Bệnh liên quan đến tâm thần gia tăng
TP Hồ Chí Minh có khoảng 17.000 người mắc bệnh tâm thần, trong đó khoảng 50% người tâm thần sống ở cộng đồng được các trung tâm y tế cấp quận, huyện khám, cấp phát thuốc điều trị và khoảng 2.500 người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội.
Có mặt tại Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh trên đường Võ Văn Kiệt (quận 5), chúng tôi thấy rất đông người đến khám và điều trị bệnh. Trước khi vào khu khám bệnh, người dân phải khai báo y tế và nhân viên của bệnh viện đo thân nhiệt ngay cổng vào.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Chu Thị Dung, Phó trưởng Khoa Khám bệnh 1 – Bệnh viện Tâm thần cho biết, Khoa hiện có 10 phòng khám, những ngày nắng nóng như hôm nay, số lượt người tới khám chữa bệnh dao động từ 700-800 lượt/10 phòng.
Qua số liệu thăm khám cho thấy, có 50% là người ở TP Hồ Chí Minh, số còn lại thuộc các tỉnh, thành khác. Những người tới thăm khám ghi nhận mắc các thể bệnh rối nhiễu tâm trí như: F20-F.29 (nhóm bệnh tâm thần phân liệt và các bệnh loạn thần khác); nhóm F40-F48 (các loại rối loạn lo âu); F31, F32 (rối loạn hưng trầm cảm, rối loạn trầm cảm) và nhóm F43.2 (rối thích ứng liên quan tới stress).
Bác sĩ khám cho người bệnh tại Bệnh viện Tâm thần.
Mặc dù ảnh hưởng đến tâm thần nhưng ít người đi khám tâm thần do hầu hết cho rằng mình chỉ bị mỏi mệt cơ thể, căng thẳng, chứ không phải mắc bệnh liên quan tới tâm thần. Bác sĩ chuyên khoa II Trần Duy Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp – Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu như 2 tháng đầu năm 2021 chỉ có khoảng 1.000 lượt người tới khám/ngày tại 3 cơ sở của bệnh viện, con số này tăng trên 2.000 lượt/ngày của tháng 3 và 4. Có ngày cao điểm lên tới 2.800 lượt, riêng cơ sở chính tại quận 5 tiếp nhận gần 1.500 lượt người tới khám chữa bệnh, đa số thuộc nhóm từ 15-60 tuổi.
Video đang HOT
Đáng lo ngại, nhóm F40-F48 ghi nhận có trên 10.400 ca bệnh và nhóm F31, F32 gần 1.000 ca bệnh (tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2020). Bác sĩ cho biết số ca tới thăm khám và nhập viện điều trị bệnh tâm thần tăng nhiều hơn từ đầu tháng 3 đến nay. Có nhiều nguyên nhân, trong đó thời tiết nắng nóng kéo dài là một trong những yếu tố khiến sức khoẻ, tâm thần của người dân dễ bị ảnh hưởng hoặc trầm cảm; nhất là những người làm việc căng thẳng, làm việc ngoài trời nắng, người già có bệnh nền, phụ nữ sau sinh…
Bác sĩ Tâm giải thích, thời tiết nắng nóng, cơ thể như một máy điều hoà sẽ phải điều tiết để giải nhiệt cho cơ thể, khi đó cơ thể yếu đi, người mắc bệnh tâm thần dễ tái phát hơn. Do đó, người thân của người bệnh cần thường xuyên quan tâm, để mắt tới người bệnh, không tạo áp lực cho người bệnh; để người bệnh ở nơi thoáng mát và cho uống 2 lít nước/ngày.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân nên tránh đi ra ngoài trời vào lúc nắng gắt như trưa và đầu giờ chiều, không làm việc quá sức. Người lao động phải làm việc ngoài trời nắng nên đội mũ rộng vành, mặc những bộ quần áo không hấp thụ nhiệt từ ánh nắng. Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức khoẻ, uống nhiều nước để cơ thể giải nhiệt. Phụ nữ sau sinh phải chú ý sức khoẻ, nhất là khi gặp các triệu chứng mất ngủ, căng thẳng kéo dài nên đến cơ sở chuyên khoa tâm thần để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Mối lo trầm cảm
Cuộc sống hiện đại mang đến những tiện nghi về mặt vật chất nhưng phần nào cũng khiến cho tinh thần con người chịu nhiều áp lực, rơi vào sự căng thẳng, stress... dễ dẫn đến trầm cảm.
Bệnh trầm cảm để lại những ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống cũng như khả năng làm việc của người bệnh. Bên cạnh đó, chữa bệnh trầm cảm cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt phải có sự hợp tác của cả người bệnh và gia đình.
Ảnh minh họa.
Bệnh mang tính chất hủy diệt
Theo Tổ chức y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất thế giới và là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng khuyết tật. Có khoảng 350 triệu người bị ảnh hưởng bởi trầm cảm trên toàn cầu (trong đó những người ở độ tuổi thanh thiếu niên chiếm khoảng 40 %). Ở Việt Nam, nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần có khoảng 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%.
BS Lê Đình Phương- Trưởng Khoa Nội tổng quát, bác sĩ gia đình, Bệnh viện FV (TP HCM) cho biết: Tại Việt Nam, mỗi năm số người tự tử do trầm cảm khoảng 40.000 người. Đây là con số đáng báo động về bệnh trầm cảm. Tính phổ biến của trầm cảm nhiều hơn chúng ta nghĩ. Có những thống kê cho thấy, ít nhất 15% người Việt Nam có những biểu hiện tâm thần từ nhẹ đến nặng và tỷ lệ người Việt có ý định tự sát là khoảng 25%. Đồng thời có một thống kê không chính thức là tỷ lệ người Việt Nam tự sát do trầm cảm gấp 3 lần tai nạn giao thông.
"Do đó trầm cảm là một bệnh vừa phổ biến vừa mang tính chất hủy diệt. Hủy diệt về chất lượng cuộc sống, hủy diệt về hạnh phúc gia đình, hủy diệt về công việc, mất sức lao động sản xuất. Đồng thời nó có thể dẫn bệnh nhân đến những tình huống tự tử. Chắc chắn, trầm cảm là vấn đề rất đáng được quan tâm ở nhiều mức độ, từ cấp chăm sóc sức khỏe ban đầu cho tới cấp chuyên khoa khác"- BS Phương nhấn mạnh.
Theo các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý chia sẻ, bệnh trầm cảm xuất phát từ những rối loạn của não bộ, dẫn đến những ảnh hưởng về mặt tâm lý. Từ đó, hình thành những suy nghĩ và hành vi bất thường, làm giảm sút chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ví dụ, điều kiện làm việc khó khăn như mức độ hài lòng thấp, tự kiểm soát chuyên môn và thiếu sự đánh giá tích cực của cấp trên là những nguyên nhân gia tăng tỷ lệ trầm cảm ở tuổi trung niên...
BS Nguyễn Thị Ly- Bệnh viện đa khoa Medlatec cũng thông tin: Theo thống kê, bệnh trầm cảm xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam giới, ước tính cứ 2 bệnh nhân nữ thì sẽ có 1 bệnh nhân nam. Đặc biệt, đối tượng mắc bệnh trầm cảm xảy ra ở các độ tuổi, trong đó phần lớn là tuổi trưởng thành.
Cần được điều trị sớm
Chuyên gia y tế khẳng định, mọi đối tượng đều có thể mắc bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới WHO tập trung đến 3 nhóm người thường tự tử do trầm cảm là nhóm vị thành niên và thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (đặc biệt là sau khi sinh con) và người cao tuổi trên 60 tuổi.
Nói về triệu chứng của bệnh trầm cảm, BS Nguyễn Thành Long- Chuyên gia tư vấn tâm thần tại Hà Nội cho biết: Người bị trầm cảm nặng có 2 triệu chứng chính: Tâm trạng buồn bã, có hoặc không kèm theo triệu chứng hay khóc, bi quan trước mọi việc; Không có động lực, giảm hứng thú trong mọi việc, kể cả những hoạt động nằm trong sở thích trước đây. Bên cạnh đó là các triệu chứng liên quan như: Rối loạn giấc ngủ; thay đổi khẩu vị; chuyển động chậm chạp hoặc dễ bị kích động...
Dù bệnh trầm cảm nguy hiểm nhưng nhiều người không điều trị bệnh này vì không biết mình mắc bệnh hoặc xấu hổ. Tuy nhiên nếu nghi ngờ mắc những triệu chứng của bệnh trầm cảm, mọi người cần đến bệnh viện để khám ngay.
Theo BS Ly: Hiện nay, số ca chữa bệnh trầm cảm đạt hiệu quả còn rất thấp. Bởi vì để điều trị trầm cảm, bệnh nhân cần phải hợp tác với bác sĩ và xây dựng đời sống tích cực. Những người thất nghiệp, ly hôn, phá sản,... thường có những suy nghĩ tiêu cực và là đối tượng dễ mắc trầm cảm nhất. Mọi người cần ghi nhớ rằng, đây là căn bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được can thiệp và điều trị kịp thời. Do đó, khi nhận thấy bản thân hay người thân có những bất ổn tâm lý với những triệu chứng của trầm cảm thì hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất.
Còn theo BS Lê Đình Phương: Nếu cảm thấy khí sắc mình u buồn, chán nản liên tục trên 2 tuần thì các bạn nên đi gặp một bác sĩ tâm thần hoặc một bác sĩ cộng đồng, bác sĩ gia đình có kiến thức về trầm cảm. Bác sĩ sẽ có những thang điểm, qua những câu hỏi giúp các bạn xác định rất nhanh tình trạng bệnh. Còn nếu không thì các bạn có thể tìm hiểu qua Google những thang điểm chuẩn đoán về trầm cảm để tự làm trắc nghiệm xác định xem mình có bị trầm cảm hay không?
Về cách điều trị, các chuyên gia y tế cho biết, hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc chống trầm cảm, thuốc điều chỉnh khí sắc dựa trên cơ chế bệnh sinh theo từng trường hợp bệnh cụ thể do các bác sĩ chuyên khoa tâm thần kê toa. Ngoài ra là điều trị bằng tâm lý liệu pháp kết hợp với các liệu pháp phục hồi chức năng tùy theo các cơ sở y tế hiện có; điều trị bằng vật lý trị liệu...
Đối với một số sang chấn tâm lý không thể lường trước được như mất đi người thân, phá sản, thì người thân hay bạn bè cần quan tâm, gần gũi, giúp đỡ và chia sẻ lấy lại niềm tin cho người bệnh, giúp cho người bệnh có tinh thần thoải mái cũng như động lực để vượt qua các sang chấn tâm lý đó. Tránh các sang chấn tâm lý bằng cách gạt bỏ áp lực trong cuộc sống nếu có thể, giữ tinh thần và lối sống thoải mái.
Đối với những người có biểu hiện trầm cảm cần theo dõi, giám sát người bệnh vì người bệnh có thể có hành vi tự sát bất kỹ lúc nào, cũng như theo dõi diễn tiến của bệnh. Đưa đến khám bệnh chuyên khoa tâm thần để được chẩn đoán bệnh kịp thời và điều trị đúng với phác đồ.
Trầm cảm thúc đẩy quá trình lão hóa Trầm cảm có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa ở cấp độ tế bào và dẫn đến tử vong sớm, theo một nghiên cứu mới. Rối loạn trầm cảm chính (MDD) trước đây đã được phát hiện là một yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh khác nhau liên quan đến lão hóa, bao gồm bệnh tim mạch, bệnh Alzheimer và loãng...