Bệnh cúm tăng bất thường, nhiều ca nhập viện trong tình trạng rất nặng
Độ ẩm cao, thời tiết nắng mưa bất thường đã khiến virus cúm bùng phát. Cúm không chỉ tăng bất thường ở trẻ em mà còn tăng ở người lớn, bà mẹ mang thai.
Đã có nhiều ca rất nặng phải nhập viện, có ca suy hô hấp, suy đa phủ tạng, phải chạy ECMO- hệ thống tim, phổi nhân tạo ngoài cơ thể.
Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, không ít bà mẹ đang chăm sóc con tại đây cho chúng tôi biết, chỉ vì chủ quan không tiêm phòng vaccine cúm, không thăm khám sớm dẫn tới con bị biến chứng viêm phổi. Từ đầu năm đến nay, tại Khoa Truyền nhiễm đã ghi nhận 3 ca biến chứng viêm não do cúm. Tuy nhiên, biến chứng viêm phổi lại khá phổ biến.
Chăm con 1 tuổi đang bị cúm tại đây, chị Phạm Thị Dung (Hải Dương): “Biểu hiện lúc đầu của cháu chỉ ho, nhiều đờm như mọi lần. Nhưng vài ngày sau cháu sốt cao, xuất hiện co giật, gia đình cho đi khám. Thấy con khó thở, tôi vội vàng đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ chẩn đoán viêm phổi do biến chứng từ cúm nên phải nhập viện điều trị”.
Theo BS. Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương, thời điểm này, số bệnh nhi đến khám về cúm và sởi đều tăng. Khoa đang điều trị cho 30 trẻ mắc cúm và 30 trẻ mắc sởi, đa số đều có biến chứng viêm phổi. BS.Thiện Hải nhận định, các bệnh nhi cúm có điểm bất thường hơn là thời gian sốt của trẻ kéo dài đến 7-8 ngày, trong khi trước đó, trẻ thường chỉ sốt 3-4 ngày.
Nhiễm cúm nhưng không đến viện, khám tại phòng khám tư, BS chẩn đoán nhầm viêm họng cấp, trẻ được chỉ định uống kháng sinh là trường hợp khá phổ biến. Hoặc có phụ huynh, khi thấy con sốt, sổ mũi, tưởng viêm họng tự mua thuốc cho con điều trị ở nhà, khi con bệnh nặng đưa tới viện đã bị biến chứng viêm phổi.
Nhiều bệnh nhi mắc cúm nặng, biến chứng sang viêm phổi.
Video đang HOT
Theo BS Trần Tuấn Anh, Khoa Nhi (BV Medlatec), trung bình mỗi ngày có khoảng trên 30 trẻ đến bệnh viện khám, lấy xét nghiệm tại nhà và phát hiện nhiễm cúm. Trong đó nhiều trẻ nhiễm cúm nhưng không được phát hiện kịp thời, thậm chí đi phòng khám tư được chỉ định dùng kháng sinh để điều trị do nhầm lẫn với viêm họng cấp. Chính vì vậy, khi trẻ tới viện bệnh đã nặng, xuất hiện biến chứng, chủ yếu là viêm phổi.
Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thời gian gần đây có nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị cúm, trong đó có các trường hợp nặng, chủ yếu là cúm A/H1N1. Hiện đang có 4 bệnh nhân bị cúm A/H1N1 rất nặng, có ca tổn thương phổi nghiêm trọng, 2 phổi trắng xóa, phải chạy ECMO – hệ thống tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể (một kỹ thuật hỗ trợ điều trị suy hô hấp cấp nặng tốt nhất trên thế giới hiện nay).
Đáng chú ý có một bệnh nhân là thai phụ ở tuần 31 mắc cúm A đang được điều trị tích cực. Tuy nhiên, diễn biến bệnh của thai phụ rất nhanh, suy hô hấp và suy đa phủ tạng. Các bác sĩ đã phải cho bệnh nhân chạy ECMO để cứu tính mạng.
Cách đây chưa lâu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã cứu sống nam bệnh nhân 59 tuổi, vào viện vì sốt đau rát họng, sau đó ho, khó thở tăng dần. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi do nhiễm cúm A/H1N1. Sau 10h điều trị tích cực, bệnh vẫn có xu hướng tiến triển rất nặng. Bệnh viện đã tiến hành chạy ECMO, sau một thời gian sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định và ra viện sau 45 ngày điều trị.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cúm là bệnh truyền nhiễm phổ biến do virus cúm gây ra. Đa phần có biểu hiện nhẹ và tự khỏi trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, một số bệnh nhân nguy cơ cao có thể nhiễm cúm ở thể nặng, đe dọa tính mạng. Đó là trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai, bị mắc suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, tiểu đường, xơ gan, điều trị hóa chất hoặc bệnh nhân mắc bệnh nền phổi mãn tính, tim…
Ngoài ra, những bệnh nhân khỏe mạnh nếu nhiễm phải chủng cúm có độc lực cao, có thể gây ra tình trạng tổn thương phổi nặng. Virus cúm thường gây tổn thương ở phổi, diễn tiến rất nhanh, dẫn đến suy hô hấp, nếu ở nhóm có nguy cơ cao thì cần được theo dõi sát sao và điều trị kịp thời, nếu không có thể dẫn đến tử vong. Để phòng tránh cúm, GS Kính cho biết, người dân nên đi tiêm phòng vaccine cúm định kỳ hằng năm.
Thời tiết nóng lạnh bất thường, độ ẩm cao như hiện nay đã tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển. Theo khuyến cáo của BS.Tuấn Anh, người dân không nên tự ý dùng thuốc, đặc biệt là kháng sinh, kháng virus tamiflu hay vaccine “khô”, đặc biệt là hàng xách tay từ nước ngoài về.
Bởi, thuốc hay vaccine đều đòi hỏi quy trình bảo quản nghiêm ngặt và được kiểm định chất lượng. Với thuốc hay vaccine xách tay, không thể biết hàm lượng có phù hợp với người Việt Nam không, bởi thể trạng người châu Âu thường to lớn… Việc tự ý dùng có thể gặp tác dụng phụ hoặc ngộ độc, nên người dân phải hết sức cẩn trọng.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo về phòng dịch cúm như người dân cần rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; hằng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm…
Trần Hằng
Theo CAND
Đeo khẩu trang y tế có ngăn ngừa lây cúm?
Khẩu trang y tế có thể ngăn chặn virus cúm lây lan nhưng không đạt hiệu quả 100%, chỉ nên sử dụng như phương pháp bổ sung.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Sherif Mossad tại Cleveland Clinic, Mỹ, cho biết virus cúm trôi nổi trong không khí sau khi thoát ra từ nước bọt của người bệnh. Do đó, khẩu trang y tế có thể ngăn chặn cúm lây lan tới người khác và giúp người dùng bảo vệ được chính mình.
Tuy nhiên, khẩu trang không đạt hiệu quả 100%. Nó chỉ nên được sử dụng như một biện pháp bổ sung, không thay thế các biện pháp phòng chống cúm khác, theo Health.
"Người dùng nên lựa chọn khẩu trang chắc chắn ngăn được các hạt trong không khí và bỏ khẩu trang sau một lần sử dụng", bác sĩ Mossad nói.
Đeo khẩu trang ở những nơi công cộng để phòng ngừa lây nhiễm cúm. Ảnh: F ox10 Phoenix
Theo tiến sĩ Susan Besser, bác sĩ gia đình tại Mercy Personal Physicians, nếu bạn bị cúm, cách tốt nhất để tránh lây lan cho người khác là ở nhà dưỡng bệnh và thường xuyên rửa tay sạch sẽ. Ngoài ra, bạn cần tiêm vắcxin phòng cúm và che miệng khi ho hoặc hắt hơi.
Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), khuyến cáo nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bị cúm ở phạm vi dưới 1,8 m.
"Người bị cúm nên đeo khẩu trang trong 7 ngày kể từ khi mắc bệnh và 24 giờ sau khi triệu chứng cuối cùng biến mất. Đây là thời gian virus có thể còn tồn tại trong hơi thở và dịch cơ thể của họ", tiến sĩ Besser nói.
Các chuyên gia cho biết những người khỏe mạnh và có hệ thống miễn dịch tốt có thể không cần đeo khẩu trang để phòng ngừa cảm cúm thông thường. Nhưng nếu bạn bị cúm nặng, hãy đeo khẩu trang để giúp người khác khỏe mạnh và tránh cúm lây lan.
Cẩm Anh
Theo VNE
Mối nguy hiểm từ bụi mịn siêu nhỏ Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, bụi mịn có khả năng len sâu vào phổi và đi trực tiếp vào máu có khả năng gây ra hàng loạt bệnh về ung thư, hô hấp. Bụi mịn không nhìn thấy được bằng mắt thường nhưng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân. Siêu nhỏ, siêu nguy hiểm Theo thuật...