Bất ổn trường ĐH Luật TPHCM: Nguyên nhân sâu xa là “ghế nóng” hiệu trưởng còn trống
Tiến sĩ Võ Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Luật TPHCM, thừa nhận lùm xùm, bất ổn trong nội bộ trường thời gian qua là do chiếc “ghế nóng” hiệu trưởng đang thiếu chủ. Bất ổn này kéo dài từ vài năm trước chứ không phải mới xuất hiện.
Chia sẻ với Dân trí trước những vấn đề lùm xùm tại trường ĐH Luật TP.HCM khiến dư luận xôn xao gần đây, bà Võ Thị Kim Oanh cho rằng bất kể cơ quan, đơn vị nào cũng có những bất ổn nhất định. Trong một tập thể gần 500 con người thì vài người thậm chí 20% trong đó không đồng thuận với lãnh đạo cũng là việc bình thường. Tuy nhiên, “những bất ổn hiện nay là không đáng và nguyên nhân của sâu xa là từ chiếc “ghế nóng” hiệu trưởng đang thiếu chủ”, bà Oanh khẳng định.
Trường ĐH Luật TP.HCM bùng lên những lùm xùm trong nội bộ trường. Bộ GD-ĐT phải vào cuộc
Cụ thể như vào khoảng cuối năm 2017, GS Mai Hồng Qùy (thời điểm đó đang là hiệu trưởng – PV) chuẩn bị về hưu thì xuất hiện nhiều đơn thư tố cáo gửi đến khắp nơi. Lúc đó, trường có 3 hiệu phó nhưng chỉ có 2 người đủ điều kiện để ngồi vào chiếc ghế hiệu trưởng, đó là ông Lê Trường Sơn và ông Bùi Xuân Hải. Còn ông Trần Hoàng Hải vì quá tuổi nên không đủ điều kiện. Đơn thư lúc đó chủ yếu tập trung vào tố cáo bà Quỳ và ông Lê Trường Sơn nên về xét về tiêu chí chỉ còn ông Bùi Xuân Hải là đủ điều kiện.
Tuy nhiên, vì độ chín và kinh nghiệm, Hội đồng trường và cán bộ chủ chốt đã giới thiệu thầy Trần Hoàng Hải nắm quyền phụ trách trong một thời gian không phải 6 tháng hay một năm mà làm sao đó bồi dưỡng được đội ngũ kế cận. Đây là mong muốn của tập thể.
“Ngày 20/2/2019, nhà trường đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó theo kế hoạch thực hiện công tác quy hoạch viên chức giai đoan 2018- 2023. Kết quả, Hiệu phó phụ trách Trần Hoàng Hải có 31/33 phiếu tín nhiệm cao (tỷ lệ 93,94%); 2/33 phiếu tín nhiệm (6,06%) và không có phiếu tín nhiệm thấp. Hai hiệu phó còn lại tỷ lệ tín nhiệm thấp hơn. Tuy nhiên, do ông Trần Hoàng Hải được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng phụ trách nên về nguyên tắc, chiếc ghế nóng hiệu trưởng vẫn còn trống. Nói là đã số ủng hộ nên vẫn còn số ít chưa phục, họ tiếp tục đấu tranh, phản biện”, bà Oanh chia sẻ.
Bà Oanh cũng nhấn mạnh: “Những vấn đề đang được phản ánh trong thời gian gần đây là không mới, đã và đang được xử lý. Những người đứng ra phản biện, tố cáo theo tôi là dũng cảm và bản lĩnh, giúp hoàn thiện đội ngũ cán bộ, góp phần hoàn thiện hơn nhà trường, đưa nhà trường phát triển. Tuy nhiên, tôi hy vọng họ phản biện mang tính chất xây dựng chứ đừng đấu đá, tranh chức, tranh quyền để rồi gây hoang mang, mất đoàn kết và uy tín của nhà trường.
Video đang HOT
Những vấn đề các báo nêu trong thời gian qua liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước hay Thanh tra Bộ GD-ĐT là đúng và được công bố từ những năm 2017 và 2018. Cùng với kết luận, phía Nhà trường cũng đã có biện pháp xử lý trách nhiệm những cá nhân liên quan, khắc phục hậu quả. Chẳng hạn như không cho thầy Sơn (Lê Trường Sơn – PV) phụ trách hệ Vừa học vừa làm nữa mà chuyển cho thầy Hải… Một số sai phạm khác thì đang tiếp tục làm rõ để xử lý… nên việc lặp lại những vấn đề này là không cần thiết, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của trường.”
Bà Oanh nhận định, việc gần đây một số đơn thư phản ánh là do một vài cá nhân thực hiện, làm ảnh hưởng đến tập thể lớn còn lại trong trường. Đơn cử như chỗ từ chức của một số cá nhân, “từ chức” đó là một việc hết sức bình thường nhất là khi hiện nay đang có khuynh hướng ủng hộ văn hoá từ chức nhưng đẩy lên như vừa qua là hơi quá.
Bà Oanh cũng nói rằng liên quan đến thông tin bán đề, bán đáp án thì nhà trường đã mời PA03 công an vào cuộc để xác minh xem có bị lộ đáp án hay không. Nếu ai sai phạm, làm lộ đề thì sẽ phải chịu trách nhiệm. Với những gì đã làm thì rõ ràng nhà trường không hề làm lơ mà đang trong quá trình giải quyết và chờ kết quả cuối cùng.
Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Luật TP.HCM cũng chia sẻ rằng: “Việc phản biện là động lực để nhà trường phát triên. Việc tôi mong muốn bây giờ là tập thể nhà trường đồng lòng, đoàn kết, ổn định để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học sắp tới”.
Bộ GD-ĐT vào nắm tình hình chứ không phải thanh tra
PGS.TS Trần Hoàng Hải, Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP.HCM xác nhận, sau khi có một tâm thư của một số cán bộ, giảng viên gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì Bộ đã lập một tổ công tác vào làm việc tại trường vào ngày 30 -31/5. Tổ công tác này đã làm việc với nhóm cán bộ, giảng viên này để nắm bắt tâm tư và hiểu sâu sắc hơn nội tình của nhà trường. Sau khi làm việc với trường, đoàn công tác sẽ xem xét, đánh giá tình hình và đưa ra những giải pháp cụ thể.
Liên quan đến vấn đề phản ánh sử dụng tài khoản cá nhân thủ quỹ để thu học phí, ông Hải cho biết trường đang tiến hành cải tổ việc tổ chức thu học phí thông qua hệ thống máy tính. Bên cạnh đó, đang xem xét luân chuyển vị trí của cá nhân này sang vị trí khác.
Lan Phương
Theo Dân trí
Bất ổn tại trường ĐH Luật TPHCM: Thêm tâm thư gửi Bộ trưởng
Ngày 6/6, gần 60 cán bộ, giảng viên trường ĐH Luật TP.HCM ký tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT để cung cấp thông tin khách quan về tình hình của trường.
Những người này khẳng định những thông tin vừa qua về trường là do "một nhóm thiểu số" thực hiện làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín số đông còn lại trong trường.
Trong tâm thư này, nhiều cán bộ, giảng viên phản đối việc dung mạng xã hội hoặc một số phương tiện cá nhân khác nhằm gây sức ép không cần thiết lên cá nhân, tổ chức liên quan, định hướng dư luận lệch lạc, bôi xấu cá nhân, tập thể, gây hoang mang trong và ngoài tổ chức. Họ cho rằng những hiện tượng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định của nhà trường nói riêng. Nhất là tác động đến hoạt động đang rất cần sự toàn tâm toàn ý cho tập thể như là đợt công tác làm nhiệm vụ kỳ thi THPT Quốc gia và công tác tuyển sinh của trường.
Tâm thư khác của gần 60 cán bộ, giảng viên trường ĐH Luật TP.HCM gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhằm phản bác và cung cấp thông tin đầy đủ hơn về tình hình trường
" Như Bộ trưởng đã biết rõ, những đơn kiện, thư nặc danh, thông tin cáo buộc trên mạng xã hội chỉ xuất hiện ồ ạt từ khi nhiệm kỳ hiệu trưởng của GS.TS Mai Hồng Quỳ sắp kết thúc và đặc biệt hiện nay, khi Luật Giáo dục Đại học 2018 sắp có hiệu lực và sẽ trao quyền cho Hội đồng trường trong việc quyết định ai là hiệu trưởng. Đa số đơn thư, thông tin nói trên đều nhắm đến những người đang hoặc có thể sẽ gánh vác trách nhiệm hiệu trưởng và hiệu phó của trường, đe doạ lợi ích của một nhóm nhỏ. Nguy hiểm hơn nữa, hàng loạt thông tin như vậy được đưa ra trong thời gian gần đây, khi trường ĐH Luật TP.HCM cũng như nhiều đại học khác trong cả nước đang sắp bước vào kỳ tuyển sinh đại học", nội dung bức tâm thư nêu.
Các cán bộ, giảng viên này mong mỏi: " Bộ trưởng sẽ có những chỉ đạo để các hành vi nếu bị coi là vi phạm pháp luật tiếp tục được thanh tra, xử lý phù hợp quy trình, quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tin tưởng Bộ trưởng hoàn toàn sáng suốt để nhận định những thông tin, đơn thư nào được đưa ra nhằm mục đích giải quyết tư thù, giành giật tư lợi và gây mất ổn định tại trường".
Những người này cũng khẳng định không tham gia vào việc tuyên truyền bôi xấu cá nhân, tập thể của trường ĐH Luật TP.HCM trong thời gian vừa qua, đồng thời cũng không ủng hộ hành vi này.
Trường ĐH Luật TP.HCM đang xảy ra những vấn đề lùm xùm trong nội bộ
Trước đó, ngày 4/5/2019, một số cán bộ, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM đã gửi tâm thư Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu lên hàng loạt bức xúc về tình trạng mất đoàn kết, tiêu cực trong quản lý tài chính và bổ nhiệm cán bộ tại trường. Như vậy, chỉ sau một tháng lại tiếp tục có một tâm thư khác phản bác lại.
Những lùm xùm xảy ra ở trường ĐH Luật TP.HCM được "bùng" lên khi thông tin hai phó giáo sư của trường có đơn xin từ chức làm xôn xao dư luận những ngày vừa qua. Ngay sau đó, PGS.TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách trường ĐH Luật TP.HCM cũng thừa nhận nội bộ của trường hiện đang có một số vấn đề. Theo ông Hải, những gì dư luận bàn tán thời gian qua chỉ là biểu hiện bên ngoài, đằng sau nó là những tảng băng chìm. Có nhiều sự việc trường đã giải quyết hoặc đang giải quyết. Tuy nhiên ông cho rằng việc các giảng viên phản ánh ra bên ngoài khi chưa làm việc với trường là việc không nên, làm ảnh hưởng đến nhà trường.
Lan Phương
Theo Dân trí
Nhiều bất ổn tại trường ĐH Luật TP.HCM, giảng viên gửi tâm thư tới Bộ trưởng Một số cán bộ, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM đã gửi tâm thư Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu lên hàng loạt bức xúc về tình trạng mất đoàn kết, tiêu cực trong quản lý tài chính và bổ nhiệm cán bộ tại trường. Mới đây, Bộ GD-ĐT đã lập tổ công tác làm việc với trường ĐH Luật TP.HCM...