Bí thư Đinh La Thăng: Học sinh béo phì vì học quá nhiều
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng học sinh béo phì nhiều quá. Điều đó cho thấy các cháu chưa có điều kiện, thầy cô chưa quan tâm.
Sáng 23/2, Bí thư Đinh La Thăng làm việc với Sở GD&ĐT TP.HCM về định hướng phát triển ngành giáo dục và đào tạo thành phố đến năm 2020.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết toàn thành phố có hơn 2.000 cơ sở giáo dục với hơn 1,7 triệu học sinh, sinh viên; gần 84.000 giáo viên, hơn 46.000 phòng học.
Theo ông Lê Hồng Sơn, chỉ tiêu đến năm 2020 tỷ lệ học cả ngày đạt 80%. Hiện ở cấp tiểu học đạt 73%, mầm non 99,6%.
Tỷ lệ này ở hai cấp THCS, THPT còn thấp do thiếu cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Để đạt được mục tiêu, thành phố phải phấn đấu đầu tư xây dựng trường lớp đảm bảo 300 phòng học/10.000 dân, với sĩ số 30 – 35 học sinh/lớp.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng nhiều học sinh than phải học quá nhiều, rất ít thời gian chơi. Bà Thu đề nghị Sở GD&ĐT TP.HCM cần nghiên cứu và giảm bớt chương trình, đặc biệt là các cuộc thi cho học sinh.
Đồng quan điểm, ông Thăng cho rằng học sinh đang phải học và thi quá nhiều. Ngành giáo dục thành phố phải có lộ trình giảm tải chương trình để các em có thời gian thư giãn và tập thể dục thể thao, nhất là môn bơi lội.
Ông Thăng chất vấn lãnh đạo sở GD&ĐT: “Liệu các cháu biết bơi được không khi mà học cả ngày rồi mà tối còn đi học thêm, thời gian đâu tập thể thao. Tôi đi nhiều trường thấy học sinh béo phì nhiều quá. Điều đó cho thấy một là chưa có điều kiện, hai là chưa được quan tâm”.
Video đang HOT
Bí thư Đinh La Thăng làm việc với Sở GD&ĐT TP.HCM sáng 23/2. Ảnh: Phước Tuần.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, khẳng định thành phố có 1/3 trường học đảm bảo về cơ sở vật chất, đủ điều kiện dạy học như trường tiên tiến của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, chương trình hiện nay rất khó dạy thêm những kỹ năng khác cho học sinh, trong đó có rèn luyện thể dục thể thao.
Ông Hiếu cho biết thêm thành phố có 81 hồ bơi trong trường, nhưng các huyện ngoại thành rất khó khăn. Riêng hồ bơi di động chỉ phục vụ được từ 5 – 7 học sinh một lúc nên khó phổ cập môn này.
Theo ông Nguyễn Hùng, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, công tác phổ cập bơi được sở triển khai hơn 10 năm qua. Quá trình kiểm tra cho thấy có hiện tượng không hỗ trợ công tác này. Có quận chỉ hỗ trợ mức đầu tiên là dạy các cháu biết bơi, còn nâng cao thì học sinh phải bỏ tiền ra học.
Bí thư Đinh La Thăng cũng yêu cầu từ nay tới năm 2020 tiến tới chấm dứt việc dạy, học thêm tràn lan, không đúng quy định, có yếu tố tiêu cực gây bức xúc và phải có lộ trình thực hiện.
“Việc phụ đạo cho học sinh yếu, bồi dưỡng cho học sinh giỏi là trách nhiệm của các trường phải làm và không được thu học phí”, ông Thăng nhấn mạnh.
Theo Zing
Bí thư Thăng: Nâng lương để giữ chân giáo viên tiếng Anh
Bí thư Thăng chỉ đạo Sở GD&ĐT TP.HCM phải mạnh dạn đề xuất cơ chế, thí điểm tự chủ tài chính, khi ấy mới nâng chất lượng công tác giảng dạy, tăng thu nhập cho đội ngũ giáo viên.
Vấn đề tự chủ tài chính được Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng rất quan tâm trong buổi làm việc sáng nay, 23/2, với Sở GD&ĐT TP.HCM, về định hướng phát triển ngành giáo dục và đào tạo TP.HCM từ nay đến năm 2020.
Tại buổi làm việc, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT mong muốn TP tạo điều kiện hơn về cơ chế, quy định cho các trường tự chủ tài chính (nhân lực, học phí và thu chi).
Ông Sơn cho hay toàn thành phố có 5 đơn vị tự đảm bảo hoàn toàn chi phí hoạt động; tuy nhiên, mức học phí vẫn phải giữ ở mức trần quy định của Bộ Tài chính.
Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT sáng 23/2. Ảnh: Phước Tuần.
Hiện mỗi năm, thành phố chi ngân sách vẫn chưa đủ để đảm bảo đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đáp ứng tiêu chuẩn về trường lớp trong hoàn cảnh dân số cơ học đang tăng rất nhanh.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, "than khó" với Bí thư Thăng về việc thu hút giáo viên giỏi dạy môn tiếng Anh ở bậc tiểu học vì cơ chế.
Ông Hiếu nói TP từng thuê giáo viên dạy tiếng Anh người Philippine với mức lương 2.000 USD/tháng (khoảng 45 triệu đồng), trong khi nhiều giáo viên Việt Nam có năng lực đạt chuẩn tương đương nhưng lương lại thấp hơn rất nhiều.
"Chính vì thế nhiều giáo viên dạy tiếng Anh giỏi xin nghỉ, chọn các trường quốc tế, trung tâm ngoại ngữ để dạy", ông Hiếu nói.
Nghe vậy, Bí thư Thăng hỏi lại: "Vô lý thật, tại sao năng lực giống nhau mà giáo viên Việt Nam lương lại thấp hơn giáo viên Philippine?".
Ông Thăng thắc mắc tiếp: "Các thầy giám thị không có trong biên chế, các anh lấy nguồn xã hội hóa để trả lương được, thì tại sao lương giáo viên dạy tiếng Anh các anh không trả thêm được?".
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, đề xuất TP cho phép các trường có thể tự chủ tài chính để thúc đẩy phát triển. Ảnh: Phước Tuần.
Ông Hiếu cho rằng quy định của Bộ Tài chính về mức lương giáo viên dạy tiếng Anh biên chế bậc tiểu học thì phải đúng theo quy định. Sở có kiến nghị tăng thêm khoản phụ cấp 70% lương như giáo viên trường chuyên nhưng lại vướng quy định của Bộ Tài chính.
Bí thư Thăng chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Tài chính phải mạnh dạn đề xuất cơ chế, thí điểm việc tự chủ tài chính, khi ấy mới nâng chất lượng công tác giảng dạy.
"Muốn hội nhập thì công tác dạy tiếng Anh từ nhỏ cho các cháu là rất quan trọng. Cần tuyển giáo viên giỏi, đủ chuẩn năng lực giảng dạy, các cháu mới học hiệu quả", ông Thăng nói.
Bí thư đề nghị lấy tiền xã hội hóa trả thêm phụ cấp cho giáo viên dạy tiếng Anh. "Phải có cơ chế chứ trả lương giáo viên dạy tiếng Anh ở TP.HCM mà bằng với Lai Châu thì sao được?", ông Thăng nói.
Ông Thăng đồng tình với đề xuất cần có cơ chế tự chủ tài chính cho các trường để tạo động lực phát triển. "Mọi thứ đổi mới của đất nước phần lớn xuất phát từ TP.HCM nên chúng ta cần phải đi tiên phong. Mình phải kiên trì, mạnh dạn đổi mới. Đổi mới là phải nâng cao chất lượng giảng dạy, đặc biệt tiếng Anh. Học sinh cần phải học tiếng Anh đạt chuẩn, căn bản từ bậc tiểu học", Bí thư Thăng nhấn mạnh.
Đề cập đến chuyện bỏ biên chế, Bí thư Thăng cho hay đã đến lúc phải bỏ biên chế. "Bây giờ là lao động thị trường, chúng ta trả thấp thì người lao động không đến. Nhà nước chỉ quản lý nội dung đào tạo, còn cơ sở vật chất, lương nhân viên, học phí cần được tự chủ. Đã tự chủ là quyền của người ta chứ, tại sao đòi biên chế được?", Bí thư Thành ủy TP.HCM nói thêm.
Bí thư Thăng đồng ý giao các trường chủ động thu chi tài chính, nhân sự và biên chế hàng năm. Những khó khăn, vướng mắc hiện tại cần khuyến khích các đơn vị đề xuất thí điểm. Mạnh dạn vận dụng, đổi mới để phù hợp với thực tế.
Theo Zing
Sinh viên sáng chế thiết bị cho ăn tự động Xuất phát từ thực tế nhiều bệnh nhân, người già không thể tự ăn uống, 4 sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã sáng chế thiết bị hỗ trợ cho ăn mang tên Feedbod. Chiếc máy cho ăn tự động ra đời là công sức mày mò, nghiên cứu của nhóm sinh viên năm thứ tư ngành Công nghệ Kỹ thuật...