT cần có sự linh hoạt trong một số quy định. Như định hướng mở trong biên chế năm học (thay vì 9 tháng/năm học như hiện nay); cơ cấu giờ, tiết học cũng linh hoạt học 1 buổi, 2 buổi hoặc học cả ngày để tiếp cận xu hướng thế giới và giảm ùn tắc giao thông, phù hợp với đặc điểm của những địa phương khó khăn. Cho phép sĩ số lớp học linh hoạt theo loại hình trường và đặc điểm địa phương.
Đề xuất tăng biên chế giáo viên
Với đặc thù của TPHCM, lượng người nhập cư mỗi năm đều tăng, bình quân mỗi năm tăng 60.000 học sinh. Thành phố dành ngân sách để xây dựng thêm trường, lớp nhằm đảm bảo đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh, hằng năm xây thêm trên 1.000 phòng học.
Ngoài việc tăng phòng học, ngành giáo dục TPHCM cho rằng cần phải tăng biên chế giáo viên đáp ứng số phòng học mới là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay việc tăng biên chế này hiện đang gặp phải nhiều khó khăn do phải được chấp thuận của Bộ Nội vụ.
Sở cũng kiến nghị, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng trường học, đề nghị Bộ Xây dựng cho phép thành phố thực hiện thí điểm các dự án xây dựng trường học ở các quận nội thành không còn quỹ đất được nâng tầng cao phù hợp thực tế từng địa bàn, tính chất từng dự án một, giải quyết tình trạng thiếu phòng học ở các khu dân cư đông đúc, tập trung và tránh lãng phí kinh phí đầu tư xây dựng mặt bằng chiếm đất xây dựng.
Được biết, tính đến tháng 6/2018, 268 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học từ 3 đến 18 tuổi, đang tiến tới mục tiêu năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân số. Năm học 2017-2018, đã có 85 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư là 4.783 tỷ đồng. Số phòng học mới đưa vào sử dụng năm 2017 là 1.621 phòng học mới.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Muốn biết con có chỉ số cảm xúc EQ cao hay không, bố mẹ hãy để ý 3 thói quen này Càng ngày càng có nhiều nhiều bố mẹ nhận ra tầm quan trọng của chỉ số cảm xúc EQ đối với con cái mình. EQ thể hiện khả năng của một người hiểu rõ chính bản thân mình cũng như thấu hiểu người khác. EQ cao sẽ giúp bạn phát triển về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử và kỹ năng...