Bí quyết của Singapore trên trận tuyến chống dịch COVID-19
Singapore đã trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới với 70% dân số đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 và 79% dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Bất chấp nắng nóng, người dân xếp hàng bên ngoài phòng khám Wee HealthFirst chờ tiêm vaccine. Ảnh tư liệu: CNA
Thành quả này giúp Singapore thực hiện kế hoạch từ ngày 10/8 nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, nối lại nhiều hoạt động hơn và chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa trở lại nền kinh tế. Chính phủ Singapore ngày 11/8 cũng đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm lên khoảng 6-7%, so với 4-6% trước đó.
Trong bức tranh châu Á, Singapore được xem là một trong những “điểm sáng” hiếm hoi vẫn khống chế được sự lây lan của COVID-19 nhờ triển khai sớm chương trình tiêm chủng cho người dân. Điều này cũng giúp “đảo quốc Sư tử” dần chủ động hơn để có thể linh hoạt và tạo tiền đề cho việc trở lại các hoạt động kinh tế.
Nhìn nhận từ thực tế, có thể thấy Singapore dường như đã có sự chuẩn bị tốt hơn nhiều trước làn sóng COVID-19 mới do biến thể Delta gây ra, với năng lực truy vết và xét nghiệm được nâng cao và đặc biệt chương trình tiêm vaccine cho người dân có những tiến triển vượt bậc. Số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại “đảo quốc Sư tử” vẫn duy trì bình quân gần 100 ca/ngày trong tuần qua, song là mức rất thấp so với các nước khác. Việc tiêm vaccine đã giảm nguy cơ lây nhiễm và mắc bệnh nặng dẫn tới tử vong, hơn 90% số ca nhiễm mới ở Singapore là những người chưa tiêm hoặc mới tiêm một mũi vaccine.
Dù kết quả đạt được chưa hẳn là hoàn hảo nhưng có thể nói những gì thu được là đáng ghi nhận. Trong số các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiện nay, vaccine vẫn được xem là tấm lá chắn hiệu quả nhất. Tiêm chủng là giai đoạn tiếp theo của một giải pháp lâu dài và bền vững để đối phó với dịch bệnh, hướng đến miễn dịch cộng đồng. Nhìn từ góc độ này, Singapore rõ ràng đã có sự chuẩn bị khá chủ động, với việc sớm phê duyệt và triển khai sử dụng các loại vaccine của Moderna và Pfizer.
Vấn đề nguồn cung và phương cách tiếp cận có thể xem là yếu tố góp phần cho sự thành bại của chương trình tiêm chủng mà quốc gia này thực hiện. Chính phủ Singapore đã có chiến dịch tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu và trấn an những lo ngại về tác dụng phụ của việc tiêm vaccine, thông qua sự hậu thuẫn của các phương tiện truyền thông. Sự đồng bộ trong công tác quản lý, với một chiến lược cụ thể và minh bạch đã giúp Chính phủ Singapore có được lòng tin của người dân.
Là một quốc gia phát triển, Singapore có hệ thống hậu cần phục vụ cho công tác tiêm phòng và xét nghiệm khá hiệu quả. Quá trình đăng ký tiêm diễn ra đơn giản và nhanh chóng, trong khi cơ sở hạ tầng phục vụ tiêm chủng được triển khai tại nhiều trung tâm cộng đồng trên khắp cả nước. Giới chuyên gia nhận định “thiên thời-địa lợi-nhân hòa” là những yếu tố đã đem lại kết quả tốt cho chương trình tiêm chủng của Singapore.
Người lao động được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trước khi trở lại làm việc tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN
Singapore cũng đã triển khai các xét nghiệm nhanh kháng nguyên, gồm cả tự xét nghiệm. Cũng có những bộ kit xét nghiệm thậm chí nhanh hơn, chẳng hạn qua khí thở, mất khoảng 1-2 phút để đưa ra kết quả và không cần biện pháp lấy dịch mũi họng thông thường. Các sân bay, cảng biển, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, bệnh viện và các cơ sở giáo dục dự kiến sẽ sử dụng các bộ công cụ này để sàng lọc nhân viên và khách.
Bên cạnh đó, với nền tảng là hệ thống y tế hiện đại, Singapore đã triển khai các phương pháp điều trị hiệu quả và đó là một trong những lý do giúp tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Singapore thuộc diện thấp nhất thế giới. Mới nhất, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Dean Ho, Giám đốc Viện Y học Kỹ thuật số – Đại học Quốc gia Singapore, dẫn đầu đã sử dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) có tên IDentif.AI và thử nghiệm với virus sống để tạo ra sự kết hợp tối ưu giữa các loại thuốc với liều lượng chính xác để điều trị COVID-19. Phương pháp này hứa hẹn sẽ phát huy hiệu quả trong chống lại các biến thể Beta và Delta.
Video đang HOT
Thực tế và thận trọng là cách Singapore lựa chọn để đương đầu với COVID-19 và thúc đẩy sự phát triển của chính mình. Sau làn sóng lây nhiễm đầu tiên, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng COVID-19 không biến mất mà có thể trở thành mầm bệnh theo mùa, bởi vậy quốc gia này phải chuẩn bị cho việc “chung sống” lâu dài. Ông nhấn mạnh người dân cần xác định cuộc sống trong điều kiện “bình thường mới” là như thế nào và Singapore sẽ làm gì để thích nghi, phát triển cùng tình hình mới.
Singapore đang tiến tới việc biến xét nghiệm COVID-19 thành công cụ để sàng lọc những người muốn vào các tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, trường học, hoặc nhiều khu vực khác thay vì đưa đi cách ly tập trung. Việc cập nhật số ca lây nhiễm cũng sẽ không còn được chú trọng, thay vào đó sẽ tập trung hơn vào kết quả điều trị, như có có bao nhiêu bệnh nhân bị ốm nặng và cần được chăm sóc đặc biệt, giống như cách theo dõi bệnh cúm thông thường.
Với cách làm này, các doanh nghiệp có thể sẽ không phải lo lắng về việc bị phong tỏa, dẫn tới gián đoạn hoạt động. Người dân có thể đi du lịch trở lại với giấy chứng nhận tiêm chủng, đến các quốc gia cũng đã kiểm soát được dịch bệnh, và thậm chí có thể còn được miễn xét nghiệm.
Quan điểm của Lực lượng đặc nhiệm (EST), cơ quan liên ngành về phòng chống COVID-19 tại Singapore, là việc “sống chung” với COVID-19 có khả thi hay không sẽ phụ thuộc vào sự chấp nhận của người dân về vấn đề này cũng như hành vi của cả cộng đồng. EST được thành lập tháng 5/2020, dưới sự điều hành của Hội đồng Kinh tế tương lai (FEC), để đánh giá cách thức Singapore có thể duy trì khả năng phục hồi kinh tế và xây dựng các nguồn năng lượng mới để trở nên mạnh mẽ hơn hậu COVID-19.
Không để những diễn biến dịch bệnh đẩy đất nước vào thế bị động, EST nhanh chóng định vị 6 thay đổi then chốt phát sinh từ đại dịch, cụ thể là trật tự toàn cầu, xu hướng hợp nhất ngành, tái cân bằng giữa hiệu quả và khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng và sản xuất, đà tăng tốc trong chuyển đổi kỹ thuật số và cách tân, thay đổi trong thị hiếu tiêu dùng và xu thế phát triển môi trường- xã hội bền vững.
Video Player is loading.
PauseUnmute
Remaining Time 7:59
Loaded: 8.64%
X
Với tầm nhìn “mang lại những khả năng và cơ hội vô hạn cho đất nước, doanh nghiệp và người dân”, EST tập trung thúc đẩy thương mại điện tử và số hóa chuỗi cung ứng, phát triển bền vững, an ninh lương thực dựa trên ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy “Liên minh Singapore Phối hợp hành động” (AfA) – đại diện cho một “mô hình hợp tác công tư mới”, và củng cố quan hệ đối tác quốc tế, đặc biệt tại Đông Nam Á.
Có thể nói, cách tiếp cận chủ động và đồng bộ như vậy đem lại thành quả. Số liệu của Bộ Thương mại Singapore công bố ngày 11/8 cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý II/2021 tăng trưởng nhanh hơn dự kiến, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái và đó là cơ sở để chính phủ nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm. Các chuyên gia nhận định đà phục hồi của nền kinh tế Singapore sẽ mạnh mẽ hơn từ tháng 8/2021, thời điểm đại đa số người dân đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tiếp tục phục hồi cũng như lĩnh vực xây dựng được duy trì ổn định.
Singapore bắt đầu giai đoạn 1, được gọi là “giai đoạn chuẩn bị”, của tiến trình mở cửa nền kinh tế theo 4 giai đoạn, từ ngày 10/8 với ưu tiên nới lỏng hạn chế cho nhóm người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, giới hạn 5 người/nhóm; nâng công suất tham dự các sự kiện lớn, các hoạt động tín ngưỡng lên 500 người (nếu chưa tiêm chỉ được 50 người). Số người tại các điểm công cộng như bảo tàng, thư viện, các điểm tham quan du lịch, rạp phim,… tăng lên 50 người. Từ ngày 19/8, 50% số lao động đang phải làm việc tại nhà sẽ được phép trở lại công sở và việc đo nhiệt độ tại các điểm công cộng cũng sẽ bãi bỏ.
Cũng trong “giai đoạn chuẩn bị” này, Singapore quyết định mở cửa đường biên giới, cho phép nhập cảnh đối với những người mang thẻ lao động và người đi theo, kể cả đến từ các nước thuộc diện “nguy cơ cao”, nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, bất kể loại nào trong danh mục vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép. Từ 21/8, Singapore sẽ cho phép những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine từ các quốc gia “rủi ro thấp” nhập cảnh được phép lựa chọn cách ly tại nhà 14 ngày thay vì tại các cơ sở cách ly, đồng thời xem xét thiết lập “làn đi lại cho người đã tiêm vaccine” để bãi bỏ yêu cầu cách ly với một số quốc gia.
Dự kiến “giai đoạn chuẩn bị” sẽ kéo dài khoảng 1 tháng. Sau đó Singapore sẽ bước vào “Giai đoạn chuyển tiếp A” khi 80% dân số được tiêm chủng để có thể nới lỏng những hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt nhất. Nếu thuận lợi, Singapore sẽ bước vào “Giai đoạn chuyển tiếp B” và kế tiếp là giai đoạn cuối cùng là trở thành “Quốc gia kiên cường trước dịch COVID-19″.
Để tránh tình trạng bị tụt hậu, quốc gia này đã có những dự trù và kế hoạch chuẩn bị dài hơi. Một trong những trọng tâm của lực lượng liên ngành chính là đảm bảo rằng Singapore vượt qua khỏi cuộc khủng hoảng này một cách mạnh mẽ hơn.
Đặt công tác chống dịch trong tổng thể kế hoạch phát triển là hướng đi sáng suốt và đã cho thấy những hiệu quả nhất định tại Singapore. Một xã hội lành mạnh, thịnh vượng, một nền kinh tế đủ lực mới có thể là nền tảng để đương đầu với kẻ thù vô hình COVID-19
Nói một cách ngắn gọn, chủ động và thực tế là hai từ khóa đang giúp Singapore dần tìm được lối đi hiệu quả trong cuộc chiến vừa chống COVID-19 vừa đảm bảo sự phát triển kinh tế lành mạnh. Bài học từ Singapore hoàn toàn có thể trở thành mô hình để các quốc gia khu vực và thế giới học hỏi.
Hiệu quả đột phá của vắc xin Covid-19 chống biến chủng Delta
Một nghiên cứu mới tại Singapore cho thấy khả năng hết virus nhanh chóng ở những người mắc Covid-19 nhưng được tiêm vắc xin trước đó.
Một người dân được tiêm vắc xin Covid-19 tại Bệnh viện Brattleboro Memorial ở Brattleboro, Vermont, Mỹ vào tháng 5 (Ảnh: NYT).
Nghiên cứu mới đã được tiến hành với 201 người ở Singapore bị nhiễm biến chủng Delta, trong đó có 71 người đã được tiêm chủng đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19 và 130 người còn lại chưa được tiêm vắc xin. Những người đã được tiêm chủng sử dụng vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna.
Theo Alex Cook, phó trưởng khoa nghiên cứu tại Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock, nghiên cứu cho thấy những người nhiễm bệnh được tiêm vắc xin hết virus trong khoảng 7 ngày, trong khi những người chưa tiêm vắc xin mất tới 14 ngày. Ông Alex đề xuất thời gian cách ly ngắn hơn hoặc thậm chí cách ly tại nhà đối với nhóm người đã được tiêm vắc xin.
David Kochman, nhà khoa học tại một công ty công nghệ sinh học Mỹ, cho biết có bằng chứng cho thấy "vào khoảng ngày thứ 10, những người đã tiêm vắc xin có nguy cơ lây nhiễm thấp".
Theo các chuyên gia, kết quả nghiên cứu trên cho thấy đối với những người đã được tiêm vắc xin theo công nghệ mRNA, khả năng hồi phục sẽ nhanh hơn, do vậy thời gian cách ly sẽ ngắn hơn.
Trong khi các nghiên cứu chỉ ra rằng, vắc xin mRNA giúp cơ thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ với virus, bao gồm việc chống lại một số biến chủng, các chuyên gia trên toàn thế giới khẳng định tất cả các loại vắc xin Covid-19 đều có mức độ hiệu quả nhất định.
Kết quả nghiên cứu tại Singapore được công bố trong bối cảnh một số quốc gia, nơi có hơn một nửa dân số được tiêm chủng đầy đủ như Anh và Mỹ, xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm "đột phá" (những người đã tiêm vắc xin nhưng vẫn mắc Covid-19). Tuy vậy, số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 không còn tăng nhanh như làn sóng Covid-19 đầu tiên vào năm ngoái.
Mặc dù vậy, Hiệp hội Các bệnh truyền nhiễm Mỹ cho biết, với sự lây lan của biến chủng Delta như hiện nay, các nước cần phải có hơn 80%, thậm chí gần 90% dân số được tiêm phòng đầy đủ để có thể đạt miễn dịch cộng đồng.
Singapore đang đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 80% dân số trước tháng 9, khi nước này chuyển sang chính sách coi Covid-19 như một bệnh đặc hữu, để có thể mở cửa hoàn toàn nền kinh tế. Tỷ lệ tiêm chủng của Singapore là 63% tính đến ngày 2/8.
Hiện có nhiều kết quả nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả đáng kể của vắc xin Covid-19. Vắc xin cho đến nay vẫn được xem là công cụ hiệu quả nhất để ngăn dịch lây lan và tránh gây ra những thiệt hại về sau.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) gần đây công bố một báo cáo cho thấy, vắc xin Covid-19 rất hiệu quả trong việc ngăn chặn người bị bệnh nặng và tử vong. Theo đó, có chưa tới 0,004% người đã tiêm chủng đầy đủ bị mắc Covid-19 nghiêm trọng tới mức phải nhập viện và chỉ 0,001% người mắc Covid-19 sau khi tiêm vắc xin đã tử vong.
Các chuyên gia khẳng định rằng, những người đã tiêm đủ vắc xin sẽ được bảo vệ rất tốt trước nguy cơ chuyển biến nặng. Ví dụ, trong làn sóng lây lan chủng Delta thời gian qua, Mỹ ghi nhận phần lớn các ca bệnh mới và ca nhập viện là những người chưa tiêm chủng.
Nghiên cứu do Quỹ Kaiser Family thực hiện cho thấy, những người Mỹ đã tiêm đủ mũi vắc xin chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số ca mắc Covid-19 thời gian qua. Theo dữ liệu của CDC, gần 57,5% dân số Mỹ đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin và 49,5% dân số đã tiêm đầy đủ 2 liều.
COVID-19 tại ASEAN ngày 2/8: Malaysia tử vong nhiều nhất từ đầu dịch; Indonesia kéo dài hạn chế xã hội Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 2/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm trên 72.600 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 152.500 người. Vận chuyển oxy để phân phối tới các cơ sở điều...