Bí quyết giúp con không chán ghét trường học của mẹ Đỗ Nhật Nam
Đi làm về, chị Phan Thị Hồ Điệp dành 10 phút ngồi đối diện và trò chuyện với con về trường lớp, nhưng thường không hỏi nhiều về điểm số.
Chiều 12/8, tại hội thảo “Trao con niềm vui năm học mới” diễn ra ở Hà Nội, chị Phan Thị Hồ Điệp – giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, mẹ Đỗ Nhật Nam, là một trong hai diễn giả chia sẻ bí quyết truyền cảm hứng cho con trong học tập. Từ kinh nghiệm cá nhân, chị giúp phụ huynh tìm cách duy trì sự háo hức đầu năm học, nuôi dưỡng cảm xúc tích cực của trẻ.
Nói với con về những điều mới mẻ
Theo chị Hồ Điệp, không cần là nhà giáo dục cao siêu, mọi cha mẹ vẫn có thể giúp con hào hứng với từng giai đoạn chuyển lớp, thay vì căng thẳng hay áp lực. Bí quyết của chị là nói chuyện với con thật nhiều về trường học, tập trung vào những điều mới mẻ sau kỳ nghỉ hè, chẳng hạn có khu nhà nào mới xây thêm hay cảnh quan thay đổi ít nhiều.
Học sinh chuyển cấp nên được bố mẹ báo trước về những nguyên tắc khác biệt của nhà trường. Khi vào lớp 1, trẻ phải học theo từng tiết, mỗi tiết kéo dài 35-40 phút. Thay vì ngồi theo nhóm và tham gia nhiều hoạt động như ở mẫu giáo, trẻ phải ngồi nghiêm túc vào bàn học.
Chị Phan Thị Hồ Điệp chia sẻ câu chuyện đồng hành cùng Đỗ Nhật Nam trong học tập. Ảnh: Thùy Linh
Để giảm bớt sự khủng hoảng trẻ có thể đối mặt, mẹ Đỗ Nhật Nam đưa ra lời khuyên: “Các bạn nên nhấn mạnh lên lớp có nghĩa là con đang trưởng thành. Tâm lý trẻ con là rất muốn trở thành người lớn, khẳng định bản thân”.
Mỗi khi sắp vào năm học mới, gia đình chị thu xếp cùng nhau đi mua sách vở, đồ dùng học tập, nhằm giúp Nam thấy việc học của em rất quan trọng với bố mẹ. Chị Hồ Điệp có thói quen tự bọc một số quyển vở cho con bằng bìa có hình mà con yêu thích, vẽ hình lên nhãn vở để con thấy dấu ấn của bố mẹ mỗi ngày đến trường. Khi sang Mỹ du học, Nam vẫn mang theo những đồ dùng học tập từ Việt Nam.
Chị cũng rất xem trọng những phụ kiện nhỏ để ngày khai giảng của con thêm đáng nhớ, bởi để ý thấy có học sinh tiểu học khóc nguyên ngày đầu đến trường chỉ vì thiếu bóng bay.
Tương tác với giáo viên của con
Đối với học sinh tiểu học, cô giáo đóng vai trò rất quan trọng. Bạn nên tìm hiểu cô thuộc tuýp người nào, nhẹ nhàng hay nghiêm khắc, để tiếp cận một cách hợp lý. Quản lý lớp vài chục học sinh, không ai có thể nắm rõ từng em và đều cần sự hỗ trợ của phụ huynh để hoàn thành vai trò của mình một cách tốt nhất.
Chị Điệp quan niệm, tương tác với thầy cô giáo không có nghĩa là biếu chút quà nhỏ vào mỗi dịp lễ Tết. Khi cần trao đổi điều gì, nếu không tiện gặp trực tiếp, phụ huynh có thể viết thư kẹp vào vở bài tập của con.
Năm Nam học lớp 1, chị Điệp viết một bức thư dài cho cô giáo, nhắc đến việc muốn để Nam tiếp tục sử dụng tay thuận là tay trái. Chị cũng nêu một số nét tính cách Nam, giúp cô hiểu nguyện vọng của gia đình trong việc giáo dục con. Bức thư ấy khiến cô giáo ấn tượng và vẫn giữ cho đến tận bây giờ.
Ngay cả những lúc không hài lòng, chị cũng chọn cách trao đổi thẳng thắn với cô. Chẳng hạn, một lần Nam bị trừ điểm nặng trong bài kiểm tra cuối học kỳ vì sai chính tả, trong khi em viết đúng. Nhìn thấy vẻ ấm ức của con khi về nhà, chị Điệp giải thích ai cũng có lúc nhầm lẫn, yêu cầu con tra từ điển để chắc chắn mình dùng từ đúng, khuyên con lựa lúc cô rảnh trong ngày hôm sau để trình bày vấn đề. Ngoài ra, chị cũng viết một lá thư và gửi cho cô nhưng không nhờ Nam đưa giúp.
“Lời khuyên của mình đối với phụ huynh là khi bạn muốn phàn nàn điều gì về giáo viên, đừng bao giờ nói trước mặt con. Điều đó chỉ làm cho con chán học và chán trường lớp mà thôi”, chị nói.
Chị Phan Thị Hồ Điệp chia sẻ về cách tạo hứng thú học tập cho con. Video: Thùy Linh.
Đừng chỉ hỏi con về điểm số
Khi trò chuyện với con hàng ngày về trường lớp, bạn đừng chỉ hỏi về điểm số và thành tích. Niềm vui hay nỗi buồn của một đứa trẻ gồm rất nhiều chuyện ngoài học hành.
Hàng ngày, sau khi đi làm về, chị Điệp có 10 phút mỗi ngày ngồi đối diện để trò chuyện với con. Việc ngồi đối diện giúp bố mẹ đọc cảm xúc của con thông qua nét mặt. Khi được nhìn thẳng vào mắt, trẻ cũng ít khi giấu giếm hơn. Sau đó, Nam giúp mẹ làm bếp trong khoảng 15 phút và tiếp tục chuyện trò. Như vậy, hai mẹ con có khoảng 25 phút mỗi ngày chỉ để nói chuyện trường lớp, chưa kể những lúc đi dạo buổi tối với nhau. Chị nghĩ phụ huynh dù bận đến mấy vẫn có thể tranh thủ vài phút lúc nấu nướng, ăn tối để làm điều này.
Những câu hỏi của chị thường rất tỉ mỉ, chẳng hạn con chơi trò gì vào giờ giải lao, con chơi với bạn nào, thua hay thắng, chơi xong có mệt không, hôm nay cô mặc váy màu gì, kiểu dáng có giống mẹ hay mặc không. Cứ thế, Nam dần hình thành thói quen, hôm sau sẽ tự động kể chuyện mà không cần mẹ hỏi. Việc này không chỉ giúp hình thành mối quan hệ thân thiết giữa phụ huynh với trẻ mà còn giúp trẻ phát triển tư duy ngôn ngữ.
Khán giả nhí chia sẻ sự háo hức khi sắp vào năm học mới ở buổi hội thảo. Ảnh: Thùy Linh
Bên cạnh đó, chị khuyến khích cha mẹ không bỏ lỡ những hoạt động cộng đồng như tham gia hội chợ ở trường, cùng phụ huynh khác trang trí lớp học. “Để duy trì niềm vui học tập của con, bố mẹ cần hiểu rõ về nhà trường, không tỏ ra thờ ơ. Nhiều ông bố khi đi họp phụ huynh còn nhầm lớp, không biết con học lớp nào, do cô nào chủ nhiệm. Nếu như vậy, bạn rất khó đòi hỏi con thích thú với trường học”, chị Điệp chia sẻ.
“ Game hóa” việc học tập
Sống ở khu tập thể, chị Điệp quan sát thấy nhiều gia đình dạy con theo cách giống nhau. Cảnh phổ biến nhất là con ngồi bàn học, bố mẹ đi lại liên tục xung quanh như thanh tra. Nếu con lỡ làm bài sai thì bố mẹ nổi giận, quát tháo. Khi đó, đứa trẻ thường rúm ró một góc, nước mắt ròng ròng. Cách gây áp lực này khiến không khí gia đình trở nên căng thẳng, khiến trẻ sợ ngồi vào bàn học.
Tuy Đỗ Nhật Nam thường được gọi là thần đồng, chị Điệp xem con trai như một học sinh bình thường, không hướng con đến sự hoàn hảo. Chẳng hạn, chị biết rõ con viết chữ xấu do dùng tay trái khiến mực nhòe nhoẹt, nhưng ít khi nói về chuyện này mà thường tìm ra điểm tích cực khác để khuyến khích con.
Chị gợi ý, nếu con chỉ đạt điểm 5, phụ huynh trước hết hãy nói về những gì con đã làm được để đạt điểm 5, sau đó mới nhắc đến những gì con đã không làm để đạt được 5 điểm còn lại.
Bên cạnh đó, chị luôn nhắc bản thân không đánh giá con chỉ thông qua sản phẩm mà phải qua cả quá trình. Những câu nói như “Mẹ thấy con tiến bộ rồi đấy”, “Hôm nay con tập trung hơn hôm qua nhiều” sẽ mang lại hiệu quả.
Trong quãng thời gian đồng hành với Nhật Nam, chị Điệp luôn hướng tới “game hóa” việc học tập. Chị phát hiện trẻ con thường mê game vì màu sắc, hình ảnh hấp dẫn, được thử thách bản thân theo đúng trình độ của mình. Do đó, chị cho phép con lựa chọn học hết những môn hoặc nội dung mình yêu thích trước, sau đó mới xử lý phần còn lại. Chị cũng biến các bài tập thành trò chơi Bingo, từ đó khiến con hứng thú chinh phục từng bài một.
Thay vì sử dụng những đề văn nhàm chán trong sách giáo khoa, chị Điệp sáng tạo ra các đề văn hấp dẫn khác, chẳng hạn tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi em biến thành một con mèo, nếu một ngày tỉnh dậy cả thành phố biến thành một chảo bánh khổng lồ thì sẽ ra sao…
Nữ giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đặt ra phần thưởng cho con khi hoàn thành thử thách, thường là đi mua sách. “Hãy duy trì niềm vui thực chất cho con, đừng để con nghĩ học tập là trách nhiệm”, chị đưa ra lời khuyên.
Đỗ Nhật Nam sinh năm 2001, hai lần được trao kỷ lục Việt Nam với danh hiệu “Dịch giả nhỏ tuổi nhất” năm 7 tuổi, “Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất” năm 11 tuổi.
Năm lớp 1, Nam đạt điểm tuyệt đối trong các kỳ thi của Đại học Cambridge: Starter, Movers, Flyers (15/15). Năm lớp 2, Nam thi TOEIC đạt 940/990 điểm và thi TOEFL ITP đạt 617 điểm. Lớp 5, Nam đạt 8.0 IELTS với điểm Reading đạt tuyệt đối (9.0). Hiện Nam là du học sinh trường St. Paul The Apostle (Mỹ).
Chị Phan Thị Hồ Điệp được nhiều phụ huynh ngưỡng mộ, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm giáo dục và định hướng việc học tiếng Anh cho Đỗ Nhật Nam.
Thùy Linh
Theo Vnexpress
Mẹ Nhật Nam hướng dẫn chi tiết cách chuẩn bị đồ dùng, tâm thế và rèn thói quen cho con vào lớp 1
Chị Phan Hồ Điệp - mẹ "thần đồng" Đỗ Nhật Nam đã có bài hướng dẫn rất chi tiết cụ thể về những vật dụng thiết yếu cần mua sắm cho con cũng như việc chuẩn bị tâm lý, hình thành thói quen cho con vào lớp 1.
1. Chuẩn bị đồ dùng
Bố mẹ cần xác định tinh thần con vào lớp 1 là sẽ khá tốn tiền mua đồ dùng học tập. Mình thấy ít bạn nào đi học mà giữ các đồ dùng được lâu.
Đồ dùng cần sắm bao gồm:
- Hộp bút (nên chọn mua hộp có hình bạn ấy thích) bút chì ( mình nghĩ bút chì của Staedtler 2B là phù hợp) tẩy thước kẻ (thước có chiều dài 20cm) gọt bút chì bộ bút màu. Bút mực sang kì 2 mới cần nên bạn chưa cần sắm vội.
- Cặp sách: nếu có điều kiện thì mua loại siêu nhẹ của Nhật. Hồi Nam đi học cấp 1, mình "nghiến răng" mua một cái ở Nhật, dùng suốt 5 năm tiểu học, sau đó tặng lại cho một bạn bây giờ đã di chuyển thêm mấy bạn nữa mà vẫn còn tốt. Nên tưởng đắt hóa ra lại lợi. Chỉ có điều phải tìm được đúng hàng Nhật. Còn nếu không, các bạn mua loại tiện dụng, đừng nhiều ngăn phức tạp quá, cũng đừng to quá.
- Vở: Hầu hết sẽ theo quy định của trường nên bạn đừng sắm vội. Nếu cần thì bạn mua loại vở 5 li, giấy trắng nhưng không lóa.
Theo chị Phan Hồ Điệp, các bố mẹ đừng hoang mang khi thấy các bé khác biết đọc, viết mà con mình thì chưa. Chỉ sau một học kì, hầu hết các bé sẽ có trình độ ngang nhau.
2. Chuẩn bị tâm thế
Lớp 1 còn được một số nhà giáo dục gọi là "cửa ải lớp 1" đủ thấy khó khăn của các bạn nhỏ khi mới bắt đầu đi học như thế nào. Vì thế, con rất cần có bố mẹ đồng hành.
Hãy nói với con về những niềm vui mà nhà trường mang lại: Vào lớp 1 con sẽ đọc được nhiều câu chuyện để kể cho mẹ nghe/ Vào lớp 1, con đã lớn rồi, con biết xếp hàng ngay ngắn/ Vào lớp 1, con sẽ ăn nhanh hơn vì con không còn là em bé nữa... Cứ thế, bạn khiến con cảm thấy: Ồ, mình lớn thật rồi. Đi học thật là vui.
3. Cho ngày khai giảng
Hãy đi đến trường cùng con nếu có thể. Hãy coi đó là một sự kiện đáng ghi nhớ của cả nhà. Mẹ nên "trang trí" cho bộ đồng phục của con bằng việc cài thêm một cái nơ, một bông hoa (với bé gái), gắn thêm hình (tàu thủy, lá cờ) với bé trai. Bạn nhớ mua bóng bay hoặc cờ nếu nhà trường yêu cầu nhé. Với bé, đó là chuyện rất quan trọng. Nhân đây, mình cũng mong muốn tất cả nhà trường khi tổ chức khai giảng nên dành một khoảng thời gian để chào mừng các bé lớp 1 đến trường. Các con sẽ đi vào từ cổng trường và có các anh chị lớn, các thầy cô ra đón để các bé đứng vào hàng. Giây phút đó sẽ thành kỉ niệm đáng yêu cho cả bố mẹ và các con.
4. Những thói quen cần rèn trước khi vào học
- Con sẽ ngồi ngay ngắn và học (viết, vẽ, tô màu, làm tính) trong vòng 20 phút.
- Con sẽ ngồi tập trung chơi mà không di chuyển chỗ.
- Con biết chờ đợi người khác nói, biết lắng nghe.
- Con biết cách giơ tay để phát biểu trong lớp học.
- Tự phục vụ khi ăn uống, đi vệ sinh, giữ gìn đồ đạc cá nhân.
- Con biết cách quan sát và diễn đạt những điều mình đã quan sát được.
- Con thực hiện được theo những nguyên tắc đơn giản hoặc theo thời khóa biểu.
Lớp 1 còn được một số nhà giáo dục gọi là "cửa ải lớp 1" (Ảnh minh họa).
5. Về việc học
Trong mọi điều, hãy nhớ: Đừng để bé sợ học ngay từ vạch xuất phát. Niềm vui khi học là thứ cảm xúc cần được nuôi dưỡng và quan trọng hơn điểm số. Đừng hoang mang khi thấy các bé khác biết đọc, viết mà con mình thì chưa. Chỉ sau một học kì, hầu hết các bé sẽ có trình độ ngang nhau.
Có nên cho bé làm bài về nhà từ lớp 1 không? Mình nghĩ là nên với thời gian dưới 20 phút. Trong khoảng thời gian đó:
- Bé đọc lại bài của ngày hôm đó.
- Tập tô hoặc tập viết khoảng 3 dòng.
- Tự tính nhẩm hoặc viết lại con số.
Chỉ vậy thôi. Cực lực phản đối việc con phải viết bài cả trang. Bạn không tin cứ ngồi viết 1 trang giấy đúng li, đúng dòng sẽ thấy khổ sở thế nào. Trong khi đó, tay con còn quá non nớt.
Nhưng bạn nên rèn cho con tự học từ thời điểm con học lớp 1. Cây non dễ uốn. Hãy để con tự liên hệ, tự tìm hiểu những kiến thức đã học.
Ví dụ con học vần "o". Hãy cùng đố vui tìm các tiếng có vần "o". Khó hơn thì làm bài thơ kết thúc bằng vần "o".
Ví dụ: Tôi bị ho/ Mẹ rất lo/ Mẹ lấy cho/ Một cái lọ/ Có vị nho/Tôi hết ho/ Ngủ khò khò/ Ngáy o o...
Vui là chính, không cần quá quan trọng về nghĩa.
Với môn Toán, hãy cố gắng "nghĩ theo hướng ngược lại" vì các bài tập trong sách giáo khoa thường chỉ dạy kĩ năng tính toán. Ví dụ con học phép tính trong bảng 5, bố mẹ hãy đố: Những số nào cộng với nhau thì kết quả là 5.
Lớp 1, các bạn cũng làm quen với các khái niệm: Tiếng/ Từ/ Chữ/ Chữ cái/ Âm/ Vần. Những khái niệm này rất quan trọng và bố mẹ cũng đừng nhầm khi dạy con nhé.
Rèn cho con thói quen ngồi ngay ngắn và học trong vòng 20 phút trước khi vào học (Ảnh minh họa).
6. Về đọc sách
Thời điểm này, bạn nên duy trì việc đọc sách cho con, ít nhất là đến hết học kì 1 lớp 1, đơn giản vì mình nghĩ đó là khoảng thời gian để các bạn ấy thư giãn êm đềm sau một ngày học ở trường. Và cố gắng, cố gắng đọc sách chữ thay vì sách tranh như trước. Còn nếu trong trường hợp các bạn vẫn rất thích truyện tranh thì nên có "giao kèo" một tuần đọc 3 lần chẳng hạn.
Những cuốn sách truyện mà cha mẹ có thể chọn đọc cho con:
- Bộ Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên: Đây thực sự là bộ sách "tiểu học" vì bạn có thể để dành cho con trong suốt quãng thời gian con học tiểu học. Nó đem đến một cảm giác dễ chịu, êm đềm và cực tốt cho việc phát triển vốn từ của trẻ.
- Tot-to-chan cô bé bên cửa sổ.
- Tập thơ: Ngày xưa, ngày nay, ngày sau/ Ra vườn nhặt nắng và một số bài thơ của Trần Đăng Khoa.
Những sách để tham khảo cho việc học lớp 1: Đối với mình là chưa cần.
Vài nét về tác giả
Chị Phan Hồ Điệp (sinh năm 1975) là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị được nhiều phụ huynh ngưỡng mộ về cách nuôi dạy con trai - "thần đồng" Đỗ Nhật Nam - người được biết đến với bảng thành tích đáng nể: Tổng biên tập tờ báo Creative Melange (tờ báo tuổi Teen của Đông Nam Á), kỷ lục dịch giả nhỏ tuổi nhất và là tác giả nhiều cuốn sách "Tớ đã học tiếng Anh như thế nào", "Những con chữ biết hát", "Bố mẹ đã cưa đổ tớ"...
Theo Helino
Cô giáo yêu nghề, lan tỏa tình yêu thương Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống trong ngành giáo dục, bố mẹ đều là giáo viên ở Sơn Dương, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh. Cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt đã sớm ấp ủ trong lòng tình yêu nghề sư phạm. Tình yêu nghề, cùng những trở ngại trong cuộc sống không làm chùn bước cô giáo, ngược...