Bi kịch từ sự kỳ vọng
PN – Phải dẫn đầu, phải nổi trội. Từ trẻ nhỏ đến phụ huynh, thầy cô giáo đều cùng chịu một thứ áp lực mà chính họ cũng hụt hơi và hoang mang.
Vài tháng trước, người dân sống ở khu Kanjurmarg, Mumbai (Ấn Độ) bàng hoàng khi hay tin nữ sinh lớp 12 Vidya Sahini tự tử vì sợ thi trượt môn lý, môn em học yếu nhất. Tháng trước, một học sinh lớp 10 ở Ấn Độ cũng uống thuốc tự tử vài giờ sau khi nhận kết quả kiểm tra không như mong đợi. Trong thư tuyệt mệnh, em tâm sự bị giáo viên đay nghiến, trách móc, dẫn đến khủng hoảng tâm lý trầm trọng.
Những năm gần đây, Ấn Độ được nhắc đến là một trong những quốc gia có nhiều triển vọng và tiềm năng về nhân lực. Xã hội, phụ huynh đặt học sinh, con em mình vào cuộc đua tranh khốc liệt, với mong muốn những người chủ tương lai phải thành công. Nhiều em đánh đổi bằng chính sinh mạng của mình cho giấc mộng “không được thất bại”. Mỗi năm, số thanh thiếu niên Ấn Độ tự tử vì thi trượt lên đến vài ngàn người.
Tháng Sáu vừa qua, chín triệu sĩ tử Trung Quốc bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học (gaokao) đầy cam go. Kỳ thi này được xem là cơ hội đặt bệ phóng cho tương lai, nên thất bại, với nhiều người trẻ, cũng đồng nghĩa tự đóng sập cánh cửa vào đời. Cái chết dường như trở thành đáp án mà bất cứ ai quá bi quan đều nghĩ đến.
Trẻ không muốn đối diện với áp lực học tập một mình – Ảnh: SCMP
Ngay trong cuộc sống thường ngày, các em vẫn đang bị đẩy khỏi vòng tay gia đình do sự kỳ vọng quá mức mà bố mẹ “gửi gắm”. Chị Josephine Ling Yip Lai-sim, sống ở Hồng Kông (Trung Quốc) là một trong rất ít bà mẹ còn có cơ hội “làm lành” với con gái sau nhiều năm tháng mẹ con khổ sở và vật vã… hành nhau.
Cô bé phải học nhiều môn năng khiếu, từ đàn piano đến cello, múa ba lê… theo ý mẹ, còn chị Josephine cũng không sung sướng gì vì suốt ngày phai giám sát chặt chẽ thời khóa biểu của con. Bé gái đáng thương không chịu nổi “gánh nặng” của sự kỳ vọng này nên thành ra chai lì, cáu bẳn và sẵn sàng gây gổ với bất cứ ai. Bé còn hút thuốc, trốn học và nhiều lần tự lấy dao rạch tay mình.
May sao, sự thay đổi kịp thời của Josephine đã cứu lấy con chị. Niềm hạnh phúc của người mẹ này giờ đây chính là nhìn thấy con sống vui vẻ. Chị kể: “Phải mất một khoảng thời gian để con bé tin rằng tôi thật sự muốn chấm dứt những điều tồi tệ ấy. Tôi học cách tôn trọng cảm xúc và suy nghĩ của con. Tôi không ép con làm những gì con không muốn. Tôi phải học lại từ đầu cách làm mẹ, cách hiểu những gì con muốn và kiên nhẫn trò chuyện với con như một người bạn chứ không phải chỉ ra lệnh và buộc con răm rắp nghe theo”. Hồng Kông có đến 7.000 trung tâm dạy thêm, cung cấp gia sư mọi môn học. Vòng xoáy áp lực chưa thể dừng lại vì chuỗi cung cầu gắn bó mật thiết.
Theo giáo sư tâm lý học Brad Bushman thuộc Đại học Ohio (Mỹ), nguyên nhân chính khiến các bậc phụ huynh quá kỳ vọng và ép con mình vào khuôn khổ học tối mặt với đủ các môn từ khoa học tới năng khiếu là do những ông bố bà mẹ nhìn thấy mình qua con. Họ muốn con hoàn thành ước mơ của mình. Suy nghĩ đầy tham vọng ấy đã cướp đi hoài bão của những đứa trẻ lẽ ra có quyền lớn lên và đeo đuổi giấc mơ của riêng mình.
Chuyện đáng tiếc không chỉ xảy ra ở những quốc gia đang phát triển mà ở cả nước phát triển. Giáo sư Gregg Henriques, trưởng khoa Tâm lý nhà trường của Đại học James Madison (Mỹ) cho biết: “Khủng hoảng kinh tế, áp lực tài chính, mong muốn con cái có tương lai tốt hơn đã khiến nhiều phụ huynh mong chờ quá nhiều ở những đứa trẻ mà thiếu sự quan tâm đến tâm lý lứa tuổi của các em. Sự căng thẳng này tạo ra sự căng thẳng khác. Đây là một trong những lý do ngày càng có nhiều bạn trẻ bị rối loạn thần kinh, khủng hoảng tinh thần”.
Theo PN