Bến xe Hà Nội ‘đói khách’ vì COVID-19
Chỉ còn 3 ngày nữa đến Tết nhưng chiều 28-1, bến xe Giáp Bát ( Hà Nội) đã vắng khách hơn cả ngày thường.
Các chuyến xe 45 chỗ xuất bến chỉ có 3-5 hành khách.
Phòng chờ bến xe Giáp Bát vắng như chùa Bà Đanh, thi thoảng có 1, 2 người ngồi chờ chuyến kế tiếp – Ảnh: HÀ QUÂN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Tất Thành – giám đốc bến xe Giáp Bát – cười chua chát bảo rằng bao nhiêu năm trong nghề đến nay mới thấy một dịp vận tải hành khách sát Tết kỳ lạ.
“Những năm trước càng giáp Tết áp lực khách đến bến càng tăng, mỗi dịp Tết Nguyên đán bến xe đón 2,5 đến 3 vạn khách mỗi ngày.
Nhưng những ngày này chúng tôi chỉ phục vụ 1.000 khách đi xe rời bến, mỗi xe 45 chỗ chỉ có 3-5 khách. Số lượng khách xuất bến những ngày này chỉ bằng 1/3 so với ngày thường khi chưa xảy ra đại dịch. So với những dịp Tết trước thì kém xa” – ông Thành cho biết.
Theo ông Thành, lý do vắng khách dịp Tết vì do đại dịch COVID-19 nên người lao động phổ thông ít đến Hà Nội làm việc, sinh viên chưa đi học tại trường.
Không ít lao động phổ thông ở Hà Nội đã về quê sớm vì sợ địa phương thực hiện cách ly người ở Hà Nội về. Những người về muộn cũng chủ yếu đi xe cá nhân, thuê xe nên từ nay đến Tết không mong bến xe Giáp Bát đông khách.
Ông Thành cho biết thêm do dừng hoạt động nhiều tháng vì dịch và khách ít khi bến hoạt động trở lại nên những ngày này bến xe Giáp Bát chỉ duy trì 1/3 nhân viên làm việc luân phiên do không có doanh thu trả lương. Tương tự bến Giáp Bát, tại bến xe Mỹ Đình khách đi xe cũng vắng vẻ.
Bạn Phạm Uyên (quê Thái Bình) chia sẻ: “Mọi năm sinh viên, người lao động về quê rất đông. Năm nay, mình về nhà thấy rất dễ dàng từ bắt xe buýt cho đến mua vé về quê. Cả xe chỉ có 5 người”.
Điểm đón trả xe buýt của bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai) vắng khách về quê dù đây là điểm nhiều người dân ở Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang lựa chọn – Ảnh: HÀ QUÂN
Chiều 28-1, chỉ có lác đác người về quê đón Tết nên không có cảnh chen chúc, giành từng chiếc vé về quê như mọi năm – Ảnh: HÀ QUÂN
Những chỗ đỗ xe khách “ken đặc” ngày cận Tết các năm về trước chỉ còn là ký ức, nhiều chỗ không có xe đón khách từ nhiều ngày nay – Ảnh: HÀ QUÂN
Ông Lý Trường Sơn – giám đốc bến xe Mỹ Đình – cho biết từ sáng đến 15h ngày 28-1 chỉ có gần 200 xe xuất bến, mỗi xe 3-4 khách.
Video đang HOT
“Những ngày gần đây lượng khách qua bến chủ yếu là khách rời Hà Nội về quê và chỉ bằng 20% so với ngày thường lúc không có dịch. Lượng xe xuất bến cũng chỉ đạt 20-25% so với ngày thường. Bến cũng chỉ bố trí 30% nhân viên đi làm vì nhu cầu khách không lớn và để giảm thiểu chi phí hoạt động” – ông Sơn cho hay.
Lối mua vé tại bến xe Mỹ Đình rất hiếm có người mua – Ảnh: HÀ QUÂN
Chỗ ngồi dành cho hành khách thì nay toàn phụ xe ngồi chờ cho đỡ mỏi vì “đói khách” – Ảnh: HÀ QUÂN
Tại bến xe Nước Ngầm, ông Trịnh Hoài Lam – phó giám đốc bến xe – cho biết những ngày này được xem là dịp cao điểm Tết nhưng mỗi ngày bến xe Nước Ngầm chỉ có khoảng 100 xe xuất bến, bằng 50% so với thời điểm chưa có dịch.
Trong khi các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình chưa có nhà xe nào công bố tăng giá vé dịp Tết thì tại bến Nước Ngầm có 9 nhà xe tăng giá vé từ 15-45%. Đây là những nhà xe khai thác tuyến đường dài và tăng giá vé để bù chiều rỗng như những năm trước.
Chung tình trạng với bến xe Giáp Bát và Mỹ Đình, bến xe Nước Ngầm vắng vẻ trong ngày làm việc cuối cùng của năm Tân Sửu – Ảnh: HÀ QUÂN
Theo Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), xe buýt hoạt động xuyên Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022:
Ngày 31-1 (29 Tết), thời gian mở bến 6h – đóng bến 17h.
Ngày 1-2 (mùng 1 Tết) thời gian mở bến 10h – đóng bến 18h;
Ngày 2-2 (2 Tết), thời gian mở bến 8h30 – đóng bến 19h30;
Ngày 3-2 (3 Tết) thời gian mở bến 6h30 – đóng bến 20h30;
Ngày 4-2 (4 Tết) thời gian mở bến 6h – đóng bến 21h.
Từ ngày 5-2 trở về sau, thời gian mở bến 5h30, đóng bến 21h.
Metro Cát Linh – Hà Đông mở tuyến muộn và đóng tuyến sớm hơn trong 3 ngày Tết.
Từ ngày 31-1 (29 Tết) đến ngày 2-2 (mùng 2 Tết), các đoàn tàu điện sẽ mở tuyến muộn và đóng tuyến sớm hơn ngày thường.
Các chuyến tàu chạy giãn cách 10 phút/chuyến. Từ ngày 3-2 (mùng 3 Tết) trở đi, tàu điện Cát Linh – Hà Đông hoạt động từ 5h30 đến 22h hằng ngày.
Hàng quán, dịch vụ trong bến xe thoi thóp kiếm sống giữa mùa dịch
Bến xe Hà Nội vắng lặng như tờ do không có khách, các dịch vụ ăn theo cũng không thể cầm cự, nhiều người phải trả mặt bằng để kiếm kế sinh nhai khác.
Trong bối cảnh giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch COVID-19, dịch vụ vận chuyển hành khách tại Hà Nội đến 37 tỉnh thành phố phải tạm dừng theo chỉ đạo của Sở GTVT từ ngày 18/7. Các bến xe khách vắng lặng khiến các dịch vụ trong bến xe ngày thường vốn nườm nượp khách giờ lao đao trong cảnh sống lay lắt.
Những quầy hàng trong bến xe Giáp Bát từ sang trọng...
...đến bình dân đều đã đóng cửa vì vắng khách. Đại diện bến xe này cho biết, một số ít thì đóng cửa tạm nghỉ nhưng rất nhiều quầy đã trả lại mặt bằng vì không thể cầm cự thêm được, sau quá nhiều đợt dịch.
Tại bến xe Mỹ Đình, nhiều quầy bán hàng đã chấm dứt kinh doanh hoàn toàn vì không buôn bán gì trong suốt thời gian dài vừa qua. Một vị đại diện bến xe cho biết, hơn 1/3 số quầy trong bến xe người thuê đã trả lại mặt bằng, bỏ về quê kiếm sống. Hết đợt dịch này đến đợt dịch khác trong suốt gần 2 năm qua khiến họ thất thu nặng.
Những quầy hàng vốn đông đúc, khách hàng có nhiều lúc phải xếp hàng dài để mua đồ ăn nhanh, nước giải khát thì nay cũng vắng tanh. Cả một dãy hàng chục quầy hàng chỉ lác đác vài khách hàng.
Chủ quầy hàng B3 trong bến xe khách Mỹ Đình cho biết, cô vẫn mở bán mang đi nhưng mỗi ngày cũng chỉ vài khách mua. Cô là một trong số rất ít những hộ kinh doanh còn trụ lại tại đây, nhiều quầy hàng xunh quanh đều đã trả lại mặt bằng vì không thể cầm cự.
Còn tại bến xe Nước Ngầm, mặc dù không cho hộ kinh doanh thuê quầy dịch vụ nhưng quầy dịch vụ phục vụ nước uống, đồ khô của bến xe cũng không một bóng người. Nhân viên đã phải nghỉ gần hết, chỉ còn một người để duy trì hoạt động.
Hiện tại bến xe Nước Ngầm chỉ còn duy nhất 1 tuyến còn hoạt động. Cả một khoảng sân rộng lớn của bến xe không có bóng dáng một chiếc xe khách nào.
Trước đây, dịch vụ thuê xe đẩy vận chuyển hàng hóa tại bến xe Mỹ Đình vẫn luôn đắt hàng bất kể nắng mưa. Những chiếc xe đẩy nhỏ len lỏi từng góc nhỏ để vận chuyển hàng cho khách nay nằm im trong sự nhàn hạ đáng buồn.
Một người làm dịch vụ đẩy hàng cho biết ở thời điểm hiện tại hiếm lắm mới có được một khách hàng quý báu.
Những chiếc xe đẩy hàng hoá "đắp chiếu" trong bến xe Giáp Bát.
Không biết đến lúc nào chúng mới được dùng trở lại.
Tại bến xe Mỹ Đình, đây là nơi trước kia những người hành nghề xe ôm chen lấn xô đẩy để chèo kéo khách. Nay chỉ còn một người lái xe ôm vẫn kiên nhẫn ngồi chờ đợi.
Bến xe Giáp Bát lác đác bóng người chờ có hàng để vận chuyển trong buồn bã.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết hiện tại số xe còn hoạt động trong bến chỉ khoảng dưới 80 xe, đây là một con số quá nhỏ so với 800 xe hoạt động hàng ngày vào thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát.
Trong khi đó, số xe khách còn đăng ký hoạt động tại bến xe Mỹ Đình hiện tại chỉ khoảng hơn 100 xe. Đại diện bến xe này cho biết, số lượng xe khách đang giảm đi trong thấy từng ngày, từng ngày một.
Phía mặt trước của bến xe Giáp Bát, những chiếc xe buýt thường xuyên xuất bến trong tình trạng không một bóng khách hàng.
Nhân viên bán vé trên tuyến xe buýt số 101A cho biết, từ sáng đến giữa trưa, xe này chỉ bán được vẻn vẹn 5 chiếc vé.
Vận tải khách tiếp tục 'ngủ đông' ngày giáp Tết Khác với cảnh tấp nập người, xe tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội những ngày giáp Tết nhiều năm về trước, dịp Tết Nguyên đán 2022 năm nay, cảnh vắng lặng, đìu hiu bao phủ các bến xe, ngay cả trong ngày Tết ông Công, ông Táo. Cảnh vắng vẻ của bến xe Giáp Bát. Ảnh tư liệu: Danh Lam/TTXVN...