Bi hài lời nhắn nhủ khóa 2K4 của nữ sinh học giỏi, điểm cao nhưng trượt 16/20 nguyện vọng
Nữ sinh Đồng Thị Hà Vy (SN 2003) cựu học sinh trường THPT Phạm Hồng Thái ( Hà Nội) tiếc nuối khi 3 năm là học sinh giỏi, được 26,45 điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng trượt đến 16/20 nguyện vọng.
Theo chia sẻ của Đồng Thị Hà Vy, sau “cơn sóng thần” điểm chuẩn ngày 16/9, Vy và các bạn cùng khóa ai nấy cũng đều ngập tràn trong bộn bề cảm xúc với những nụ cười và cả những giọt nước mắt hối hận, tiếc nuối.
Điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 của nữ sinh Hà Vy
Trước khi biết điểm chuẩn, Hà Vy vô cùng lạc quan nghĩ kiểu gì em cũng sẽ đỗ vào ĐH Kinh tế Quốc dân như mơ ước. Bởi lẽ, 3 năm học THPT năm nào em cũng là học sinh giỏi, điểm thi tốt nghiệp cũng khá cao so với mặt bằng chung.
“Có nằm mơ cũng chưa bao giờ em nghĩ đến là mình có thể trượt ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU). 26,45 là điểm số không thấp nhưng đánh bật em khỏi 9 nguyện vọng NEU trong một nốt nhạc.
Em thực sự đã cảm thấy rất sốc và thực sự không tin nổi là điều này có thể xảy ra. Ước mơ NEU ấp ủ từ những ngày cấp 2 đến bây giờ đã chính thức phải gác lại”, Hà Vy nuối tiếc nói.
Hà Vy đăng ký 9 nguyện vọng đầu vào ĐH Kinh tế quốc dân
Ở những nguyện vọng kế tiếp, Vy thiếu 0,3 điểm, 0,1 điểm, thậm chí thiếu 0,05 điểm. Cuối cùng, Vy dừng chân ở một trường Đại học chuyên về đào tạo Ngôn ngữ, khác xa những gì cô định hướng trước đó.
Tuy rất sốc vì không thể tiếp nối truyền thống gia đình (bố và anh chị của Vy đều từng học ĐH Kinh tế quốc dân) nhưng Vy thấy có một điều may mắn là bố mẹ không mắng nhiếc gì mà ngược lại còn rất tâm lý, động viên con gái tự chọn con đường phía trước cho chính mình.
Video đang HOT
Đồng Thị Hà Vy (SN 2003) là cựu học sinh trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội)
“Dù sao, trượt nguyện vọng mình yêu thích nhưng cho đến bây giờ em vẫn cảm thấy may mắn và biết ơn vì ít nhất con còn có trường để học. Tối qua em đã chứng kiến những người bạn của mình 27 điểm trượt hết 20 nguyện vọng, 26,8 điểm trượt hết 15 nguyện vọng. Điểm chẳng thấp mà rồi vẫn cứ trượt!
Ngay cả những ngành “chống trượt” thì ngành đó cũng tăng một phát 9 điểm. Đề thi năm nay vốn được đánh giá là dễ nhưng chúng ta đều biết nó chỉ dễ ở mức độ 8 điểm, chứ để đạt 9 điểm một môn, đến 27,28 điểm vẫn còn trượt đại học thì thực sự em thấy việc vào đại học bây giờ là một điều gì đó rất may rủi theo từng năm”, Vy trăn trở.
Trước tình thế này, Vy chấp nhận vào học ngành ngôn ngữ Đức tại ĐH Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội theo đúng điểm chuẩn dừng chân.
Sau tình huống của mình, Vy khuyên các bạn thí sinh năm sau nên đặt thật nhiều nguyện vọng, đặt tất cả những gì các bạn thích.
“Khi em đặt 20 nguyện vọng xét tuyển đại học năm nay có nhiều người nói em thừa tiền, nhưng đến bây giờ em trượt hẳn 16 nguyện vọng mới thấy mình thực sự còn may mắn vì còn chỗ để học chứ nhiều bạn học của em còn trượt hết vì đặt quá ít nguyện vọng.
Ngoài ra em cũng cũng thấy ai có cơ hội học IELTS thì nên tranh thủ học càng sớm càng tốt, vì bây giờ đa số các trường top đầu có chỉ tiêu cho chứng chỉ ngoại ngữ khá nhiều nên các thí sinh cũng nên tranh thủ đừng bỏ qua bất kỳ cơ hội nào.
Các bạn cũng nên học thật chắc kiến thức từ lớp 11, không nên bỏ sót bất kì kiến thức nào. 1 câu 0,2 điểm trong bài thi cũng thay đổi cả cuộc đời của các bạn. Hi vọng sang năm không có bạn nào gặp tình cảnh éo le như em”, Hà Vy nhắn nhủ.
Điểm chuẩn các trường tăng mạnh, thí sinh rớt cân nhắc ở NV bổ sung
Đã có hơn 210 trường đại học trên cả nước công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT.
Năm nay điểm trúng tuyển các trường tăng mạnh, có ngành tăng đến 3,5- 4 điểm so với năm trước.
Sinh viên HUTECH trong một giờ học
Tăng mạnh ở khối kinh tế, kỹ thuật và sư phạm
Không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia tuyển sinh, điểm chuẩn các khối ngành kinh tế, kỹ thuật, sư phạm năm 2021 đã tăng rất mạnh.
Trường ĐH Kinh tế TPHCM có điểm chuẩn tăng đều ở các ngành từ 0,5- 3 điểm, trong đó ngành Bảo hiểm từ 22 điểm năm 2020 lên 25 điểm, ngành Khoa học dữ liệu từ 24 điểm tăng lên 26 điểm.
Trường ĐH Tài chính - Marketing điểm chuẩn cũng tăng từ 1-2 điểm ở nhiều ngành so với năm ngoái. Trong đó ngành Bất động sản từ 23 lên 25,1 điểm, ngành Marketing từ 26,1 lên 27,1 điểm, ngành Kế toán từ 22,6 lên 24,2 điểm, ngành Kinh doanh quốc tế từ 24,5 lên 25,5 điểm.
Tương tự, điểm chuẩn Trường ĐH KHTN - ĐHQG TPHCM cũng tăng mạnh ở nhóm ngành Toán học, Toán tin, Toán ứng dụng. Năm 2019 các ngành này có điểm chuẩn là 16,10 điểm, năm 2020 có điểm chuẩn 20 điểm, năm nay lên hơn 24 điểm. Nhóm ngành Kỹ thuật điện tử - Viễn thông năm 2020 là 23 điểm thì năm nay có điểm trúng tuyển ở mức trên 25,05 điểm.
Đánh giá về điểm chuẩn năm nay, TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết có nhiều lý do khiến điểm trúng tuyển tăng như đề thi tốt nghiệp dễ hơn năm trước khiến phổ điểm thi tốt nghiệp tăng. Chỉ tiêu còn lại các trường dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp giảm so với năm 2020. Đặc biệt, so với mọi năm, năm nay thí sinh đã thực tế hơn và cân nhắc lựa chọn các phương thức xét tuyển phù hợp ở các đợt xét riêng trước đó.
Ở khối sư phạm, điểm chuẩn có sự gia tăng đột biến so với năm 2020. Điểm trúng tuyển vào Trường ĐH Sài Gòn ở các ngành đào tạo giáo viên đều tăng, điểm thấp nhất là Sư phạm Lịch sử - Địa lý cũng tới 23 điểm, cao nhất là Sư phạm Toán 27,1 điểm. Trong đó, ngành Giáo dục Chính trị năm 2020 điểm trúng tuyển là 21,25 thì năm nay tăng lên tới 24,25, Sư phạm tiếng Anh từ 24,96 điểm tăng lên 26,69 điểm.
Điểm chuẩn tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng tăng chóng mặt với ngưỡng điểm từ 23 đến 27,15 điểm. Ngành Sư phạm tiếng Anh năm nay có điểm trúng tuyển là 27,15, năm 2020 chỉ là 26,50 điểm. Sư phạm Tin học năm 2020 chỉ 19,50 điểm thì năm nay tăng lên 23 điểm. Các ngành như Sư phạm Lịch sử, Địa lý, Sư phạm tiếng Trung, Sư phạm Khoa học tự nhiên đều tăng trên 3 điểm.
Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT
Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nhóm ngành sư phạm cũng có điểm chuẩn tăng từ 0,5 đến 1,75 điểm. Ngành Sư phạm tiếng Anh từ 25,5 lên 27,25 điểm, Công nghệ chế tạo máy từ 25 lên 25,75 điểm, Công nghệ kỹ thuật ô tô từ 26,5 lên 26,75 điểm, Công nghệ kỹ thuật nhiệt từ 24,25 lên 25,15 điểm...
Cơ hội nào cho thí sinh ở đợt tuyển sinh tới?
Là thí sinh có điểm thi tới 26,5 điểm (khối D) nên Nguyễn Công Hiếu (TPHCM) vô cùng tự tin với khả năng trúng tuyển của mình khi xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại Thương cơ sở TPHCM, ĐH Luật TPHCM, ĐH Mở TPHCM. Tuy nhiên, kết quả xét tuyển 3 nguyện vọng đều rớt .
"Với mức điểm đạt gần 9 điểm/môn, em không nghĩ mình có thể rớt khỏi các nguyện vọng, ngành học ở các trường mà mình yêu thích. Điểm chuẩn trúng tuyển các trường công bố thật sự khiến em bàng hoàng và không thể hiểu nổi vì sao vẫn rớt", Công Hiếu nói.
Theo TS Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, việc nhiều thí sinh điểm rất cao nhưng vẫn rớt là chuyện vẫn xảy ra hàng năm. Dù rất tiếc nhưng không thể nào khác. Các em nhiều lúc có sự chủ quan, quá tự tin vào điểm số của mình.
"Việc nhiều thí sinh có mức điểm cao đổ xô vào xét ở một ngành nào đó của một trường, trong khi chỉ tiêu chỉ có hạn thì việc thiếu 0,25 đến 0,5 điểm là chuyện có thể xảy ra. Chưa kể những ngành học đó đã xét tuyển thí sinh ở nhiều phương thức khác như xét tuyển thẳng, xét tuyển ưu tiên... khiến chỉ tiêu còn lại cho xét điểm thi ít, từ đó đẩy điểm trúng tuyển cao lên", TS Trần Đình Lý phân tích.
Với thí sinh không trúng tuyển đợt 1, ở lựa chọn xét tuyển bổ sung cần phải hết sức thận trọng
Th.s Phùng Quán- Trưởng phòng Tuyển sinh và Thông tin Trường ĐH KHTN - ĐHQG TPHCM cho rằng thí sinh không trúng tuyển vẫn còn cơ hội bằng việc xét tuyển bổ sung ở các trường.
Theo kế hoạch, ở đợt tuyển sinh bổ sung, các trường được tự chủ hoàn toàn nên thí sinh cần theo dõi sát thông tin về điều kiện, thủ tục, thời gian nộp hồ sơ. Thí sinh cần phải hết sức thực tế và cân nhắc kỹ để tìm kiếm cơ hội thứ 2 cho mình.
"Thực tế mà nói, với những trường tốp trên, trường có tiếng thì sẽ gần như không còn chỉ tiêu cho đợt xét tuyển bổ sung. Vì vậy, muốn tìm kiếm cơ hội cho mình, thí sinh cần tìm hiểu ở những trường tốp giữa, chọn ngành có ngưỡng điểm thật phù hợp và an toàn để gia tăng cơ hội, hơn là cứ tìm kiếm cơ hội ở những trường tốp trên", Th.s Phùng Quán chia sẻ.
Th.s Phạm Thái Sơn - Giám đốc trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ Thực phẩm TPHCM cũng nhìn nhận có 2 "rủi ro" lớn mà thí sinh có thể phải đối mặt khi đăng ký xét tuyển bổ sung đó là trường/ngành mà thí sinh mong muốn sẽ không xét tuyển bổ sung do đã đủ chỉ tiêu; điểm chuẩn xét tuyển bổ sung cao hơn so với đợt xét tuyển đầu tiên.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT điểm trúng tuyển đợt bổ sung không được thấp hơn so với đợt 1. Mặt khác, phần lớn các ngành xét tuyển bổ sung đều có điểm bằng hoặc cao hơn so với đợt 1, thậm chí nhiều ngành điểm xét tuyển bổ sung còn cao hơn rất nhiều.
Vì vậy, thí sinh cần hết sức cân nhắc lựa chọn ở những trường tốp dưới và ở những ngành học tương tự ngành mình thích, nhằm tăng cơ hội trúng tuyển", Th.s Phạm Thái Sơn lưu ý.
9, 10 điểm/môn vẫn trượt nhiều ngành: Học sinh sốc Nhiều học sinh 'sốc' khi biết mình được 9, 10 điểm một môn vẫn trượt nhiều ngành. Tối 15/9, các trường đại học trên cả nước đã bắt đầu công bố điểm chuẩn xét tuyển theo phương thức dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhiều thí sinh đạt 9 điểm/ môn vẫn trượt đại học. Ảnh minh họa: VNN Theo quan sát,...