Bi kịch trẻ em Gaza chết đói trong vòng tay mẹ
Younis nằm mê man trên tấm nệm xanh ở Bệnh viện Nasser, phía nam Gaza. Hàng mi dài màu nâu dịu dàng khép trên khuôn mặt nhợt nhạt, trũng sâu khi cậu bé chìm vào giấc ngủ.
Trẻ em suy dinh dưỡng được điều trị tại bệnh viện ở thành phố Khan Younis, Dải Gaza ngày 19/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Cậu bé Palestine 9 tuổi nằm trong vòng tay mẹ, rõ ràng đã bị suy dinh dưỡng nặng và mất nước. Chiếc quần màu xanh lam treo trên đôi chân gầy guộc, trong khi lồng ngực nhỏ xíu của cậu nhô ra khỏi chiếc áo phông màu cam.
“Tôi kêu gọi những người có lương tâm giúp tôi tìm ra cách chăm sóc sức khỏe cho con trai tôi để nó có thể trở lại bình thường. Tôi đang mất con trai ngay trước mắt mình”, người mẹ Ghanima Juma’a nói với phóng viên CNN vào tuần trước tại bệnh viện ở Khan Younis.
Hai tháng trước, gia đình Ghanima Juma’a buộc phải chạy khỏi thành phố Rafah ở phía nam khi Israel tăng cường tấn công ở đó. Những ngày này, họ phải vật lộn để sinh tồn, sống dọc theo bờ biển Asda’a ô nhiễm – gần khu lều trại Al-Mawasi – nơi họ không thể kiếm đủ thức ăn, nước uống, thậm chí là bóng râm để tránh cái nóng của Gaza.
Mẹ bé Younis nói: “Chúng tôi phải liên tục di chuyển từ vùng này sang vùng khác vì chiến tranh… Cuộc sống thật khó khăn. Chúng tôi thậm chí còn không có một mái lều trên đầu.”
Toàn bộ Gaza đối mặt nạn đói
Cuộc chiến của Israel ở Gaza đã làm kiệt quệ hệ thống y tế trên dải đất này, khiến nhân viên y tế không thể điều trị cho trẻ em suy dinh dưỡng. Các bác sĩ nói với CNN rằng họ buộc phải từ chối các bậc cha mẹ xin sữa cho con, thậm chí không thể phân loại ưu tiên cho những bệnh nhi mắc các bệnh mãn tính do nạn đói trầm trọng.
Khi Israel tiếp tục bao vây Gaza, ngăn cản các nhóm viện trợ cung cấp đủ lương thực cho khu vực này, nhiều ông bố bà mẹ Palestine nói rằng họ không còn cách nào khác, đau lòng nhìn con mình chết đói. Hơn 8 tháng xung đột đã phá hủy cơ sở hạ tầng, xóa sổ các cộng đồng, biến các khu dân cư thành đống đổ nát. Các hệ thống đường ống bị phá hủy nặng nề, cộng với tình trạng khan hiếm nước, càng làm giảm khả năng tiếp cận của người dân với nước sạch.
Báo cáo Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC), công bố ngày 25/6, đánh giá tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng toàn cầu, đã cảnh báo rằng gần như toàn bộ Gaza sẽ phải đối mặt với nạn đói trong vòng 3 tháng tới.
Cơ quan lương thực của LHQ trước đó đã cảnh báo rằng miền nam Gaza có thể sớm chứng kiến ”mức độ nạn đói thảm khốc” tương tự như được ghi nhận trước đây ở miền bắc, trong thời kỳ đầu của cuộc chiến.
Nỗi đau của trẻ em mất người thân do xung đột ở thành phố Khan Younis, Dải Gaza ngày 21/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Video đang HOT
Ít nhất 34 trẻ em đã chết vì suy dinh dưỡng ở Gaza, văn phòng truyền thông chính quyền đưa tin vào ngày 22/6. Con số thực tế có thể cao hơn, vì khả năng tiếp cận Gaza bị hạn chế đã cản trở nỗ lực của các cơ quan viện trợ nhằm đánh giá đầy đủ cuộc khủng hoảng ở đó. Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) cho biết hồi đầu tháng này rằng hơn 50.000 trẻ em cần được điều trị vì suy dinh dưỡng cấp.
Tình trạng thiếu nước trầm trọng
Trong khi bé Younis nằm mê man trong vòng tay mẹ ở phía nam Gaza, thì trẻ em ở phía bắc thậm chí còn phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực kéo dài hơn. Trong trại tị nạn Jabalya, các em xếp hàng trước một chiếc xe tải chở nước, những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt. Hàng chục người dân Gaza khác tụ tập để lấy nước trong khi các nhân viên cứu trợ gần đó phân phát món súp đặc từ những chiếc chảo lớn.
Đó là cơ hội rất hiếm được tiếp cận với thực phẩm và nước sạch. Những người dân ở phía bắc Gaza nói với CNN rằng gần đây họ phải uống nước nhiễm bẩn, đối mặt nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm.
Israel khẳng định “không có giới hạn” về số lượng viện trợ có thể vào Gaza, nhưng chế độ kiểm tra xe tải, hạn chế về tuyến đường bộ và gia tăng bắn phá cũng có nghĩa là hàng cứu trợ hầu như không được đưa vào. Ngay cả khi viện trợ vào được Gaza, thì nguy cơ tiếp theo là người Palestine đói khát tranh giành các đoàn xe sẽ cản trở nỗ lực phân phối. Tổng thư ký LHQ António Guterres gần đây cảnh báo sự vắng mặt của chính quyền ở Gaza trong cuộc xung đột đã dẫn đến tình trạng “hoàn toàn vô luật pháp”.
Đầu năm nay, LHQ cảnh báo rằng Israel đang gây ra một “thảm họa hoàn toàn do con người tạo ra” ở Gaza. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bác bỏ cáo buộc của công tố viên trưởng Tòa án Hình sự Quốc tế rằng ông đã sử dụng “việc bỏ đói thường dân như một phương pháp chiến tranh”.
“Nguồn nước duy nhất chúng tôi có là thứ chúng tôi nhận được dưới dạng viện trợ. Mọi người đều đang đau khổ, điều đó không thể diễn tả được”, một người dân tên Hassan Kalash nói. “Chúng tôi bị ốm và không còn sức để vận chuyển nước. Đường ống nước bị vỡ. Chúng tôi không có cơ sở hạ tầng về nước.”
Người dân nói với CNN rằng họ không có nước máy, phải dựa vào nguồn viện trợ ít ỏi vào khu vực. Tuần trước, LHQ cho biết, ít nhất 67% cơ sở cung cấp nước và vệ sinh ở Dải Gaza đã bị phá hủy hoặc hư hại trong 8 tháng chiến sự. Bên cạnh đó, cả 5 nhà máy xử lý nước thải ở Gaza đã ngừng hoạt động.
Trẻ em bị thương được điều trị tại bệnh viện ở thành phố Khan Younis, Dải Gaza ngày 19/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Tác động khủng khiếp lên người dân vẫn đang hiển hiện. Tại Bệnh viện Liệt sĩ Al-Aqsa ở trung tâm Gaza, bé Razan, 5 tuổi, nằm dài trên xe đẩy, đôi mắt xám mệt mỏi vì kiệt sức. Dì của bé, Um Razan Mheitem, cho biết cháu gái của bà bị viêm da do suy dinh dưỡng. “Chúng tôi không thể tìm thấy bất cứ thứ gì cho con bé. Mọi thứ trên thị trường đều quá đắt tiền hoặc không có”.
Theo các cơ quan viện trợ và nhân viên y tế, trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai nằm trong số những đối tượng có nguy cơ bị suy dinh dưỡng và mất nước cao nhất ở Gaza. Những bà mẹ thiếu dinh dưỡng có nhiều khả năng sinh non, thậm chí trẻ sơ sinh tử vong vì quá nhẹ cân.
Tại bệnh viện Kamal Adwan ở phía bắc Gaza, các bác sĩ đã không thể giữ được sự sống cho bé Amal chỉ 4 ngày sau khi chào đời.
“Những đứa trẻ này đang chết dần. Đó là quyết định của Chúa, nhưng do con người gây ra”, cha cô, Ahmed Maqat, nói sau khi con gái qua đời hôm 22/6. Maqat cho biết Samaher đã phải chịu đựng nhiều tháng mang thai mà không được ăn uống đủ.
Israel tuyên bố xoá sổ 'bộ khung quân sự' của Hamas ở Bắc Gaza
Ba tháng kể từ khi chiến tranh với Hamas bùng phát, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 6/1 cho biết họ đã hoàn thành việc xoá bỏ "bộ khung quân sự" của Hamas ở phía bắc Dải Gaza.
Binh sĩ Israel trong chiến dịch quân sự tại Dải Gaza ngày 1/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Người phát ngôn IDF, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari cho biết trong một cuộc họp báo rằng quân đội hiện đang tập trung vào việc tiêu diệt Hamas ở miền trung và miền nam Gaza.
Cùng ngày, IDF và Shin Bet (cơ quan tình báo nội địa Israel) nói rằng chỉ huy tiểu đoàn Nuseirat của Hamas ở trung tâm Gaza, Ismail Siraj, và cấp phó của ông ta, Ahmed Wahaba, đã thiệt mạng trong một cuộc không kích ở Dải Gaza. Tiểu đoàn Nuseirat chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công vào khu định cư Do thái, Be'eri ngày 7/10 và các vụ thảm sát diễn ra ở đó cũng như ở các cộng đồng biên giới khác.
Cũng trong ngày 6/1, IDF thông báo về cái chết của một sĩ quan thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở phía bắc Dải Gaza cuối tuần qua, nâng số binh sĩ thiệt mạng kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công trên bộ chống lại Hamas lên 176. Người này là Trung tá Roee Yohay Yosef Mordechay, 31 tuổi, chỉ huy tại cơ sở huấn luyện của Lữ đoàn Nahal.
Tại cuộc họp báo, ông Hagari cho biết các trận chiến và bắn tên lửa lẻ tẻ vẫn có thể xảy ra ở phía bắc Gaza, nhưng cơ sở hạ tầng của nhóm Hamas đã không còn hoạt động và không thể thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn nữa.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, các thị trấn ở miền trung Gaza "có mật độ dày đặc và đầy rẫy những kẻ khủng bố", trong khi Khan Younis ở phía nam có một "thành phố ngầm với nhiều đường hầm phân nhánh".
"Không có con đường tắt nào khi nói đến việc chống khủng bố", ông Hagari nói: "Chúng tôi đã tấn công, và sẽ tiếp tục tấn công, đồng thời tiếp tục nâng cao thành tựu trong các lĩnh vực này, nhưng cần có thời gian".
"Quá trình đó sẽ mất thời gian. Cuộc giao tranh sẽ tiếp tục kéo dài suốt năm 2024. Chúng tôi đang thực hiện theo kế hoạch để đạt được các mục tiêu của cuộc chiến: tiêu diệt Hamas ở miền trung và miền nam, đồng thời tiếp tục mọi nỗ lực, tình báo, hoạt động và áp lực quân sự để trả tự do cho con tin".
Đồng thời, Chuẩn đô đốc Hagari cho biết IDF đang xây dựng các tuyến phòng thủ mới dọc biên giới Gaza để cho phép người dân phải di dời kể từ ngày 7/10 trở về nhà.
Ông Hagari cũng tiết lộ một bức ảnh của Mohammed Deif, chỉ huy nhánh quân sự Hamas. Ông cho biết bức ảnh này nằm trong số khoảng 70 triệu tệp kỹ thuật số được IDF thu hồi ở Gaza.
Thủ lĩnh nhánh quân sự Hamas, Mohammed Deif, một tay cầm cốc nhựa và tay kia cầm tập đô la, trong bức ảnh dường như bác bỏ tin đồn bấy lâu nay rằng ông ta bị cụt chân và gần như bị liệt. Ảnh: IDF
Khi tuyên bố giết Siraj và Wahaba ở Nuseirat, quân đội Israel và Shin Bet cho biết Siraj trước đây từng là chỉ huy của một đại đội trong lực lượng biệt kích Nukhba của Hamas và cũng tham gia sản xuất tên lửa. Wahaba, phó của Siraj, được bổ nhiệm vào vị trí này sau khi phó chỉ huy tiểu đoàn Nuseirat bị IDF giết chết trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến.
IDF cho biết, ngoài tham gia vụ thảm sát 7/10, tiểu đoàn Nuseirat cũng đã bắn tên lửa chống tăng và điều khiển máy bay không người lái chống lại quân đội hoạt động ở Gaza trong những tháng gần đây.
Sáng sớm ngày 6/1, quân đội Israel đã công bố đoạn phim quay cảnh Tham mưu trưởng IDF, Trung tướng Herzi Halevi và Giám đốc Shin Bet Ronen Bar đi thị sát mạng lưới đường hầm Hamas dưới Khan Younis phía nam Gaza vào ngày hôm trước.
Quân đội tin rằng giới lãnh đạo Hamas, trong đó có Yahya Sinwar, đang ẩn náu dưới lòng đất ở phía nam Dải Gaza.
IDF cũng công bố đoạn phim mới về đơn vị đặc công Egoz tinh nhuệ hoạt động ở miền nam Gaza, nơi quân đội đã đột kích vào nhà chỉ huy tiểu đoàn Khan Younis của Hamas ở thị trấn Bani Suheila và chiến đấu với các tay súng trong một trường học. Quân đội đã tiêu diệt 3 tay súng trong trận chiến tại đây.
Cảnh đổ nát sau vụ không kích của Israel xuống thành phố Gaza ngày 2/1/2024. THX/TTXVN
Trong một diễn biến khác, các nhà ngoại giao hàng đầu của phương Tây đã có mặt trong khu vực như một phần trong nỗ lực mới nhằm thúc đẩy dòng viện trợ vào Dải Gaza và giải quyết những lo ngại ngày càng tăng về một cuộc xung đột lan rộng hơn.
Chiến tranh bắt đầu bằng cuộc tấn công chưa từng có của Hamas dẫn đến cái chết của khoảng 1.200 người ở Israel, hầu hết là dân thường và khoảng 240 người khác bị bắt làm con tin, trong đó 132 người vẫn bị giam giữ và 105 người được thả. Ít nhất 24 con tin được cho là đã thiệt mạng ở Gaza.
Đáp lại, Israel phát động cuộc chiến với Hamas với mục đích đã nêu là xoá sổ nhóm này và phóng thích các con tin.
Phía Hamas cho biết các cuộc bắn phá và chiến dịch trên bộ không ngừng nghỉ sau đó đã giết chết ít nhất 22.722 người ở Dải Gaza.
Con số này không thể được xác minh, và cũng không phân biệt giữa dân thường và chiến binh. Israel tuyên bố đã tiêu diệt 8.500 chiến binh kể từ khi bắt đầu chiến tranh.
Số phận cộng đồng Cơ đốc giáo ở Gaza Cộng đồng Cơ Đốc giáo đang quay cuồng giữa khung cảnh chiến sự, nhưng hầu hết vẫn chưa rời khỏi thành phố bị bao vây, nơi mà họ khẳng định sở hữu một di sản Cơ Đốc giáo phong phú có từ hai thiên niên kỷ trước. Các tín đồ Cơ đốc trong Nhà thờ Thánh Porphyrius ở khu Zeitoun, Thành cổ Gaza....