Béo phì do tiêm thuốc tránh thai nhiều năm, cô gái 26 tuổi nỗ lực giảm 51 kg
Britt từng thử nhiều cách và không ít lần bỏ cuộc trước khi quyết định thu nhỏ dạ dày và thay đổi lối sống lành mạnh.
Britt Nicholson nhận thấy mình to béo hơn các bạn cùng trang lứa khi lên trung học cơ sở: “Tôi tăng hơn 11 kg chỉ sau một kỳ nghỉ hè và ngày quay lại trường tôi nặng đến 80 kg. Mọi thứ chưa có gì đáng nói cho đến vài tháng sau, lúc đó tôi mới 16 tuổi và gặp một cơn đau dạ dày dữ dội. Cuộc thăm khám cho thấy tôi thiếu cân bằng nội tiết tố, dẫn đến hội chứng đa nang buồng trứng”. Cơn đau của Britt lúc bấy giờ đến từ hiện tượng các u nang bị vỡ. Cô được chỉ định tiêm thuốc ngừa thai 3 tháng một lần để điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt, giúp cân bằng lại nội tiết tố.
Cô gái 26 tuổi có mức cân đỉnh điểm là 130 kg và tiêu thụ đến 3.000 calo một ngày.
Tuy nhiên, kể từ khi tiêm thuốc, Britt thường xuyên thấy đói bụng. Sử dụng thuốc suốt 3 năm, Britt tăng lên mức 114 kg. “Tôi không ngừng so sánh mình với các bạn và luôn mong muốn thay đổi bản thân. Tôi thử nhiều phương pháp bao gồm giảm lượng calo trong ngày xuống còn khoảng 500 calo kết hợp tập gym cùng bố 3 buổi mỗi tuần. Tuy nhiên, mặc cho tôi cố gắng không ngừng, cân nặng của tôi vẫn vậy. Dần dần việc học, làm thêm,…khiến tôi bận rộn và tìm đến đồ ăn nhanh. Một ngày tôi tiêu thụ đến 3.000 calo với hầu hết là thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ cùng 2 – 3 cốc soda. Khi lên đại học, tôi cán mốc 130 kg và gần như từ bỏ việc giảm cân”.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành luật ở tuổi 25, Britt tìm đến bác sĩ với mong muốn có một chế độ giảm cân hiệu quả. Cô được gợi ý nên làm phẫu thuật – điều mà cô chưa từng nghĩ đến trước đây: “Tôi có thể cắt bỏ soda và tập sống lành mạnh thay vì chi trả một số tiền lớn cho dao kéo. Thời điểm này tôi đã cố gắng thay đổi lối sống thêm một lần nữa. Tôi ngừng tiêm thuốc tránh thai – thứ mà tôi tin rằng đã ảnh hưởng đến cân nặng của tôi. Tôi ăn uống khoa học và tập thể dục nhưng chưa kịp vui mừng khi cân nặng giảm bớt thì các u nang đã quay trở lại. Tôi buộc phải tiêm thuốc tránh thai vì đấy là liệu pháp tốt nhất với tôi lúc đó. Tuy nhiên, cân nặng lại tăng. Với mức cân 127 kg tôi quyết định phẫu thuật thu nhỏ dạ dày”.
Matt – chồng của Britt là người luôn động viên, hỗ trợ cô trong công cuộc cải thiện vóc dáng, sức khỏe.
Britt mất khoảng 6 tháng để chuẩn bị, bao gồm cả việc tham gia lớp học về dinh dưỡng và tập luyện để chăm sóc bản thân sau ca phẫu thuật. “Tôi cắt 80% dạ dày vào tháng 9 năm 2018. Điều đó có nghĩa tôi sẽ ăn ít và nhanh no hơn trước đây. Trong 6 tháng đầu sau phẫu thuật, tôi giảm được 36 kg. Sau khi phẫu thuật tôi buộc phải hạn chế mức tiêu thụ vào khoảng 200 g thức ăn mỗi ngày, dần dần tôi mới được tăng lượng thưc phẩm lên. Tôi dừng ở mức 1.000 calo mỗi ngày và kết hợp với ăn kiêng gián đoạn đồng thời giảm lượng tinh bột nạp vào cơ thể”, Britt kể lại.
Bữa sáng của cô thường có sữa chua ăn kèm trái cây tươi hoặc một cốc sinh tố protein. Ức gà hoặc gà tây băm nhỏ cùng phomai, súp lơ thường có trong bữa trưa. Bữa tối, Britt ăn một chút mỳ spaghetti cùng ức gà hoặc gà tây băm sau đó tráng miệng với hoa quả.
Video đang HOT
Britt cũng chăm chỉ tập luyện và luôn cố gắng để cơ thể được vận động mỗi ngày. Cô tập gym 5 – 6 buổi mỗi tuần và luôn dắt chó đi dạo hàng ngày để đốt cháy calo. Kiên trì với chế độ ăn khoa học và tập luyện chăm chỉ suốt gần một năm qua đã giúp Britt giảm được 51 kg, còn 76 kg.
Britt không giấu được sự tự hào khi nhìn lại hành trình giảm cân của bản thân,
“Cắt bỏ dạ dày không phải là việc dễ dàng với tất cả mọi người và nó cũng không trực tiếp làm bạn giảm cân. Duy trì lối sống lành mạnh mới quyết định điều đó và đòi hỏi sự tập trung, chăm chỉ, thậm chí là hy sinh. Hiện tại, cuộc sống của tôi không còn xoay quanh thức ăn. Việc phẫu thuật đã cho tôi động lực và là bước đệm để tôi tiến đến lối sống lành mạnh, thay đổi cơ thể”, Britt khẳng định.
Duk Sun
Theo ngoisao.net
6 dấu hiệu u nang buồng trứng không phải ai cũng biết
U nang buồng trứng là một căn bệnh phụ khoa mang đến rất nhiều phiền toái cho chị em. Cùng điểm danh 6 dấu hiệu u nang buồng trứng để kịp thời ngăn chặn.
U NANG BUỒNG TRỨNG LÀ GÌ?
U nang buồng trứng khá giống với việc nổi mụn, nhưng thay vì xuất hiện trên mặt, thì những nốt mụn chứa đầy chất lỏng hoặc mô này sẽ "định cư" ở buồng trứng.
Tiến sĩ, bác sĩ phụ khoa tại NYU Langone Health Taraneh Shirazian cho biết: "Phần lớn u nang buồng trứng đều lành tính, chúng đến và đi như một chu kì và bạn không cần quá lo lắng về vấn đề này. Tuy nhiên, khoảng 20% phụ nữ phải trải qua tình trạng u nang không tự biến mất, và lúc này sẽ cần đến phẫu thuật. Nếu không can thiệp sớm, khả năng u nang buồng trứng phát triển thành ung thư là rất cao."
Nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu sau, nguy cơ bạn mắc u nang buồng trứng khá cao. Vậy nên, hãy đi khám phụ khoa càng sớm càng tốt nếu bạn đang phải đối diện với 1 trong 6 dấu hiệu u nang buồng trứng dưới đây.
DẤU HIỆU U NANG BUỒNG TRỨNG
1. Đau bụng dưới
Triệu chứng u nang buồng trứng phổ biến nhất là đau bụng ở bên trái hoặc bên phải phía dưới của xương chậu ngay nơi buồng trứng, Shirazian chia sẻ. Bạn sẽ cảm thấy cơn đau rõ ràng hơn khi tập thể dục hoặc quan hệ tình dục. Cơn đau sẽ không dễ mất đi, và thường bị nhầm lẫn với đau bụng kinh.
Nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn, rất có thể bạn còn bị xoắn buồng trứng. Shirazian chia sẻ: "Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi một u nang phát triển to hơn, di động nhiều hơn và xoắn lại, cắt đứt nguồn cung máu cho nó. Loại đau đớn này sẽ khiến bạn phải nhập viện cấp cứu."
2. Bụng to mất kiểm soát
Sưng bụng chỉ là một triệu chứng mơ hồ, nhưng rất có thể nó liên quan đến u nang buồng trứng. Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa Ung thư phụ khoa tại Weill Cornell Medicine và New York-Presbyterian - Eoise Chapman-Davis nói: "Hầu hết phụ nữ đều có u nang nhỏ hơn 10 cm. Nhưng một số u nang có thể phát triển rất lớn, giống như kích thước của một quả dưa hấu. Phụ nữ có thể nhầm lẫn với việc tăng cân, nhưng nếu tình trạng bụng to này xảy ra kèm đau bụng và đầy hơi thì chắc chắn họ đã bị u nang buồng trứng."
3. Cảm thấy no liên tục
Giống như u xơ tử cung, u nang buồng trứng cũng có thể gây ra cảm giác nặng nề ở bụng. Shirazian chia sẻ: " U nang là một khối lớn, nó không chỉ chiếm không gian mà đôi khi còn tạo ra áp lực lên dạ dày bạn."
Lúc này bạn sẽ có cảm giác gần giống với táo bón, nhưng nếu bạn vẫn đại tiện đều đặn thì chứng tỏ bạn đang có u nang gần khu vực xương chậu.
4. Đi tiểu nhiều hoặc không thể đi tiểu
Theo Chapman-Davis, một dấu hiệu u nang buồng trứng khác không thể không đề cập, chính là bạn cảm thấy buồn đi vệ sinh mọi lúc. Đó là do u nang đang chèn ép bàng quang của bạn. Và đôi khi những người mắc u nang buồng trứng lại không thể đi tiểu được, bởi ống tiểu đang bị tắc nghẽn bởi u nang.
5. Đau đớn khi quan hệ tình dục
Nếu bạn quan hệ tình dục và cảm thấy đau đớn khi bị "xâm nhập", thì rất có khả năng cơn đau này liên quan đến u nang buồng trứng. "Một số u nang, khi trở nên to lớn, có thể tụt sâu vào bên trong tử cung và "an vị' tại cổ tử cung của bạn," Chapman-Davis nói. " Vì vậy, bạn sẽ cảm thấy đau đớn khi quan hệ tình dục."
6. Đau lưng hoặc đau chân
Chapman-Davis giải thích hiện tượng này là do u nang có thể nén các dây thần kinh chạy dọc sau xương chậu. Các cơn đau này thường được lí giải bởi chứng loạn thần kinh toạ, nhưng nếu đi khám bác sĩ không phát hiện ra vấn đề, thì đó có thể là dấu hiệu u nang buồng trứng.
Theo Khám phá
U nang buồng trứng là bệnh gì mà đến 80% phụ nữ đều có thể mắc phải U nang buồng trứng tuy là chứng bệnh phổ biến nhưng ít người có thể thực sự hiểu về chúng. Từ đó có thể dẫn tới những hậu quả nghiệm trọng nếu không kịp thời chữa trị. U nang buồng trứng là một trong những bệnh thường gặp ở phụ nữ. Đây là bệnh lành tính, khối u phát triển trong buồng trứng...