Bệnh tự kỷ: Nên chữa sớm
Việc điều trị bệnh tự kỷ nên được bắt đầu ngay từ khi trẻ có các dấu hiệu “báo động sớm”.
Trên một diễn đàn, chị T.T.T.L (34 tuổi), một người mẹ có con bị tự kỷ đang sống tại TPHCM, chia sẻ chị đã bắt đầu cảm nhận con trai mình không bình thường từ khi cháu khoảng 8-9 tháng tuổi. “T.H. (tên con chị L.) không thèm nhìn tôi mỗi khi tôi trò chuyện, đùa giỡn với cháu. Bé như lui vào một thế giới riêng, nghịch ngợm một mình với những món đồ chơi, không quấn quýt với mẹ, với ba, với bà ngoại… Tôi đã thật bối rối vì H. là đứa con đầu tiên mà vợ chồng tôi đã rất vất vả mới có được…” – chị tâm sự.
Căn bệnh suốt đời
Một lần đưa con đến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 khám vì bị cảm sốt, chị đã bế luôn T.H. sang khoa tâm lý. Qua một số lần khám, bác sĩ (BS) cho biết bé có thể bị tự kỷ. Khi đó, T.H. chưa đầy 1 tuổi. Chị được khuyên bắt đầu điều trị cho bé ngay từ lúc đó. Do việc chẩn đoán tự kỷ là một quy trình phức tạp, khó khăn nên đến 3 tuổi, bác sĩ mới dám kết luận T.H. bị tự kỷ. “Nhưng cũng nhờ mình tập chăm sóc, tập chơi với cháu, giúp cháu bớt thu rút vào thế giới riêng nên giờ T.H. có vẻ khá hơn các bệnh nhi khác. Cháu may mắn có trí tuệ bình thường nên tôi hy vọng lớn lên cháu bớt thua thiệt hơn” – chị L. tâm sự trên diễn đàn.
Khám cho trẻ bằng một bài test tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM
Video đang HOT
Theo BS Nguyễn Thị Giang, Trưởng Khoa Khám trẻ em và BV ban ngày BV Tâm thần TPHCM, tự kỷ là một dạng rối loạn tâm thần sớm ở trẻ em và diễn tiến suốt đời. Trẻ tự kỷ có những biểu hiện bất ổn từ lúc 7-8 tháng tuổi, khi những đứa trẻ khác đã biết vui mừng, ôm lấy mẹ khi được ẵm, còn em bé tự kỷ thì lại thờ ơ, phản ứng cảm xúc không phù hợp với môi trường.
Trẻ thường có các dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ có các động tác định hình thô sơ, đơn điệu như chơi với hai bàn tay, một cọng dây, tờ giấy… Nhiều trẻ còn kèm theo các rối loạn hành vi như gây hấn, kích động, tự đánh, cắn vào mình. Trẻ không phản ứng cảm xúc như lo sợ, buồn, vui phù hợp với thực tại khách quan có xu hướng thu rút, không hòa nhập với thế giới bên ngoài sự phát triển không phù hợp với lứa tuổi…
BS Phạm Ngọc Thanh, cố vấn Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1, cho biết thêm: Về mặt trí tuệ, khoảng 70% – 75% trẻ tự kỷ bị chậm phát triển, số còn lại có thể có trí thông minh bình thường, một số ít lại vượt trội và thường nổi bật trong các lĩnh vực toán học, âm nhạc, nghệ thuật…Tự kỷ cũng thường gặp ở bé trai hơn, một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỉ lệ tự kỷ ở trẻ em nói chung là 1/100, trong khi riêng ở bé trai là 1/70.
Chẩn đoán rất phức tạp
Theo BS Thanh, để có thể khẳng định chắc chắn một em bé là tự kỷ, thông thường BS phải đợi đến khi trẻ được 3 tuổi. “Chẩn đoán bệnh tự kỷ rất phức tạp bên cạnh đó khi đưa ra chẩn đoán một em bé bị tự kỷ, gia đình thường rất sốc nên phải thật chắc chắn mới khẳng định bệnh. Tuy nhiên, đối với các bé có các dấu hiệu “báo động sớm” của bệnh tự kỷ, chúng tôi khuyên gia đình nên cho trẻ bắt đầu điều trị ngay, nếu đợi đến 3 tuổi, khi đã khẳng định được bệnh mới điều trị thì trẻ sẽ tiến bộ chậm hơn rất nhiều” – BS Thanh lưu ý.
Theo BS Giang, tại BV Tâm thần, những dấu hiệu của bệnh tự kỷ thường có thể phát hiện từ khi trẻ 7-8 tháng tuổi. Tuy nhiên, cần ít nhất 6 tháng khám, bao gồm các công đoạn như khai thác kỹ tình trạng và những biểu hiện của trẻ từ lúc mới sinh, theo dõi trẻ, thực hiện các bài test và khám kỹ nhiều lần thì BS mới có thể đưa ra kết luận.
Cũng có nhiều trường hợp cha mẹ tưởng con bị bệnh tự kỷ nhưng không phải. BV Tâm thần đã từng khám trường hợp nghi ngờ bé bị tự kỷ vì bé có biểu hiện xa cách, thiếu hòa nhập nhưng nguyên nhân đơn giản là do ba mẹ của bé bận đi làm suốt ngày, cháu sống chủ yếu với bà, bà lại bận việc nhà, ít chơi với cháu. Trường hợp này không phải là bệnh, chỉ cần chơi với trẻ nhiều hơn hoặc đưa trẻ đi nhà trẻ là được. Một số trẻ bị rối loạn tăng động, rối loạn ngôn ngữ đặc hiệu… cũng có thể bị nhầm là tự kỷ.
“Cho đến nay, bệnh tự kỷ chưa có phương pháp nào chữa khỏi. Việc điều trị cho trẻ tự kỷ mang ý nghĩa nâng đỡ, giúp trẻ đa dạng hóa kỹ năng, tự chăm sóc bản thân và dễ hòa nhập hơn. Ngoài ra, nhiều trẻ tự kỷ có kèm các rối loạn tâm thần khác nên cần được điều trị bằng thuốc. Khi có các dấu hiệu bất ổn, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay vì trẻ được can thiệp càng sớm càng có cơ hội hòa nhập cao. Ngược lại, nếu đó không phải là tự kỷ thì những biểu hiện trên cũng cho thấy trẻ đang gặp một vấn đề tâm lý – tâm thần nào đó và cũng cần được điều trị” – BS Giang khuyến cáo.
Các dấu hiệu của bệnh
Theo BS Phạm Ngọc Thanh, phụ huynh nên nghĩ đến bệnh tự kỷ nếu trẻ có các biểu hiện sau: Không đáp ứng với nụ cười hoặc biểu lộ sự vui tươi lúc 6 tháng tuổi không bắt chước âm thanh hay biểu lộ nét mặt lúc 9 tháng không bập bẹ, chỉ bằng ngón trỏ hay vẫy tay lúc 12 tháng không nói được từ đơn lúc 16 tháng, từ đôi lúc 24 tháng mất ngôn ngữ và kỹ năng xã hội đáng lẽ đã thành thục ở lứa tuổi đó…
Theo ANH THƯ (Người lao động)
Con mắc bệnh tự kỷ do bị bố mẹ chê
Chị Nguyễn Hoàng Lan (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Con gái tôi bị mắc bệnh béo phì. Cháu lúc nào cũng rất tự ti về điều này. Ở nhà, vì muốn cháu giảm cân nên bố mẹ luôn nói với cháu rằng béo là xấu, là bệnh tật, là học dốt...
Đến lớp, các bạn học cùng cũng luôn chế giễu cháu. Giờ ra chơi, cháu hay ngồi một mình, hạn chế chơi đùa với các bạn. Về nhà, cháu ít nói chuyện với ai. Khi cho cháu đi gặp bác sĩ thì tôi mới tá hỏa cháu bị tự kỷ, phải điều trị tâm lý một thời gian dài".
Lời bàn: Cách ứng xử của cha mẹ với con cái là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp trẻ loại bỏ cảm giác mặc cảm về cơ thể. Có mấy nguyên tắc mà cha mẹ có con béo phải nhớ. Tuyệt đối không so sánh vóc dáng của trẻ với những trẻ khác. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy bản thân mình... xấu xí, thua kém các bạn khác dẫn tới mất tự tin, thậm chí bị tự kỷ.
Cha mẹ tuyệt đối không so sánh vóc dáng của trẻ với những trẻ khác
Tạo dựng niềm tin cho trẻ bằng cách nói tới tương lai gần, khi trẻ đã "thon gọn" trở lại, trẻ sẽ có được những niềm vui nào, có cơ hội tham gia các hoạt động nào dễ dàng hơn... Hãy cho trẻ thấy rằng bạn luôn rất sẵn lòng lắng nghe những tâm sự của trẻ. Bên cạnh đó, phân tích cho trẻ hiểu rằng ngoại hình không thể quyết định sự yêu quý người khác dành cho mình. Điều này giúp trẻ quên đi những chế giễu của bạn bè.
Nên nói nhiều tới những điểm mạnh khác để giúp trẻ tìm lại sự tự tin, hoạt bát của mình. Lên kế hoạch giảm cân cho trẻ nhưng luôn kèm theo những lời khen ngợi động viên tinh thần và sự cố gắng của trẻ.
Theo TS. Nguyễn Mạnh Hà (Kiến thức)
"Thần đồng" thành.... tự kỷ Trở thành niềm tự hào của cha mẹ bằng những biểu hiện "thần đồng", sự phát triển bất thường của nhiều đứa trẻ không được phát hiện và điều trị sớm. Mới hơn 3 tuổi nhưng bé N.N.T.A (quận Bình Thạnh - TPHCM) đã có thể làm rất nhanh các phép tính trong phạm vi 100, vốn thuộc trình độ của học sinh...