Bệnh tay chân miệng đang “càn quét” các tỉnh phía Nam
Chiếm tới 78,5% số ca bệnh của cả nước, các tỉnh khu vực phía Nam đang là điểm nóng của bệnh tay chân miệng. Cục Y tế Dự phòng cảnh báo bệnh có nguy cơ bùng phát dịch rất cao, người dân cần chủ động phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho con trẻ.
Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) từ đầu năm đến ngày 29/5 cả nước ghi nhận 24.730 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 62 địa phương trong đó có hai trường hợp tử vong tại tỉnh Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu. Nếu so với cùng kỳ năm 2013 thì năm nay tỷ lệ mắc bệnh trên cả nước đã giảm gần 14% (năm 2013 ghi nhận 28.725 ca bệnh).
Tuy nhiên, khác với tình hình năm trước tay chân miệng có xu hương phân bố đều trên cả nước thì trong năm nay bệnh đang tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Nam. Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cho biết: “Khu vực phía Nam đang chiếm tới 78,5% tổng số ca bệnh tay chân miệng từ đầu năm đến nay. Năm tỉnh thành có số ca bệnh đã tăng cao so với năm trước và hiện vẫn chưa có chiều hướng chững lại gồm: TPHCM; Bà Rịa – Vũng Tàu; Cà Mau; Lâm Đồng; Sóc Trăng”.
Tay chân miệng đang tăng cao tại khu vực phía Nam
Cũng theo ông Bắc, bệnh tay chân miệng đang có những diễn biến phức tạp tại một số nước lân cận như Trung Quốc (bệnh tăng 92,4%); Ma Cao (tăng 79,7%); Singapore (tăng 2,3%). Tay chân miệng là bệnh chưa có vắc-xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu, bên cạnh đó điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn chưa tốt nên Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ gia tăng tỷ lệ mắc bệnh, bùng phát dịch trong thời gian tới.
Trước tình hình bệnh tay chân miệng đang có những diễn biến phức tạp có nguy cơ kết hợp với các dịch bệnh khác như sởi, sốt xuất huyết đe dọa sức khỏe cộng đồng, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện tại khu vực phía Nam chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, nhận lực, thuốc, vật tư, hóa chất, giường bệnh, khu cách li điều trị bệnh truyền nhiễm… sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra.
Để hạn chế nguy cơ dịch bệnh gia tăng, lây lan, bùng phát trên diện rộng Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Đối với người chăm sóc trẻ ngoài việc vệ sinh cá nhân sạch sẽ cần rửa tay trước khi chế biến thức ăn; rửa tay trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi làm vệ sinh cho trẻ.
Trẻ mắc bệnh điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1
Video đang HOT
Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ dinh dưỡng, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm hoặc mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như ly, bát, đĩa, muỗng… Đồ chơi, khu vực sàn vui chơi của trẻ cần được rửa sạch, lau sạch hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn; thu gom chất thải của trẻ đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh diễn tiến nặng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ, kịp thời phát hiện, cách ly và đưa ngay đến cơ sở y tế để được chăm sóc, điều trị kịp thời. Trẻ mắc tay chân miệng cần được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi bệnh khởi phát, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến trường hoặc vui chơi với các trẻ khác để hạn chế nguy cơ phát tán mầm bệnh.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Bệnh tay chân miệng vào mùa: 5 điều ai cũng cần phải biết
Từ đầu năm 2014 đến nay, dịch bệnh tay chân miệng xảy ra tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Đến nay cả nước đã ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh, trong đó 2 bệnh nhân tử vong.
Triệu chứng của bệnh
Triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau khi nhiễm virus từ 3-6 ngày.
Biểu hiện sớm nhất của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ (38 - 38,5oC), đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày.
Sau đó bệnh sang giai đoạn toàn phát. Đầu tiên là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi; các mụn nước có kích thước nhỏ (2-3mm) nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ. Các mụn nước trong miệng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết trợt loét rất đau rát làm bệnh nhân khó ăn uống.
Tiếp theo, xuất hiện các mụn nước, bọng nước ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông. Các mụn nước, bọng nước này thường không gây đau rát; chúng tồn tại trong vòng 7 đến 10 ngày rồi xẹp xuống và tự mất đi kể cả khi không được điều trị.
Bệnh nhân có khả năng lây bệnh cho người khác qua đường hô hấp trong 1 tuần đầu bị bệnh. Bệnh nhân còn có khả năng đào thải virus qua phân trong vòng vài tuần sau. Sau khi khỏi bệnh, cơ thể bệnh nhân có miễn dịch với chủng virus gây bệnh, nhưng một người có thể bị bệnh tay chân miệng nhiều lần nếu lần sau bị nhiễm các chủng virus khác với những lần trước. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi, tuy nhiên người lớn chưa có miễn dịch với bệnh cũng có thể mắc bệnh.
Biến chứng của bệnh
Bệnh có thể gây biến chứng viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi. Đây là một biến chứng rất hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong, thường do chủng Enterovirus típ 71 gây ra.
Chẩn đoán bệnh
Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh và các yếu tố dịch tễ. Các xét nghiệm virus chủ yếu sử dụng nhằm mục đích nghiên cứu khoa học.
Điều trị
Cần đưa bệnh nhân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu hoặc truyền nhiễm, không được tự mua thuốc điều trị để tránh các biến chứng. Hiện không có thuốc đặc hiệu diệt virus gây bệnh tay chân miệng.
Các biện pháp điều trị chủ yếu là chăm sóc bệnh nhân. Cho bệnh nhân dùng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau; bù đủ nước cho bệnh nhân nếu có sốt cao. Bệnh nhân cần được ăn đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu; vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn.
Tại các thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Khi có biến chứng viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi phải nhập viện để có biện pháp điều trị tích cực.
Phòng ngừa
Hiện tại vẫn chưa có vaccin phòng bệnh chân tay miệng. Trong vùng dịch, biện pháp hữu hiệu nhất để khống chế dịch là phòng lây lan bệnh sang người lành. Các biện pháp phòng ngừa là:
- Người lành, nhất là trẻ em nên hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết.
- Sau khi chăm sóc bệnh nhân, cần rửa tay kỹ với xà phòng.
- Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân.
- Giặt các đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn có chlor.
- Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch.
- Cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh.
Trí Thức Trẻ
Cách phân biệt thủy đậu và tay - chân - miệng Thủy đậu có biểu hiện bóng nước khá giống bóng nước của bệnh tay chân miệng, tuy nhiên vẫn có một số dấu hiệu đặc trưng để cha mẹ có thể nhận biết nhằm có hướng xử trí và điều trị kịp thời. Ảnh minh họa: Internet Thủy đậu là bệnh thường gặp ở trẻ em trong mùa đông - xuân. Bệnh do...