Bệnh bạch hầu: Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu cao nhất và cách sàng lọc bệnh
Để biết người bệnh có bị nhiễm khuẩn bạch hầu hay không thì xét nghiệm là tiêu chuẩn vàng để sàng lọc và chẩn đoán xác định bệnh.
Chỉ trong tháng 6 năm nay, tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 12 trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Trong đó, 4 trường hợp tại xã Đắk Sor, 8 trường hợp mắc tại xã Quảng Hòa và xã Đắk R’măng. Tính đến thời điểm hiện tại (27/6), đã có 1 trường hợp tử vong vì bệnh bạch hầu, bệnh nhân là cháu bé 9 tuổi, trú tại xã Quảng Hòa.
Theo Cục y tế Dự phòng, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên.
Bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm vắc xin đủ liều và đúng lịch. Các khu vực ghi nhận bệnh nhân mắc bạch hầu tại Đắk Nông có tỷ lệ tiêm chủng thấp 48-52%, các trường hợp mắc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu.
Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu nhất và cách sàng lọc bệnh?
Cục y tế Dự phòng khuyến cáo, những nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu đó là:
- Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
- Người sinh sống ở khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Để biết người bệnh có bị nhiễm khuẩn bạch hầu hay không thì xét nghiệm là tiêu chuẩn vàng để sàng lọc và chẩn đoán xác định bệnh. Mẫu xét nghiệm được lấy từ dịch ngoáy họng, dịch nhầy ở thành họng, ở mũi hoặc giả mạc tại vị trí viêm của người bệnh.
Tại tỉnh Đắk Nông, sau khi xuất hiện 3 ổ bệnh bạch hầu làm 1 người chết, ngành y tế tỉnh này đã tổ chức khám sàng lọc theo phương pháp trên cho hàng ngàn người.
Các bác sĩ khám sàng lọc, lấy mẫu tầm soát bệnh bạch hầu ở Krông Nô, Đắk Nông.
Video đang HOT
Dấu hiệu sớm của bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu thường khởi phát chỉ như một đợt cảm lạnh, cảm cúm do thời tiết thông thường với những biểu hiện như viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản… chính vì thế bệnh nhân rất dễ bỏ qua các dấu hiệu ban đầu của bệnh.
Nếu được phát hiện sớm, bệnh có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh. Ngược lại, khi để bệnh bạch hầu tiến triển xấu gây ra tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng thì người bệnh có khả năng bị liệt cơ, viêm cơ tim, viêm dây thần kinh và có thể dẫn đến tử vong.
Các dấu hiệu sớm của bệnh bạch hầu biểu hiện như thế nào còn phụ thuộc vào từng vị trí gây bệnh.
* Bệnh bạch hầu mũi trước:
- Bệnh nhân sẽ có biểu hiện sổ mũi, những chất mủ mũi nhầy, có thể lẫn cả máu.
- Khi khám sẽ thấy có những giả mạc trắng ở vách ngăn mũi.
- Người bệnh chỉ có triệu chứng này thì thường nhẹ vì độc tố của vi khuẩn ít xâm nhập vào máu.
* Bệnh bạch hầu họng và amidan:
- Bệnh nhân có biểu hiện đau rát cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ, mệt mỏi nhiều.
- 2 – 3 ngày sau, vùng amidan hoặc vùng hầu họng của bệnh nhân sẽ xuất hiện những đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc.
- Một số bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò… ở thể nặng, bệnh nhân sẽ đờ đẫn, hôn mê sâu, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
* Bệnh bạch hầu thanh quản:
- Bệnh nhân thường sốt, khàn giọng, ho to và nhiều.
- Khi khám sẽ thấy hình ảnh nhiều giả mạc tại thanh quản. Nếu không được phát hiện sớm, những giả mạc này có thể gây bít tắc đường thở, khiến bệnh nhân suy hô hấp, nhiễm độc và tê liệt các dây thần kinh sọ não, gây viêm cơ tim… có nguy cơ tử vong nhanh chóng.
*Bệnh bạch hầu ở các vị trí khác:
Trường hợp này rất ít gặp và nhẹ, Bệnh bạch hầu da thì có thể gây ra các vết loét, ở niêm mạc có thể có bệnh bạch hầu niêm mạc mắt, âm đạo hay ống tai.
Bệnh bạch hầu hay bệnh dịch COVID-19 "đáng sợ" hơn, cách điều trị ra sao?
Nếu so sánh với COVID-19 thì bệnh bạch hầu đáng sợ hơn vì tỉ lệ xảy ra biến chứng dẫn đến tử vong cao hơn. Tuy nhiên nhờ vào vắc xin mà bệnh đã được kiểm soát khá tốt trong khoản 50 năm trở lại đây.
Vi khuẩn corynebacterium diphtheriae gây bệnh bạch hầu. Ảnh minh hoạ: Thảo Anh.
Tác nhân gây bệnh
Bệnh này gây ra bởi vi khuẩn Corynebacterium diphtheria. Đây là vi khuẩn gram dương, hình que, hiếu khí. Vị trí tấn công phổ biến nhất vi khuẩn này là vùng hầu họng và hình thành màng giả (pseudomembrane) màu trắng nên bệnh có tên gọi là Bạch Hầu.
Ngoài ra, vi khuẩn còn có thể nhiễm ở vùng da hoặc bộ phận sinh dục (hiếm xảy ra). Giống như bệnh COVID-19, vị trí gây bệnh chủ yếu ở đường hô hấp nên việc lây nhiễm vi khuẩn bạch hầu cũng xảy ra dễ dàng qua đường các hạt dịch hô hấp bắn ra từ người bệnh.
Vì đây là vi khuẩn (bacteria) chứ không phải là virus như SARS-CoV-2 nên chúng có khả năng tự sống sót độc lập trong môi trường ngoài cơ thể vật chủ tốt hơn, từ 7 ngày cho đến 6 tháng. Từ đó tăng cơ hội nhiễm sang người khác hơn nếu vùng có người bị nhiễm bệnh không được làm vệ sinh tiệt trùng kỹ.
Triệu chứng bệnh
Các triệu chứng ban đầu bao gồm khó chịu, đau họng, chán ăn và sốt nhẹ ( khoảng 38 độ C). Trong vòng 2-3 ngày, một màng màu trắng hơi xanh hình thành và mở rộng, từ việc che một mảng nhỏ trên amidan đến bao phủ hầu hết vòm miệng. Thông thường vào thời điểm đi khám bác sĩ thì màng đã có màu xanh xám hoặc đen nếu đã bị ra máu.
Màng này bám chắc vào mô và nếu cố gắng loại bỏ nó sẽ gây ra máu. Nếu sự màng này mở rộng do sự sinh sản của vi khuẩn có thể dẫn đến tắc nghẽn đường hô hấp. Trong khi một số bệnh nhân có thể phục hồi vào thời điểm này mà không cần điều trị, những người khác có thể bị bệnh nặng hơn và thậm chí tử vong.
Điều trị và tỉ lệ tử vong
Việc điều trị bạch hầu ngày nay thường được kết hợp sử dụng kháng sinh (penicillins, cephalosporins, erythromycin, and tetracycline) để tiêu diệt vi khuẩn bạch hầu với chất kháng độc tố (antitoxin) để trung hòa các độc tố do vi khuẩn tiết ra. Bệnh nhân bạch hầu thường được cách ly cho đến khi họ không còn khả năng lây nhiễm cho người khác, thường là khoảng 48 giờ sau khi bắt đầu điều trị bằng kháng sinh.
Tỷ lệ tử vong chung của trường hợp mắc bệnh bạch hầu là 5%-10%, với tỷ lệ tử vong cao hơn (lên tới 20%) ở trẻ em dưới 5 tuổi và người trên 40 tuổi.
Do tỷ lệ tử vong cao và khả năng lây lan dễ dàng nên vào giai đoạn trước khi vắc xin được áp dụng rộng rãi thì bệnh này đã từng là nỗi sợ hãi của nhiều nơi trên thế giới.
Ở Anh và xứ Wales trong những năm 1930, bệnh bạch hầu là một trong ba nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em dưới 15 tuổi. Hoa Kỳ đã ghi nhận 206.000 trường hợp mắc bệnh Bạch Hầu vào năm 1921, dẫn đến hơn 15500 ca tử vong. Trong thế chiến thứ 2, dịch bệnh này cũng làm khoảng 1 triệu người ở châu Âu nhiễm bệnh và khoảng 50 ngàn người chết.
Vắc xin - cách phòng bệnh hiệu quả
Quá trình phát triển vắc xin ngừa bệnh Bạch Hầu được bắt đầu từ những năm 1900, với mục tiêu điều trị dự phòng bằng các hỗn hợp độc tố (toxin) và chất kháng độc tố (antitoxin). Sau đó toxoid, dạng độc tố được bất hoạt (không còn độc nữa), được phát triển vào khoảng năm 1921 để thay thế nhưng không được sử dụng rộng rãi cho đến đầu những năm 1930.
Nó được kết hợp với vaccine uốn ván, ho gà và bắt đầu được sử dụng đại trà vào những năm 1940 đã làm cho số lượng người nhiễm bệnh bạch hầu giảm đáng kể trên thế giới, dữ liệu cho thấy ở Mỹ trong giai đoạn sau 1950 số lượng này đã giảm hơn 90% và nhiều năm không có phát hiện ca nào.
Tuy việc vắc xin bệnh bạch hầu đã và đang được thực hiện rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới nhưng thỉnh thoảng dịch bệnh cũng bùng phát ở một số nơi, đặc biệt là các vùng nghèo, tình trạng y tế thiếu thốn hoặc quản lý về tiêm phòng lỏng lẻo và cả những nơi mà có phong trào "anti vắc xin" (chống vắc xin).
Các kết quả nghiên cứu về dịch tễ cho thấy trong cộng đồng cần có lượng người được chích vaccine khoảng từ 80-85% để có hiệu quả của miễn dịch cộng đồng.
Miễn dịch cộng đồng là một phương pháp hiệu quả trong việc phòng các bệnh truyền nhiễm khi vắc xin hiệu quả đã được tìm ra. Do vậy để ngăn ngừa được dịch bệnh này việc làm tốt nhất hiện nay đó là chích ngừa vắc xin.
TS Nguyễn Hồng Vũ. Ảnh: NVCC.
TS Việt tại Mỹ: Bệnh bạch hầu và quá khứ cực kỳ đáng sợ, chỉ có 1 cách phòng bệnh duy nhất Nếu so sánh với Covid-19 thì bệnh bạch hầu đáng sợ hơn vì tỉ lệ xảy ra biến chứng dẫn đến tử vong cao hơn. Tuy nhiên nhờ vào vaccine mà bệnh đã được kiểm soát khá tốt. Tác nhân gây bệnh Bệnh này gây ra bởi vi khuẩn Corynebacterium diphtheria. Đây là vi khuẩn gram dương, hình que, hiếu khí. Vị trí...