Bệnh viện cưu mang người phụ nữ mắc bệnh tim không tiền chữa trị
Hơn 20 năm sống với bệnh tiểu đường, đến lúc phát bệnh tim thì chị Lan cạn kiệt tài chính.
Chị Võ Thị Ngọc Lan 48 tuổi, phát hiện bệnh tiểu đường khi tuổi mới ngoài 20. Thời con gái vật lộn với căn bệnh mạn tính, phải tiêm insulin điều trị liên tục nên chị dang dở tình duyên, sống độc thân không chồng con. Mẹ mất từ năm 2012 nên chị sống một mình. Nhiều lần ngất xỉu trong đêm, chị được bà con ở các phòng trọ xung quanh góp tiền đưa vào bệnh viện.
Cách đây 6 tháng, chị ngất xỉu khi đang làm việc. Bác sĩ chẩn đoán chị bị nhồi máu cơ tim, tắc mạch vành, cần phải can thiệp cứu chữa, chi phí thanh toán sau bảo hiểm khoảng hơn 40 triệu đồng. Không tiền điều trị, chị quay về với căn phòng trọ tại quận 10.
Ngày 28/3, chị được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Bác sĩ Nguyễn Liên Nhựt, Phó Khoa Tim mạch cho biết bệnh nhân vào viện trong tình trạng phù phổi cấp, huyết áp tăng rất cao 260/120 mmHg, suy tim. Đây là lần thứ hai bệnh nhân vào cấp cứu tại bệnh viện này.
“Bệnh nhân mắc bệnh mạch vành 3 nhánh, nếu không can thiệp nong mạch vành để tái tưới máu thì sẽ diễn tiến suy tim giai đoạn cuối, ảnh hưởng tính mạng”, bác sĩ Nhựt chia sẻ. Thương bệnh nhân gặp khó khăn trong khi có khả năng hồi phục cao, bệnh viện quyết định nhờ các tổ chức từ thiện giúp đỡ.
Chị Lan hồi phục sau khi can thiệp. Ảnh: Lê Phương.
Sau khi can thiệp đặt stent mạch vành, chị Lan hết khó thở, các chỉ số sinh hiệu dần ổn định. Sau khi xuất viện, chị phải thăm khám uống thuốc định kỳ, ngăn ngừa nguy cơ tái hẹp. “Tôi không tiền, không người thân nên đã xác định tâm lý buông xuôi chờ chết, may mắn được các bác sĩ và mọi người giúp đỡ nên mới giữ được mạng sống”, chị Lan chia sẻ.
Bệnh mạch vành 3 nhánh thường xảy ra ở người cao tuổi, tiểu đường, tăng huyết áp, mỡ máu cao… Bệnh thường diễn tiến âm thầm trong nhiều năm, biểu hiện đau tức ngực, khó thở, nếu không điều trị có thể dẫn đến suy tim, tử vong. Người có yếu tố nguy cơ cao cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện can thiệp kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc.
Lê Phương
Video đang HOT
Theo vnexpress.net
1 phút là có người tử vong về bệnh này, dấu hiệu để phát hiện bệnh sớm nhất
Ở nước ta, tỉ lệ mắc nhồi máu cơ tim đang có xu hướng gia tăng, đây là căn bệnh có nguy cơ gây tử vong đột ngột nhiều bệnh nhân tử vong dù trước đó hoàn toàn khỏe mạnh.
17 triệu người tử vong mỗi năm
Theo thống kê, mỗi năm thế giới có khoảng 17 triệu người chết vì các bệnh tim mạch mà đa số liên quan đến xơ vữa động mạch gây ra nhồi máu cơ tim. 50% ca tử vong không có dấu hiệu báo trước.
Số liệu của Hội Tim mạch Hoa Kỳ công bố năm 2013 cho thấy, trên thế giới mỗi năm có 2,5 triệu người chết do nhồi máu cơ tim, trong đó 25% chết trong giai đoạn cấp tính của bệnh.
Sự nguy hiểm của biến chứng nhồi máu cơ tim thể hiện qua số liệu 50% ca tử vong không có dấu hiệu báo trước. Ước tính của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, cứ mỗi 34 giây lại có một trường hợp bị đột quỵ do nhồi máu cơ tim, cứ 1 phút trôi qua lại có một trường hợp tử vong trên thế giới.
Theo GS Phạm Gia Khải - Nguyên Viện trưởng Viện tim mạch Quốc Gia - nhồi máu cơ tim là một trong số những bệnh tim mạch thường gặp. GS Khải cho biết nhồi máu cơ tim là tình trạng giảm hẳn lượng máu cần thiết để cung cấp cho cơ tim trong hoạt động bình thường hoặc khi gắng sức.
Nhồi máu cơ tim thường do hẹp động mạch vành do vữa xơ, một quá trình diễn biến trong một thời gian dài, nhưng có thể tăng nhanh khi thường xuyên có các yếu tố nguy cơ tác động.
Thường có một hay một số nhánh động mạch vành bị hẹp và gây nhồi máu cơ tim tương ứng.
Ảnh minh họa
Triệu chứng của bệnh lý nhồi máu cơ tim chủ yếu là đau ngực, kéo dài hoặc ngắn nhưng tái phát nhiều lần. Nó có thể đến rất đột ngột khi mạch máu bị tắc thì bệnh nhân thấy đau vùng trước của xương ức và cơn đau đó kéo dài.
Người bệnh sẽ có cảm giác như bị bóp nghẹt, kèm theo cảm giác khó thở, cơn đau kéo dài ít nhất 30 phút và nó có thể lan lên cổ hoặc lan ra cánh tay trái của bệnh nhân. Cơn đau này không đỡ khi bệnh nhân nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn động mạch vành.
Cơn đau thắt ngực này cần phải phân biệt với cơn đau ngực khác mà nguyên nhân không phải do nhồi máu cơ tim. Ví dụ, đau ngực do tách thành động mạch chủ. Khi tách thành động mạch chủ người bệnh cũng có cảm giác đau ngực nhưng cơn đau ngực này dữ dội, có cảm giác như dao đâm lan ra phía sau lưng, thời gian đau ngực kéo rất dài.
Một cơn đau ngực khác cần phân biệt với nhồi máu cơ tim đấy là cơn đau ngực của viêm màng ngoài tim, bệnh nhân có cảm giác đau ngực nhưng khi hít sâu vào hoặc thở mạnh ra thì có cảm giác đau ngực hơn.
Một số trường hợp đau ngực cũng rất hay gặp đó là hội chứng trào ngược, người bệnh cũng có cảm giác đau ngực nhưng nóng rát, có thể kèm theo ợ hơi, ợ chua.
Tuy nhiên cũng có một số trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng gì nên người ta mới gọi nhồi máu cơ tim là căn bệnh thầm lặng. Tuy nhiên, xét nghiệm men tim có tăng.
Nguyên nhân của nhồi máu cơ tim, GS Khải cho biết những người có yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đặc biệt là tăng cholesteron, gia đình có người bị nhồi máu cơ tim, những người ít vận động, béo phí và căng thẳng trong cuộc sống.
Biến chứng sớm nhồi máu cơ tim
Suy tim: Thường gặp trong 2 tuần đầu, nhất là trên những bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim cũ, hoặc trên những người bị thể nặng, rộng, có cơn đau kéo dài.
Trụy mạch biểu hiện bằng huyết áp tụt, mạch nhanh, yếu, vã mồ hôi. Suy tim trái cấp tính biểu hiện bằng cơn khó thở kịch phát, phù phổi cấp, mạch nhanh, tiếng ngựa phi.
Rối loạn nhịp tim: Nhịp nhanh xoang hay gặp. Nếu nhanh nhiều và kéo dài thì tiên lượng xấu. Ngoại tâm thu hay gặp, nhất là khi nhồi máu cơ tim mới bắt đầu. Ngoại tâm thu nhiều, đa dạng có tiên lượng xấu.
Cơn nhịp nhanh kịch phát ít gặp hơn nhưng rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng, đặc biệt với cơn nhịp nhanh thất. Thường xảy ra trong nhồi máu cơ tim nặng thể lan rộng. Loạn nhịp hoàn toàn gặp trong 10 - 15% trường hợp.
Rối loạn dẫn truyền nhĩ - thất: Gặp trong 4% trường hợp nhất là trong nhồi máu cơ tim sau. Thường xuất hiện sớm. Blốc nhĩ thất hoàn toàn thường nặng.
Tai biến tắc nghẽn mạch: Gặp trong 20 - 40% trường hợp, đặc biệt trong các thể nặng. Chủ yếu là: Tăng cục nghẽn mạch vành dẫn đến nhồi máu cơ tim (diện tích lớn hơn).
Cục nghẽn mạch tạo thành ở trong tim: thường gặp trong nhồi máu cơ tim lan rộng xuyên qua thành tim kèm theo suy tim. Tắc động mạch phổi thường là kết quả của tai biến tắc nghẽn tĩnh mạch chi dưới hoặc nghẽn mạch buồng tim phải.
Vỡ tim: Gặp trong 5 - 10% trường hợp, xảy ra chủ yếu tuần thứ hai. Thường gặp ở thất trái dẫn đến tràn máu màng ngoài tim làm chết đột ngột hoặc chết nhanh chóng do trụy tim mạch.
Vỡ vách liên thất biểu hiện bằng một tiếng thổi tâm thu ở giữa tim, có cường độ mạnh, kèm theo rung mui và suy tim phải cấp tính dẫn đến trụy mạch.
Đứt cột tim (ít gặp): Khi bộ van hai lá bị vỡ sẽ gây ra tổn thương van hai lá nặng không hồi phục.
Chết đột ngột: Gặp trong 10% trường hợp. Thường là hậu quả của những thể nặng, nhất là ở tuần lễ đầu. Nguyên nhân chết đột ngột có thể do cơn nhịp nhanh thất, rung thất, tắc mạch phổi lớn, vỡ tim, trụy mạch nặng.
Theo Khánh Ngọc
Infonet
7 mẹo đơn giản giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ Bệnh tim và đột quỵ đều là những vấn đề sức khỏe nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng, vì thế mọi người cẩn phải lưu tâm và có cách phòng ngừa thích hợp. Bệnh tim là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, nhưng điều nguy hiểm là nhiều người lại không hề nhận...