Bệnh truyền nhiễm thường gặp: Những kiến thức trẻ cần biết
Trẻ em thường rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm do sức đề kháng kém và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.
Ảnh minh họa.
PGS.TS. BS Tôn Nữ Vân Anh – Trung tâm Nhi (Bệnh viện T.Ư Huế) chia sẻ cách dạy trẻ phòng tránh hiệu quả một số bệnh truyền nhiễm thường gặp.
- Xin PGS cho biết, những bệnh truyền nhiễm nào thường gặp nhất ở trẻ em?
- Trước tiên, chúng ta cần phải biết thế nào là bệnh truyền nhiễm. Đây là nhóm bệnh lây truyền trong cộng đồng với các cách thức hay đường lây truyền khác nhau, là bệnh mà tác nhân có thể là vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc virus. Khi bị nhiễm bệnh, cơ thể sẽ đáp ứng qua miễn dịch thể dịch hoặc trung gian tế bào tạo miễn dịch cho cơ thể.
Ở trẻ em, bệnh truyền nhiễm có thể lây truyền qua đường hô hấp (điển hình như virus SARS-CoV-2), bệnh lây qua da, niêm mạc, đường máu và đường tiêu hoá hoặc kết hợp.
Các loại bệnh truyền nhiễm thường gặp và phổ biến ở trẻ em là các bệnh lây qua đường hô hấp, tiêu hoá và da. Trong đó phải kể đến các bệnh: Tiêu chảy cấp, viêm phổi… Bệnh tiêu chảy cấp là loại bệnh thường gặp ở trẻ em lứa tuổi mầm non và những năm đầu cấp tiểu học. Bệnh gây tử vong cao do trẻ bị mất nước và các chất điện giải.
Với trẻ nhỏ, cha mẹ cần theo sát tình hình của con. Còn với trẻ từ cấp tiểu học, cha mẹ căn dặn con báo ngay với người lớn khi gặp các triệu chứng: Đi phân lỏng nhiều nước, số lần đi nhiều hơn 3 lần trong 24 giờ, thường kéo dài 1 tuần. Nôn thường xuất hiện đầu tiên trong trường hợp tiêu chảy do virus Rota hoặc tiêu chảy do tụ cầu. Nôn liên tục hoặc vài lần làm cho trẻ bị mất nước và chất điện giải.
Bệnh viêm phổi có thể xuất hiện khi trẻ đang bị một đợt ho hoặc cảm cúm. Lúc này cơ thể bé giảm sức đề kháng và niêm mạc đường hô hấp bị tổn thương là cơ hội tốt cho vi trùng xâm nhập. Sau vài ngày, vi khuẩn và virus có thể nhanh chóng sinh sôi nảy nở, tạo nên những túi phế nang chứa mủ và chất nhầy bị nhiễm khuẩn.
Những biểu hiện chính của bệnh viêm phổi: Ho vừa đến nặng – thường là ho nặng tiếng, nhưng không nhất thiết như vậy. Thở nhanh liên tục. Thở gắng sức: Cánh mũi phập phồng, thở rên, co kéo cơ liên sườn (phần mềm giữa các xương sườn lõm vào khi trẻ hít vào), co rút hõm ức, rút lõm lồng ngực. Dấu hiệu rút lõm lồng ngực khi trẻ hít vào. Sốt – sốt vừa đến sốt cao. Đau ngực – không chỉ trong lúc ho, mà cả giữa các cơn ho. Nôn – không chỉ sau những cơn ho mạnh mà cả giữa các cơn ho. Tím tái quanh môi và ở mặt – do thiếu oxy.
Video đang HOT
PGS.TS.BS Tôn Nữ Vân Anh. Ảnh: NVCC
- Trong việc bảo đảm sức khỏe thì “phòng” luôn hơn “chống”. Vậy, PGS có thể cho biết cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con tốt nhất khỏi các nguy cơ nhiễm bệnh?
- Có một số bệnh truyền nhiễm có thể điều trị bằng thuốc đặc hiệu như kháng sinh trong viêm phổi, lị, viêm màng não mủ. Tuy nhiên, rất nhiều loại bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn như bạch hầu, ho gà… do virus, bại liệt, viêm gan… rất khó khăn trong việc điều trị và khi trẻ mắc bệnh để lại nhiều di chứng thậm chí tử vong. Do đó, trong vấn đề chăm sóc sức khỏe nói chung tốt nhất là phòng bệnh hơn là chống bệnh.
Trước tiên, cha mẹ cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng và những vắc-xin đang được khuyến cáo của Bộ Y tế.
Cùng với đó, bố mẹ nên hướng dẫn trẻ cách tự chăm sóc bản thân như tránh tiếp xúc những nguy cơ lây bệnh đối với bản thân trẻ và lây lan cho cộng đồng như: Che miệng khi ho, đeo khẩu trang khi bị bệnh, giảm tiếp xúc với người bệnh, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để tránh các bệnh lây truyền đường tiêu hóa. Vệ sinh cơ thể, tắm rửa sạch hàng ngày để tránh bệnh lây truyền qua da. Không được đi chân trần, ăn thực phẩm không hợp vệ sinh để tránh nhiễm ký sinh trùng giun đũa, giun móc…
- Theo PGS, tuổi nào bắt đầu dạy trẻ cách nhận biết và phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường gặp?
- Khoảng 1 tuổi trẻ biết đi, sau 18 tháng thì đã hiểu được lời nói có yêu cầu, 2 tuổi là não bộ cơ bản đã nhận thức được. Do đó, ở tuổi đến trường mầm non, từ nhà trẻ, muộn nhất là mẫu giáo, chúng ta có thể giáo dục trẻ những hành vi tốt nhằm giúp trẻ dự phòng bệnh truyền nhiễm cho bản thân trẻ và cộng đồng.
- Nhiều cha mẹ băn khoăn về cách truyền đạt kiến thức này tới trẻ phù hợp và hiệu quả với từng lứa tuổi?
- Có thể dạy trẻ nhận biết và phòng tránh một số bệnh truyền nhiễm thường gặp bằng cách kể chuyện có hình ảnh minh họa, cho trẻ xem clip hoặc phim hoạt hình về chủ đề liên quan để trẻ tự rút ra bài học về tự bảo vệ an toàn cho bản thân. Cha mẹ nên thường xuyên cảnh báo và chia sẻ với trẻ về lợi ích của việc giữ vệ sinh, tác hại khi nhiễm bệnh bằng ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu để trẻ dễ nhớ, dễ áp dụng. Có thể đặt ra các tình huống giả định để kiểm tra kỹ năng và phản xạ của trẻ trong việc áp dụng các “kiến thức” nhận biết và phòng bệnh.
- Covid-19 là một loại bệnh mới. Đây có phải là bệnh truyền nhiễm không và phụ huynh nên trang bị kiến thức gì để nâng cao ý thức phòng dịch cho trẻ khi tới trường và nơi công cộng, thưa PGS?
- Covid-19 là bệnh truyền nhiễm vì nó lây lan mạnh trong cộng đồng qua đường hô hấp. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Dịch bệnh hiện đang ảnh hưởng đến hầu khắp các quốc gia trên thế giới, nhiều địa phương ở nước ta trẻ cũng đang phải tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch. Bởi vậy, phụ huynh nên chú trọng hướng dẫn trẻ cách phòng chống, tự bảo vệ bản thân và cộng đồng như: Hạn chế đến nơi tập trung đông người; Đeo khẩu trang khi phải đến nơi công cộng; Rửa tay thường xuyên; Nâng cao thể lực bằng cách bổ sung chất dinh dưỡng; Tiêm vắc-xin khi có thể.
- Trân trọng cảm ơn PGS!
Cảnh giác với bệnh "đến hẹn lại lên"
Trong 2 tháng đầu năm 2021, nhiều dịch bệnh lưu hành trong nước có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2020.
Thế nhưng, thời tiết chuyển sang mùa xuân với đặc trưng mưa phùn, nồm ẩm như hiện nay là thời điểm người dân cần cảnh giác nhiều dịch bệnh theo mùa "đến hẹn lại lên". Cùng với công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành Y tế Thủ đô đang tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các bệnh truyền nhiễm.
Nhân viên y tế phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết tại quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Đỗ Tâm
Mùa của nhiều bệnh truyền nhiễm
Theo quy luật, vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân là thời điểm thường xảy ra nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhiệt độ lạnh, mưa nhiều, thời tiết nồm ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển nhanh, làm tăng nguy cơ gây bệnh. Các loại bệnh truyền nhiễm liên quan đến đường hô hấp và tiêu hóa dễ phát sinh, phát triển thời điểm này là: Sởi, cúm, ho gà, tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não mô cầu...
Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2021, cả nước ghi nhận 11.659 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Phú Yên. So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc sốt xuất huyết giảm 22,7%; còn số ca tử vong tương đương. Tại Hà Nội, trong 2 tháng đầu năm nay có 42 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 51 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, hiện nay tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tương đối ổn định, nhưng không vì thế mà người dân được phép chủ quan. Bởi, đặc điểm khí hậu miền Bắc thời gian này là mưa phùn, nồm ẩm, kèm theo những đợt không khí lạnh ngắn ngày, đó là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển, lây lan bệnh sốt xuất huyết. Ở miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng, dịch sốt xuất huyết có nguy cơ gia tăng từ tháng 3 đến tháng 11.
Cùng với sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng là bệnh truyền nhiễm thường xảy ra vào mùa đông - xuân, khi thời tiết nồm ẩm kéo dài. Trong 2 tháng đầu năm 2021, miền Bắc ghi nhận 110 trường hợp mắc tay chân miệng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Riêng ở Hà Nội, từ đầu năm đến nay ghi nhận 8 trường hợp mắc tay chân miệng tại 7 quận, huyện (giảm 1 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020). Tuy nhiên, trong tuần qua (từ ngày 22-2 đến 28-2), thành phố ghi nhận 5 trường hợp mắc tay chân miệng tại huyện Quốc Oai (tăng 4 ca so với tuần trước đó).
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, bệnh tay chân miệng có 4 mức độ khác nhau. Trẻ mắc tay chân miệng ở mức độ 1 thường có các dấu hiệu ở da, niêm mạc như phỏng nước ở lòng bàn tay, chân, kèm theo nốt ở miệng... Với biểu hiện này, trẻ có thể điều trị ở nhà. Còn bệnh khi ở mức độ 2, trẻ có các dấu hiệu như hay giật mình, sốt trên 39 độ C trong 2 ngày kèm theo nôn, khó ngủ, quấy khóc vô cớ... Khi đó, các bậc phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản được điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Xuân Lộc
Chủ động ứng phó
Dù từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc sởi, viêm não Nhật Bản, ho gà, nhưng theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, đây cũng là những bệnh cần cảnh giác trong thời điểm hiện nay. Ngoài ra, tuần qua, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc viêm não mô cầu. Bệnh nhân là nam, 20 tuổi, bộ đội nghĩa vụ tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì. Sau khi được điều trị tích cực, bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện. Não mô cầu cũng là bệnh được cảnh báo nguy hiểm, có xu hướng gia tăng trong mùa đông - xuân, thường xảy ra ở nơi tập trung đông người, như: Nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại...
Cùng với các dịch bệnh truyền nhiễm kể trên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Trương Quang Việt cũng lưu ý về dịch Covid-19 luôn có nguy cơ xâm nhập từ các ổ dịch ngoài thành phố, từ những người nhập cảnh... Do đó, thành phố luôn chủ động trong công tác dự báo tình hình dịch bệnh, kể cả dịch bệnh đang lưu hành, dịch bệnh mới nổi hay dịch có nguy cơ xâm nhập để ứng phó có hiệu quả trước mọi diễn biến bất thường. Đặc biệt, các quận, huyện, thị xã phải thực hiện tốt công tác giám sát dịch, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để.
Để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết đến sức khỏe, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh khuyến cáo, với những bệnh có vắc xin phòng bệnh, phụ huynh nên cho trẻ tiêm chủng theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế. Còn đối với những bệnh chưa có vắc xin, như sốt xuất huyết, tay chân miệng..., người dân cần thực hiện nếp sống vệ sinh phòng bệnh, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng. Bên cạnh đó, mỗi người cần tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn uống khoa học với đầy đủ các chất dinh dưỡng. Ngoài ra, nên bổ sung nước uống mỗi ngày, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya và duy trì chế độ tập thể dục, thể thao hợp lý...
Khuyến cáo: bệnh quai bị đang vào mùa Mùa xuân, khí hậu ẩm ướt, là môi trường thuận lợi cho virus bệnh quai bị phát triển mạnh và gây bệnh. Nhìn chung, quai bị là bệnh lành tính, đa số các trường hợp đều tự hồi phục không có biến chứng. Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp có biến chứng.Vì vậy phòng bệnh là biện pháp quan trọng....