Bất ổn đào tạo giáo viên
Giáo viên phổ thông phải tham gia tới 10 đầu việc của trường, thời gian lao động đến 60-70 giờ/tuần, trong khi có đến 50% giáo viên được khảo sát hưởng lương dưới mức lương bình quân.
Những thông tin trên được nhóm nghiên cứu của Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình – nguyên phó chủ tịch nước – đại diện cung cấp tại hội thảo về “Giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” được tổ chức vào ngày 18/7.
Thực tế buồn này đã lý giải cho việc trong hơn 20.000 hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh đại học nộp tại văn phòng II của Bộ GD-ĐT tại TP.HCM (năm 2010) chỉ có 5% đăng ký vào ngành sư phạm. Tình trạng này năm 2012 vẫn không được cải thiện.
Một lớp tập huấn giáo viên tiếng Anh do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức. (Ảnh: Như Hùng)
Đào tạo “thợ dạy”
“Giáo viên phải là nhà giáo dục, bằng chính nhân cách của mình để tác động đến việc hình thành nhân cách của học sinh. Vai trò truyền thụ kiến thức của người thầy tuy vẫn tiếp tục có ý nghĩa nhưng vai trò hướng dẫn, tổ chức, tư vấn đối với người học để họ tự thực hiện mọi nhiệm vụ nhận thức và phát triển kỹ năng cần thiết hơn. Giáo viên cũng phải có năng lực cảm hóa người học, giúp họ hình thành cảm xúc, thái độ, hành vi đúng đắn…” – bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh.
Đầu vào thấp, khó có giáo viên giỏi
Tại hội thảo, GS Đinh Quang Báo đã dùng hai từ “thảm hại” để nhận xét đầu vào của các trường sư phạm. Ông cho rằng “đầu vào thấp thì khó có thể có giáo viên giỏi”. Khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy chỉ tính những trường trọng điểm như ĐHQG Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội thì điểm chuẩn tuyển sinh ba năm qua đang giảm dần. Nhiều trường sư phạm trên cả nước phải tuyển sinh NV2, NV3 mới đủ chỉ tiêu. “Việc miễn học phí không đủ hấp dẫn sinh viên vào sư phạm khi tương lai của nghề dạy học không tươi sáng” – một nhà nghiên cứu nhận xét.
Video đang HOT
Chỉ chú trọng vào dạy kiến thức chuyên môn trong các trường sư phạm để ra nghề giáo, đến khi ra nghề lại tập trung vào việc truyền thụ kiến thức chuyên môn, nhồi nhét kiến thức vào học sinh – cách làm đó theo GS Đinh Quang Báo – Viện Nghiên cứu sư phạm – thì chỉ là cách đào tạo nên “thợ dạy” chứ không phải “nhà giáo dục”.
GS Báo cho rằng để hướng tới việc đào tạo “nhà giáo dục” chứ không phải “thợ dạy”, cấu trúc nội dung đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm chí ít phải đảm bảo 60% thời lượng cho việc đào tạo nghiệp vụ sư phạm, 10-15% cung cấp kiến thức đại cương, 20% cung cấp kiến thức chuyên môn. Thế nhưng kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy khối kiến thức về nghiệp vụ sư phạm của ngành toán và ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ chiếm 16,9%, của ngành sư phạm Trường ĐH Cần Thơ chiếm 14,2% (sư phạm toán) và 17,5% (sư phạm văn)…
PGS Vũ Trọng Rỹ, thành viên của đề tài nghiên cứu trên, cho biết qua hoạt động thực tập sư phạm cho thấy kỹ năng nghề nghiệp ở các sinh viên sư phạm còn rất yếu, đặc biệt là kỹ năng giáo dục, giáo dục học sinh cá biệt, phối hợp với cha mẹ học sinh và cộng đồng xử lý các tình huống sư phạm, kỹ năng lập kế hoạch giáo dục…
Khảo sát tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – nơi được đánh giá có chất lượng tốt hơn trong khối sư phạm của cả nước, cũng cho thấy sinh viên có kiến thức chuyên môn khá vững vàng nhưng lại bộc lộ rất nhiều yếu kém như chưa biết cách soạn giáo án, chưa biết phân bố thời gian giảng dạy, diễn đạt thiếu mạch lạc, khúc chiết, không linh hoạt trong xử lý tình huống, không biết đặt câu hỏi cho học sinh, chưa biết cách tạo mối quan hệ với học sinh… Tất cả những yếu kém trên là do nghiệp vụ sư phạm được đào tạo kém hoặc thiếu.
Theo GS Hoàng Tụy, “không thể có nền giáo dục tốt nếu thiếu giáo viên tốt”. Trong khi đó, quan điểm của nhóm nghiên cứu thì để có giáo viên tốt, vấn đề bất ổn nhất cần điều chỉnh trong hướng cải cách đào tạo giáo viên tương lai là phương pháp dạy học, nghiệp vụ sư phạm là bồi dưỡng nhân cách và phông văn hóa của người giáo viên.
Không thể “vừa dạy học, vừa bươn chải kiếm sống”
Trình bày quan điểm tại hội thảo, GS Hoàng Tụy một lần nữa nhấn mạnh: “Chính sách đối với nhà giáo còn nhiều bất cập”.
Khảo sát của nhóm nghiên cứu cho biết thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp của giáo viên từ 3-3,5 triệu đồng/tháng. Người làm việc trong nghề sau 25 năm mới có mức lương 4,1-4,7 triệu đồng/tháng. Có 50% số giáo viên trong diện khảo sát lương thấp hơn mức lương bình quân.
Theo GS Hoàng Tụy, dù muộn cũng hơn không, phải cải thiện chế độ lương cho giáo viên. Vì mặc dù hiện nay có một bộ phận giáo viên có thu nhập ổn định, nhưng phần lớn không phải từ lương mà từ việc làm thêm bên ngoài nhà trường. Ở những nơi giáo viên không thể làm thêm đời sống khó khăn, bấp bênh.
Ông Nguyễn Quang Kính, thành viên nhóm nghiên cứu, đã viện dẫn phát biểu của PGS Bùi Mạnh Hùng, phó trưởng khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, rằng “nếu một nền giáo dục mà mọi thứ đều “hoành tráng”, chỉ trừ ông thầy vốn là học sinh phổ thông trung bình, vào nghề một cách bất đắc dĩ, vừa dạy học vừa bươn chải kiếm sống thì có thể nói một cách quả quyết là nền giáo dục đó không có tương lai”.
Ông Nguyễn Quang Kính cho rằng sửa đổi tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, cải thiện điều kiện làm việc, cải cách công tác đào tạo, tuyển dụng và bồi dưỡng… là những điểm quan trọng cần quan tâm để “chấn hưng nghề dạy học”. Vì lao động vất vả, nhiều áp lực, nhưng thu nhập thấp là nguyên nhân chính khiến những năm gần đây không còn nhiều người trẻ muốn vào học sư phạm. Trong đó những người có tâm huyết lại càng ít.
Theo Trịnh Vĩnh Hà
Tuổi Trẻ
Điểm chuẩn cao đẳng sẽ... sát sàn
Ông Nguyễn Hữu Loan - trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Thủy sản - cho biết tổng số hồ sơ đăng ký dự thi vào trường năm 2012 sụt xuống mức 612 hồ sơ. Song đến ngày thi tuyển thì số thí sinh thực tế đến dự thi còn tụt hơn nữa: chỉ có 297 thí sinh.
"Trường cũng dự báo được sự sụt giảm thí sinh nên đã đăng ký giảm chỉ tiêu từ 700 năm 2011 xuống còn 500 nhưng vẫn không ngờ số lượng thực tế còn thấp hơn thế. Như vậy số dự thi mới chỉ bằng hơn một nửa so với chỉ tiêu. Không còn cách nào khác, điểm chuẩn của trường có thể dự báo ngay là bằng điểm sàn" - ông Loan nói.
Thí sinh ít dần
Tại Trường CĐ Viễn Đông (TP.HCM) với tỉ lệ thí sinh dự thi thấp, các thí sinh dự thi vào trường này chỉ cần đạt mức điểm sàn là ung dung trúng tuyển. Chắc chắn nhà trường sẽ tiếp tục xét tuyển mới có thể đủ 1.800 chỉ tiêu được Bộ GD-ĐT giao trong năm nay.
Tại Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Điện Biên, chỉ tiêu tuyển sinh cho bốn ngành đào tạo là 300, nhưng số thí sinh thực tế đến dự thi chỉ có 208. Theo ông Trần Bá Uẩn - phó trưởng phòng đào tạo của trường - dù cố lấy xuống điểm sàn mà bộ cho phép thì trường vẫn phải xét tuyển các nguyện vọng khác. Trường CĐ cộng đồng Hải Phòng tuyển 1.300 chỉ tiêu, nhưng số thí sinh dự thi chỉ có 1.118 em, thấp hơn rất nhiều so với năm 2011. Theo ông Nguyễn Văn Bỉnh - trưởng phòng đào tạo nhà trường - nếu lấy đến điểm sàn thì dự kiến khả năng trúng tuyển của thí sinh dự thi cũng chỉ đạt 65%, số còn lại trường sẽ phải tăng cường xét tuyển các nguyện vọng.
Ngay tại Trường CĐ Kinh tế công nghiệp Hà Nội - trường có số lượng đăng ký dự thi cao hơn nhiều so với mặt bằng chung các trường cao đẳng phía Bắc thì điểm chuẩn dự đoán cũng thấp hơn rất nhiều so với năm 2011. Ông Dương Đức Chính - hiệu trưởng nhà trường - cho biết tổng số hồ sơ đăng ký dự thi vào trường năm nay hơn 13.000, đã giảm đến 5.000 so với năm 2011. Song số dự thi còn thấp hơn nữa khi chỉ hơn 8.000 thí sinh dự thi. "Năm 2011 điểm chuẩn của trường là 14,5 trong khi điểm sàn của bộ là 10 điểm. Xét tương quan cụ thể năm nay, điểm chuẩn của trường sẽ hạ so với năm trước, hoặc bằng điểm sàn, hoặc cao hơn cũng chỉ nhỉnh hơn một chút" - ông Chính nói.
Nhóm học sinh Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM) trao đổi sau khi thi xong môn lý
Kinh tế hạ nhiệt, kỹ thuật nhích lên
Đặc biệt, sự giảm sút số lượng thí sinh dự thi cao đẳng năm nay thể hiện khá rõ ở nhóm các ngành kinh tế. Theo ông Nguyễn Văn Bỉnh, số thí sinh dự thi vào ngành tài chính - kế toán vốn là ngành mạnh của Trường CĐ Cộng đồng Hải Phòng năm nay giảm 20% so với năm trước. Ông Phạm Quốc Hoàn - trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Xây dựng số 1 - cho hay ngành kế toán đã bị vơi dần lượng đăng ký nên trường cũng chỉ còn giữ lại hơn 100 chỉ tiêu cho ngành này. "Năm 2012, trường tăng tổng chỉ tiêu từ 1.100 lên 1.400, nhưng 300 chỉ tiêu tăng thêm chủ yếu tập trung vào các ngành công nghệ, kỹ thuật, đáp ứng lựa chọn thực tế của thí sinh. Ngành kế toán quá nhiều trường CĐ tuyển sinh, đào tạo nên đã bắt đầu thấy được rõ nét dấu hiệu thừa người, thiếu việc đối với những sinh viên tốt nghiệp ngành này" - ông Hoàn thẳng thắn bày tỏ.
Ông Nguyễn Phúc Đức - phó hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội - cho hay số dự thi vào trường ở ngành quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng giảm, trong khi các ngành công nghệ điện - điện tử, công nghệ xây dựng lại bứt phá ngoạn mục. "Số đăng ký dự thi ngành công nghệ xây dựng tăng thêm 1/5, ngành công nghệ điện - điện tử tăng gấp hai lần so với năm trước. Thí sinh đã thực tế hơn, biết chọn lựa những ngành mà cơ hội việc làm nhìn thấy ngay sau khi ra trường. Ngành cao đẳng kỹ thuật trang bị cho các em một nghề thực hành ngay sau khi ra trường đã bắt đầu tạo ra sự hấp dẫn tương xứng với giá trị nghề nghiệp thực tế" - ông Đức nhận định.
Trước tình hình đó, điều đáng chú ý là trong tuyển sinh năm nay, số lượng thí sinh dự thi vào khối ngành kỹ thuật đã có dấu hiệu tăng lên. Ông Trần Tấn Dũng - trưởng phòng đào tạo Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng - cho biết tỉ lệ thí sinh dự thi của trường năm nay tăng khoảng 2% và số hồ sơ đăng ký dự thi cũng cao hơn khoảng 600.
ThS Nguyễn Văn Thọ, phó hiệu trưởng Trường CĐ Xây dựng số 2, cũng cho rằng với thực tế nhu cầu nguồn nhân lực trong xã hội hiện nay và thời gian tới, các ngành khối kỹ thuật công nghệ sẽ được chú ý hơn. Sức hút nhóm ngành kinh tế cũng đã bão hòa. "Khối ngành kinh tế hiện đang có quá nhiều trường đào tạo cả công lập và ngoài công lập. Từ đó lượng thí sinh chia đều các trường này và sẽ giảm dần... Trong khi đó ngành kỹ thuật chỉ tập trung ở một số trường công lập có bề dày kinh nghiệm đào tạo nên thu hút thí sinh đông hơn" - ông Thọ phân tích.
Theo tuổi trẻ
Thi CĐ: Nhiều phòng thi... vắng hoe Trong ngày thi đầu tiên, tại nhiều trường CĐ có tỉ lệ thí sinh dự thi khá thấp. Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (TP.HCM) thuộc hội đồng tuyển sinh Trường CĐ Viễn Đông có khá nhiều phòng thi rất vắng vẻ. Các phòng bố trí 36-37 thí sinh nhưng vắng 23-25 thí sinh, khá nhiều bàn để trống. Thống kê...