Bí quyết “chinh phục” học sinh của cô giáo chủ nhiệm mê STEM
Nhận thấy những bản kiểm điểm không giúp học sinh thay đổi mà còn khiến các em thấy áp lực, tự ti, cô Quỳnh đã áp dụng cách mà cô học hỏi được từ đồng nghiệp ở nước ngoài: Ký hợp đồng hành vi.
Cô giáo Nguyễn Thúy Quỳnh. (Ảnh: PV/Vietnam )
Thay vì yêu cầu học sinh viết các bản kiểm điểm theo cách truyền thống vốn không mang lại nhiều hiệu quả giáo dục, mỗi khi học sinh mắc lỗi nghiêm trọng, cô Quỳnh sẽ cùng học sinh ngồi lại, phân tích nguyên nhân, tìm giải pháp cụ thể và cùng nhau ký kết “hợp đồng hành vi” với các điều khoản rõ ràng như các “đối tác chiến lược.”
“Học sinh rất bất ngờ, các em vừa thấy vui vui, vừa cảm nhận được sự nghiêm túc, và điều quan trọng là học sinh sẽ thấy mình được tôn trọng, từ đó nỗ lực thay đổi,” cô Nguyễn Thuý Quỳnh, giáo viên Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.
Cô cũng là một giáo viên say mê với giáo dục STEM đến mức tự tìm đọc nhiều tài liệu, lọ mọ đi tìm và đầu tư thời gian, công sức để tham gia các khóa học về STEM; là một trong những giáo viên đầu tiên của quận Hoàng Mai mang phương pháp giáo dục mới mẻ này đến với học sinh.
Hợp đồng hành vi có… thưởng
Hơn 10 năm trong nghề, nhiều năm làm chủ nhiệm, cô Quỳnh cho hay việc học sinh mắc lỗi là bình thường. Điều cô trăn trở nhất là làm thế nào để các em hiểu rằng việc làm sai đó là một cơ hội để rèn luyện bản thân và các em vẫn xứng đáng được tôn trọng, được tin tưởng, được trao cho động lực để thay đổi mình. “Tôi không tìm thấy những điều đó ở bản kiểm điểm hay bản cam kết thường dùng. Tôi đã quyết định sử dụng công cụ tôi học được từ sự chia sẻ của giáo viên nước ngoài: Hợp đồng hành vi kết hợp với kế hoạch cải thiện hành động,” cô Quỳnh nói.
Theo đó, mỗi khi học sinh mắc lỗi, trước hết, cô trò sẽ cùng ngồi lại để cô có thể lắng nghe những chia sẻ của các em, cùng học sinh tìm ra nguyên nhân đồng thời gợi mở để học sinh thấy được những hậu quả của hành vi đó. Từ nguyên nhân, cô sẽ cùng học sinh xác định biện pháp để cải thiện hành vi dựa trên điều kiện thực tế về hoàn cảnh, tính cách, các mối quan hệ… của học sinh.
Thay vì những lời hứa không tái phạm chung chung trong bản kiểm điểm cũ, cô sẽ gợi ý để học sinh chỉ ra việc cụ thể phải làm và đưa vào điều khoản của “hợp đồng” kèm theo các cam kết thực hiện. Điều đặc biệt là cuối bản hợp đồng không chỉ có thời gian hiệu lực, hình thức xử lý cao hơn khi học sinh vi phạm mà cô còn có quy định về phần thưởng nhỏ để làm động lực cho học sinh sửa sai.
Theo cô Quỳnh, điều quyết định thành công của bản hợp đồng là giáo viên phải thực sự thấu hiểu những suy nghĩ của học sinh, xử lý sai phạm với thái độ bình tĩnh, đảm bảo học sinh luôn có được sự tôn trọng, tránh những phán xét, định kiến chủ quan để nhận lại được sự tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ của các em.
Video đang HOT
Với những cách làm khác lạ, cô Quỳnh đã tạo được sự tin tưởng của học sinh, từ đó giúp các em ngày càng tiến bộ hơn. Trong năm học 2020-2021, cô được hiệu trưởng tin tưởng giao chủ nhiệm đồng thời hai lớp, một lớp 7 và một lớp 9, khi một giáo viên của trường vì lý do riêng không thể tiếp tục công tác chủ nhiệm.
Mang STEM đến với học sinh
“Không chỉ là một giáo viên chủ nhiệm giỏi, cô Quỳnh còn là một giáo viên xuất sắc, là trụ cột trong định hướng phát triển giáo dục STEM của Trường,” cô Chu Thị Xuân Hường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai nhận định.
Học sinh của cô Quỳnh say mê với các hoạt động STEM. (Ảnh: NVCC)
Năm 2019, nhận thấy STEM là phương pháp giáo dục rất tích cực, cô Hường (khi đó là Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Tân Định) đã gợi ý các giáo viên tìm hiểu. Từ sự gợi mở ấy, cô Quỳnh bắt đầu tìm hiểu về giáo dục STEM và ngay lập tức say mê với phương pháp giáo dục mới mẻ này. Cô tích cực tham gia các khóa đào tạo về STEM do trường và Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai tổ chức, say mê cùng học sinh thực hiện các hoạt động khoa học, tổ chức thành công chương trình Ngày hội STEM của trường.
Cô Quỳnh vẫn nhớ khi chương trình Ngày hội STEM kết thúc, cô chợt phát hiện một học sinh nằm ngủ ở góc phòng thí nghiệm. “Em ấy bảo vì mấy hôm tập trung thao thức với STEM, khi làm chỉ thấy vui, không thấy mệt. Giờ xong em mới thấm và ngủ quên lúc nào ko biết. Tôi đã rất xúc động và sự say mê của học trò càng thôi thúc tôi phải cố gắng hơn, nỗ lực hơn nữa,” cô Quỳnh chia sẻ.
Không thỏa mãn với những kiến thức được học, cô tìm kiếm thông tin trên Internet, tham gia các hội nhóm về giáo dục STEM, tìm hiểu và tự đóng tiền tham gia các khóa học của các chuyên gia về lĩnh vực này ở cả trong và ngoài nước.
“Từ việc hiểu khá mơ hồ về STEM, thấy STEM khá xa vời với lập trình, robot… các khóa học đã giúp tôi hiểu STEM rất gần gũi, đó chính là tìm các giải pháp để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày,” cô Quỳnh trải lòng.
Cũng theo cô Quỳnh, giá trị của giáo dục STEM mang lại không chỉ nằm ở sản phẩm học sinh tạo ra mà quan trọng hơn là ở quá trình thực hiện của học sinh, khi các em phải biết làm việc nhóm, phải biết tìm hiểu và sử dụng kiến thức liên môn, ứng dụng linh hoạt trong thực tế, biết giới thiệu về sản phẩm của mình. Vì vậy, ngay cả khi chưa làm ra sản phẩm, các em vẫn nhận được rất nhiều bài học như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, khả năng tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề, xử lý tình huống…
Cô giáo Nguyễn Thúy Quỳnh (phải) chia sẻ cùng tác giả bài viết. (Ảnh: PV/Vietnam )
Cô đã đưa những tiết học STEM sinh động đến với học sinh, giúp các em say sưa với những chủ đề như tái chế rác thải, năng lượng xanh, pha chế đồ uống an toàn, xây dựng hệ thống tưới cây tự động…
Những hiệu quả tích cực từ giáo dục STEM mà cô Quỳnh mang lại đã thổi luồng gió mới trong giáo dục của nhà trường, tạo động lực cho các giáo viên khác cùng hăng say với đổi mới giáo dục, tạo hứng khởi cho không chỉ học sinh mà cả phụ huynh.
“Là một cô giáo tài năng, nhiệt huyết, đang ở độ chín về tuổi nghề, thạc sỹ Nguyễn Thúy Quỳnh thực sự là một nhân tố xuất sắc của trường. Mới đây, cô đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vinh danh là Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo. Đó là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực và cống hiến của cô cho ngành trong thời gian qua,” Hiệu trưởng Chu Thị Xuân Hường nhận xét./.
Sân chơi bổ ích khơi dậy đam mê nghiên cứu khoa học cho học sinh
Sáng 4/11, tại Trường THCS Nam Hà, quận Kiến An diễn ra lễ tổng kết ngày hội STEM và Chung khảo Cuộc thi KHKT dành cho học sinh THCS năm học 2021-2022.
Nhóm tác giả các dự án đạt giải Nhất được tặng khen
Tại Hải Phòng, quận Kiến An là một trong những địa phương tiên phong trong việc triển khai, đưa giáo dục STEM vào các nhà trường, từng bước đã làm thay đổi phương pháp giảng dạy của giáo viên, cũng như tạo niềm say mê, hứng thú với môn học của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của quận trong những năm học gần đây.
Xác định giáo dục theo định hướng STEM là lựa chọn hàng đầu phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại, ngành Giáo dục và Đào tạo quận triển khai giáo dục STEM theo cả hai hướng: chiều rộng và chiều sâu, kết hợp giữa việc đưa giáo dục STEM vào chương trình giảng dạy cũng như tổ chức các câu lạc bộ với 3 trụ cột: STEM tái chế, STEM môn học và STEM robotic.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT đánh giá: ngày hội STEM ngành GD&ĐT quận Kiến An năm học 2021-2022 và Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS tiếp tục khẳng định là sân chơi bổ ích, lý thú cho học sinh
Bắt đầu triển khai từ năm học 2018-2019, đến nay, giáo dục STEM ở quận Kiến An đã tạo bước đột phá trong chất lượng và hình thức giáo dục trong các nhà trường, nhất là việc xây dựng chủ đề dạy học tích hợp trong các môn học. Các chủ đề dạy học được chia theo độ tuổi để huy động sự tham gia tối đa của học sinh, giúp các em hình thành khả năng nghiên cứu, ứng dụng, tổng hợp kiến thức và vận dụng thực tế.
Ông Vũ Xuân Phúc- Trưởng phòng GD&ĐT quận Kiến An chia sẻ, tính riêng trong năm học 2020-2021 và đầu năm học 2021-2022, toàn quận đã triển khai 21 chuyên đề STEM cấp trường, 6 chuyên đề STEM cấp quận và 1 chuyên đề STEM cấp thành phố. Tiêu biểu là chuyên đề dạy học theo định hướng STEM với chủ đề "Sự nổi - Lực Acsimet" do cô giáo Trịnh thị Thu Chang trường THCS Lương Khánh Thiện thực hiện; chủ đề "Sự kỳ diệu của âm thanh" môn Khoa học lớp 4 do trường tiểu học Đồng Hòa thực hiện...
Tham gia cuộc thi giáo viên giỏi các cấp được tổ chức qua mỗi năm học, nhiều bài giảng của giáo viên đã áp dụng phương pháp dạy học theo định hướng STEM được lãnh đạo ngành ghi nhận và đồng nghiệp đánh giá cao.
Các nhà trường được trao giải gian trưng bày sản phẩm
Để đánh giá việc triển khai hoạt động giáo dục STEM, Ngành Giáo dục và Đào tạo quận tổ chức Ngày hội STEM năm học 2021-2022 và Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS. Trong khuôn khổ Ngày hội có 3 hoạt động nổi bật, đó là: Gian trưng bày các sản phẩm giáo dục STEM và các dự án khoa học kỹ thuật tiêu biểu; Thi thiết kế chủ đề dạy học STEM; Chuyên đề Giáo dục STEM.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT, lãnh đạo quận Kiến An trải nghiệm sản phẩm tại các gian trưng bày
Tại lễ tổng kết, ông Đỗ Văn Lợi- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hải Phòng nhận xét, ngày hội STEM ngành GD&ĐT quận Kiến An năm học 2021-2022 và Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS tiếp tục khẳng định là sân chơi bổ ích, lý thú, khơi dậy sự đam mê nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức các môn học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Qua đó, góp phần đổi mới hình thức tổ chức hoạt động dạy học, đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập, phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục trong trường học.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT, lãnh đạo quận Kiến An trao thưởng cho những nhóm học sinh có dự án KHKT, các giáo viên có chuyên đề STEM và các gian trưng bày STEM của các nhà trường đạt giải.
Bộ GD-ĐT định sửa hàng loạt quy trình, tiêu chuẩn biên soạn Sách giáo khoa Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ siết chặt hơn khâu thực nghiệm sách giáo khoa, đồng thời nâng tiêu chuẩn người biên soạn và thẩm định sách. Đó là một trong những điểm mới ở dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá...