Bầu cử Mỹ 2020: Nếu ông Joe Biden chiến thắng, chính sách của Mỹ với Đông Nam Á sẽ ra sao?
Nếu đắc cử, ứng viên Joe Biden có khả năng ‘xoay trục’ sang Đông Nam Á với các chính sách bình tĩnh và nhất quán hơn so với thời ông Trump.
Đông Nam Á được coi là một trong những khu vực trọng điểm mà Mỹ đang muốn đẩy mạnh ảnh hưởng trong tương lai. Chính vì vậy, dù ông Trump hay ông Biden chiến thắng trong cuộc Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 tới đây, họ cũng sẽ có những thay đổi nhất định về cách tiếp cận tại khu vực này.
Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden được nhận định sẽ có những chính sách ôn hoà hơn tại Đông Nam Á. (Nguồn: Getty Images)
Các chính sách về đối ngoại mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thực hiện tại Đông Nam Á – khu vực trọng yếu trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc, đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều. Nếu ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đắc cử, liệu chính quyền của ông sẽ thực hiện những chính sách khu vực khác biệt so với những gì ông Trump từng làm?
Những nhà phân tích và quan sát tin rằng, chiến thắng của ông Biden sẽ báo hiệu sự chuyển biến đáng kể dành cho Đông Nam Á, trong đó bao gồm cả sự tương đồng và khác biệt so với thời ông còn là Phó tổng thống dưới quyền cựu Tổng thống Obama.
Dấu ấn của ông Trump tại Đông Nam Á
Thương mại tổng thể của Mỹ với Đông Nam Á hiện đang cao hơn so với thời điểm Tổng thống Trump nhậm chức vào tháng 1/2017. Thế nhưng, thặng dư thương mại giữa Mỹ và một số quốc gia trong khu vực cũng đang tăng dần.
Kể từ năm ngoái, chính quyền của ông Trump đã đưa ra 2 sáng kiến mới có thể “bơm” hàng trăm triệu USD đầu tư vào Đông Nam Á nhằm giúp khu vực này có một sự lựa chọn khác ngoài Sáng kiến “Vành đai Con đường” của Trung Quốc và giúp các quốc gia tránh khỏi nguy cơ dính “bẫy nợ”.
Năm 2017, các chuyên gia từng dự đoán, các quan chức cấp cao dưới quyền ông Trump sẽ không có nhiều chuyến thăm thường xuyên đến khu vực như thời ông Obama. Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence từng có chuyến thăm Đông Nam Á nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2017 và đích thân Tổng thống Trump cũng xuất hiện vào năm 2018.
Ông Trump cũng đã dành sự tin tưởng cho khu vực khi chọn Singapore và Việt Nam để tổ chức cuộc đàm phán hòa bình giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 27/2/2019. (Nguồn: AFP)
Năm 2019, Mỹ thành lập Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ – một tổ chức tài chính phát triển với số vốn là 60 tỷ USD. Điều này có thể thay đổi đáng kể động lực “địa kinh tế” của khu vực Đông Nam Á nếu Mỹ triển khai chiến lược này để cạnh tranh với các khoản đầu tư và viện trợ của Trung Quốc trong khu vực.
Mặc dù Trung Quốc thường công bố các khoản viện trợ lớn và đầu tư cơ sở hạ tầng cho các nước trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả khoản đầu tư 26 tỷ USD cho Philippines nhưng nước này thường không theo kịp với mức giải ngân thực tế.
Video đang HOT
Ông Trump đã tìm cách khai thác các “lỗ hổng” khác của Trung Quốc trong khu vực này. Vào tháng 9, Washington đã khởi động Sáng kiến hạ lưu sông Mekong mới, nhằm cạnh tranh với Cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương do Trung Quốc khởi xướng tại khu vực Đông Nam Á.
Các nỗ lực ngoại giao song song của Mỹ được cho là đã hạ thấp vai trò của Trung Quốc trong việc xây dựng đập sông Mekong và các tác động tiêu cực đến hạ lưu của con sông này.
Tuy nhiên, không phải lúc nào ông Trump cũng nhận được những phản ứng tích cực tại khu vực Đông Nam Á, nhất là khi Mỹ rút khỏi TPP vào tháng 1/2017. Đây là hiệp ước thương mại được thiết lập dưới thời ông Obama với sự tham gia của Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam cùng các quốc gia châu Á khác trong đó có cả Nhật Bản. Hiệp ước đã được ông Obama “thiết kế” nhằm giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc.
Dù rút khỏi TPP nhưng ông Trump đã “ghi điểm” với khu vực bằng cách riêng của mình. Đó là đưa ra Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để thay thế Chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của ông Obama vào tháng 11/2017.
Về bản chất, chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương do ông Trump và ông Obama khởi xướng đều dựa trên những cân nhắc chiến lược địa chính trị của các nước ở châu Á và Đông Nam Á,. Nhưng trên thực tế, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ông Trump thiên về cạnh tranh chiến lược toàn diện để kiềm chế Trung Quốc, thay vì triển khai hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các nước châu Á.
Kỳ vọng ở ông Biden
Vẫn chưa rõ, nếu giành chiến thắng, liệu cựu Phó Tổng thống Joe Biden có dự định đảo ngược các chính sách và sáng kiến của chính quyền Trump tại Đông Nam Á hay không?
Hiện nay, lưỡng đảng tại Washington vẫn giữ vững quan điểm và lập trường chống Trung Quốc mạnh mẽ. Tuy vậy, ông Biden được dự đoán sẽ có một cách tiếp cận vấn đề tinh tế hơn và xoa dịu những chính sách có phần thô ráp của ông Trump.
Liệu ông Biden có vượt qua được ‘cái bóng’ của cựu Tổng thống Barack Obama?. (Nguồn: Asia Times)
Jake Sullivan, một trong những cố vấn đối ngoại hàng đầu của ông Biden, gần đây nhận định: “Ông Trump đã làm xáo trộn mọi thứ ở một mức độ nhất định. Việc ông ấy mô tả và đóng khung các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại của Mỹ khiến chúng ta phải suy tính nghiêm túc hơn”.
Việc ông Biden tiếp tục các chính sách của ông Trump có thể phù hợp với một số nước ở Đông Nam Á. Các nhà quan sát khu vực cho rằng, một nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden ít nhất sẽ đem lại tình hình ôn hòa và nhất quán hơn từ Nhà Trắng.
Đổi lại, điều đó sẽ giúp các quốc gia ở Đông Nam Á có khoảng thời gian yên bình để tiếp tục hoạch định chính sách dài hạn, bao gồm cả việc định vị bản thân trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh về ảnh hưởng trong khu vực.
Với tuổi đời và kinh nghiệm ngoại giao của mình, ông Biden có thể sẽ điều hành chính quyền một cách tận tâm hơn, giúp các nhà ngoại giao Mỹ chuyên về khu vực Đông Nam Á có nhiều quyền lợi và phần nào đó là tự do hơn trong việc nghiên cứu và thực hiện các chính sách đối ngoại.
Nhóm nghiên cứu châu Á hiện tại của ông Biden đã phát đi tín hiệu rằng, ông sẽ xây dựng chính sách đối ngoại của Mỹ chú trọng hơn đến Đông Nam Á trong tương lai. “Nếu là tổng thống, ông Biden sẽ xuất hiện và tham gia với ASEAN trong các vấn đề quan trọng”, ông Anthony Blinken, cố vấn cấp cao của ông Biden cho hay.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, ông Biden có thể gợi lại những ký ức “không mấy thoải mái” về những động thái mềm mỏng đối với Bắc Kinh của Mỹ dưới thời Tổng thống Obama.
Vì vậy, dù ai có đắc cử, Mỹ vẫn sẽ cần phải có những thay đổi chính sách đối ngoại phù hợp với lợi ích của quốc gia, trong đó vẫn tập trung nguồn lực vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương và lấy Đông Nam Á làm chủ đạo.
Obama 'náu mình' để tung đòn đấu Trump vào phút chót
Suốt 4 năm qua, Obama hầu như không lên tiếng chỉ trích Trump, nhưng ông tin giờ là thời điểm tung đòn quyết định, khi bầu cử Mỹ cận kề.
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng việc kiềm chế những lời chỉ trích Tổng thống Donald Trump trong nhiều năm là chìa khóa giúp tăng sức nặng cho đòn tấn công vào thời điểm quan trọng nhất, nhằm ủng hộ Joe Biden, người bạn lâu năm và từng là phó tổng thống của ông, trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
Obama gần đây xuất hiện nhiều hơn để kêu gọi ủng hộ cho ứng viên Biden, đồng thời liên tục chĩa mũi dùi công kích về phía người kế nhiệm, phơi bày những điểm khác biệt chính sách so với chính quyền Trump.
Cựu tổng thống rất quan tâm tới các động thái hàng ngày của Trump, sau đó lồng ghép các chỉ trích trong phát biểu của ông về các vấn đề mà phe Dân chủ biết sẽ khiến Trump khó chịu.
"Bạn có thể tưởng tượng xem sẽ ra sao nếu tôi bị phát hiện có một tài khoản bí mật ở ngân hàng Trung Quốc khi tái tranh cử?", Obama ám chỉ tới thông tin của NYTimes về việc Trump có tài khoản ngân hàng bí mật ở Trung Quốc. "Họ chắc hẳn sẽ gọi tôi là Barry Bắc Kinh".
Cựu tổng thống Obama tại sự kiện vận động tranh cử cho ứng viên Joe Biden tại Philadelphia, bang Pennsylvania hôm 21/10. Ảnh: AP.
Chiến lược công kích Trump sẽ được tiếp tục vào cuối tuần này, khi cựu tổng thống Obama dự kiến song hành cùng Biden vận động tranh cử ở bang Michigan hôm 31/10. Obama cũng đang nỗ lực thu hút cử tri trẻ và người da màu cho Biden.
Một nguồn tin thân cận với Obama cho biết quyết định tung đòn công kích Trump vào "phút chót" cuộc đua bầu cử năm nay là "có tính toán".
"Ông ấy đã lựa chọn thời điểm mà ông ấy cân nhắc bảo toàn khả năng của mình, đó là cuối chiến dịch tranh cử, để chỉ ra những vấn đề cụ thể nhất về ông chủ Nhà Trắng hiện tại, và khiến mọi người quan tâm", một cố vấn của Obama cho biết.
Cố vấn này thêm rằng mục đích của tổng thống Obama khi kiềm chế chỉ trích trong những năm đầu nhiệm kỳ của Trump là nhằm "dồn lực" cho cuộc bầu cử.
David Axelrod, một người bạn lâu năm và cũng là cố vấn của tổng thống Obama, nói rằng Biden cũng cần tạo vị thế vững chắc của một ứng viên đảng Dân chủ, trước khi Obama tăng cường sự hiện diện của mình. Axelrod bác bỏ mọi chỉ trích cho rằng cựu tổng thống không tích cực cho chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ. Ông chỉ ra việc xuất hiện sớm hơn của ông Obama tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, khi có thể cho Trump có thời gian tận dụng việc "ra mặt" của cựu tổng thống để chống lại Biden.
"Sẽ là khôn ngoan nếu không lạm dụng giá trị của ông ấy", Axelrod nói. "Họ đang sử dụng ông ấy để kêu gọi các khu vực bầu cử mà đảng Dân chủ cần năm nay, đó là cử tri trẻ và cử tri da màu, những người mà bà Hillary Clinton không giành được ủng hộ như kỳ vọng cách đây 4 năm".
Tuy nhiên, "náu mình chờ thời" không có nghĩa cựu tổng thống Obama hoàn toàn im lặng trong suốt nhiệm kỳ của Trump. Ông từng lên tiếng cảnh báo về tác động của nỗ lực bãi bỏ Obamacare mà đảng Cộng hòa tiến hành năm 2017, công kích các thành viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 và có bài diễn thuyết đáng chú ý tại Hội nghị Toàn quốc đảng Dân chủ hồi tháng 8. Ông cũng tham gia vào hàng chục nỗ lực thu hút cử tri của đảng Dân chủ năm nay, bao gồm quảng cáo kỹ thuật số dành cho các ứng cử viên trên khắp nước Mỹ.
Nhưng tất cả hành động trên đều không thấm vào đâu so với những đòn chỉ trích gay gắt mà ông Obama tung ra nhắm vào Tổng thống Trump trong những ngày cuối cùng trước thềm bầu cử.
Tại sự kiện ở thành phố Philadelphia tuần trước, cựu tổng thống đặt câu hỏi về chính sách thuế và cách đối phó Covid-19 của Trump, trong khi đưa ra những quan điểm cá nhân nhắm vào các bài phát biểu của Tổng thống Mỹ.
"Thật vậy ư?", ông Obama hỏi một cách đầy hoài nghi khi nhớ lại Trump từng nói không muốn thay đổi nhiều cách ứng phó với đại dịch. "Không nhiều ư? Ông không thể nghĩ ra điều gì có thể giúp mọi người bảo vệ tính mạng người thân của họ ư?".
Vài ngày sau, cựu tổng thống nói rằng việc tỏ ra cứng rắn của Trump chỉ là vỏ bọc. "Ông ấy muốn hành động mạnh mẽ và nói chuyện cứng rắn. Ông ấy nghĩ rằng cau có và khó chịu là mạnh mẽ", ông Obama nói trong cuộc vận động ở Nam Florida hôm 24/10. "Nhưng khi chương trình '60 Minutes' và Lesley Stahl tỏ ra quá khó nhằn, ông ấy đã không thể tỏ ra mạnh mẽ nữa", Obama đề cập đến việc Tổng thống Mỹ đã bất ngờ dừng phỏng vấn của CBS News.
Minh chứng mới nhất cho thấy cựu tổng thống rất quan tâm tới tin tức hàng ngày về Trump là việc ông mỉa mai Tổng thống Mỹ vì than thở rằng báo chí đưa tin quá nhiều về Covid-19.
"Hơn 200.000 người ở đất nước này đã chết. Hơn 100.000 cơ sở kinh doanh nhỏ phải đóng cửa. Nửa triệu việc làm biến mất chỉ riêng ở Florida. Hãy nghĩ về điều đó", ông Obama nói. "Và lập luận mới nhất của ông ấy là gì? Mọi người quá tập trung vào Covid. Ông ấy nói điều này tại một cuộc vận động tranh cử. Ông ấy phàn nàn Covid, Covid, Covid. Ông ấy ghen tị với mức độ phủ sóng truyền thông của Covid-19".
Cựu tổng thống Obama (phải) bắt tay Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 11/2016. Ảnh: AFP.
Cựu tổng thống Mỹ đã cố gắng tuân theo truyền thống tránh công kích người kế nhiệm suốt nhiều năm và thường nói với mọi người rằng ông đánh giá cao cách tổng thống George W. Bush đứng ngoài chính trường Mỹ trong suốt nhiệm kỳ của ông. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã khiến ông Obama thay đổi quan điểm đó. Nhiều cựu quan chức Mỹ từng nhận xét Trump là "tổng thống phá vỡ quy tắc".
Màn tái xuất của Obama đã khiến các thành viên Dân chủ hài lòng, nhưng khiến Trump tức giận và lên tiếng chỉ trích truyền thông đưa tin bài phát biểu của cựu tổng thống.
"Obama thu hút rất ít người xem", Tổng thống Trump nói về bài phát biểu của Obama hôm 27/10. "Biden hầu như không có người xem. Chúng tôi đang thu hút hàng chục nghìn người. Bạn có thể thấy rõ điều đấy hôm nay. Cơn sóng đỏ lớn đang tới!".
Trước đây, Tổng thống Trump thường là người nhắc tới người tiền nhiệm nhiều hơn, trong khi Obama giữ im lặng. Nhưng những nỗ lực mới nhất của cựu tổng thống đã thay đổi điều đó. Sau nhiều năm phớt lờ các cáo buộc của Trump, Obama đã sử dụng chính sự im lặng của mình làm "đòn bẩy" công kích tổng thống đương nhiệm vào thời điểm quan trọng nhất.
Giới phân tích nhận định cuộc bầu cử năm nay cũng là bài kiểm tra dành cho chính cựu tổng thống, người cho tới giờ vẫn chưa thể truyền sự nổi tiếng của mình sang các thành viên đảng Dân chủ khác. Minh chứng rõ ràng nhất là năm 2016, khi ông Obama thường xuyên tham gia chiến dịch tranh cử của ứng viên Hillary Clinton, nhưng cuối cùng chiến thắng lại bất ngờ thuộc về Trump.
"Vũ khí tối thượng" Obama có giúp ông Biden đánh bại Tổng thống Trump? Là nhân vật truyền cảm hứng cùng khả năng thu hút đám đông, sự giúp sức của ông Obama có thể làm nghiêng cán cân cử tri về phía ứng viên Joe Biden. Cựu Tổng thống Obama đã trở lại để hỗ trợ cộng sự năm xưa. Trong diễn biến mới nhất của cuộc bầu cử Mỹ, ứng viên đảng Dân chủ Joe...