Bí thư Hà Nội: Các dự án đường sắt đô thị quá chậm chạp!
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá, việc triển khai các dự án đường sắt đô thị quá chậm chạp như hiện nay sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu cho việc hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.
Ngày 18/2, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã làm việc với Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt Hà Nội tiến độ thực hiện 2 dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – Ga Hà Nội đều đang bị chậm, một số đoạn tuyến khác gặp nhiều vướng mắc, chưa thể triển khai.
Sau khi nghe báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhận định, với tiến độ hiện tại, đến năm 2020 Hà Nội chỉ hoàn thành được 20% tổng khối lượng quy hoạch đường sắt đô thị ( tổng toàn tuyến 372km), đến năm 2030 chỉ đạt được 30%.
Ông Hoàng Trung Hải -Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá tiến độ các dự án đường sắt đô thị hiện nay quá chậm
Theo ông Hoàng Trung Hải đường sắt đô thị có vai trò rất quan trọng đối với giao thông đô thị Hà Nội. “Việc triển khai các dự án đường sắt đô thị lại quá chậm chạp như hiện nay không thể đáp ứng được yêu cầu đề ra là hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Video đang HOT
Những hạn chế của việc thi công các tuyến đường sắt trên địa bàn Hà Nội cũng được ông Hoàng Trung Hải chỉ rõ, đó là những khó khăn về vốn, giải phóng mặt bằng, và đặc biệt là nhân sự quản lý, điều hành dự án; thiếu kinh nghiệm thực tế và sự phối hợp chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả của các đơn vị liên quan.
Về nguồn vốn, ông Hoàng Trung Hải phân tích trong khi ngân sách còn eo hẹp, việc bố trí và giải ngân nguồn vốn ODA đang bị siết chặt, thì thành phố lại thiếu cơ chế linh hoạt để kêu gọi hợp tác công tư, thu hút vốn từ các doanh nghiệp. Theo ông Hoàng Trung Hải, đó là hạn chế rất lớn dẫn tới việc thiếu nguồn lực để thực hiện các dự án.
Về vấn đề nhân sự, ông Hoàng Trung Hải đánh giá dù có Ban quản lý dự án đường sắt đô thị nhưng nhân sự thiếu hụt cả về số lượng lẫn chất lượng, hoạt động chưa thực sự chuyên nghiệp, hiệu quả. Bí thư Hà Nội cho rằng cần phải thành lập Ban Chỉ đạo các dự án, tuyển thêm nhân sự có chất lượng cho Ban quản lý – thậm chí để trống vị trí chứ không tuyển nhân sự không làm được việc.
Trong khi Hà Nội còn quá thiếu kinh nghiệm thực tế trong xây dựng đường sắt đô thị thì cơ chế phối hợp giữa các đơn vị của thành phố lại chưa linh hoạt. “Có những việc tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại tiêu tốn quá nhiều thời gian, công sức của cả bộ máy, đó là vì phối hợp chưa tốt. Các đồng chí phải rà soát lại, nỗ lực hơn nữa vì công tác chung”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Kết lại buổi làm việc, ông Hoàng Trung Hải cho biết, sẽ tiếp nhận và trình lên Chính phủ, Quốc hội tìm hướng tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong các dự án đường sắt của Hà Nội. Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị của thành phố trước hết phải làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình; sáng tạo, linh hoạt để tự vượt khó bằng nội lực.
Quang Phong
Theo Dantri
12 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ về cảng Hải Phòng
Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông đầu tiên đã cập cảng Hải Phòng, đang làm các thủ tục thông quan để đưa về công trình. Còn 12 đoàn tàu sẽ chia làm 3 đợt tiếp tục vận chuyển về cảng Hải Phòng trong thời gian tới.
Tại cuộc họp về tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chiều 16/2, ông Đường Hồng, Giám đốc điều hành dự án (Tổng thầu EPC Trung Quốc) cho biết, dự án đã hoàn thành cơ bản kết cấu chính của các nhà ga, thi công được 80% kết cấu thép khu Depot.
Để phục vụ cho dự án, nhà thầu sẽ mua sắm 13 đoàn tàu trong đó đoàn tàu đầu tiên đã vận chuyển đến cảng Hải Phòng ngày 12/2, đang làm các thủ tục hải quan để nhập cảnh, đưa về công trình; 12 đoàn tàu sẽ chia làm 3 đợt tiếp tục vận chuyển về cảng Hải Phòng trong thời gian tới.
2 toa đầu máy và 2 toa khách đang làm thủ tục thông quan tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Giang Chinh
Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt Lê Kim Thành cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay ảnh hưởng đến tiến độ dự án vẫn là vốn. Nguồn vốn đã có nhưng giải ngân có những khó khăn trong việc tiến hành thủ tục tài chính liên quan giữa các Bộ và China Eximbank.
"Việc ký kết gia hạn Hiệp định vay vốn tín dụng ưu đãi và ký kết Hiệp định vay vốn bổ sung cần được tiến hành khẩn trương, đồng thời bổ sung kế hoạch vốn năm 2017 để đảm bảo nguồn lực tài chính thực hiện dự án", ông Thành kiến nghị.
Giá trị thanh toán của dự án trong năm 2016 là 88 triệu USD, giá trị giải ngân là 82 triệu USD. Hiện Tổng thầu đang nợ nhà thầu phụ, nhà thầu cung cấp vật tư Việt Nam khoảng 310 tỷ đồng.
Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Hồng Trường đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt tích cực làm việc với các bộ, ngành liên quan để giải quyết thủ tục tài chính, không để ảnh hưởng đến tiến độ dự án; khẩn trương thẩm tra, thẩm định quy trình vận hành khai thác đoàn tàu để tập huấn cho cán bộ, công nhân; Tổng thầu phải tiến hành giải ngân, thanh toán cho nhà thầu phụ kịp thời.
"Tổng thầu cần động viên các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, phát động các đợt thi đua mới sát với thực tế. Hơn nữa, không để xảy ra sự cố về mất an toàn, nhất là an toàn lao động cho đến khi kết thúc dự án", Thứ trưởng nói.
Đoàn Loan
Theo VNE
2 đầu máy đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông cập cảng Hải Phòng Ngày 12/2, 2 đầu máy và 2 toa chở khách thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) được đối tác Trung Quốc vận chuyển bằng tàu biển, cập cảng Hải Phòng. 14h chiều 12/2, tàu Tian Wang Xing quốc tịch Trung Quốc chở 2 đầu máy và 2 toa chở khách đầu tiên của đoàn tàu...