‘Bí kíp’ để thi đỗ
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, hiện học sinh chưa có cách chọn ngành phù hợp theo lực học. Việc tư vấn ở các trường chủ yếu làm rầm rộ kiểu phong trào, không mấy hiệu quả. Vậy học sinh cần căn cứ vào đâu để chọn ngành?
Cần thông tin cụ thể
PGS. TS Nguyễn Văn Nhã, Trưởng Ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, các hình thức hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông hiện tại chưa thực sự phong phú và chưa được tổ chức thường xuyên.
Các hình thức như tham quan thực tế các cơ sở sản xuất địa phương, nghe các doanh nghiệp nói về nhu cầu nhân lực hoặc các nghệ nhân nói về nghề nghiệp còn rất ít được thực hiện. Vì vậy, hiệu quả của công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông hiện nay theo đánh giá của học sinh là chưa cao.
Vì thế, nhiều trường đại học muốn học sinh biết nhiều hơn, nhà trường phải đi tư vấn tuyển sinh đồng thời quảng bá về trường mình tại các địa phương.
Theo ông Nhã, từ đầu mùa tuyển sinh 2010 đến nay, đoàn tư vấn tuyển sinh của trường đã đi tư vấn trực tại 9 địa phương.
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ tại văn phòng Bộ GD&ĐT ở TP. HCM.
Video đang HOT
Có những địa phương nằm ngay cạnh Thủ đô Hà Nội như Bắc Ninh, Hải Dương… nhưng các em vô cùng thiếu thông tin về tuyển sinh. Chẳng hạn, chỉ tiêu cụ thể của từng trường, ngành nào “ nóng”, ngành nào dễ đậu, thế nào là bằng đơn, bằng “kép”… vẫn không được ai giải đáp chu đáo.
Theo GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), vài năm trước, nhà trường cũng tổ chức rầm rộ việc tư vấn tập trung trước khi làm hồ sơ để các em chọn ngành. Tuy nhiên, mỗi em một tâm trạng, một mong muốn và lực học không đều nhau.
“Trường năm nào cũng tổ chức từ 1 – 2 buổi nói chuyện về chỉ tiêu tuyển sinh, giới thiệu các ngành nghề trong xã hội… Tuy nhiên, việc định hướng này không rõ ràng và các em chủ yếu theo ngành nghề của gia đình hoặc lựa chọn việc thi cử cũng do gia đình quyết định. Các em luôn đứng trước nhiều lựa chọn thi vào đâu, ngành nghề đó thế nào… điều này ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và mất nhiều thời gian cho việc lựa chọn, sao nhãng việc học.”. Thầy Trần Mạnh Hùng – giáo viên trường THPT Trực Ninh B, Nam Định.
Khi trình bày chung chung những điều về tuyển sinh, thông tin các em thu được không nhiều. Có nhiều trường đại học đến tư vấn tại trường THPT nhưng chủ yếu là quảng bá cho trường mình nên không tư vấn lực học nào thì chọn ngành gì cho hợp.
GS Văn Như Cương cũng đã từng mời một số học sinh khoá trước đến trường nói chuyện về kinh nghiệm thi cử của bản thân. Nhưng việc này cũng khó vì mỗi học sinh cần một thông tin cụ thể, phù hợp từng hoàn cảnh của em đó.
Đặc biệt, nếu là học sinh ở vùng sâu, vùng xa thì lấy đâu ra thông tin tuyển sinh để cập nhật hàng ngày như thành phố? Các em đành tự thân vận động, sau đó xem trong cuốn “Những điều cần biết” để đăng kí dự thi.
Theo GS Văn Như Cương, chính vì điều này nên nhà trường rút ra kinh nghiệm: Tốt nhất, để học sinh tự nghiên cứu và tìm hiểu. Cụ thể, trường giao cho từng giáo viên bộ môn tư vấn cụ thể cho các em ở các môn học. Sau đó, các em tập hợp thông tin và hỏi ý kiến giáo viên chủ nhiệm để có quyết định cuối cùng.
Chọn ngành vừa sức
GS Văn Như Cương cho biết, xu thế hiện nay ít học sinh chọn ngành theo “mác” trường. Tâm lý chung của các em là chọn trường, ngành nào dễ đỗ. Tỷ lệ học sinh quyết thi trường cao, đỗ trượt không quan tâm và sẽ thi lại năm sau đã ít hơn trước đây.
Chúng ta có thể phân thành 3 loại học sinh khi dự thi ĐH, CĐ. Học sinh học rất giỏi, tự tin thi đỗ bất cứ trường nào và học sinh học kém, chỉ chọn ngành thấp nhất hoặc thi cao đẳng. Còn loại “ở giữa”, lực học chỉ thi được khoảng 21-23 điểm nhưng không biết chọn ngành sẽ dễ trượt. Vì thế, những em này cần có lựa chọn hợp lý, không chọn ngành quá cao dễ trượt và đừng chọn ngành quá thấp sẽ thiệt thòi.
“Theo quan điểm của tôi, chọn ngành phù hợp học lực quan trọng nhất, còn ham thích chỉ là nhất thời”, GS Văn Như Cương khẳng định.
Để thi đỗ và làm được việc sau này, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã cho rằng, trước hết thí sinh cần biết bản thân mình phù hợp với ngành nghề nào. Từ đó, các em chọn ra những ngành nghề nào thích hợp nhất để nghiên cứu và dùng phương pháp loại bỏ.
Quan trọng nhất, các em phải tự tin, chọn đúng ngành vừa sức và chuẩn bị kĩ kiến thức để đạt điểm cao. Các em cần căn cứ vào điểm học tập, nhất là các môn thi tuyển sinh đầu vào của ngành mình dự định theo học. Tìm hiểu điểm trúng tuyển của ngành nghề đó ở trường mình muốn thi vào trong 3 năm liên tiếp, từ đó so sánh với sức học của bản thân để xem khả có khả năng trúng tuyển không.
Cô Lê Thị Hằng (giáo viên văn lớp 12, Trường THPT Thăng Long, Hà Nội) cho biết: “Ngoài các môn học chính, các em còn có thêm giờ sinh hoạt ngoại khóa, cụ thể sẽ là các tiết hướng nghiệp theo chủ đề dành cho các lớp 12 nhằm định hướng các nhóm nghề nghiệp hiện nay trong xã hội, đưa ra sự đoán nhu cầu sử dụng các ngành nghề trong tương lai. Các em được tìm hiểu về các loại hình nghề nghiệp, trao đổi xem các em chọn trường gì, nghề nghiệp gì… Tuy nhiên, nhiều em tâm sự rằng, bị gia đình “ép” phải vào trường này, trường kia mà các em không thích hoặc em cảm thấy lực học không phù hợp. Có em tâm sự rằng gia đình bắt buộc thi trường Bách khoa, theo chuyên ngành kỹ thuật mà em là con gái, dù không thích nhưng vẫn phải đi thi. Cá biệt, có gia đình đã bắt con làm cam kết phải thi vào trường X, trường Y mà họ đã chọn”.
Theo Gia đình & Xã hội
Khi teen hờ hửng với hướng nghiệp
Trong những ngày gần đây, nhiều hoạt động hướng nghiệp đang diễn ra ra sôi nổi tại các trường học và cả những ngày hội tư vấn dành cho các sĩ tử 12. Tuy nhiên, không phải teen nào cũng hào hứng với các hoạt động này. Ngoài một số teen đã định hướng ngay từ đầu, lí do mà các teen hờ hững với hướng nghiệp là do chủ quan, chưa nhận thức hết sự cần thiết phải định hướng ngành nghề trong tương lai của mình.
1. Hướng nghiệp ư? - Dễ ẹc
Khi được hỏi tại sao không tham dự các chương trình hướng nghiệp, M.Tâm (trường V) tự tin trả lời "Hướng nghiệp ư? Dễ ẹc hà. Mấy cái thông tin đó mình có sẵn rồi. Việc gì phải tham dự cho tốn thời gian". Nói rất mạnh miệng nhưng thực chất, những thông tin mà Tâm cho là "có sẵn rồi" cũng chỉ là nghe bạn bè kháo nhau hay bắt gặp trên các diễn đàn, trang web mà không hề có gì đảm bảo rằng đây là những thông tin chính xác. Chính vì tâm lí chủ quan đó mà trong khi bạn bè đang tích cực tìm hiểu những vấn đề liên quan đến ngành học, nghề học của mình thì Tâm tỏ ra khá ung dung dù...vẫn chưa định hướng được mình sẽ chọn ngành gì (!?). Cậu bạn đã phải làm đi làm lại tổng cộng ba bộ hồ sơ vì cứ thấy bạn bè ca ngợi ngành học nào "hot", dễ hái ra tiền, ngành học nào dễ đậu là anh chàng lại nghe theo. Thế đấy, nếu không có sự chuẩn bị và tìm hiểu kỹ càng thì việc lựa chọn ngành nghề thích hợp cho mình không phải là chuyện dễ dàng như chúng ta đã nghĩ đâu!
2. Những nguy cơ tiềm ẩn
Với những teen chưa định hướng từ trước, việc chủ quan trước các thông tin hướng nghiệp thật sự là một nguy cơ. K.Ngân ( trường X) cứ ngỡ chọn nghề thì chỉ cần thích là được nên bạn không mấy quan tâm tìm hiểu về ngành nghề mà mình chọn. Thế nên khi nghe bạn bè sau khi tham gia các buổi hướng nghiệp của trường về lại đề cập đến tỉ lệ chọi, điểm chuẩn, những môn học trong ngành học của mình, những thay đổi trong kì thi năm nay...thì cô nàng mới "chột dạ". Vậy ra Ngân chưa biết tí gì về ngành mà mình đã chọn, lại chẳng hình dung ra được mình cần phải chuẩn bị gì cho tương lai. Một số teen vì không chịu tìm hiểu kỹ nên khi điền vào hồ sơ đại học không tránh khỏi sai sót. Mặc dù chưa đến hạn nộp hồ sơ, nhưng T.T (Trường NTT) đã làm hỏng hết mấy bộ hồ sơ vì cái "tội" chưa tìm hiểu rõ đã vội đặt bút.
3. 12 ơi, đừng chủ quan!
Chọn ngành học, nghề học phù hợp với sở thích và khả năng của mình là một vấn đề khá gian nan nhưng rất quan trọng đối với các teen nhất là các sĩ tử 12 đang trong giai đoạn "chạy nước rút". Chính vì thế, sự chủ quan trong việc định hướng và tìm hiểu về ngành học của mình thật sự rất nguy hiểm. Nhiều teen còn ỷ lại vào những thông tin trôi nổi từ internet thậm chí là tin "sái cổ" vào bạn bè mình trong khi lại bỏ qua những chương trình hướng nghiệp, những lời khuyên bổ ích từ thầy cô và các chuyên gia.
Vì vậy, việc chuẩn bị cho mình vốn kiến thức cần thiết về ngành nghề mình lựa chọn là điều vô cùng cần thiết. Không những vậy, các teen cần thường xuyên cập nhật những thông tin mới nhất về kì thi sắp tới để tránh mắc phải sai lầm trong quá trình chuẩn bị hồ sơ và khi đi thi. Nếu chưa chọn được một ngành học phù hợp, bạn cũng đừng hoang mang vì vẫn còn khá nhiều thời gian cho bạn tìm hiểu kỹ càng trước khi quyết định. Điều cần nhất là hãy chính chắn và đừng chủ quan trước sự lựa chọn cho tương lai của mình!
Theo PLXH
Xuất hiện 'chó hổ' ở chợ Bưởi Vài tháng lại đây, tại các phiên chợ Bưởi (Hà Nội) bày bán một loại chó lạ với tên gọi "chó hổ", được rao giá một triệu đồng một con. Loại chó này có màu lông đen điểm những vệt vằn vện màu vàng trông rất bắt mắt. Khi nghe hỏi về nguồn gốc của chó, những người bán hàng chỉ lờ mờ...