Bé 8 tháng tuổi ăn nửa quả trứng hấp, chưa đầy nửa ngày sau đã nổi mẩn đỏ khắp người
Trứng là thực phẩm cung cấp nhiều dưỡng chất, trẻ nhỏ hầu như rất thích ăn, nhưng cho ăn sai cách có thể khiến bé bị dị ứng.
Cô bé Quyên Quyên đã được hơn 8 tháng tuổi. Một ngày, bà ngoại Quyên Quyên ở quê lên chơi có mang theo một túi trứng gà, bà nói gà nhà nuôi nên trứng rất tươi ngon, để dành cho cháu gái.
Mẹ Quyên Quyên có dặn bà ngoại rằng trứng rất dễ gây dị ứng, bà chỉ cho cháu ăn lòng đỏ trứng thôi. Nhưng khi mẹ bé đi làm, bà ngoại đã hấp cho cháu ăn nửa quả trứng có cả lòng trắng vào buổi sáng. Chưa đầy nửa ngày sau, vào khoảng buổi trưa, cả người Quyên Quyên bắt đầu nổi mẩn đỏ và bị tiêu chảy. Đưa đi bệnh viện kiểm tra, bác sĩ nói bé gái bị dị ứng với trứng.
Về nhà, mẹ Quyên Quyên đã rất tức giận với bà ngoại. Nhưng bà ngoại cho rằng không phải do trứng, bà còn nói có đứa cháu họ ăn trứng từ 5 tháng tuổi có sao đâu. Trứng rất bổ dưỡng, cứ cho cháu ăn đi.
Những nốt mẩn đỏ xuất hiện khắp người Quyên Quyên sau khi bé ăn trứng nửa ngày.
Trên thực tế, nhiều người thường cho trẻ bắt đầu ăn dặm làm quen với việc ăn lòng đỏ trứng. Trứng rất giàu protein, phospholipids, vitamin A và các chất dinh dưỡng khác. Trứng gần như là món ăn xuất hiện trong thực đơn ăn dặm của mọi đứa trẻ.
Tuy nhiên, đến nay vẫn có nhiều quan niệm khác nhau về việc cho trẻ nhỏ ăn trứng. Có người cho rằng không nên cho trẻ ăn trứng trước 1 tuổi vì nó có thể gây dị ứng. Có quan niệm lại cho rằng có thể cho trẻ ăn lòng đỏ trứng, trên 1 tuổi thì mới cho ăn cả lòng trắng trứng.
Trứng là thực phẩm rất tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ nhưng cho trẻ làm quen với trứng quá sớm có thể khiến bé khó tiêu, thậm chí gây dị ứng.
Video đang HOT
Khi nào bé có thể ăn trứng?
Lòng đỏ trứng: Có thể bắt đầu cho bé ăn lòng đỏ trứng khi bé được 7-9 tháng tuổi. Để để phòng nguy cơ dị ứng với trứng, có thể cho bé ăn lần đầu khoảng 1/4 lòng đỏ trứng gà và quan sát xem bé có phản ứng gì không. Nếu không, có thể tăng dần số lượng lòng đỏ trứng qua các bữa ăn, lên 1/2 rồi cả lòng đỏ.
Nếu bé có một số biểu hiện như phát ban, nổi mề đay, nôn mửa, tiêu chảy, nên dừng ăn lòng đỏ trứng ngay vì bé đã bị dị ứng với trứng. Ngoài ra, cũng không nên cho bé ăn bất cứ món gì có thành phần là trứng khác. Các triệu chứng dị ứng ở mỗi trẻ là khác nhau và mức độ cũng khác nhau, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm vì có bé dị ứng rất nghiêm trọng.
Lòng trắng trứng: Không nên cho bé dưới 1 tuổi ăn cả quả trứng vì ở độ tuổi này, hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển hoàn chỉnh, thành ruột rất mỏng, protein trong lòng trắng trứng là albumin, nó có phân tử có thể xâm nhập trực tiếp vào máu của bé qua thành ruột, dễ dàng gây ra một số bện dị ứng như nổi mề đay, viêm phế quản, khò khè, hen suyễn.
Ngoài ra, do hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển hoàn chỉnh nên protein trong lòng trắng trứng sẽ gây ra gánh nặng cho đường tiêu hóa.
Cho trẻ ăn trứng đúng cách tránh nguy cơ dị ứng
Cho trẻ làm quen với các thực phẩm lành mạnh khác khi bắt đầu độ tuổi ăn dặm như củ, quả (bí đỏ, cà rốt, khoai lang…). Sau đó đợi đến khi bé khoảng 7 – 8 tháng tuổi trở lên mới cho trẻ ăn thử trứng, ăn lòng đỏ trước và thử từng chút một. Sau 1 tuổi mới nên cho bé ăn lòng trắng trứng.
Với trẻ có cơ địa dị ứng hoặc gia đình có tiền sử dị ứng, việc cho trẻ làm quen với trứng cũng nên bắt đầu sau 1 tuổi và nên làm quen ít một.
Trẻ trên 1 tuổi có thể ăn cả quả trứng (Ảnh minh họa).
Trẻ bị ốm không nên ăn trứng?
Một số người quan niệm rằng khi trẻ bị ốm không nên cho ăn trứng. Đây là quan niệm không có cơ sở. Khi bé ốm, điều đặc biệt cần thiết là cung cấp protein cũng như các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Nếu trẻ thích ăn trứng và ăn được trứng, trứng vẫn là một lựa chọn tốt và dễ hấp thu cho bữa ăn của trẻ. Lưu ý khi chế biến trứng, đảm bảo trứng phải được nấu chín hoàn toàn. Súp trứng, cháo trứng, trứng luộc… là những món ăn mẹ có thể nấu cho bé.
Lượng trứng cho trẻ ăn bao nhiêu là đủ?
Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, tuy trứng là thực phẩm rất tốt nhưng cũng không nên cho trẻ ăn quá nhiều, vì hàm lượng chất béo trong trứng cao làm trẻ dễ bị đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hoá. Tuỳ theo tháng tuổi mà cho trẻ ăn số lượng khác nhau:
Trẻ 7 – 8 tháng tuổi: chỉ nên ăn lòng trứng đỏ trứng gà/bữa, có thể ăn 2 – 3 lần/tuần.
Trẻ 8 – 12 tháng tuổi: ăn 1 lòng đỏ/bữa, có thể ăn 3 – 4 bữa trứng 1 tuần.
Trẻ 1 – 2 tuổi: nên ăn 3 – 4 quả trứng/tuần, ăn cả lòng trắng.
Trẻ từ 2 tuổi trở lên nếu trẻ thích trứng có thể cho ăn 1 quả/ngày.
5 món ăn ngon mỗi ngày chế biến với trứng gà
Trứng là thực phẩm giàu dinh dưỡng và dễ chế biến thành nhiều món ăn ngon khi kết hợp với một số nguyên liệu sẵn có.
1. Súp trứng: Súp trứng thích hợp làm món khai vị cho bữa tối ngày lạnh. Nguyên liệu bạn cần có gồm: nấm hương, nước luộc gà, gừng, một ít rượu trắng, bột ngô, gia vị, hành lá, hạt tiêu và trứng gà. Đun nước luộc gà cùng nấm hương, gừng và rượu tới khi sôi, giảm lửa và nêm gia vị, hạt tiêu. Sau đó, từ từ cho trứng đã đánh tan vào nồi nước, đồng thời khuấy đều tới khi cho hết trứng. Tắt bếp, rắc hành lên trên và thưởng thức khi còn nóng.
2. Cơm chiên trứng: Đây là một món ăn quen thuộc, dễ chế biến tại nhà. Ngoài cơm và trứng, bạn cần có một số nguyên liệu như đậu đỗ, cà rốt, ớt ngọt, hành lá, và các loại gia vị như xì dầu, hạt tiêu, gia vị muối, tương ớt... Nên sử dụng chảo chống dính để chiên cơm cho ngon. Trứng chiên riêng cắt thành miếng, sau đó trộn các nguyên liệu đã làm chín vào đảo cùng cơm.
3. Trứng chiên với rau: Trứng là loại thực phẩm giàu protein, thường được dùng vào bữa sáng để cung cấp đủ năng lượng bắt đầu ngày mới. Để biến món trứng chiên thêm hấp dẫn và bổ dưỡng, công thức này không thể thiếu cà chua, hành tây, cà rốt, ớt chuông, rau bắp cải và các loại gia vị như xì dầu, hạt tiêu, bột nghệ và gia vị muối.
4. Trứng luộc với trà đen: Cho trứng sống vào nồi nước luộc trên lửa nhỏ. Đun khoảng 3 phút thì lấy trứng ra, dùng thìa đập nhẹ vào vỏ trứng tạo thành các vết nứt. Sau đó, thả trứng lại vào nồi, cho vào cùng 2 cánh hoa hồi, 3/4 bát con xì dầu, 1 thìa đường, 1 thanh quế nhỏ, 2 thìa trà đen, 2 lát vỏ cam khô, 1 thìa hạt tiêu chưa xay vào đun tiếp khoảng 40 phút. Tắt bếp, để khoảng vài giờ trước khi dùng.
5. Trứng chưng cà chua: Công thức làm món trứng chưng cà chua rất đơn giản. Dùng món ăn này vào bữa sáng giúp tăng cường các cơ và giảm lão suy. Cho một ít dầu ăn vào chảo, làm nóng, cho trứng đã đánh tan vào chảo đảo tới khi chín. Lấy trứng ra khỏi chảo. Cho thêm dầu ăn vào để phi hành và xào cà chua tới khi chín mềm thì cho trứng vào đảo khoảng 30 giây. Nêm nếm gia vị và ăn ngay khi còn nóng.
Thương Phan
Cách làm món ăn Nhật đơn giản: Set cơm mực hấp sốt chanh dây Cách làm món ăn Nhật dạng khẩu phần có canh miso, trứng hấp, salad, cơm và một món chính - mực hấp sốt chanh dây. Nguyên liệu làm khẩu phần kiểu Nhật (cho 4 người) Set cơm Nhật với mực hấp sốt chanh thanh nhẹ, đủ dinh dưỡng. Ảnh: Trâm Đỗ. Mực tươi: 1 kg (khoảng 5 con, 4 con làm món chính,...