‘Bệnh kinh niên dạy thêm cần kháng sinh liều nặng’
“Đã đến lúc chúng ta phải dũng cảm bắt tay làm như Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo, cấm dạy, học thêm trong trường học”, ông Nguyễn Tuấn Hải chia sẻ quan điểm.
Có lẽ không phải đến bây giờ câu chuyện dạy thêm của giáo viên và học thêm của học sinh mới được đưa ra cả trong cộng đồng ngành giáo dục lẫn dư luận xã hội.
Nó đã luôn là đề tài nóng bao năm nay và thời gian qua bỗng trở nên nóng hơn bao giờ hết khi Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng chỉ đạo tuyệt đối không dạy, học thêm trong trường học Sài Gòn.
Ông Thăng đã nêu trúng vấn đề của trường học Việt Nam: Dạy thêm là biến tướng của giáo dục.
Ai cũng biết một nguyên tắc quan trọng của giáo dục phổ thông là: Cung cấp lượng kiến thức (tri thức) tối thiểu vừa đủ. Thế nhưng, với tư duy chạy đua về kiến thức và phương pháp dạy học nhồi nhét thì như cá gặp nước, việc dạy, học thêm đã nở rộ trong không chỉ cánh cổng nhà trường, mà còn ở nhà thầy, cô giáo.
Nhiều giáo viên môn chính ở phổ thông biến nhà mình thành trung tâm học thêm với cách thức giống nhau: Dạy lại nội dung học trên lớp và bổ sung phần “nâng cao” là phát ra các tờ đề bài tập. Học sinh dành hầu hết thời gian ở nhà thầy cô để giải các bài tập này.
Ông Nguyễn Tuấn Hải – người có 20 năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục. Ảnh: Quyên Quyên.
Ở phương Tây, họ có “dịch vụ hỗ trợ học sinh”. Các em có thể yêu cầu giáo viên ở lại sau giờ học hỗ trợ trong các vấn đề học tập trên lớp và tất cả là miễn phí. Giáo viên, nếu được học sinh nhờ hỗ trợ, sẽ nhiệt tình giúp đỡ học trò và coi đó như một dấu hiệu cho thấy họ có uy tín về chuyên môn và được học sinh tin cậy, yêu mến.
Trường hợp học sinh muốn phát triển sâu hơn so với thời lượng và phạm vi kiến thức trên lớp, học sinh thường tìm tới các tổ chức giáo dục ngoài nhà trường. Đó là lựa chọn mang tính chất thuần túy cá nhân của học sinh và không liên quan nhà trường hay giáo viên ở trường.
Các đào tạo ngoài nhà trường này thực sự mang tính chất “chuyên gia” mà học sinh có khả năng và có nhu cầu sẽ tìm thấy sự thỏa mãn thật sự về chuyên môn và phát triển cá nhân.
Video đang HOT
Đó cũng là lý do mà chúng ta thấy không có hình thức luyện thi một cách trực diện nhắm vào các nội dung thi cử vào trường chuyên hay lớp chọn như ở Việt Nam. Việc học tập nâng cao vì thế không bị biến tướng và biến đổi thành “luyện gà đi thi”. Việc học tập hướng tới phát triển cá nhân, dẫn dắt học sinh khám phá vẻ đẹp của môn học và nghiên cứu khoa học sớm.
Nói thế để chúng ta thấy việc học thêm và dạy thêm về bản chất là câu chuyện cung cầu rất thực tế và nếu được tiếp cận và thực thi đúng cách, đúng hướng, nó sẽ trở thành kênh đào tạo bổ trợ quan trọng song hành cùng giáo dục phổ thông chính quy trong trường học. Ở góc độ tiếp cận này, góc nhìn của Bí thư Đinh La Thăng đã đúng và trúng.
Phản biện gần như duy nhất mà chúng ta thấy trong câu chuyện dạy, học thêm lại đến từ các giáo viên, vì chính họ là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất.
Đây lại là vẫn đề khác và không phải không có cách. Nó nằm ở trong cơ chế dành cho giáo viên mà Bộ GD&ĐT phải đứng ra giải quyết. Có rất nhiều cách làm và tiếp cận mà chúng ta có thể tham khảo từ các nước và địa phương hóa một phần theo hoàn cảnh của Việt Nam.
Vì thế, xét về bản chất của vấn đề và nhu cầu thực tế bức thiết của cải cách giáo dục, đã đến lúc chúng ta cần phải dũng cảm bắt tay vào làm như cách mà Bí thư Thành uỷ TPHCM nêu ra.
Vết thương và bệnh kinh niên nào chả cần đến thuốc kháng sinh liều nặng.
Theo Zing
'Chưa tăng lương giáo viên khó cấm dạy, học thêm'
Nhiều bạn đọc nhận định, chỉ đạo cấm dạy, học thêm trong trường của Bí thư Đinh La Thăng là đúng nhưng khó thực hiện vì liên quan nhiều vấn đề, trong đó có lương giáo viên.
Sau khi Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng chỉ đạo Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM Lê Hồng Sơn chấn chỉnh, nghiêm cấm dạy, học thêm ở trường ngay trong năm học tới, nhiều bạn đọc lên tiếng ủng hộ. Tuy nhiên, một số người lo ngại, điều này khó thực hiện do vướng mắc nhiều vấn đề.
"Lẽ ra nên cấm từ lâu"
Phần lớn độc giả ủng hộ cách làm của Bí thư Thành ủy TP HCM. Họ cho rằng, thời gian qua, dạy thêm, học thêm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tiêu cực trong ngành giáo dục nước ta.
Nhiều người cho biết, họ từng là nạn nhân của học thêm, bị giáo viên "đì" hoặc lạnh nhạt do không tham gia lớp học thêm do thầy cô tổ chức.
Bạn đọc Quốc Khang bình luận: "Hồi tiểu học, tôi không đi học thêm nên luôn bị điểm kém, không có trong danh sách Đội, bị coi như người lạ, hạnh kiểm thì mức khá trở xuống, dù không vi phạm kỷ luật. Lúc đó, tôi còn nhỏ nên không hiểu chuyện".
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng không ít giáo viên thường ưu ái, cho học sinh học thêm biết trước đề thi dẫn đến tình trạng thiếu công bằng trong thi cử và xếp loại học tập.
Học sinh kiệt sức vì phải học quá nhiều. Ảnh minh họa: Anh Tuấn.
Theo ý kiến một số độc giả, hoạt động dạy thêm, học thêm khiến căn bệnh thành tích trong giáo dục trở nên nghiêm trọng. Học sinh biết bài, thi điểm cao rồi cảm thấy việc học đơn giản. Nhiều phụ huynh chỉ dựa vào điểm số để đánh giá năng lực của con. Điểm cao, giáo viên khen ngợi, cha mẹ hài lòng khiến nhiều em lười biếng, mất ý thức phấn đấu.
"Ở quê tôi, học sinh đi học cả tuần, chủ nhật cũng không được nghỉ. Em nào không học, giáo viên gọi phụ huynh lên nói chuyện như thể ép các em phải học thêm", một độc giả cho biết.
Nhiều học sinh cũng phàn nàn, việc học thêm "không tự nguyện" khiến các em cảm thấy quá tải với lịch học đến tận tối muộn, hoàn toàn không có thời gian vui chơi, giải trí. Nạn học thêm biến tuổi học trò thành "ký ức hãi hùng".
Sáng 7/6, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác Bộ GD&ĐT làm việc với lãnh đạo TP HCM về nội dung phát triển giáo dục và đào tạo TP HCM.
Tại buổi làm việc, Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn chấn chỉnh, nghiêm cấm tình trạng dạy, học thêm ở trường ngay trong năm học 2016-2017. Các trường phải phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi nhưng không được dạy trong trường.
"Chuyện dạy, học thêm tôi rất hoan nghênh, nhưng chúng ta phải mở các trung tâm, doanh nghiệp đào tạo, khi đó ai có nhu cầu đến đăng ký dạy, học sinh đến đăng ký học", ông Thăng nói.
Lương giáo viên thấp
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng, không ít người lo ngại về tính khả thi của việc cấm này. Họ nhận định, đây là một chỉ đạo đúng nhưng khó thực hiện.
Nhiều độc giả cho rằng, mọi người đang đánh đồng tất cả hoạt động học thêm, dạy thêm là xấu. Trong nhiều trường hợp, việc học thêm là cần thiết.
Với lượng kiến thức theo sách giáo khoa hiện nay, giáo viên không thể truyền tải hết kiến thức trong 45 phút cho mỗi tiết học. Ngoài ra, cách ra đề hiện tại đang làm khó nhiều thí sinh nếu các em chỉ học tại lớp mà không tham gia lớp học ngoài giờ.
Bên cạnh đó, ngoài tâm lý sợ con bị "trù dập" vì không học thêm, nhiều phụ huynh không ngại bỏ tiền cho con theo học thầy cô hoặc trung tâm danh tiếng hoặc mời thầy cô về dạy kèm vì muốn con tiếp nhận sự giáo dục tốt nhất.
Bạn đọc Quang Dương nhận xét, chỉ khi môi trường giáo dục được cải thiện, mặt bằng chất lượng như nhau mới tránh được tâm lý hơn thua của học sinh, phụ huynh.
Ở góc nhìn khác, nhiều bạn đọc cho rằng, vấn đề lương giáo viên là một trong những yếu tố khiến chỉ đạo mới khó thực hiện. Trên thực tế, với nhiều thầy cô, dạy thêm là nguồn thu nhập chính để trang trải cuộc sống.
"Nếu lương giáo viên đủ sống không ai đi bán sức khoẻ mình như vậy! Nhiều người dẫn chứng nước ngoài mà không tự trả lời lương của giáo viên nước họ ra sao. Chủ trương này hay nhưng chưa thỏa đáng. Tôi từng đọc bài báo Bí thư nói lương kỹ sư một tháng 7 đến 8 triệu sao sống, vậy lương giáo viên một tháng chỉ có 2 đến 3 triệu thì giáo viên sống kiểu gì?", bạn Ngọc Tiên bình luận.
Một số độc giả nêu ý kiến, việc tăng lương giáo viên không chỉ giúp thu hút nhân tài cho ngành giáo dục mà còn đảm bảo cái "tâm" của người làm nghề giáo không bị cuộc sống cơm áo gạo tiền bóp méo để hoạt động học thêm, dạy thêm diễn ra hoàn toàn vì học sinh.
Tháng 5/2012, Bộ GD&ĐT ra thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, ban hành quy định về việc dạy thêm, học thêm. Theo đó, trường và giáo viên không được dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Tuy nhiên, tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra tràn lan, không hiệu quả khiến nhiều người dân bức xúc.
Tháng 10/2015, tại buổi họp báo thường kỳ, đại diện Bộ thừa nhận chưa thể giải quyết triệt để vấn nạn dạy thêm do vướng mắc nhiều vấn đề.
Theo Zing
'Cấm dạy thêm nên bắt đầu từ thay đổi cách học và ra đề thi' "Khi thay đổi phương pháp học và cách ra đề thi, không cần cấm, học sinh cũng bỏ học thêm", cô Hằng, giáo viên ở TP HCM nêu quan điểm. Liên quan vấn đề cấm dạy thêm, học thêm trong trường học đang thu hút sự chú ý của dư luận, cô Thanh, giáo viên tại TP HCM, cho rằng: Đổi mới phải...